Kinh tế duy trì đà tăng trưởng
Ngày 28.9, UBND TPHCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho phần còn lại của năm 2023.
Theo ông Phạm Trung Kiên - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng thành phố đã làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quí III/2023 ước tăng 6,71%, 9 tháng ước tăng 4,57% so với cùng kì. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tăng 3,2%; 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 5,8%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 871.198 tỉ đồng, tăng 8,6% so với cùng kì.
Tổng doanh thu du lịch 9 tháng đạt 125.463 tỉ đồng, tăng 35,8% so với cùng kì. Trong đó, khách du lịch nội địa ước đạt 26.994.560 lượt (tăng 24,9%) và khách quốc tế ước đạt gần 3,6 triệu lượt, tăng 69% so cùng kì.
Tuy nhiên, ông Kiên cũng nêu ra một số tồn tại, hạn chế. Đơn hàng sản xuất giảm, hàng hóa tồn kho tăng. Xuất khẩu trong 9 tháng đạt 31,53 tỉ USD, giảm 14,2% và nhập khẩu đạt 40,23 tỉ USD, giảm 17,2% so với cùng kì.
Tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 326.000 tỉ đồng, đạt 69,45% dự toán năm, giảm 6,35% so với cùng kì.
Trong năm 2023, TPHCM được giao và phân bổ hơn 68.000 tỉ đồng vốn đầu tư công. Tính đến hết ngày 22.9, thành phố mới giải ngân hơn 20.500 tỉ đồng (đạt 30%).
Tập trung kích cầu tiêu dùng, giải ngân đầu tư công
Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng - Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM, 9 tháng đầu năm, khu vực dịch vụ vẫn là trụ cột chính trong tăng trưởng. Do đó những tháng cuối năm kích cầu tiêu dùng là một kênh quan trọng mà thành phố cần tập trung.
Tuy nhiên, ông Hoàng nhận định, trong 9 ngành dịch vụ thì chỉ duy nhất hoạt động bất động sản vẫn tăng trưởng âm, giảm 8,71%. “Bất động sản suy giảm kéo theo ngành xây dựng giảm, vì vậy vấn đề tháo gỡ cho thị trường bất động sản là một nút thắt TPHCM cần giải quyết” – ông Hoàng nói.
Cũng theo Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM, giải ngân đầu tư công cũng quá thấp so với chỉ tiêu đề ra, đến nay mới đạt 30%, trong khi kế hoạch 6 tháng đầu năm giải ngân đạt 35%. Do đó, mục tiêu giải ngân 68.500 tỉ đồng trong năm 2024 là thách thức lớn, cần tập trung đẩy nhanh trong những tháng cuối năm.
Đồng quan điểm, TS Trương Minh Huy Vũ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, thành phố cần tập trung triển khai, "tiêu hóa" hết khối lượng vốn đầu tư công này. Cũng theo ông Vũ, ngoài khuyến mại tập trung, thành phố cần kích thích tiêu dùng trên cả thị trường thương mại điện tử.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết, hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp đang có những dấu hiệu khởi sắc. Các lĩnh vực như dệt may, lương thực-thực phẩm bắt đầu nhận được những đơn hàng trở lại. Tuy nhiên, đó là những đơn hàng ngắn hạn, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu mua sắm cao điểm Tết, mang tính chất thiết yếu và tiêu dùng thường xuyên, còn các mặt hàng tiêu dùng dài hạn như gỗ, nội thất thì chưa có nhu cầu trở lại.
Ngoài ra, thị trường nội địa, nhờ chính sách giảm thuế VAT và các chương trình kích cầu, khuyến mãi, đã có sự khởi sắc nhưng chưa thực sự đột phá.
Doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn đối với các vấn đề như chậm hoàn thuế xuất khẩu, các thủ tục về đất đai. Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố đề xuất cần khơi thông nguồn lực đất đai mạnh mẽ để doanh nghiệp sớm tiếp cận được, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.