Tổng số vốn đã phân bổ đạt 105,43% kế hoạch được giao
Bộ Tài chính vừa có báo cáo về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 8 tháng, ước thực hiện 9 tháng kế hoạch năm 2023.
Theo đó, căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trên 707.000 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2023 (bao gồm, vốn ngân sách trung ương trên 363.763 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương 343.281 tỉ đồng).
Kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương năm 2023 các địa phương giao tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giữ mức 53.808 tỉ đồng, tính đến tháng 9.2023.
Kế hoạch vốn các năm trước chuyển sang là 54.725 tỉ đồng (ngân sách trung ương 29.525 tỉ đồng, ngân sách địa phương 25.200 tỉ đồng).
Như vậy, tổng kế hoạch vốn giao năm 2023 (bao gồm kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao, kế hoạch vốn cân đối địa phương giao tăng, kế hoạch các năm trước chuyển sang) là trên 815.577 tỉ đồng.
Cũng theo Bộ Tài chính cho biết, đến nay, tổng số vốn đã phân bổ là 745.453 tỉ đồng, đạt 105,43% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (trên 707.044 tỉ đồng). Nếu không tính số vốn các địa phương giao tăng, thì tổng số vốn đã phân bổ là trên 691.645 tỉ đồng, đạt 97,82% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Theo Bộ Tài chính, hiện còn 21 bộ, cơ quan trung ương và 27 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 15.3989 tỉ đồng, chiếm 2,18% kế hoạch, trong đó vốn trong nước là 13.840 tỉ đồng, vốn ngoài nước là 1.558 tỉ đồng.
Riêng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội chưa phân bổ là trên 6.806 tỉ đồng (chiếm 5,23% số vốn thuộc Chương trình năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao).
Điểm tên những nguyên nhân khiến chưa phân bổ hết vốn
Báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chưa phân bổ hết vốn.
Đối với nguồn vốn ngân sách trung ương, bao gồm vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trong nước chủ yếu là các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa đủ điều kiện để giao chi tiết vốn năm 2023.
Một số bộ, cơ quan trung ương như Bộ Lao động và Thương binh xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề nghị cắt giảm khỏi Chương trình trên do không có nhu cầu thực hiện, với con số 1.446 tỉ đồng.
Theo Bộ Tài chính, các dự án công nghệ thông tin gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư do có tính chất phức tạp về mặt kỹ thuật và công nghệ như dự án của Kiểm toán nhà nước, Bộ Tài chính.
Một số dự án trọng điểm của địa phương chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, thủ tục điều chỉnh dự án như: Cao tốc Cao Bằng - Lạng Sơn, tỉnh Cao Bằng; dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn; dự án hầm Hoàng Liên, tỉnh Lai Châu...
Nguồn vốn nước ngoài chưa phân bổ hết do chưa hoàn thành thủ tục ký hiệp định vay như Quảng Trị, Phú Yên, Lào Cai...