Tín dụng xanh dành cho cá nhân, hướng tới thị trường tiêu dùng bền vững

Lê Vũ Minh - Giám đốc Khối tư vấn nghiệp vụ doanh nghiệp tại FPT Digital |

Tín dụng xanh dành cho cá nhân được hiểu là các sản phẩm, dịch vụ tài chính được thiết kế để khuyến khích, hỗ trợ người tiêu dùng (NTD) thực hiện các hành vi mua sắm, tiêu dùng theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường.

Bên cạnh nhóm tổ chức doanh nghiệp, khách hàng cá nhân cũng là nhóm quan trọng của tín dụng xanh, đóng vai trò là huyết mạch trong việc thúc đẩy các hoạt động kinh tế hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Nhu cầu tín dụng xanh từ góc nhìn người tiêu dùng

Người tiêu dùng, đặc biệt là NTD trẻ hiện nay ngày càng thể hiện rõ mong muốn tiêu dùng có trách nhiệm, hướng tới bảo vệ môi trường. Với ngày càng nhiều quốc gia đặt ra mục tiêu Net Zero, đây trở thành một mối quan tâm toàn cầu. Theo Statista, khách hàng sẵn lòng trả thêm 30% cho các sản phẩm, dịch vụ bền vững về môi trường và lựa chọn ngân hàng dựa trên tiêu chí về môi trường - xã hội.

Khảo sát với 2.501 NTD tại Mỹ cho thấy, sự quan tâm đến các sản phẩm tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu đang ngày càng tăng, với 40% thể hiện mong muốn sử dụng các sản phẩm này. Đa số NTD coi điều này là một thay đổi lớn trong hành vi và họ có xu hướng chi tiêu cho các sản phẩm tài chính xanh của ngân hàng. Khảo sát này cũng chỉ ra rằng, NTD bất kể thu nhập, nơi sinh sống đều quan tâm tới các sản phẩm xanh.

Vào năm 2020, Ngân hàng Tandem của Vương quốc Anh ghi nhận rằng, hơn 60% NTD sẽ chuyển ngân hàng nếu một đối thủ cạnh tranh cung cấp cho họ một sản phẩm hoặc dịch vụ xanh và có trách nhiệm với môi trường hơn. Hơn nữa, 50% cho biết họ sẽ chuyển tiền tiết kiệm của mình vào một tài khoản ngân hàng chỉ đầu tư vào các mục đích xanh.

Điều này yêu cầu các tổ chức tài chính, tín dụng đưa ra cam kết tương ứng nếu muốn được NTD lựa chọn. Nhiều tổ chức tín dụng trên thế giới và tại Việt Nam đã triển khai các sản phẩm tài chính xanh để đáp ứng NTD. Các sản phẩm tài chính xanh đáng chú ý thu hút được thị hiếu của người tiêu dùng bao gồm:

Một là, tiền gửi xanh: Tiền gửi xanh, khác biệt với tiền gửi thông thường, là nguồn vốn được ngân hàng dành cho các hoạt động tín dụng xanh, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về trái phiếu xanh và nguyên tắc tín dụng xanh. Đây là một sản phẩm hiệu quả để hỗ trợ các lĩnh vực xanh như năng lượng tái tạo, quản lý chất thải và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Năm 2021, Ngân hàng HSBC tại Việt Nam đã giới thiệu chương trình “Tiền gửi xanh”, khuyến khích khách hàng đầu tư tiền gửi vào các dự án thân thiện với môi trường, mang lại lợi nhuận ổn định và minh bạch thông tin. Định kỳ, khách hàng được cung cấp báo cáo quý về danh mục đầu tư liên quan đến việc sử dụng nguồn tiền gửi.

Hai là, thanh toán xanh: Bộ Môi trường Hàn Quốc và Viện Công nghệ & Môi trường Hàn Quốc (KEITI) đã giới thiệu Thẻ Tín dụng Xanh, khuyến khích người dùng lựa chọn lối sống carbon thấp (khuyến khích người dùng sử dụng các dịch vụ, sản phẩm than thiện với môi trường, ít phát thải carbon).

Người sở hữu Thẻ Tín dụng Xanh sẽ nhận được điểm thưởng khi thực hiện các hành vi thân thiện với môi trường như mua sản phẩm xanh, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hoặc giao dịch không sử dụng giấy. Điểm thưởng này có thể quy đổi thành tiền mặt hoặc quyên góp cho quỹ môi trường. Chủ thẻ cũng được ưu đãi khi sử dụng dịch vụ sạc xe điện và mua phụ tùng ôtô tái chế. Đây là một sáng kiến độc đáo trên quy mô quốc gia, sử dụng nền tảng thẻ tín dụng để khuyến khích các hành vi thân thiện với môi trường và kinh tế.

Tính đến tháng 12.2016, Hàn Quốc đã phát hành hơn 15 triệu thẻ, chiếm 55% dân số lao động có thu nhập. Có tổng cộng 1.957 sản phẩm thân thiện với môi trường được công nhận và 224 doanh nghiệp đã tham gia vào chương trình Thẻ Tín dụng Xanh này.

Ba là, cho vay xanh: Các khoản vay cá nhân xanh được sử dụng cho mục đích mua và lắp đặt thiết bị tiết kiệm năng lượng, xanh hóa nhà cửa và không gian sống cá nhân.

Điểm đặc biệt là chúng thường có lãi suất cạnh tranh hơn, khuyến khích người vay sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng như tấm năng lượng mặt trời, xe điện, hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời, và máy điều hòa không khí tiết kiệm năng lượng.

Bốn là, thế chấp xanh: Cho phép các cá nhân mua bất động sản đáp ứng các tiêu chuẩn năng lượng và môi trường, tập trung vào việc tạo ra các tòa nhà xanh.

Ngân hàng Standard Chartered đã ra mắt sản phẩm “Vay mua nhà xanh” năm 2022 tại Việt Nam, nhằm khuyến khích các cá nhân mua bất động sản đáp ứng tiêu chuẩn năng lượng và môi trường. Sản phẩm này mang lại nhiều ưu đãi hấp dẫn như mức lãi suất thấp, mở rộng kỳ hạn vay, và hỗ trợ phí định giá và dịch vụ pháp lý...

Rào cản trong phát triển tín dụng xanh

Tín dụng xanh có tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam. Tuy nhiên, các bên liên quan cần phải giải quyết các rào cản để NTD có thể tiếp cận tín dụng xanh một cách dễ dàng và hiệu quả.

Hiện nay, các khái niệm về tài chính xanh hay tín dụng xanh vẫn còn tương đối mới với đại bộ phận NTD. Việc chưa biết đến hoặc không hiểu rõ về khái niệm này dẫn tới việc NTD chưa tận dụng được các lợi ích mà tín dụng xanh, tài chính xanh mang lại.

Bên cạnh đó, thông tin về các sản phẩm và dịch vụ tài chính xanh vẫn còn hạn chế và chưa được truyền thông một cách rộng rãi và chi tiết. Thực tế cho thấy vẫn tồn tại một số quan niệm sai lầm rằng, tín dụng xanh chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp lớn và các thủ tục vay vốn phức tạp. Những rào cản này đã khiến người tiêu dùng cuối chưa có niềm tin vào các sản phẩm xanh của tổ chức tín dụng. Rào cản về nhận thức tạo ra bước khởi đầu khó khăn cho việc thúc đẩy và phát triển tín dụng xanh ở Việt Nam.

Còn một vấn đề khác là các sản phẩm tín dụng xanh đang thiếu sự đa dạng, quy mô còn yếu so với các sản phẩm tín dụng truyền thống. Dư nợ tín dụng mới chủ yếu tập trung vào năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%) trên 12 lĩnh vực xanh.

Theo thống kê của NHNN Việt Nam, tính đến ngày 31.12.2023, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 620.984 tỉ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022, tuy nhiên cũng chỉ chiếm tỉ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Ngoài ra, mức giá trung bình của các hàng hóa xanh thường cao hơn 20-40% so với các loại hàng hóa tiêu dùng cùng loại. Với nhóm các quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp như Việt Nam, yếu tố giá luôn là một trong những ưu tiên khi lựa chọn sản phẩm dịch vụ. Mức giá cao khiến các sản phẩm, dịch vụ xanh khó tiếp cận NTD, tạo ra tác động gián tiếp gây khó khăn cho sự phát triển của tín dụng xanh.

Đáng nói, các ngân hàng, tổ chức tài chính đã có những tiếp cận và xây dựng đội ngũ tư vấn về sản phẩm tín dụng xanh nhưng mức độ đầu tư cho các sản phẩm dịch vụ này mới ở mức cơ bản. Sự thiếu hụt về lực lượng cũng như các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, đào tạo chuyên sâu khiến quá trình triển khai các sản phẩm, dịch vụ tín dụng xanh còn hạn chế.

Bên cạnh đó, một khoảng trống liên quan tới các quy định, tiêu chuẩn về sản phẩm tín dụng xanh cũng khiến quy trình phê duyệt, cấp vốn còn phức tạp.

Về hệ thống, chính sách, thị trường tín dụng xanh tại Việt Nam đã có những bước khởi động, phát triển tích cực. Nhưng rõ ràng, các hành lang pháp ly còn cần được bổ sung, hoàn thiện để thúc đẩy thị trường tín dụng hơn nữa.

Việc cung cấp hướng dẫn rõ ràng về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với từng ngành kinh tế của Việt Nam, sẽ giúp tổ chức tín dụng thực hiện cấp tín dụng xanh một cách hiệu quả hơn.

Các chính sách hỗ trợ phát triển tín dụng xanh vẫn còn hạn chế, chưa đủ để kích thích nhu cầu vay vốn của NTD và giải quyết vấn đề nguồn vốn cho các ngân hàng thương mại.

Do đó, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc ban hành luật lệ và cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp xanh thực hiện hoạt động sản xuất xanh. Từ đó, tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động tín dụng xanh và kích thích nhu cầu tiêu dùng xanh trong xã hội.

Lê Vũ Minh - Giám đốc Khối tư vấn nghiệp vụ doanh nghiệp tại FPT Digital
TIN LIÊN QUAN

Doanh nghiệp đón dòng vốn tín dụng xanh

Đức Mạnh |

Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, bên cạnh các nhóm giải pháp kỹ thuật, các doanh nghiệp cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Doanh nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả sẽ có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, tín dụng xanh.

Agribank quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh

Hiền Hiền |

Agribank là ngân hàng thương mại Nhà nước hàng đầu trong việc triển khai chính sách tam nông của Chính phủ. Tính đến ngày 31.10.2023, tổng tài sản của Agribank đạt hơn 1,96 triệu tỉ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế hơn 1,5 triệu tỉ đồng, trong đó dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 63%.

Dư nợ tín dụng xanh đạt trên 564.000 tỉ đồng

Minh Ánh |

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, đến 30.9.2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564.000 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Tàu hũ hoa anh đào gây sốt vì đẹp nhưng hương vị thua xa tào phớ Việt Nam

Thùy Trang - Thanh Hải |

Trái ngược với vẻ ngoài long lanh, món tàu hũ hoa anh đào gây thất vọng vì hương vị thua cả tào phớ Việt Nam.

Chậm tiến độ, tăng vốn, dự án Khu Resort Golden City vẫn “án binh bất động"

CÔNG SÁNG |

Quảng Bình - Dự án Khu Resort Golden City ở TP Đồng Hới chậm tiến độ, tăng vốn từ 357 tỉ đồng lên hơn 4.500 tỉ đồng nhưng vẫn “án binh bất động" trên khu đất vàng dọc bãi biển nhiều năm nay.

Giá vàng hôm nay 20.4: Ồ ạt sụt giảm, nguy cơ thua lỗ tăng cao

KHƯƠNG DUY |

Giá vàng hôm nay 20.4: Tính đến 9h giá vàng giảm ở cả thị trường trong nước và thế giới. Chênh lệch mua - bán vàng SJC điều chỉnh tăng cao, khiến nhà đầu tư đối diện nguy cơ thua lỗ cao hơn.

Mỏ đá nổ mìn tung bụi trắng xóa trên cao tốc Nha Trang – Cam Lâm

Hữu Long |

Khánh Hòa – Hoạt động từ nổ mìn, xay xát đá của một số mỏ đá đã gây nên bụi mù mịt trên tuyến cao tốc Nha Trang – Cam Lâm.

Tăng liên tiếp 5 tuần, giá vàng sẽ còn lên cao

Ngọc Thiện |

Giá vàng thế giới ổn định vào phiên vừa qua, hướng tới tuần tăng thứ năm liên tiếp.

Doanh nghiệp đón dòng vốn tín dụng xanh

Đức Mạnh |

Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, bên cạnh các nhóm giải pháp kỹ thuật, các doanh nghiệp cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Doanh nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả sẽ có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, tín dụng xanh.

Agribank quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh

Hiền Hiền |

Agribank là ngân hàng thương mại Nhà nước hàng đầu trong việc triển khai chính sách tam nông của Chính phủ. Tính đến ngày 31.10.2023, tổng tài sản của Agribank đạt hơn 1,96 triệu tỉ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế hơn 1,5 triệu tỉ đồng, trong đó dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 63%.

Dư nợ tín dụng xanh đạt trên 564.000 tỉ đồng

Minh Ánh |

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, đến 30.9.2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564.000 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.