Tầm quan trọng của phát triển thẻ tín dụng nội địa và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ở VN

Nhóm PV |

Tại hội thảo “Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam” do Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức sáng 11.3, các chuyên gia đều khẳng định tầm quan trọng của việc đẩy mạnh tuyên truyền để người dân ưu tiên dùng sản phẩm thẻ tín dụng thương hiệu Việt, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện chiến lược phổ cập tài chính toàn diện ở Việt Nam.

Bạn đọc có thể theo dõi trực tiếp chương trình TẠI ĐÂY

* 11h30: Thanh toán không dùng tiền mặt không thể phát triển nếu thiếu truyền thông

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN - ông Phạm Tiến Dũng cho rằng nếu khách hàng đã sử dụng thanh toàn điện tử không dùng tiền mặt rồi thì sẽ chắc chắn không bao giờ quay trở lại dùng tiền mặt. Nhưng để họ sử dụng lần đầu thì chỉ có truyền thông mới làm được điều đó. Theo ông, để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, phổ cập tài chính toàn diện và góp phần đẩy lùi tín dụng đen gắn với phát triển thẻ tín dụng nói chung và thẻ tín dụng nội địa nói riêng, qua các ý kiến vừa rồi, chúng ta có thể khẳng định vai trò của thẻ tín dụng nội địa.

Trong thời gian tới, ông Dũng đề nghị các TCPHT và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, tập trung, thực hiện có hiệu quả nội dung liên quan đến phát hành thẻ nội địa cụ thể như sau:

Một là đẩy mạnh công tác truyền thông rộng rãi cho các khách hàng về thông tin, quy trình phát hành của các dòng thẻ tín dụng nội địa. Xây dựng và triển khai chính sách phí phù hợp với điều kiện phát triển thẻ tín dụng nội địa.

Hai là tích cực triển khai các sản phẩm thẻ, dịch vụ ngân hàng theo hướng số hoá các sản phẩm thẻ, tự động hoá các quy trình.

Ba là mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ liên thông vào tất cả dịch vụ, lĩnh vực trong nền kinh tế. Cuối cùng, tiếp tục nghiên cứu thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán thẻ tín dụng tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn liền với Chính sách toàn diện tài chính quốc gia, tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thể trong xã hội tiếp cận, hưởng tiện ích của dịch vụ ngân hàng hiện đại, đảm bảo phát triển cân bằng, hài hoà trong nền kinh tế, toàn quốc gia và lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh phát triển thẻ tín dụng, ông yêu cầu các đơn vị PHTTD và NAPAS chú ý đến bảo đảm an ninh, an toàn trong hệ thống thẻ nói chung và hệ thống thẻ nội địa nói riêng. Đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dùng trong sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

* 11h15: Tiềm năng thị trường thẻ tín dụng tại Việt Nam

Theo Báo cáo nghiên cứu Hành vi & thói quen sử dụng sản phẩm ngân hàng (Banking Product U&A Report) năm 2021 của công ty nghiên cứu thị trường Mibrand dựa trên khảo sát 600 người tiêu dùng tại Hà Nội & TP.HCM cho thấy mặc dù mức độ sử dụng sản phẩm Thẻ tín dụng còn thấp với 46%. Tuy nhiên đây lại là sản phẩm có tiềm năng phát triển tốt.

Cũng theo báo cáo này cho thấy, số lượng người đang có nhu cầu và cân nhắc sử dụng thẻ tín dụng trong tương lai chiếm khá cao với 34%. Đặc biệt, thẻ tín dụng đang là một công cụ thanh toán không thể thiếu trong tương lai nhờ những chính sách cho việc mở thẻ ngày càng trở nên dễ dàng, thuận tiện và khách hàng ngày càng được hưởng nhiều ưu đãi khi thanh toán.

 
Ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng Giám đốc NAPAS

Bàn luận về hướng thanh toán thẻ tín dụng trên toàn cầu, ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng Giám đốc NAPAS trích dẫn từ năm 2015 và 2016, xu hướng Open Banking đã phát triển, đặc biệt mạnh mẽ vào năm 2018. Open Banking cũng đã có sự vào cuộc tích cực của các công ty Fintech. Ở những thị trường phát triển như Anh, Mỹ... các công ty Fintech tham gia rất mạnh mẽ vào đáp ứng nhu cầu phương tiện thanh toán mới và sẵn sàng cung cấp tín dụng cho những khách hàng dưới chuẩn (Under Bank). Tuy nhiên quá trình này lại đem đến tác động ngược đến nhà băng. Trong 2 đến 3 năm gần đây, ngân hàng đã thay đổi rất nhanh từ quy trình truyền thống sang công nghệ cùng nhiều sản phẩm phi truyền thống để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách. Ví dụ về hồ sơ tín dụng. Trước đây khách hàng được đánh giá qua hồ sơ tín dụng rất truyền thống thì hiện nay đã sử dụng chấm điểm tín dụng, không cần dựa trên lịch sử tiêu dùng của khách mà có thể theo những thông tin liên quan. Hiện nay trên thị trường có những xu hướng chính. Một là hầu hết hiện này là thẻ thanh toán không tiếp xúc (contactless). Hai là thẻ phi vật lý (Virtual Card).

Qua đây, ông Minh cũng bày tỏ kỳ vọng về hình thức phê duyệt tín dụng online bởi hiện nay quy định vẫn còn khó khăn trong việc này. Một xu hướng khác nổi lên hiện nay là thanh toán mua trước, trả sau (Buy Now Pay Later); Tokenization và nâng cao an toàn bảo mật trong thanh toán. Cuối cùng là eKYC và đồng nhất trải nghiệm của khách hàng.

Bên cạnh sản phẩm thẻ tín dụng thông thường được phát hành bởi các Ngân hang hoặc các công ty tài chính, NAPAS hiện đã và đang phối hợp với các Tổ chức phát hành các loại thẻ mới, đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng thẻ trong hoạt động thanh toán, tiết kiệm nguồn lực xã hội. Cụ thể như sau:

Thẻ đa ứng dụng là thẻ 1 chip chứa nhiều ứng dụng bao gồm thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng… đáp ứng đa dạng nhu cầu sử dụng trên một tấm thẻ duy nhất.

Agribank là đơn vị đầu tiên phát hành thẻ đa ứng dụng với sản phẩm thẻ đa ứng dụng (ghi nợ & tín dụng) Lộc Việt. Thẻ kép là thẻ được phát hành với 2 chip trên thẻ bao gồm 1 chip dùng cho thanh toán bằng tính năng tín dụng (Credit), 1 chip dùng cho tính năng ghi nợ (Debit). Vietinbank là đơn vị đầu tiên phát hành thẻ kép với sản phẩm thẻ 2Card. Thẻ đồng thương hiệu là loại hình thẻ tín dụng hợp tác phát hành với các nhãn hàng, thương hiệu lớn cung cấp ưu đãi đặc quyền dành cho chủ thẻ tín dụng NAPAS như thẻ Vietcapital Bank Shop On.

Thẻ tín dụng NAPAS phát hành bởi các Tổ chức tín dụng tiêu dùng. Thẻ tín dụng nội địa là kênh giải ngân hiệu quả, giúp đẩy lùi tín dụng đen và đặc biệt hiệu quả đối với các Công ty tài chính. Hiện nay, VietCredit đã phát hành thẻ tín dụng NAPAS và sẽ mở rộng các tổ chức phát hành trong thời gian sắp tới.

"Thẻ tín dụng nội địa NAPAS là sản phẩm giúp hoàn thiện hệ sinh thái thẻ chip nội địa theo định hướng của NHNN góp phần đẩy lùi tín dụng đen, đáp ứng toàn diện nhu cầu sử dụng thẻ trong các hoạt động thanh toán của người dân Việt Nam. Chủ thẻ tín dụng nội địa bên cạnh các tích năng vượt trội sẽ được hưởng các ưu đãi đặc quyền cung cấp bởi NAPAS và các Ngân hàng góp phần nâng cao nhận thức về sử dụng thẻ tín dụng, đẩy mạnh doanh số sử dụng thẻ và góp phần vào thành công của định hướng Xã hội không dùng tiền mặt của Việt Nam", Phó Tổng giám đốc nói.

Qua đây, ông Minh cũng đề xuất với NHNN để các hộ kinh doanh cá thể có thể dễ dàng đăng ký để thành khách hàng của nhà băng. Làm sao để các hộ kinh doanh cá thể có thể lên trang web hoặc ứng dụng ngân hàng khai báo nhanh chóng là đã sẵn sàng chấp nhận thanh toán thẻ.

Tổng quan về thẻ tín dụng nội địa NAPAS

Thẻ tín dụng nội địa NAPAS (NAPAS Credit) được phát hành theo tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa do NHNN ban hành và tuân thủ công nghệ EMV đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất về an toàn bảo mật.

NAPAS đã chính thức triển khai thẻ tín dụng nội địa từ tháng 1.2021 với sự tham gia của 7 Ngân hàng Việt Nam. Sự kiện ra mắt thẻ tín dụng nội địa NAPAS ghi nhận bước chuyển mình mạnh mẽ của thị trường thẻ thanh toán nội địa với các dòng sản phẩm đa dạng và đầy đủ nhất từ trước đến nay gồm Thẻ ghi nợ, Thẻ tín dụng và Thẻ trả trước theo một tiêu chuẩn thống nhất. Thẻ tín dụng nội địa NAPAS cho phép khách hàng chi tiêu trước, trả sau và miễn lãi lên đến 55 ngày. Chủ thẻ được miễn phí thường niên (áp dụng với một số ngân hàng) và được hưởng các ưu đãi đặc quyền dành cho thẻ tín dụng NAPAS khi chi tiêu tại các ĐVCNTT.

Bên cạnh đó, thẻ tín dụng NAPAS được tích hợp công nghệ thanh toán “chạm” giúp cho việc thanh toán trở nên đơn giản, nhanh chóng, hỗ trợ bỏ qua xác thực chủ thẻ (bỏ qua nhập mã PIN) đối với các giao dịch giá trị thấp. Chủ thẻ tín dụng nội địa được chấp nhận thanh toán nhanh chóng tại hơn 300.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc, các trang thương mại lớn và rút tiền mặt tại hơn 20.000 ATM trên toàn quốc. Thẻ tín dụng NAPAS hiện được phát hành bởi Agribank, Vietinbank, ACB, Sacombank, HDBank, Bảo Việt Bank, VietBank, Vietcapital Bank và VietCredit.

Trong thời gian sắp tới, NAPAS tiếp tục mở rộng các Tổ chức phát hành để đáp ứng lớn nhất nhu cầu của thị trường về sử dụng thẻ tín dụng nội địa. Phó Tổng Giám đốc NAPAS kỳ vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều ngân hàng tham gia phát hành hơn và tín dụng tiêu dùng nội địa sẽ thêm phổ biến. Về dụng trong thanh toán, chủ thẻ tín dụng NAPAS được thiết kế để đáp ứng đa dạng nhu cầu thanh toán của người Việt, đáp ứng nhu cầu cao nhất của chủ thẻ trong cuộc sống hàng ngày. Một số ứng dụng thẻ NAPAS tiêu biểu trong thanh toán gồm Thanh toán giao thông, thanh toán xăng dầu, thanh toán giá trị thấp tại các ĐVCNTT (Thanh toán Tap & Go); thanh toán trả góp tại các ĐVCNTT bao gồm thanh toán trực tuyến và thanh toán tại các cửa hàng, thanh toán di động (Mobile Payment) và thanh toán qua thiết bị đeo tay (Wearable).

* 11h10: Tổng quan về thị trường thẻ tín dụng Việt Nam

Theo số liệu của Hiệp hội Thẻ Việt Nam, tính đến hết tháng 6.2021, Việt Nam có hơn 6,5 triệu thẻ tín dụng phát hành bởi gần 40 Tổ chức phát hành. Lượng thẻ ghi nợ lớn hơn so với thẻ tín dụng. Thẻ tín dụng từ năm 2001 đã được phát hành nhưng độ phát triển chưa cao.

Ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng Giám đốc NAPAS nhận định rằng đến nay chỉ có 6,5 triệu thẻ tín dụng so với dân số gần 100 triệu dân thì còn rất nhỏ. Doanh số sử dụng thẻ tín dụng năm 2021 đạt khoảng 220 nghìn tỉ đồng. Thẻ tín dụng tại Việt Nam được chấp nhận tại hơn 300.000 ĐVCNTT và rút tiền mặt tại hơn 20.000 ATM trên toàn quốc. 7 tổ chức thẻ tham gia bao gồm NAPAS, Visa, MasterCard, JCB, UnionPay International, American Express và Discover Financial Services. Chủ thẻ Việt Nam có nhiều sự lựa chọn loại hình thẻ đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng của mình.

Về phát hành thẻ tín dụng, phần lớn các Ngân hàng Việt Nam hiện đang triển khai thông qua các bước lần lượt là đăng ký; hoàn thiện hồ sơ; ngân hàng đánh giá hồ sơ và thẩm định khách hàng; nhà băng đưa ra quyết định cấp tín dụng và phát hành thẻ; chuyển thẻ vật lý với khách rồi người nhận sẽ thực hiện kích hoạt và dùng thẻ.

Tổng thời gian phát hành thẻ tín dụng theo các bước kể trên sẽ mất khoảng 7 - 14 ngày tùy thuộc vào chất lượng hồ sơ đề nghị cấp thẻ tín dụng của khách hàng và quy trình nội bộ của ngân hàng phát hành.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới toàn ngành, đặc biệt là ảnh hưởng tới ngành Ngân hàng, các quy trình phát hành thẻ tín dụng đang được các Ngân hàng chú trọng thay đổi theo hướng số hóa thông qua phương thức xác thực khách hàng số (eKYC) và cấp hạn mức trước cho các khách hàng sử dụng thường xuyên các dịch vụ của ngân hàng (Pre-approval Limit). Đối với phương thức phát hành thẻ eKYC, khách hàng chỉ cần thực hiện đăng kí phát hành thẻ tín dụng trên các kênh trực tuyến của ngân hàng (Online/ Mobile Banking, Website hoặc các nền tảng mạng xã hội), nhập các thông tin theo yêu cầu của Ngân hàng. Thông tin của khách hàng sẽ được chuyển tới Hệ thống phê duyệt tín dụng tập trung của các Ngân hàng để đánh giá và cấp tín dụng. Tổng thời gian để xử lý cấp tín dụng đối với phương thức phát hành thẻ eKYC sẽ khoảng từ 15 – 30 phút. Khách hàng sẽ được cấp thẻ phi vật lý để sử dụng ngay cho các giao dịch thanh toán trực tuyến (Ecommerce). Thẻ vật lý sẽ được chuyển tới khách hàng trong vòng 2 - 3 ngày làm việc.

* 11h: Ông Lê Thanh Hà, Trưởng tiểu ban Rủi ro, Hội Thẻ Việt Nam: Khách hàng không đưa thẻ của mình cho bất cứ người nào khác, trừ nhân viên của ngân hàng hoặc các nhân viên thu ngân của đơn vị chấp nhận thanh toán được chỉ định để làm việc với Khách hàng. Khi thu ngân thực hiện giao dịch phải trong tầm quan sát của khách hàng. Đối với nhân viên ngân hàng, khách hàng chỉ nên đưa thẻ cho nhân viên của ngân hàng khi thực hiện các giao dịch/thủ tục tại các điểm giao dịch của ngân hàng, không đưa thẻ ở các địa điểm bên ngoài điểm giao dịch của ngân hàng.

Khách hàng nên chủ động quản trị rủi ro thẻ thông qua các công cụ mà ngân hàng cung cấp. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã cung cấp cho khách hàng các công cụ để khách hàng có thể chủ động quản trị thẻ thông qua các ứng dụng hoặc các trang web.

Theo đó, khách hàng có thể chủ động tạm thời đóng/ mở thẻ, đóng/ mở chức năng thanh toán trực. Khi khách hàng chưa có nhu cầu sử dụng thẻ, khách hàng nên tạm thời khóa thẻ, trường hợp khách hàng mở ra chi tiêu thì nên đóng lại ngay sau khi hoàn tất giao dịch; khách hàng cũng đồng thời có thể cài đặt các hạn mức thanh toán (số tiền giao dịch/lần/ngày), theo đó, khi nhu cầu giao dịch thông thường của KH là dưới 5 triệu, trong khi hạn mức tín dụng mà ngân hàng cấp cho khách hàng là 100 triệu, khách hàng có thể tự mình đặt hạn mức số tiền giao dịch/lần hoặc/ngày là 5 triệu cho đến khi có nhu cầu chi tiêu lớn hơn. Ứng dụng ngân hàng cung cấp cho khách hàng có nhiều tính năng khác nữa, khách hàng có thể quản trị rủi ro thẻ một cách chủ động dù khách hàng đang ở bất kỳ đâu mà không cần phải liên hệ trực tiếp với ngân hàng cũng như tự mình xử lý nhanh nhất các tình huống phát sinh để giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra rủi ro. Trong trường phát sinh rủi ro (như thất lạc, mất thẻ/ đã cung cấp thông tin thẻ cho đối tượng giả mạo,…)/nghi ngờ có rủi ro hoặc thông tin, dữ liệu thẻ của mình có thể đã bị xâm nhập, khách hàng cần lập tức:

- Khóa thẻ thông qua ứng dụng ngân hàng cung cấp cho khách hàng;

- Liên hệ ngay tổng đài hỗ trợ khách hàng 24/7 của các ngân hàng phát hành thẻ để khóa thẻ;

- Liên hệ với Cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ. Việc làm việc với cơ quan Công an sẽ là các bằng chứng để củng cố hồ sơ nhằm bảo vệ quyền lợi khách hàng trước các rủi ro phát sinh.

 
Ông Lê Thanh Hà, Trưởng tiểu ban Rủi ro, Hội Thẻ Việt Nam.

Trưởng tiểu ban Rủi ro, Hội Thẻ Việt Nam cảnh báo khách hàng không nên cung cấp các thông tin như thông tin thẻ (số thẻ, ngày hết hạn, họ tên trên thẻ,…), thông tin cá nhân (số CMND/CCCD), mã OTP, …để tránh các trường hợp giả mạo. Một số thủ đoạn lừa đảo phổ biến như:

- Giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện cho KH với lý do hỗ trợ kiểm tra giao dịch; -Giả danh nhân viên một trang thương mại điện tử nổi tiếng yêu cầu KH cung cấp OTP để hủy giao dịch gian lận không có thật;

- Tiếp cận, chào mời KH rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, dễ dàng đáo hạn hàng tháng hoặc chuyển trả góp với phí, lãi suất thấp hơn để lôi kéo KH và đề nghị KH cung cấp thông tin thẻ;

- Giả mạo lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng như: Bộ Y tế,… gửi thư điện tử chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng chống dịch hoặc thông báo tài khoản của KH có dấu hiệu hoạt động bất thường và hướng dẫn KH cung cấp thông tin thẻ, mã OTP…;

- Mạo danh nhân viên nhà mạng liên hệ và đề nghị hỗ trợ chuyển đổi sim 3G thành sim 4G qua điện thoại. Khi KH làm theo hướng dẫn, đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt được quyền sử dụng số điện thoại, sau đó sử dụng các thông tin cá nhân và số điện thoại di động của KH liên hệ nhà mạng để yêu cầu thay thế SIM, khi đó đối tượng tội phạm nhận được tất cả thông báo về giao dịch thẻ, bao gồm cả OTP;

- Gửi thư điện tử hoặc tin nhắn giả mạo ngân hàng (thư điện tử có chứa tên ngân hàng và chữ ký điện tử của nhân viên ngân hàng) thông báo có chứa các đường link giả mạo, mã độc,… và yêu cầu KH xác nhận giao dịch bằng cách nhập các thông tin thẻ, sau đó sẽ chiếm đoạt các thông tin thẻ của KH để thực hiện các giao dịch gian lận.

Ông Lê Thanh Hà khuyến nghị một số giải pháp để hạn chế rủi ro phát sinh. Cụ thể:

- Thường xuyên kiểm tra thông báo giao dịch thẻ qua tin nhắn gửi qua điện thoại hoặc ứng dụng mà NH cung cấp cho KH để biết được các biến động giao dịch từ thẻ và liên hệ ngay với NH trường hợp giao dịch đó không do KH thực hiện;

- Thường xuyên thay đổi mã PIN, mật khẩu của thẻ và nên tránh các con số dễ đoán/có liên quan đến các thông tin cá nhân như: Ngày tháng năm sinh, số điện thoại,….để tránh việc lộ thông tin cho kẻ xấu lợi dụng;

- Khi giao dịch thẻ tại các thiết bị thanh toán thẻ như: Tại ATM: Quan sát kỹ trước khi thực hiện giao dịch, không giao dịch nếu máy ATM có thiết bị lạ, bất thường. Sử dụng tay che bàn phím khi nhập PIN. Tại POS: Đảm bảo giao dịch phải được thực hiện trong tầm quan sát của KH khi thu ngân thực hiện giao dịch và yêu cầu thu ngân không được sao chụp, ghi lại các thông tin của thẻ. Luôn lấy tay che bàn phím khi nhập mã PIN (nếu được yêu cầu). Chỉ giao dịch tại các website/ứng dụng di động uy tín, các địa chỉ mua hàng tin cậy, bảo mật cao. Lưu ý gõ địa chỉ đường link website đầy đủ vào thanh địa chỉ trong trình duyệt internet thay vì chọn đường link có sẵn hoặc được gợi ý; Tuyệt đối không lưu lại tài khoản đăng nhập và mật khẩu có gắn với thông tin thẻ trên trình duyệt khi giao dịch. Phải đăng xuất thoát khỏi ứng dụng, website khi hoàn thành phiên giao dịch.

* 10h06: Bà Trần Thị An Dung - Giám đốc vùng tại Hà Nội của Ngân hàng Á Châu (ACB) chia sẻ kinh nghiệm phát triển thẻ tín dụng nội địa của ACB tại Việt Nam

Với mong muốn thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam theo định hướng của chính phủ và NHNN và nâng cao trải nghiệm khách hàng được sử dụng sản phẩn dịch vụ của ngân hàng ngày càng đơn giản, linh hoạt và thuận tiện, ACB là một trong những nhà băng đầu tiên tại Việt Nam phát triển và triển khai sản phẩm thẻ tín dụng nội địa vào năm 2017.

 
Bà Trần Thị An Dung - Giám đốc vùng tại Hà Nội của Ngân hàng Á Châu (ACB) chia sẻ kinh nghiệm phát triển thẻ tín dụng nội địa của ACB tại Việt Nam

Qua hơn 5 năm, sản phẩm thẻ tín dụng nội địa của ACB giai đoạn đầu phát triển ở tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và hiện này đã mở rộng ra tất cả các tỉnh thành có đáp ứng nhu cầu khác nhau của nhiều phân khúc khách hàng. Ngoài là một chiếc thẻ thanh toán thay tiền mặt, thẻ tín dụng nội địa của ACB còn cấp hạn mức tín dụng để khách hàng chi tiêu trước, thanh toán sau và hơn thế nữa còn đáp ứng nhu cầu tiền mặt ngắn hạn phục vụ chi tiêu của khách hàng với mức lãi suất ưu đãi vượt trộị.

Theo đó, thẻ tín dụng nội địa được khách hàng hưởng ứng tích cực và có tốc độ tăng trưởng đáng khích lệ. Vị Giám đốc thống kê từ 2017 đến 2021, doanh số giao dịch thẻ tín dụng nội địa có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân khoản 80%/năm.

Đúc kết từ chặng đường đó, bà Dung gói gọn việc phát triển thẻ tín dụng nội địa của ACB trong 3 vấn đề chính:

Thứ nhất là sản phẩm phù hợp. Với vai trò là một chiếc thẻ tín dụng, thẻ tín dụng nội địa của ACB cung cấp đến khách hàng tính năng mua trước - trả sau với thời gian miễn lãi lên đến 45 ngày. Nhờ tính năng này, khách hàng hoàn toàn chủ động chi tiêu trên thẻ và thanh toán lại số tiền đã chi tiêu cho ngân hàng khi đến hạn thanh toán mà không mất bất kỳ chi phí lãi phát sinh. "Việc sử dụng thẻ cho các nhu cầu chi tiêu hàng ngày của khách hàng như là một phương tiện thanh toán thay thế tiền mặt đã dần được hình thành với tiện ích mua trước trả sau này. Đặc biệt nó đã được thúc đẩy mạnh mẽ do dịch bệnh bùng phát trong 2021, người tiêu dùng hạn chế dùng tiền mặt do sợ nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh", bà Dung nói.

Am hiểu nhu cầu khách hàng ngoài việc thanh toán cho các giao dịch chi tiêu hàng ngày, người tiêu dùng còn có nhu cầu mua những mặt hàng tiêu dùng có giá trị lớn như các mặt hàng điện máy (TV, tủ lạnh,…), phương tiện đi lại (xe máy, vé máy bay,…), ACB đã triển khai chương trình trả góp miễn phí ở trên thẻ tín dụng nội địa. Khách hàng sử dụng thẻ tín dụng có thể trả góp 0% lãi, 0% phí tại hơn 200 đối tác ưu đãi của ACB hoặc tại bất kỳ đâu với 0% lãi và phí cực kỳ ưu đãi. Với chương trình này, chủ thẻ có thể chia nhỏ những khoản chi tiêu có giá trị lớn thành các khoản thanh toán nhỏ hơn với kỳ hạn linh hoạt từ 3, 6, 9 hoặc 12 tháng.

Ngoài ra, với việc trải dài trên nhiều địa bàn tỉnh/thành phố khác nhau. Để phục vụ tốt hơn cho các nhu cầu khách hàng của mình, thẻ tín dụng nội địa ACB đi kèm tính năng rút tiền tại ATM hoàn toàn miễn phí với mức lãi suất nằm trong nhóm thấp nhất ở trên thị trường. Từ đó, chủ thẻ có thể sử dụng thẻ như một nguồn tài chính dự phòng, linh hoạt trong việc sử dụng và thanh toán dư nợ bất kỳ khi nào khách hàng có nhu cầu. Đây cũng được đánh giá là một trong những ưu điểm góp phần mạnh mẽ trong việc đẩy lùi tín dụng đen.

Thứ hai là đối tượng khách hàng phù hợp. Đây thực chất là một khoản tín dụng giải ngân qua thẻ và có 3 lợi ích quan trọng. Theo đó, khách hàng có thể tiếp cận những khoản vay nhỏ lẻ với chi phí thấp nhất trên thị trường. Với ngân hàng thì chúng tôi quản lý những khoản vay này an toàn, hiệu quả và thông minh qua hệ thống. Từ đó tiết kiệm chi phí vận hành và hoạt động. Từ đó, ngân hàng cùng khách hàng đã chung tay đẩy lùi tín dụng đen ngoài thị trường, góp phần thúc đẩy môi trường tín dụng lành mạnh và tích cực, xây dựng văn hoá không dùng tiền mặt tại Việt Nam. ACB cũng đang hướng tới phân khúc khách hàng phù hợp. Hiện nay ngân hàng có 3 phân khúc chĩnh là khách hàng nhận lương qua tài khoản tại ACB, khách hàng chủ hộ kinh doanh cá thể (đây là lợi thế của ACB trên thị trường) và khách hàng nằm trong chuỗi các nhà phân phối có quan hệ với ACB. Đây là những nhóm khách hàng có nhu cầu cao trong việc sử dụng thẻ cho mục đích chi tiêu hàng ngày hoăc sử dụng thẻ cho các nhu cầu về kinh doanh cá thể. Do đó, các tính năng của thẻ tín dụng nội địa có thể đáp ứng tối đa nhu cầu cũng như giúp khách hàng hàng tự chủ được dòng tiền trong kinh doanh.

Thứ ba là “đóng gói” sản phẩm phù hợp. Đây là một trong những yêu tố then chốt quyết định đến việc thành công của sản phẩm. Thẻ tín dụng nội địa tại ACB không được bán đến khách hàng như một sản phẩm riêng lẻ mà được đóng gói thành một giải pháp cho khách hàng. Ngân hàng không cung cấp sản phẩm đơn thuần mà là giải pháp tài chính toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp. Mục tiêu của ACB là hướng tới trải nghiệp khách hàng lớn nhất. Theo bà Dung, trong quá trình hoàn thiện, ACB liên tục KYC khách hàng và khảo sát toàn diện độ hài lòng để cải tiến chương trình ưu đãi cũng như về hình thức thẻ của ACB. Qua đây, bà Trần Thị An Dung cũng như ngân hàng ACB gửi đi thông điệp rằng thẻ tín dụng nội địa là sản phẩm thanh toán phù hợp, tiện ích cho khách hàng với chi phí thấp nhất. Mang lại lợi ích cho ngân hàng giải ngân tín dụng một cách an toàn và hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Thêm vào đó, thực chất thẻ tín dụng là một khoản giải ngân qua thẻ và chúng ta cùng chung tay để đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen và lành mạnh hoá hoạt động, văn hoá tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam. Vị Giám đốc cho biết: "ACB cam kết với NHNN là cùng NAPAS triển khai mạnh thẻ tín dụng nội địa trong 3 đến 5 năm tới. Chúng tôi dự kiến tốc độ tăng trưởng và doanh số thẻ tín dụng nội địa sẽ tốt hơn trong giai đoạn 5 năm vừa rồi." ACB đề xuất với NAPAS xem xét lại về phí Intercharge. Bà Dung thể hiện mong muốn và nỗ lực của ACB là tiếp cận nhiều khách hàng hơn để hỗ trợ tài chính toàn diện. Đặc biệt ACB muốn gắn kết chặt chẽ và mang đến trải nghiệm tốt nhất tới khách hàng. Từ đó ẩy mạnh thương hiệu của ACB và NAPAS trên thị trường thẻ nội dịa Việt Nam.

 
Các đại biểu tham luận tại hội thảo

* 10h00: Ông Phạm Đăng Khoa – Giám đốc Trung tâm thẻ VietinBank chia sẻ:

Trong thời gian qua, VietinBank đã tiên phong gỡ bỏ toàn bộ chi phí cho khách hàng, gọi là đại tiệc phí, như phí thường niên, phí tin nhắn khi sử dụng chúng tôi cũng miễn cho khách hàng. Đây là một trong những áp lực rất lớn về mặt kinh doanh. Tuy nhiên, để phát triển hạ tầng thanh toán bền vững, lâu dài, tăng tiện ích cho khách hàng, chúng tôi cũng chấp nhận đầu tư. Bây giờ khách hàng không phải ra quầy, điền đơn này kia thì sắp tới chúng tôi sẽ thực hiện tất cả trên online. Với kinh nghiệm của chúng tôi, việc rất quan trọng là phải phát triển được hạ tầng chấp nhận thanh toán tốt, triệt để, mang lại tiện ích tối đa cho khách hàng.

Chúng tôi đã làm mới lại toàn diện các dòng thẻ của mình. Động lực của chúng tôi là thẻ quốc tế làm được cái gì thì thẻ Việt Nam cũng làm được cái đó. Từ công nghệ mới lạ đến thiết kế sành điệu.

Ông Phạm Đăng Khoa chia sẻ trong thời gian vừa qua, với sự hỗ trợ kịp thời từ Ngân hàng Nhà nước, cụ thể lài thông tư 17, sửa đổi thông tư 19 trước đây, qua đó Ngân hàng Nhà nước giúp chúng tôi tự tin là có thể triển khai cấp/phát hành thẻ online; giúp các ngân hàng Việt Nam tăng tiện ích và trải nghiệm cho khách hàng.

 
Ông Phạm Đăng Khoa – Giám đốc Trung tâm thẻ VietinBank chia sẻ tại hội thảo.

VietinBank đã chung tay cùng Napas phát triển những dòng thẻ nội địa, thì thấy rằng chi phí tiết giảm rất nhiều so với dùng thẻ của các tổ chức thẻ quốc tế. Chi phí hợp lý như vậy, nên chi phí dành cho chủ thẻ cũng rất hấp dẫn. Chúng tôi miễn rất nhiều chi phí cho chủ thẻ. Chất lượng dịch vụ khi triển khai với các công ty chuyển mạch trong nước như napas cũng rất tốt. Bởi vì khi hợp tác với các công ty nước ngoài thì các ngân hàng phải thực hiện rất nhiều kết nối, mà không phải lúc nào chất lượng kết nối cũng ổn định được.

Ông Phạm Đăng Khoa chia sẻ một nghịch lý:

Khi sử dụng thẻ tín dụng quốc tế, chúng ta sẽ phải trả những chi phí rất lớn cho thẻ tín dụng quốc tế. Các tổ chức thẻ quốc tế có rất nhiều cách thu phí, mà chúng tôi hay gọi là ma trận, phí chồng phí. Các ngân hàng Việt Nam đang phải trả rất nhiều chi phí cho các tổ chức thẻ quốc tế. Chủ thẻ cũng phải trả rất nhiều phí cho các tổ chức thẻ. Rất nhiều người Việt đang sử dụng thẻ quốc tế chứ không phải các loại thẻ của Việt Nam cho các mục đích tiêu dùng trong nước. Đó là bài toán mà chúng ta sẽ phải giải. Làm thế nào để các chủ thẻ sử dụng các loại thẻ nội địa?

* 9h30: Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam

Là định chế tài chính hàng đầu tại Việt Nam, ông Tô Đình Tơn - Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết trong suốt những năm qua, Agribank tự hào đã tham gia và đóng góp tích cực, hiệu quả trong đẩy mạnh triển khai Đề án thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN, đặc biệt trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, Agribank được đánh giá là ngân hàng tiên phong trong đầu tư và cung ứng dịch vụ thẻ, dịch vụ ATM tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng nhu cầu của người dân không chỉ địa bàn đô thị mà cả khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa với bình quân 3 ATM/huyện.

Trăn trở trước thực trạng tín dụng đen và chia sẻ khó khăn với người dân, đặc biệt là bà con nông dân và tầng lớp yếu thế trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn trong tiếp cận vốn vay và sử dụng các dịch vụ tài chính vi mô, từ năm 2019, Agribank đã nghiên cứu và triển khai thành công Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường này kết hợp phát hành thẻ với cấp hạn mức thấu chi qua thẻ không có bảo đảm bằng tài sản với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện. Từ đó người dân có thể dễ dàng tiếp cận khoản vay nhằm đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu. Như thanh toán điện, nước, điện thoại, chuyển học phí cho con em cũng như phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày, đặc biệt là nhu cầu thanh toán đầu vào vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc trừ sâu...) với hạn mức thấu chi lên đến 30 triệu đồng trong thời hạn 12 tháng,…

Theo ông Tơn, Agribank vô cùng quan tâm đến đầu tư, trang bị miễn phí thiết bị POS và miễn phí chiết khấu để khuyến khích phát triển mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn trong cung ứng vật tư đầu vào và thu mua nông sản đầu ra của bà con nông dân. "Việc triển khai Đề án có vai trò và ý nghĩa chính trị, kinh tế xã hội hết sức quan trọng trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Từ đó tạo cơ hội cho người dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng như các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại, góp phần lành mạnh hóa thị trường tài chính vi mô, hạn chế và đầy lùi nạn tín dụng đen đặc biệt trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn", Phó Tổng giám đốc bày tỏ.

Bên cạnh đó, đây cũng là nội dung quan trọng trong thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 theo Quyết định 149/QĐ-TTg ngày 22.1.2020 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng mục tiêu là những người chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Ông Tơn vui mừng vì một số đối tượng có thể kể ra là người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác,… có cơ hội tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu với chi phí hợp lý.

"Đến nay dù thời gian triển khai chưa dài nhưng Đề án đã đạt được những kết quả quan trọng với hơn 430.000 thẻ được phát hành, trên 2.500 tỉ đồng hạn mức thấu chi được cấp và trên 5.000 thiết bị POS được lắp đặt, nâng tổng số thiết bị POS tại địa bàn nông nghiệp nông thôn lên gần 15.000 thiết bị. Kết quả được khách hàng, lãnh đạo các ban ngành địa phương, các chi nhánh trong toàn hệ thống Agribank ủng hộ và đánh giá cao", ông Tơn tự hào cho biết.

Các cơ quan báo chí quan tâm đưa tin, quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ đó hiệu ứng được lan toả tích cực trong đời sống xã hội của người dân, khẳng định vai trò của Agribank trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và đồng hành cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu lành mạnh hóa thị trường tín dụng vi mô, hạn chế, đẩy lùi nạn “tín dụng đen” trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn.

 
Ông Tô Đình Tơn - Phó Tổng giám đốc Agribank phát biểu tại hội thảo

Tại Hội thảo “Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông nghiệp nông thôn” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức vào tháng 12/2021, Đề án đã được Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ghi nhận và đánh giá rất cao về tính sáng tạo của Agribank trong việc triển khai phương thức cấp tín dụng qua thẻ. Đề án vừa đảm bảo kiểm soát được quá trình sử dụng tiền vay vừa giúp khách hàng tiếp cận được nguồn vốn vay chính thức với thủ tục đơn giản, dễ dàng và là mô hình sáng tạo để nhân rộng trong thời gian tới. Với phương châm "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", cũng như với mong muốn tạo ra những "Sản phẩm Việt cho người Việt", đặc biệt là tiết giảm chi phí trong đó có phí Interchange phải trả các Tổ chức thẻ quốc tế, ngoài sản phẩm thẻ thấu chi, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của NHNN, sự hỗ trợ tích cực về mặt kỹ thuật của Napas, sau một thời gian nghiên cứu, phát triển, từ đầu năm 2022, Agribank đã chính thức triển khai sản phẩm thẻ tín dụng nội địa "Lộc Việt" với các đặc trưng cơ bản sau:

Thứ nhất, đây là sản phẩm ứng dụng công nghệ thanh toán hiện đại nhất hiện nay trên cơ sở tích hợp hai ứng dụng thẻ ”debit” và ”credit” trên cùng một con chip, góp phần tiết giảm chi phí phôi thẻ và giúp khách hàng chủ động, linh hoạt trong việc thanh toán mà không phải cầm theo quá nhiều thẻ.

Thứ hai, sản phẩm vừa là phương tiện thanh toán, vừa là công cụ tài chính với lợi thế chi tiêu trước, trả tiền sau với thời gian ân hạn lên đến 55 ngày bên cạnh hàng loại chính sách ưu đãi hấp dẫn của Agribank dành cho khách hàng như: Miễn phí phát hành thẻ, phí thường viên, phí ứng/rút tiền mặt, lãi suất thấp,...

Thứ ba, cho vay không có bảo đảm bằng tài sản với hạn mức tín dụng lên đến 30 triệu đồng, hồ sơ, thủ tục đơn giản, thao tác thuận tiện trên nhiều kênh thanh toán tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng.

Thứ tư, đối tượng thụ hưởng phong phú. Bên cạnh phân khúc khách hàng chính là bà con nông dân, còn có học sinh, sinh viên các trường Học viện, Đại học, Cao Đẳng, Trung học chuyên nghiệp; khách hàng sử dụng điện của Tập đoàn điện lực EVN; khách hàng sử dụng dịch vụ trả lương qua tài khoản tại Agribank.

Với các đặc trưng nêu trên, ông Tơn tin tưởng sâu sắc rằng thẻ Lộc Việt sẽ là mảng ghép quan trọng giúp Agribank hoàn thiện và nâng cao hiệu quả triển khai Đề án NNNT trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Từ đó góp phần xây dựng hệ sinh thái khép kín qua ngân hàng giữa khách hàng sử dụng thẻ và các nhà cung ứng sản phẩm dịch vụ. Mở rộng mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các đơn vị cung cấp dịch vụ công, như điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí... và các đơn vị/cá nhân cung ứng vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản.

Về tiềm năng phát triển, Phó Tổng giám đốc thống kê rằng Agribank đang có trên 16 triệu thẻ ghi nợ nội địa đang hoạt động (Active Card). Trong số đó có hơn 10 triệu thẻ địa bàn nông nghiệp, nông thôn và gần 5.000 điểm bán hàng chấp nhận thẻ tại địa bàn này trên toàn quốc. Bao gồm cả các đơn vị cung ứng dịch vụ công (điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí,…), các cửa hàng, đại lý cung ứng dịch vụ, vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản và các tiệm tạp hóa. Với tệp khách hàng gần 27 triệu hộ gia đình, trong đó có khoảng 5 triệu hộ đang có quan hệ vay vốn tại các chi nhánh, phòng giao dịch của Agribank và khoảng 2,5 triệu sinh viên toàn quốc. Đây được coi là nền tảng vững chắc và lợi thế riêng có để Agribank đẩy mạnh phát hành thẻ Lộc Việt, song song với việc tiếp tục chú trọng đầu tư trang bị, mở rộng, nâng cao chất lượng mạng lưới chấp nhận thẻ và thiết bị đầu cuối, đưa các dịch vụ ngân hàng hiện đại đến với bà con và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn.

Theo ông, mục tiêu của ngân hàng trong năm 2022 là phát hành tối thiểu mỗi hộ gia đình 1 thẻ Lộc Việt cho số hộ đang có quan hệ tín dụng với Agribank và hàng triệu sinh viên các trường Học viện, Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp. Agribank triển khai thành công mô hình AutoBank theo hướng dần thay thế ATM truyền thống bằng dòng ATM đa chức năng (CDM). Mô hình mới sẽ cho phép khách hàng rút và gửi tiền trực tuyến cùng với việc triển khai dịch vụ ngân hàng số trong lĩnh vực thẻ tới đây cho phép khách hàng đăng ký và sử dụng trực tuyến các dịch vụ ngân hàng hiện đại (đăng ký CIF, mở Tài khoản, đăng ký phát hành thẻ, đăng ký dịch vụ vay vốn cá nhân) bằng công nghệ sinh trắc học cả khuôn mặt và vân tay. Ngân hàng hướng tới số hóa toàn bộ dịch vụ thẻ và dần thay thế các phòng giao dịch hoạt động kém hiệu quả cũng góp phần đem lại thành công cho sản phẩm thẻ Lộc Việt.

Phó Tổng giám đốc Tô Đình Tơn nhận thấy cách mạng công nghiệp 4.0 và số hóa nền kinh tế đang đặt ra những khó khăn, thách thức song cũng mở ra không ít cơ hội. Đó là sự chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân trong thanh toán không dùng tiền mặt; sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, NHNN trong đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia trong đó có tài chính vi mô; sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng thanh toán, hạ tầng công nghệ (phủ sóng 4G, 5G, Smart phone giá rẻ...) và Việt Nam là nước đông dân với đặc trưng văn hóa ẩm thực và shopping vỉa hè. Với đặc thù và ưu thế về mạng lưới, tệp khách hàng địa bàn nông nghiệp, nông thôn và nỗ lực của toàn hệ thống Agribank, ông Tơn bày tỏ hy vọng rằng sản phẩm thẻ Lộc Việt sẽ thực sự đi vào cuộc sống, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, hạn chế và đẩy lùi tín dụng đen đặc biệt trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn.

"Sản phẩm thẻ Lộc Việt một lần nữa cũng khẳng định cam kết của Agribank là một định chế tài chính hiện đại, có trách nhiệm trong định hướng và dẫn dắt thị trường tài chính ngân hàng nói chung, thị trường thanh toán nói riêng phát triển và phát triển bền vững vì một nước Việt Nam phát triển, phồn thịnh", ông Tơn nói thêm.

* 9h21: Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam

Ngày 28.10.2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, trong đó có nhiệm vụ phát triển dịch vụ thẻ ngân hàng, cung ứng các dịch vụ gia tăng khác; tập trung triển khai hoàn thành chuyển đổi thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ chip, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán thẻ, gia tăng dịch vụ, tạo thuận lợi kết nối với các hệ thống thanh toán khác; nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 để da dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán (trong đó có dich vụ thẻ ngân hàng) trên nền tảng số hóa, đảm bảo an toàn, bảo mật, mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng.

 
Ông Lê Văn Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN

Theo thống kê, đến 31.12.2021, có 12/46 tổ chức phát hành thẻ (TCPHT) phát hành thẻ tín dụng nội địa (tăng 50% về số lượng so với năm 2019). Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến 31.12.2021 đạt trên 475 nghìn thẻ (tăng 61,7% so với cuối năm 2019). Trong giai đoạn 5 năm 2017-2021, số lượng thẻ tín dụng nội địa đạt mức tăng trưởng bình quân 23,2%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,18%/năm.

Ông Lê Văn Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho rằng thời gian qua, các TCPHT đã chủ động, sáng tạo nghiên cứu, phát hành, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thẻ nội địa gắn với thương hiệu thẻ của Việt Nam, trong đó có thẻ nội địa là một điểm sáng. Nỗ lực này của TCPHT nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy tài chính toàn diện để bao phủ dịch vụ thanh toán, tín dụng đến số đông người dân và giảm chi phí chấp nhận, sử dụng thẻ cho các đơn vị chấp nhận thẻ (ĐVCNT), chủ thẻ tại Việt Nam theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của mọi người dân, doanh nghiệp. Phó Vụ trưởng điểm qua một số lợi ích, tiềm năng của thẻ tín dụng nội địa gắn với công năng lưỡng dụng vừa là công cụ thanh toán vừa đáp ứng nhu cầu tín dụng.

Thứ nhất, về khía cạnh tài chính toàn diện, hiện nay nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực thành thị đã được tiếp cận rộng rãi, thường xuyên sử dụng sản phẩm, dịch vụ thẻ tín dụng. Tuy nhiên, còn rất nhiều người dân sống, làm việc ở vùng nông thôn, có thu nhập ổn định, khả năng trả nợ và có nhu cầu tiếp cận, sử dụng dịch vụ tài chính cá nhân như chi trả sinh hoạt hàng ngày, thanh toán hóa đơn, chuyển tiền, thanh toán mua hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điển tử trong nước, đóng bảo hiểm… Nhưng họ chưa được tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ hữu ích này. Đây là phân khúc khách hàng, sản phẩm rất tiềm năng cho các TCPHT khai phá.

Ông Tuyên nhận thấy một số tiện ích, tính năng của thẻ tín dụng nội địa có thể là điểm hấp dẫn nhóm khách hàng phổ thông hoặc lần đầu tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Có thể kể ra như: thủ tục mở thẻ đơn giản, thời gian miễn lãi dài từ 45 đến 55 ngày và được chấp nhận thanh toán trên mạng lưới thanh toán thẻ chip ghi nợ nội địa sẵn có của TCPHT. Qua đó, khách hàng dễ dàng mở thẻ, nhanh chóng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng với chi phí hợp lý, thông tin minh bạch, quyền lợi khách hàng được đảm bảo, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính toàn diện và hỗ trợ góp phần đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen.

Thứ hai, thẻ tín dụng nội địa góp phần hoàn thiện danh mục sản phầm, dịch vụ, mở rộng đối tượng khách hàng, phát triển hệ sinh thái thanh toán của các của các TCPHT, tổ chức chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử. "Việc NHNN ban hành quy định lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip đối với thẻ nội địa đã tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, tiêu chuẩn kỹ thuật giúp thẻ tín dụng nội địa phát triển. Hiện tất cả các TCPHT đã phát hành thẻ tín dụng nội địa theo tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, đảm bảo các yêu cầu an toàn, bảo mật cho khách hàng trong quá trình sử dụng thẻ, gia tăng các tiện ích sử dụng thẻ trong các hệ sinh thái đa dạng", ông Tuyên nhận định.

Theo ông, việc đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa góp phần có thêm sản phẩm, dịch vụ mới, là công cụ quảng bá, tiếp cận hiệu quả cho phân khúc khách hàng thu nhập thấp hoặc trung bình có nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính cơ bản nhưng chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ. Vừa qua, một số TCPHT đã phối hợp phát triển các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa với nhiều tiện ích, tính năng như ứng dụng công nghệ thẻ chip tiếp xúc và phi tiếp xúc, tính năng thẻ ghi nợ/thẻ tín dụng được gắn trên một tấm thẻ (Contact và Contactless Dual - Card), thanh toán giao thông công cộng nhanh chóng, thuận tiện (trả tiền xe buýt điện và Metro trong tương lai…) đem lại những tín hiệu tích cực cho sự thành công của dòng sản phẩm thẻ tiềm năng này trong thời gian tới.

 
Toàn cảnh hội thảo

Thứ ba, việc phát triển thẻ tín dụng nội địa góp phần giảm chi phí sử dụng thẻ cho khách hàng như phí phát hành, phí thường niên (miễn phí hoăc có mức phí cạnh tranh so với dòng thẻ quốc tế…). Đặc biệt là cung cấp thêm lựa chọn thanh toán cho thị trường với chi phí chấp nhận thanh toán có thể “rẻ hơn” cho đơn vị chấp nhận thẻ. Lợi ích chi phí như trên là cơ sở để các TCPHT, tổ chức thanh toán thẻ (TCTTT) có thể nghiên cứu, xây dựng các chương trình ưu đãi, khuyến mại cho khách hàng, thu hút hơn nữa khách hàng mở và sử dụng thẻ tín dụng nội địa.

Thứ tư, phát triển thẻ tín dụng nội địa là một bước tiến nữa khẳng định thương hiệu thẻ thuần Việt Nam sử dụng công nghệ, hạ tầng thanh toán trong nước, đồng tiền Việt Nam để kết nối, xử lý thanh toán an toàn, tin cậy, thông suốt cho mọi tình huống cho các TCPHT, TCTTT tại Việt Nam. Ông Tuyên kỳ vọng từ câu chuyện thanh công từ việc phát triển thẻ tín dụng nội địa từ một số thị trường quốc tế như Ấn Độ (với thẻ nội địa mang thương hiệu RUPAY), Hàn Quốc (thẻ BC Card),… sẽ là niềm cảm hứng cho các TCPHT tại Việt Nam. Từ đó, TCPHT sẽ có hướng đi đúng đắn, chiến lược bài bản, cách phát triển phù hợp với thực tế, điều kiện thị trường trong nước để phát triển thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam hiệu quả, bền vững, đem lại lợi ích thiết thực, giá trị mới cho người dân và doanh nghiệp.

* 9h05: Tầm quan trọng của thẻ tín dụng nội địa và thanh toán không dùng tiền mặt

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Ngọc Hiển - Uỷ viên đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Lao Động - gửi lời cảm ơn tới các quý vị khách quý, các đại biểu đến tham dự Hội thảo “Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam” do báo Lao Động, Ngân hàng Nhà nước và NAPAS tổ chức.

 
Ông Nguyễn Ngọc Hiển - Uỷ viên đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Lao Động phát biểu khai mạc hội thảo.

Theo ông Hiển, Việt Nam là thị trường tiềm năng với gần 100 triệu dân. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và phổ cập chính toàn diện ở Việt Nam là hai trong số những trọng tâm mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đặc biệt quan tâm. Suốt 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy người dân dần thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng tiền mặt và chuyển sang sử dụng thẻ tín dụng trong mua sắm, chi tiêu. Sự ra đời của Thẻ tín dụng nội địa do NAPAS phối hợp các ngân hàng và công ty tài chính Việt Nam phát hành như một mũi tên trúng hai đích: Vừa là phương tiện thanh toán, vừa là công cụ giải ngân tín dụng. Thẻ tín dụng nội địa được thiết kế riêng để phù hợp với thị trường Việt Nam và có ưu đãi tương tự như thẻ quốc tế.

Tổng Biên tập Báo Lao Động khẳng định, hội thảo hôm nay hướng đến mục tiêu giúp người dân hiểu về lợi ích của dùng thẻ tín dụng nội địa và tạo diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý bàn luận, tìm giải pháp để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện chiến lược phổ cập tài chính toàn diện ở Việt Nam. Với ngân hàng thì đây là chuyển đổi phương thức giao dịch, làm việc để giải bài toán nhân sự, hiệu quả phụ vụ và công việc. Với toàn quốc thì việc này có vai trò rất lớn và nằm trong chiến lược Chuyển đổi số quốc gia.

 
Hội thảo Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam
Trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy người dân dần thay đổi nhận thức, thói quen và sử dụng thẻ tín dụng nhiều hơn trong mua sắm, chi tiêu. Tính đến 30.6.2021, số lượng thẻ phát hành mới tăng 28% và tổng doanh số sử dụng thẻ đạt 224.163 tỉ VNĐ, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.

Vì thế, sự ra đời của thẻ tín dụng nội địa do NAPAS phối hợp các ngân hàng và công ty tài chính Việt Nam phát hành đáp ứng được nhu cầu lớn từ thị trường đồng thời được coi là kênh tiếp cận tín dụng chính thức từ ngân hàng/tổ chức tài chính. Thẻ tín dụng nội địa cũng được coi là bước đầu tiên trong xu hướng công nghệ mới trong lĩnh vực thanh toán.

Thực tế đã chứng minh việc đẩy mạnh thẻ tín dụng nội địa mang lại lợi ích cho toàn nền kinh tế. Một mặt vừa tránh lệ thuộc tổ chức thanh toán nước ngoài, mặt khác thúc đẩy ngân hàng sớm hoàn thiện và làm chủ hệ thống thanh toán, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây cũng là công cụ tốt để đẩy lùi hoạt động tín dụng đen.

Tuy nhiên, cho đến nay số lượng khách hàng biết và sử dụng thẻ tín dụng nội địa còn chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường gần 100 triệu dân ở Việt Nam.

Bài toán đặt ra lúc này là làm cách nào để người dân hiểu về lợi ích của việc sử dụng thẻ tín dụng nội địa và sẽ thay đổi thói quen, ưu tiên dùng sản phẩm thẻ tín dụng của Việt Nam, từ đó góp phần đẩy lùi tín dụng đen, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, và phổ cập tài chính toàn diện, chuyển đổi số theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước?  Đây cũng chính là mục tiêu để báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và NAPAS tổ chức hội thảo: “Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam”.

Hội thảo sẽ do ông Phạm Tiến Dũng – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chủ trì. Đại diện Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước; đại diện Hội thẻ Việt Nam; Đại diện NAPAS; Đại diện lãnh đạo các ngân hàng như VietinBank, Agribank… và nhiều chuyên gia sẽ trình bày tham luận, làm rõ nhu cầu sử dụng thẻ tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam cũng như tiềm năng và giải pháp để phát triển thẻ tín dụng nội địa trong tương lai.

Hội thảo được truyền hình trực tiếp trên Báo Lao Động điện tử (laodong.vn), fanpage Báo Lao Động và Báo Chính phủ (baochinhphu.vn), fanpage của Báo Chính phủ.

 
Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN

Tài chính thông minh: Thoát khỏi "ngục tối" nợ nần

Hải Linh |

Mắc nợ thì dễ, thoát khỏi cảnh nợ nần mới khó. Trong chương trình Tài chính thông minh số 5, chuyên gia giáo dục tài chính và truyền thông Hoàng Hồng Hạnh đến từ DSIK Đông Nam Á sẽ cùng quý vị lập kế hoạch thoát khỏi "ngục tối" nợ nần.

Giá vàng chưa dứt đà lao dốc, giá dầu quay đầu hồi phục

Khương Duy |

Giá vàng trưa nay (10.3) nối tiếp chuỗi giảm sâu. Sau phiên giao dịch lao dốc chiều qua, giá dầu thế giới trưa nay quay đầu tăng nhẹ, vượt ngưỡng 110 USD/thùng.

Cần thiết đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam

Bích Hà |

Nhằm giúp người dân hiểu về lợi ích của thẻ tín dụng nội địa, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, tạo diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý bàn luận, tìm giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, sáng 11.3, Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức hội thảo “Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam”. Hội thảo sẽ được truyền hình trực tiếp trên Báo Lao Động điện tử (laodong.vn), fanpage Báo Lao Động và Báo Chính phủ (baochinhphu.vn), fanpage của báo Chính phủ.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Thái Bình: Cả làng đỏ lửa nướng cá ngày đêm vẫn không đủ hàng bán Tết

Nguyễn Thúy |

Cận kề Tết Nguyên đán, làng nướng cá nổi tiếng ở Thái Xuyên (Thái Bình) luôn tất bật với các lò than đỏ hồng, hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ cá nướng vàng óng, săn chắc, thơm nức phục vụ khách hàng dịp cuối năm.

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.

Tài chính thông minh: Thoát khỏi "ngục tối" nợ nần

Hải Linh |

Mắc nợ thì dễ, thoát khỏi cảnh nợ nần mới khó. Trong chương trình Tài chính thông minh số 5, chuyên gia giáo dục tài chính và truyền thông Hoàng Hồng Hạnh đến từ DSIK Đông Nam Á sẽ cùng quý vị lập kế hoạch thoát khỏi "ngục tối" nợ nần.

Giá vàng chưa dứt đà lao dốc, giá dầu quay đầu hồi phục

Khương Duy |

Giá vàng trưa nay (10.3) nối tiếp chuỗi giảm sâu. Sau phiên giao dịch lao dốc chiều qua, giá dầu thế giới trưa nay quay đầu tăng nhẹ, vượt ngưỡng 110 USD/thùng.

Cần thiết đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam

Bích Hà |

Nhằm giúp người dân hiểu về lợi ích của thẻ tín dụng nội địa, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, tạo diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý bàn luận, tìm giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, sáng 11.3, Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức hội thảo “Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam”. Hội thảo sẽ được truyền hình trực tiếp trên Báo Lao Động điện tử (laodong.vn), fanpage Báo Lao Động và Báo Chính phủ (baochinhphu.vn), fanpage của báo Chính phủ.