Những ngõ phố ẩm thực chốn Hà Thành: Ăn Sướng, ăn Nhàn, ăn Sân Si

Tùy bút và ảnh của HẢI AN |

Con ngõ Trung Yên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) dài chỉ chừng 200m, ngõ ẩm thực nằm luồn lách nối hai con phố rất nhỏ, nhà cửa chen chúc, thế mà đầy đủ cả muôn vị nhân gian từ món ăn chơi đến món ăn no, ăn thưởng thức; từ những món để ăn cho Sướng, cho Nhàn, đến để Sân - Si hay Từ Bi Hỉ Xả.

CHỒNG LẤP THỜI GIAN VÀ LỊCH SỬ

Hà Nội chứa trong lòng bao điều bí mật và bất ngờ, với những con ngõ đầy ắp đồ ăn ngon hút hồn những tín đồ ẩm thực. Nào ngõ Đồng Xuân với cơm đầu ghế, ngõ Tạm Thương với rượu rắn gia truyền, ngõ Tràng Tiền dập dìu gái công sở ngồi ăn vặt, ngõ Cấm Chỉ ăn uống bát ngát ngày đêm, ngõ Ấu Triệu thơm mùi nem chua nướng...

Nhưng đâu đã hết, hãy còn một con ngõ nổi tiếng hơn tất cả, mà cũng dễ nhầm lẫn hơn tất cả: ngõ Trung Yên, dấu tích còn sót lại của thôn Chung Yên (theo cách ghi của người Pháp khi làm bản đồ địa chính). Con ngõ đó chỉ dài tầm 200m, một đầu từ phố Đinh Liệt, một đầu trổ ra chợ Hàng Bè nằm trên phố Gia Ngư, vốn là cái dạ dày nổi tiếng của khu phố cổ bán thực phẩm và các món ăn ngon truyền thống.

Lai lịch của ngõ Trung Yên và vùng đất dung chứa con ngõ cũng là lịch sử của một cuộc bể dâu, “thương hải tang điền”. Theo bản đồ Thăng Long năm Hồng Đức thời Lê Thánh Tông, thế kỷ 13, khởi thủy của hồ Hoàn Kiếm là một phần của một hồ lớn rất rộng thời xưa.

Hồ này thông ra sông Hồng, chia làm làm hai phần gọi là Tả Vọng và Hữu Vọng. Phần hồ Hoàn Kiếm hiện nay thuộc phần Tả Vọng. Trong khi đó, hồ Thái Cực nằm ở phần Hữu Vọng, ngày nay là đất của khu vực gồm: Phố Cầu Gỗ, Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Bè.

Phố Hàng Đào nguyên là phần đất của hai phường Đồng Lạc (phía giáp Hàng Ngang) và Đại Lợi (phía giáp Bờ Hồ), thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ.

Phường Đại Lợi vào đời Lê Thánh Tông được gọi là Thái Cực. Đằng sau đó là hồ Thái Cực. Hồ Thái Cực ăn lan tới gần phố Hàng Bè và thông ra hồ Gươm. Đất phố Đinh Liệt và Gia Ngư trước đây chính là lòng hồ Thái Cực. Có tài liệu ghi rằng hồ Thái Cực còn được gọi là hồ Hàng Đào, là nơi dân Hà Nội thường đến đánh cá.

Hàng Gai là nơi mua bán các ngư cụ đánh cá, trong đó có dây gai để câu cá, còn Gia Ngư chính từ tên làng cá sống bằng nghề chài lưới bên hồ Thái Cực xưa. Khi người Pháp chiếm đóng Hà Nội (khoảng năm 1897), hồ Thái Cực vẫn còn nhưng vào cuối thế kỷ 19, hồ bị dân lấn chiếm, bồi lấp dần và thành bình địa vào thập niên 1920.

Vật đổi sao dời, hồ nước thành phố phường, chỉ để lại những dấu chỉ liên quan đến ao, chuôm, sông, hồ như: Cầu Gỗ, Hàng Gai, Hàng Bè, Gia Ngư... và con ngõ Trung Yên mà thôi. Nhưng thế mới là lẽ biến hóa của Thái Cực, từ nhị nguyên thành tứ tượng, rồi thành bát quái để biến đổi đến vô cùng.

Trong ngõ Trung Yên còn tồn tại một kiến trúc cho thấy gốc gác làng xã cổ xưa của mình, đó là ngôi đình Trung Yên được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Những tư liệu Hán Nôm như hoành phi, câu đối, văn bia ở đình cho biết đây là nơi thờ một vị quan đỗ Tiến sĩ dưới triều Mạc.

Là một trong những di tích thuộc khu phố cổ Hà Nội, đình Trung Yên có niên đại khởi dựng từ khá sớm. Đình được xây dựng theo hướng Nam trên một mặt bằng hình ống - kiểu mặt bằng đặc trưng của kiến trúc phố cổ Hà Nội giống như đình Lò Rèn ở phố Lò Rèn hay đình Hoa Lộc Thị ở phố Hàng Đào.

Giá trị nghệ thuật độc đáo của di tích đình Trung Yên được thể hiện trên các di vật gỗ chạm của di tích như hoành phi, cửa võng, ngai thờ, bát bửu. Trên các hiện vật của đình như hương án, long ngai, cuốn thư, cửa võng, đề tài trang trí là rồng chầu mặt trời, hoa chanh, cánh sen, dây hoa, vân mây đan xen mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 19 - 20.

Bia đá, chuông đồng, lư hương hầu hết là những hiện vật mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 19 - 20. Bên cạnh đó, còn có những mảng trang trí trên các đồ tế tự như bát bửu, lỗ bộ... tất cả đều được sơn thếp làm tăng vẻ uy nghiêm cho điện thờ. Các di vật này để lại những giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật tạo tác qua từng thời kỳ lịch sử khác nhau.

CON ĐƯỜNG ẨM THỰC

Nằm trong vùng lõi của khu phố cổ, lại kết nối với một cái chợ ăn uống sành sỏi nhất Hà Thành là Hàng Bè, cũng chẳng khó hiểu khi tại sao con ngõ Trung Yên lại nổi tiếng vì những món ăn, những quán ăn đã thành thương hiệu, khắc trong "bia miệng" và "bia mạng xã hội".

Mười mấy hàng ăn chen chúc trong con ngõ nhỏ, tạo nên một khung cảnh nhộn nhịp, đông đúc, náo nhiệt và đầy cọ xát. Quán ăn chen quán ăn, lưng người cọ lưng người, tiếng gọi đồ hòa lẫn tiếng gọi đồ, shipper đồ ăn nhanh cạnh tranh giao hàng công nghệ...

Chẳng thiếu thức gì trong con ngõ ấy, đồ ướt, đồ khô, đồ chín, đồ tái, đồ ăn chơi, đồ ăn no... thôi thì đủ cả. Mỳ vằn thắn Trung Hoa, bún bò Nam Bộ, hủ tíu miền Tây, phở bò, phở gà, miến ngan, miến mực, bún cá, bún đậu giả cầy, trà sữa Nhật Đài, trà đá, thuốc lá lẻ... cùng tụ hội.

Thế nên ngõ đã nhỏ hẹp lại càng trở nên chật chội, nhất là vào khung giờ cao điểm ăn uống trưa chiều, bởi danh tiếng của những quán ăn trong ngõ. Nếu đi từ đầu Đinh Liệt vào, khách sẽ gặp ngay quán phở Sướng của ông Sướng, một hiệu phở như anh em song sinh với phở Vui của ông Vui ở phố Hàng Giày cách đó không xa.

Phở Sướng nổi tiếng vì cái tên nghe sao mà sướng thế, nhất là khi được ngồi chĩnh chện trong lòng quán nhỏ như mắt muỗi mà chén bát phở tái gầu, mặc kệ bao kẻ xếp hàng đợi đến lượt. Phở Sướng không phải ngon đệ nhất nhưng cũng thuộc danh phở, đến nỗi thiếu chút nữa bị một đại gia tơ lụa, ẩm thực cướp thương hiệu.

Đi qua hàng phở Sướng, nếu không thích bún đậu giả cầy thì sẽ đến ngan Nhàn. Đây là quán ngan nổi tiếng nhất nhì Hà Nội. Thứ nhất là bởi ngan của Nhàn ngon, thường được cánh sành ăn khen ngợi. Thứ hai vì Nhàn đanh đá, khiến cho cái câu chuyện Nhàn chửi khách làm dậy sóng mạng xã hội hay truyền thông không biết bao lần.

Cái chuyện mắng chửi khách là bản tính, là chiêu trò hay thêu dệt thì cứ kệ đi. Nhưng cho dù có bị hô hào tẩy chay nhiều lần, ngan Nhàn vẫn cứ đông nghìn nghịt, bởi ngan Nhàn ngon quá, đành nhẫn nhịn chịu đựng, chịu mắng để được ăn. Dân ta vốn nhẫn nhịn với miếng ăn, dù vẫn dạy nhau "miếng ăn là miếng... nhục".

Kế ngay ngan Nhàn là quán bún cá Sâm cây si. Bà Sâm hồi xưa bán bún cá ở gốc cây si chợ Hàng Bè. Chợ tan, quán vỡ nên di chuyển vào đây, vẫn giữ cái thương hiệu đã ăn chết trong lòng khách quen là Bún cá Sâm cây si. Thôi thì đọc nhanh là "Bún cá Sân Si" cho thuận miệng.

Bún cá ở đây khác với những nơi khác là dùng cá rô chiên giòn để làm nhân, thay vì dùng cá quả. Bún cá với nước chua chua nhờ cà chua và dứa, cá rô rán giòn và rau cải xanh tạo nên thứ bún độc đáo, không giống canh bánh đa cá rô cũng chẳng giống bún cá thường. Ngoài ra món fillet cá cuốn thịt băm, mộc nhĩ rồi tẩm bột rán cũng đem lại hương vị thú vị cho một món ăn chơi kết hợp giữa cá và thịt.

Quán bún cá "Sân Si" nằm ngay khúc cong, chuyển hướng của ngõ khiến khách bộ hành gợi lên nhiều suy nghĩ về Thất tình Lục dục của cuộc nhân sinh. Nếu đi từ đầu Gia Ngư lại, ta sẽ Bò (bún bò Nam Bộ) qua Sân Si để đến Nhàn và Sướng. Sân si là giận dữ, ngu muội, nếu bỏ được sân si thì con người sẽ Sướng và Nhàn.

Hoặc theo chiều ngược lại, thân đã trải qua cảnh Sướng - Nhàn rồi mà vẫn tâm vẫn còn Sân Si thì lại phải Bò hết con ngõ cuộc đời để đến với dãy bán gà cúng, xôi cúng ngày Rằm, ngày lễ chạp đầu Gia Ngư bên kia thôi. Chọn chiều nào là do mình cả mà.

Tùy bút và ảnh của HẢI AN
TIN LIÊN QUAN

Ẩm thực Hà Nội tiếp tục khẳng định đẳng cấp số 1 thế giới

Thanh Hương |

Hàng triệu du khách trên khắp thế giới đã bình chọn Hà Nội là điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới 2024 trên Tripadvisor.

Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Hà Nội 2023 đón khách nườm nượp

Lê Tuyến - Quỳnh Anh |

Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Hà Nội 2023 thu hút hàng nghìn lượt khách đến trải nghiệm các hoạt động văn hóa, thưởng thức hàng trăm đặc sản.

Bún ốc: Món ăn dân dã mang hồn cốt ẩm thực Hà Nội

Linh Trang - Vũ Linh |

Bún ốc là một trong những món ăn truyền thống mang đậm hương vị truyền thống của ẩm thực Hà Thành. Món ăn tuy bình dị nhưng chứa đựng sự tính tế, cầu kỳ và tỉ mỉ khiến nhiều thực khách phải lòng thương nhớ.

Một người làm thuê múc đất đã thắng kiện TP Cam Ranh

Hữu Long |

Khánh Hòa - Chủ đất thuê người làm thuê đến múc và lấp đất thì bị chính quyền xử phạt hành chính. Người làm thuê sau đó khởi kiện ra tòa và thắng kiện.

Nhiều phụ huynh rút hồ sơ ở trường tư về nộp trường công

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Cả trăm phụ huynh ở Đắk Lắk đã tập trung đến một trường THPT tư thục trên địa bàn để rút hồ sơ sau khi ngành giáo dục hạ điểm chuẩn thi lớp 10.

Xử lý nhiều đối tượng đăng tin sai sự thật trên mạng xã hội

Nam Hiệp |

TPHCM - Lợi dụng thông tin liên quan việc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, một số đối tượng đã đăng tải thông tin thất thiệt trên mạng xã hội.

Thông tin mới về cái chết của mẹ con sản phụ ở Thanh Hóa

Xuân Hùng |

Ngày 22.7, một số cá nhân liên quan đến cái chết của mẹ con sản phụThanh Hóa vẫn đi làm bình thường vì chưa có kết luận sự việc.

Thống kê các lãnh đạo tại An Giang liên quan vi phạm đất đai

Lam Duy |

UBND TP Long Xuyên (An Giang) được yêu cầu thống kê danh sách Chủ tịch, Phó Chủ tịch có liên quan đến hạn chế, vi phạm theo Kết luận của Thanh tra tỉnh.

Ẩm thực Hà Nội tiếp tục khẳng định đẳng cấp số 1 thế giới

Thanh Hương |

Hàng triệu du khách trên khắp thế giới đã bình chọn Hà Nội là điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới 2024 trên Tripadvisor.

Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Hà Nội 2023 đón khách nườm nượp

Lê Tuyến - Quỳnh Anh |

Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Hà Nội 2023 thu hút hàng nghìn lượt khách đến trải nghiệm các hoạt động văn hóa, thưởng thức hàng trăm đặc sản.

Bún ốc: Món ăn dân dã mang hồn cốt ẩm thực Hà Nội

Linh Trang - Vũ Linh |

Bún ốc là một trong những món ăn truyền thống mang đậm hương vị truyền thống của ẩm thực Hà Thành. Món ăn tuy bình dị nhưng chứa đựng sự tính tế, cầu kỳ và tỉ mỉ khiến nhiều thực khách phải lòng thương nhớ.