Đi về phía mặt trời

Ngọc Trang |

Gần 11h trưa 1.11.2023, chiếc Suzuki Blind Van dừng trước cửa Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Xa Mát (cửa khẩu quốc tế đường bộ tại Tân Lập, Tân Biên, Tây Ninh). Trần Đặng Đăng Khoa một mình bước xuống xe, khoác trên mình bộ áo dài truyền thống từng theo anh suốt hành trình 1.111 ngày phượt “sáu vạn dặm trên yên xe cà tàng” cách đây hơn ba năm.

Sau khi hoàn tất thủ tục xuất cảnh, chàng phượt thủ sinh năm 1987 lần thứ hai đứng trước cột mốc biên giới 118 giữa Việt Nam và Campuchia, kính cẩn giơ tay chào lá cờ Tổ quốc. Bầu trời nơi biên cương trong xanh, cao vời vợi. Chỉ ít phút sau, xe chính thức lăn bánh những kilomet cuối cùng rời khỏi Việt Nam, cùng Đăng Khoa vào hành trình lái ôtô vòng quanh thế giới, đi về hướng mặt trời.

4 bánh, hàng trăm món đồ và hành trình vạn dặm

Tháng 6.2017, phượt thủ Trần Đặng Đăng Khoa đánh dấu tuổi 30 bằng chuyến “phượt” xe máy vòng quanh thế giới, khám phá 73 quốc gia trên khắp 5 châu. Con số đó có lẽ đã lớn hơn nếu dịch COVID-19 không bùng phát, khiến anh buộc phải kết thúc hành trình khi đến châu Phi.

Cái kết “lãng xẹt”, chưa thực sự thỏa mãn khiến Đăng Khoa luôn ấp ủ khao khát một lần nữa lên đường, khám phá những thành phố mới, chinh phục thêm nhiều quốc gia mới trên toàn cầu. Lần này, anh quyết định để “chiến mã” rong ruổi cùng mình trong hành trình trước ở nhà, lên đường cùng một chiếc ôtô.

Cắm trại ở Khao Yoi, Phetchaburi, miền Tây Thái Lan. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cắm trại ở Khao Yoi, Phetchaburi, miền Tây Thái Lan. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chiếc xe Đăng Khoa lựa chọn vốn có tên dân dã là “Su Cóc” mang biển số 63 - quê hương Tiền Giang của anh. Theo chàng phượt thủ, chiếc xe không có hộp số tự động, không cảm biến. Anh mua vào tháng 3.2023 với giá khoảng 200 triệu đồng. Sau đó, anh dùng 6 tháng để thiết kế thêm cho hoàn thiện, tốn tổng chi phí khoảng 500 triệu đồng.

Đăng Khoa đặt tên bạn đồng hành của mình là Sóc. Anh chia sẻ: “Tên gọi chiếc xe lấy cảm hứng từ một lần tôi đi qua khu rừng thuộc huyện Khe Sanh (Quảng Trị), vô tình bắt gặp một chú sóc chạy qua. Thấy sóc nhỏ nhắn, lanh lợi hệt như dáng vẻ chiếc xe, nên tôi quyết định gọi chiến mã mới của mình là Sóc”.

Khác với túi đồ nhỏ gọn trên mô tô trước kia, lần này, Đăng Khoa chuẩn bị kỹ càng các vận dụng mang theo để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Anh mang khoảng 300 - 400 món đồ, phân chia thành nhiều nhóm khác nhau, gồm đồ dùng để sửa xe, thiết bị cứu hộ, đồ vệ sinh cá nhân, đồ nấu ăn, dự trữ, thiết bị quay phim, y tế, giải trí..., để vào từng khu vực cho dễ nhớ, thuận tiện sử dụng.

“Lần thứ hai đi vòng quanh thế giới, tôi biết mình cần chuẩn bị những gì, đường đi nước bước ra sao nên tâm thế ổn định, ít lo lắng hơn. Tuy nhiên đợt này, kinh tế ảm đạm, thế giới biến động nhiều nên cũng có một số vấn đề cần quan tâm” - Khoa tâm sự.

Lần đầu tiên đi vòng quanh thế giới, Đăng Khoa gọi đó là chuyến đi của tuổi trẻ đam mê khai phá. Còn trong hành trình mới trước mắt, điều quan trọng nhất với anh là sức khỏe.

“Chuyến đi lần này chẳng cần quá gay cấn, mạo hiểm, tôi chỉ mong được khỏe mạnh, an toàn đi đến những vùng đất mới và sống vui mỗi ngày”, nam phượt thủ bộc bạch.

Đăng Khoa lên đường với gần như 2 bàn tay trắng, gửi hết tài sản, tiền bạc ở quê nhà. Thay vì hưởng thụ, anh muốn tự xoay sở kiếm sống trong suốt hành trình tự thử thách bản thân.

“Nhiều người có vật chất họ không dám làm, còn tôi bất chấp tất cả vì chẳng có gì để mất. Được bạn bè, gia đình ủng hộ, ở tuổi này, tôi đi để thỏa mãn đam mê, khiến mình vui là đủ” - Đăng Khoa nói.

Trần Đặng Đăng Khoa khám phá đảo Koh Larn. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trần Đặng Đăng Khoa khám phá đảo Koh Larn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hướng về phía Đông

Nếu như ở lần đi vòng quanh thế giới trước, Trần Đặng Đăng Khoa đi về hướng Tây - phía mặt trời lặn thì lần này, anh hướng về đằng Đông - phía những ánh sáng đầu tiên hé lộ đầu ngày. Hành trình của anh bắt đầu từ Việt Nam, qua lần lượt các nước Đông Nam Á như: Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore... tới Australia, New Zealand. Chiếc xe sẽ được gửi qua Thái Bình Dương tới Panama, cùng anh đi dọc Trung Mỹ lên Bắc Mỹ. Từ Canada, anh sẽ qua châu Âu, tới Tây Phi và quay trở lại Địa Trung Hải, băng qua Trung Á đến Trung Quốc, theo con đường tơ lụa trở về Việt Nam.

“Với chuyến đi này, tôi muốn biết thế giới thay đổi như thế nào sau ba năm, muốn khám phá những cung đường mới chưa bao giờ đi, chiêm ngưỡng cảnh đẹp, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực địa phương chưa bao giờ thử”, anh chia sẻ.

Nam phượt thủ dự kiến ghé thăm 100 quốc gia trên thế giới, trong hành trình kéo dài khoảng 3 năm. Ở chặng đầu tiên sau gần 2 tháng khởi hành, anh đã đi qua các nước Campuchia, Thái Lan đến Malaysia, rồi hướng về Singapore.

Trên trang blog cá nhân, chàng trai quê gốc Kiên Giang không ngừng cập nhật những clip thú vị về hành trình chinh phục những nẻo đường, thu hút hàng trăm nghìn người theo dõi.

Ở chặng đầu tiên của hành trình, Đăng Khoa đi xuyên Đông Nam Á - nơi anh coi là nhà với những người dân thân thiện và chính sách miễn visa, thuận tiện cho khách du lịch trong khu vực. Những ngày đầu ở Campuchia, anh cùng chiến mã 4 bánh vừa rong ruổi trên đường, vừa tranh thủ ghé thăm loạt điểm đến nổi tiếng như: Kim tự tháp Koh Ker thuộc khu di tích đền Koh Ker (tỉnh Preah Vihear), biển hồ Tonle Sap, quần thể Angkor (Siem Riep)...

Cây cầu Penang 2 dài nhất Đông Nam Á. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cây cầu Penang 2 dài nhất Đông Nam Á. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đăng Khoa kể: “Con đèo đầu tiên ở nước ngoài mà Sóc vượt qua thuộc cung đường đến tỉnh Preah Vihear (Campuchia), nơi có ngôi đền cùng tên nằm cheo leo trên dãy núi Dângrêk, gần khu vực biên giới giữa Campuchia và Thái Lan. Ngôi đền là điểm du lịch nổi tiếng với nhiều tòa kiến trúc cổ kính đã tồn tại hàng ngàn năm, nằm trong danh sách Di sản thế giới được UNESCO công nhận. Đèo đi hơi dốc, hai bên là cây cỏ xanh mướt, dân cư thưa thớt, xa xa có núi non ẩn hiện, thơ mộng và đẹp mắt”.

Sang đến Thái Lan, anh trải nghiệm cắm trại nơi đất khách, tận hưởng khoảnh khắc tự do, thảnh thơi giữa làng quê yên bình ở tỉnh Sakeo, lạc bước ở “thành phố tội lỗi” Pattaya, khám phá đảo Koh Larn xinh đẹp... rồi chậm rãi xuôi về phía nam, tiến vào Malaysia. Tại Malaysia, anh lái xe qua cầu Penang 1 và Penang 2 - hai cây cầu dài vượt biển dài nhất Đông Nam Á, cắm trại ở cực nam đảo Penang.

Đăng Khoa cho biết: “Cung đường này tôi đã đi hai lần, đây là lần thứ ba nên khá quen thuộc, chỉ ghé qua một số địa điểm mới, thăm những người bạn cũ và gặp thêm nhiều bạn mới”.

Bữa ăn đầu tiên ở Malaysia của Đăng Khoa. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bữa ăn đầu tiên ở Malaysia của Đăng Khoa. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trên đường đi, Đăng Khoa không quên thưởng thức ẩm thực địa phương, đa phần là các món ăn đường phố. Đôi khi, anh cũng tự nấu một số món Việt đơn giản và thưởng thức nhờ hành trang mang theo.

Hành trình của chàng trai ấy lúc nào cũng không ngớt tiếng nói cười, trò chuyện với những người dân địa phương hòa đồng, vui vẻ.

Về nhà đón Tết

Tháng 12, khi không khí Giáng sinh và đón chào năm mới tràn ngập khắp thế giới, Đăng Khoa đang du ngoạn trên các nẻo đường ở Malaysia.

Anh chia sẻ: “Malaysia là một quốc gia phần lớn theo Hồi giáo nên không có nhiều nhà hàng, gia đình trang trí đón Giáng sinh. Thay vào đó, người dân ở các thành phố lớn tại Malaysia và Singapore đã rục rịch chuẩn bị chào đón không khí lễ hội náo nhiệt, vui tươi của năm mới 2024”.

Những ngày cuối năm khiến Đăng Khoa nhớ về hành trình trước, với kỷ niệm ba năm ăn Tết xa nhà lần lượt ở Peru, Mỹ và Tanzania.

Nam phượt thủ cho hay: “Ở nhiều nơi tại nước ngoài không tổ chức ăn mừng Tết Nguyên đán. Do đo, chỉ khi lên Facebook tôi mới thấy không khí Tết tràn về, mọi người chúc tụng, ăn mừng, sum vầy đón Tết”.

Cũng vì thế mà bữa cơm Tết xa quê của anh cũng vô cùng đơn giản, gần như có gì ăn nấy. Những ngày này, anh chỉ gọi điện về hỏi thăm gia đình, đôi khi tự nấu một số món ăn Việt Nam cho đỡ nhớ nhà.

Mãi đến khi trở lại quê hương sau 3 năm xa cách, Đăng Khoa mới có lại không khí Tết ở Việt Nam, được gặp gỡ những người bạn thân quen, sum họp cùng gia đình bên bàn ăn ấm cúng.

Với Đăng Khoa, hạnh phúc chính là một con đường. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Với Đăng Khoa, hạnh phúc chính là một con đường. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đón năm mới Giáp Thìn 2024, anh quyết định ăn Tết ở quê nhà. Nam phượt thủ chia sẻ dự kiến sẽ sang Mỹ khoảng hai tuần vào đầu tháng 1, và trở về Việt Nam đón Tết bên gia đình.

“Tôi tiếc vì bỏ lỡ những lần ăn Tết ở quê nhà. Nhưng những gì đã bỏ lỡ thì khi có lại mới càng đáng quý, đáng trân trọng biết bao. Thế nên năm nay, tôi quyết định bay về Việt Nam đón Tết rồi mới trở lại tiếp tục hành trình. Sau những ngày dài rong ruổi, tôi chỉ mong được về quê, quây quần đón Tết bên người thân, gia đình, thế là đủ” - Đăng Khoa bộc bạch.

Ngọc Trang
TIN LIÊN QUAN

Việt Nam sớm bắt sóng xu hướng du lịch toàn cầu

Trà My |

Thị trường du lịch quốc tế toàn cầu sẽ phục hồi về mức trước đại dịch vào năm 2024, theo Tổ chức Du lịch Thế giới Liên Hợp Quốc (UNWTO). Du lịch Việt Nam sẽ không đứng ngoài xu hướng này.

Mộc Châu và loạt điểm du lịch Việt Nam đẹp nhất tháng 1

Thanh Hải |

Tháng 1 là thời gian du lịch lý tưởng của nhiều địa điểm nổi tiếng như Phú Quốc, Mộc Châu, Sa Pa...

Tết đến để đi du lịch

Đức Mạnh - Phương Anh |

Chỉ còn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2024, nhiều người đã bắt đầu đặt tour du lịch để không lãng phí 7 ngày nghỉ quý giá. Các đơn vị lữ hành cũng tới tấp nhận tour khi nhu cầu đi du lịch của người dân tăng lên.

Giá cả tăng vọt, đặt qua app 30 phút vẫn không tìm được xe tối mùng 3 Tết

Vương Trần |

Tối 12.2 (mùng 3 Tết Giáp Thìn), tại khu vực ga Hà Nội (đường Lê Duẩn, Hà Nội), nhu cầu đi lại của người dân bằng xe dịch vụ tăng cao, nhiều người phải đợi chờ hàng giờ đồng hồ.

Hàng vạn du khách trẩy hội chùa Hương ngày mùng 3 Tết

Anh Vũ - Trần Tuấn |

Phóng viên Báo Lao Động ghi nhận không khí du xuân, lễ Phật của du khách tại chùa Hương vào hôm nay (mùng 3 Tết Giáp Thìn).

Tranh cãi bài viết so sánh giá vé 75.000đ/người xe khách và 9.000đ/người xe buýt cho quãng đường 70km ngày Tết

KHÁNH AN |

Bài viết có nội dung than vãn về giá vé xe khách ngày Tết tăng cao, đồng thời so sánh với giá vé xe buýt hiện đang gây tranh cãi trên mạng xã hội.

20 nghìn 3 lạng rau xanh cũng khó mua ngày Mùng 3 Tết

Thanh Vân |

Trong khi siêu thị hút khách với giá rau củ quả bình ổn, thì rau củ quả tại chợ cóc, chợ dân sinh lại đắt hơn gấp 2-3 lần.

Quán bún mở xuyên Tết, cao điểm bán hơn 500 bát/ngày

Nhóm PV |

Nhiều hàng quán lựa chọn mở hàng xuyên Tết, bán hàng trăm bát/ngày.

Việt Nam sớm bắt sóng xu hướng du lịch toàn cầu

Trà My |

Thị trường du lịch quốc tế toàn cầu sẽ phục hồi về mức trước đại dịch vào năm 2024, theo Tổ chức Du lịch Thế giới Liên Hợp Quốc (UNWTO). Du lịch Việt Nam sẽ không đứng ngoài xu hướng này.

Mộc Châu và loạt điểm du lịch Việt Nam đẹp nhất tháng 1

Thanh Hải |

Tháng 1 là thời gian du lịch lý tưởng của nhiều địa điểm nổi tiếng như Phú Quốc, Mộc Châu, Sa Pa...

Tết đến để đi du lịch

Đức Mạnh - Phương Anh |

Chỉ còn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2024, nhiều người đã bắt đầu đặt tour du lịch để không lãng phí 7 ngày nghỉ quý giá. Các đơn vị lữ hành cũng tới tấp nhận tour khi nhu cầu đi du lịch của người dân tăng lên.