Dập dìu dân công sở ở ngõ Tràng Tiền

AN LÊ |

Cứ khoảng từ 11h30, các tòa cao ốc trên phố Nguyễn Khắc Cần, Phạm Sư Mạnh, Phan Chu Trinh, Tràng Tiền... lại có những dòng người ăn mặc lịch thiệp đúng kiểu nhân viên công sở hiện đại. Họ tất bật thoát ra khỏi thang máy, rồi thả bộ hướng về một con ngõ có tên Tràng Tiền, dù nhanh dù chậm cũng chỉ mất khoảng 5 đến 10 phút.

RỘN RÃ BAN NGÀY

Bằng đấy con người đều chỉ có khoảng 1 tiếng rưỡi để lo việc ăn uống và nghỉ trưa. Cũng có người mang cơm trưa để ăn tại chỗ, thế nhưng, đâu phải văn phòng nào cũng có chỗ dành cho nhân viên ăn trưa. Không gian điều hòa kín bưng nghiêm túc, không thể để mùi thức ăn hay hành vi ăn uống lỉnh kỉnh làm ảnh hưởng được.

Thế nên, không gian ăn uống như ngõ Tràng Tiền hay quanh quanh mạn đó chính là sự lựa chọn tối ưu. Thuận tiện đi lại, đa dạng lựa chọn, dễ dàng tùy biến đã khiến hành vi ăn trưa ở đây đầu tiên là lựa chọn, sau đó thành thói quen. Và rồi, chẳng mấy chốc, ngõ Tràng Tiền bỗng trở thành một địa điểm ẩm thực đường phố.

Cơm văn phòng bình dân 30.000 - 40.000 đồng cũng có, cơm văn phòng sang chảnh vài trăm nghìn đồng cũng nhiều. Hay thích ăn nhanh kiểu fast-food Việt Nam như bún, mỳ, miến, phở càng sẵn mà kiếm chỗ để ngồi ăn uống lai rai cả tiếng đồng hồ cũng thiếu gì. Cơm xong kiếm quán cafe máy lạnh ngồi "chém gió" hay trà đá vỉa hè cũng tiện.

Cũng chẳng phải chỉ buổi trưa, mà ngay từ sáng nó đã nhộn nhịp rồi. Làm công sở phải chuẩn chỉ giờ giấc, ra vào check-in đúng giờ không lại ảnh hưởng đến thu nhập nên ưu tiên hàng đầu là đến văn phòng thật sớm để làm xong thủ tục đầu tiên trong ngày.

Sau đó, là hạ cánh xuống các hàng ăn sáng để nạp năng lượng, hoặc nhâm nhi tách cà phê cho minh mẫn. Thói quen lúc đầu là sợi tơ, sau thành sợi dây thừng và cuối cùng là hành vi đương nhiên của con người. Chỉ sau 8h00, con ngõ mới dần yên ắng, vắng vẻ nhưng đó là sự yên lặng trước “cơn bão” 11h30.

Khi “nắng chia nửa bãi, chiều rồi”, nó lại nhộn nhịp như trưa và sáng. Bởi lúc này đến giờ quà chiều, những người tan sở sớm tạt vào làm bữa xế với cốc chè, bát bánh đa trộn, chầu ốc luộc trước khi về nhà ăn cơm tối hay “đổ bê tông” cho cữ nhậu tối. Đừng vội nghĩ thói nhậu tối là bê tha, bởi nhiều khi nó là một thứ “công việc ngoài giờ” của dân văn phòng.

Đấy là đặc điểm của ngõ Tràng Tiền, với tệp khách hàng 90% là dân công sở, và 10% còn là những người nhàn rỗi thích lê la ngõ xóm hay học sinh, sinh viên. Điều này khiến con ngõ Tràng Tiền trở nên độc đáo và vô cùng gắn bó với nhịp sống hiện đại.

Nhịp sống này rất “Tây”, cũng bởi ngõ Tràng Tiền nằm trong khu vực “phố Tây” từ thuở “cha sinh, mẹ đẻ”. Cũng vì thế mà kiểu dân cư sinh sống lâu năm như mạn “phố cổ” không có ở đây, mà chỉ là nơi đặt trụ sở thương mại, buôn bán, tài chính của dân công chức văn phòng.

LÃNG MẠN ĐÊM HÀ NỘI

Ngõ Tràng Tiền chạy song song khoảng 200m với đường Tràng Tiền, một đầu thông ra phố Phan Chu Trinh, một đầu nối phố Nguyễn Khắc Cần. Tràng Tiền vốn dĩ là một cái tên “rất kinh đô”, bởi chỉ có ở đất kinh đô mới có địa danh Tràng Tiền, ví dụ như Thăng Long, Huế.

Tràng Tiền hay Trường Tiền là nơi đặt sở đúc tiền của triều đình. Kể cả sau này, khi sở đúc tiền không còn, những địa danh gần đó đều có chút liên quan như: Nhà băng Đông Dương thời Pháp thuộc (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) hay phố Lò Đúc, và phố Trường Tiền.

Khoảng năm 1808 dưới thời Gia Long của nhà Nguyễn, Tràng Tiền là nơi đặt sở đúc tiền, đặt tên là “Bảo Tuyền Cục”, nhưng nhân dân thường gọi là Tràng (Trường) Tiền như với Tràng (Trường) Thi. Sở này nằm trên một khu đất hình chữ nhật, cạnh phía Bắc gần trùng với phố Tràng Tiền, cạnh phía Nam là phố Phạm Sư Mạnh, cạnh phía Tây là đoạn phố Ngô Quyền. Ngõ Tràng Tiền chính là một phần của tường rào phía Bắc.

“Bảo Tuyền Cục” vốn dĩ là nơi cơ mật, dân chúng không được bén mảng hay sinh sống gần đó. Xung quanh có hào bao bọc, chỉ vào duy nhất qua cây cầu ở cổng chính Bắc. Trước đó, dưới thời vua Lê - chúa Trịnh, khu vực này là nơi tiếp giáp với phía Tây của phủ Chúa, nên cũng cấm dân chúng cư trú.

Sau này, dưới thời Pháp, nơi đây trở thành một phần của khu đặt trụ sở làm việc và sinh sống của người Pháp ở Hà Nội. Sau năm 1954, chính quyền Hà Nội chính thức đặt tên phố là Tràng Tiền, và có thể, ngõ Tràng Tiền cũng có tên vào thời điểm này hoặc sau đó không lâu.

Giờ đây, ngõ Tràng Tiền vẫn nằm giữa không gian phố Tây, gần con phố Tràng Tiền mang phong cách kiến trúc thực dân với mái hiên trên hè phố, nhìn ra Nhà hát Lớn và quảng trường Cách mạng tháng Tám gắn liền với sự kiện lịch sử năm 1945.

Tuy nhiên, tính chất dân sinh đã đậm đặc hơn nhiều mà hiển hiện là không gian ẩm thực dành cho dân công sở. Tất cả những món ngon của Hà Nội đều có thể tìm thấy ở đây, chỉ có điều nó phải phù hợp với tính chất hiện đại như nhanh, tiện và sẵn.

Thế nên đặc trưng của ẩm thực ngõ Tràng Tiền là cơm rang, bún riêu, bún cá, bún miến ngan, gà, bún đậu mắm tôm, bánh đa trộn. Có những người đã bám ngõ bán đồ ăn cho dân văn phòng 20 - 30 năm, từ gánh hàng rong chớp nhoáng cho đến lúc mở tiệm bày bàn ghế kín hai bên ngõ.

Trong đám đông kiểu gì cũng có "dị nhân". Ví dụ như chị bán bún miến trộn ở đoạn đầu ngõ giáp với phố Nguyễn Duy Cần chẳng hạn. Hàng của chị bán chạy như tôm tươi, nhưng thỉnh thoảng lại có thời điểm mất tích cả tuần, thậm chí nửa tháng, 20 ngày.

Bởi vì chị là "fan cuồng" của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, thế nên, khi thần tượng chạy show ngoài Bắc là bỏ gánh bún miến để đi xem thần tượng hát hết tỉnh này đến tỉnh khác, không chỉ bỏ tiền mua vé mà còn mua gấu bông và lập đội cổ vũ. Đấy chính là nhân vật “đu idol” từ cả chục năm trước ở Hà Nội.

Nhưng ở con ngõ này cũng có nhiều địa điểm ẩm thực “khét tiếng”, ví dụ như quán cơm tay cầm ở số 4 ngõ Tràng Tiền. Đây là nơi mà Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken đã đến dùng bữa tối vào chiều ngày 15.4.2023.

Ông Blinken, sau khi dùng bữa, đã phải viết “tus” khen ngon trên trang mạng xã hội cá nhân của mình. Một suất cơm tay cầm khiến ông Blinken khen nức nở chỉ có giá hơn 80.000 đồng, tương đương khoảng 4 USD. Nó cho thấy tinh thần “đường phố” của ẩm thực Việt Nam đong đầy trong con ngõ ăn uống này.

Khi đêm xuống, khó có thể kiếm được chỗ nào ngắm Hà Nội tuyệt vời và lãng mạn hơn ở đầu ngõ Tràng Tiền đoạn thông ra phố Phan Chu Trinh. Không cần mất nhiều tiền, chỉ cần 5.000 đồng là đủ bởi vì nơi tọa lạc chính là những hàng nước chè chén bán trà nóng và trà đá.

Chỉ 2.000 đồng một chén trà nóng hoặc 5.000 đồng một cốc trà đá là có thể ngắm Nhà hát Lớn lung linh trong ánh đèn, ngắm khách sạn Hilton Opera tao nhã hay dòng người tấp nập trên đường phố đến tận đêm khuya. Bỏ thêm 10.000 đồng mua đĩa hạt hướng dương hay kẹo lạc là có thể an nhàn ngồi trò chuyện trên vỉa hè rộng rãi, vắng vẻ.

Đấy là một Hà Nội rất “Tây” nhưng cũng rất đời thường của chè chén, của thuốc lào và của muôn nghìn câu chuyện tầm phào. Những kẻ lãng du qua thành phố, những kẻ đã thiên di khỏi thành phố hẳn đã từng ngồi bệt trên vỉa hè đầu ngõ Tràng Tiền, rồi biến nó thành nỗi nhớ khôn nguôi khi xa vắng.

AN LÊ
TIN LIÊN QUAN

Những ngõ phố ẩm thực chốn Hà Thành: Huyền thoại ngõ Cấm Chỉ

aN lê |

Ngõ Cấm Chỉ là một địa chỉ khá đặc biệt và thú vị của khu phố cổ Hà Nội. Ngõ này nằm ở đầu đường Hàng Bông, đoạn ra giao lộ Cửa Nam, nên còn gọi là ngõ số 2 Hàng Bông.

Những ngõ phố ẩm thực chốn Hà Thành: Bàn tiệc lộ thiên ở ngõ Cầu Gỗ

Tùy bút của AN lê |

Con ngõ Cầu Gỗ thẳng thớm, rất rộng rãi, đủ chỗ cho 2 xe tránh nhau, kể cũng là một ngõ to của chốn Kẻ Chợ "tấc đất tấc vàng". Thế nhưng, cái tên của ngõ dường như bị nuốt chửng, ít khi được nhắc tới hay biết đến. Bởi người ta chỉ nói đến nó dưới một giả danh khác: Chợ Hàng Bè.

Mang phở đi muôn phương

Thạch Lựu |

Từ món ăn truyền thống bình dân trên những đôi quang gánh, phở đã được nâng tầm, vươn ra bản đồ ẩm thực thế giới sau hành trình miệt mài của những người Việt đưa ẩm thực quê nhà cất cánh. Trong đó có anh Nguyễn Quang Huy - một người con Hà Nội nặng lòng với phở.

Nguy cơ áp thấp gần Biển Đông mạnh lên thành bão

Thanh Hà |

Dự báo, áp thấp gần Biển Đông mới hình thành có khả năng mạnh lên thành bão trong những ngày tới.

Thêm vụ sạt lở ở Lào Cai khiến 7 người mất tích

Đinh Đại |

Một vụ sạt lở đất đá xảy ra tại xã A Lù (Bát Xát, Lào Cai) khiến 7 người mất tích.

Hoãn xét xử vụ 7 thanh tra giao thông nhận hối lộ

Thành An |

Bà Rịa - Vũng Tàu - Phiên tòa xét xử đưa và nhận hối lộ với 56 bị cáo, trong đó có 7 thanh tra giao thông đã bị tạm hoãn do nhiều người vắng mặt.

Israel không kích trúng nhà lãnh đạo dịch vụ khẩn cấp ở Gaza

Thanh Hà |

Lãnh đạo Cục Tình trạng Khẩn cấp Dân sự Gaza là người mới nhất trong số 83 thành viên của cơ quan này thiệt mạng do hỏa lực của Israel kể từ ngày 7.10.2023.

Sập nhà ở Lào Cai, 1 người tử vong

Đinh Đại |

Mưa lớn do hoàn lưu bão số 3 khiến ngôi nhà ở xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà (Lào Cai) bị sập làm 1 người tử vong.

Những ngõ phố ẩm thực chốn Hà Thành: Huyền thoại ngõ Cấm Chỉ

aN lê |

Ngõ Cấm Chỉ là một địa chỉ khá đặc biệt và thú vị của khu phố cổ Hà Nội. Ngõ này nằm ở đầu đường Hàng Bông, đoạn ra giao lộ Cửa Nam, nên còn gọi là ngõ số 2 Hàng Bông.

Những ngõ phố ẩm thực chốn Hà Thành: Bàn tiệc lộ thiên ở ngõ Cầu Gỗ

Tùy bút của AN lê |

Con ngõ Cầu Gỗ thẳng thớm, rất rộng rãi, đủ chỗ cho 2 xe tránh nhau, kể cũng là một ngõ to của chốn Kẻ Chợ "tấc đất tấc vàng". Thế nhưng, cái tên của ngõ dường như bị nuốt chửng, ít khi được nhắc tới hay biết đến. Bởi người ta chỉ nói đến nó dưới một giả danh khác: Chợ Hàng Bè.

Mang phở đi muôn phương

Thạch Lựu |

Từ món ăn truyền thống bình dân trên những đôi quang gánh, phở đã được nâng tầm, vươn ra bản đồ ẩm thực thế giới sau hành trình miệt mài của những người Việt đưa ẩm thực quê nhà cất cánh. Trong đó có anh Nguyễn Quang Huy - một người con Hà Nội nặng lòng với phở.