Đằng sau câu chuyện Khaisilk: Nghịch lý mặt hàng lụa tơ tằm Việt Nam

KHÁNH VŨ - ĐẶNG TIẾN |

Sau câu chuyện Khaisilk mua khăn lụa tơ tằm của Trung Quốc về bán cho người tiêu dùng nhưng lại gắn mác Khaisilk, chúng tôi đi tìm đáp án cho câu hỏi: “Vì sao ngành lụa truyền thống, có thương hiệu của Việt Nam lại phải nhập hàng Trung Quốc?

Thực trạng của nguồn nguyên liệu tơ tằm Việt hiện nay ra sao?”. Phóng viên Báo Lao Động đã phát hiện ra nghịch lý đau lòng là trong khi các thương lái Trung Quốc đang sang Việt Nam lùng mua tơ tằm Việt, thì các thương nhân Việt lại sang Trung Quốc mua sản phẩm lụa về gắn mác trong nước để đánh lừa khách hàng. 

Ngành dâu tằm tơ đang sống dậy và phát triển

Trao đổi với PV Báo Lao Động trưa 27.10, ông Đặng Vĩnh Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam - Phó Tổng Giám đốc Cty CP Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam - cho hay: Khoảng 5-7 năm trở lại đây giá tơ lụa trên thế giới tăng lên, ngành dâu tằm tơ trong nước đang phục hồi và phát triển. Hiện nay cả nước có khoảng 10.000ha dâu, tập trung tại Lâm Đồng với trên 5.000ha.

Tại khu vực phía Bắc do thời tiết nóng ẩm nên nuôi được các giống tằm đa hệ kén vàng có chiều dài tơ 280-300m/kén nên chất lượng sợi tơ thấp. Vùng Mộc Châu (Sơn La) nuôi được giống tằm lưỡng hệ cho chiều dài sợi tơ từ 750-800m/kén có thể xử lý trên các máy ươm tơ tự động.

Tại Mộc Châu Sơn La cũng đang có 1 máy ươm tơ tự động.

Tại Lâm Đồng mặc dù diện tích trồng dâu chỉ chiếm 50% nhưng sản lượng tơ lại chiếm đến 70% trên cả nước. Nguyên nhân bởi tại địa phương này, người trồng dâu nuôi tằm nuôi được giống tằm lưỡng hệ quanh năm, mỗi năm có thể nuôi được từ 18-20 lứa tằm và năng suất kén/ha rất cao: Bình quân đạt 2,5 tấn/ha. Có những hộ đầu tư thâm canh có thể nuôi đạt sản lượng cao hơn nhiều.

Tại những vùng kén có chất lượng cao như (Lâm Hà), chất lượng kén tốt có thể cho giá đến 170 nghìn đồng/kg.

Tại Đồng Thành (Lâm Hà - Lâm Đồng) trong năm 2016 vừa qua có hộ nuôi được tới 4 tấn kén/ha.

Đặc biệt, từ khi Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm dâu tằm tơ tạo được 2 giống dâu mới là nội địa VA-201 và S7-CB cho năng suất cao gấp 3 lần giống dâu địa phương giải quyết nguồn thức ăn cho tằm.

Theo ông Lê Quang Tú - Giám đốc TT Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương - hai giống dâu này bổ sung cho nhau rất phù hợp, loại VA -201 lá nhỏ mềm, chịu hạn tốt, năng suất 25 tấn lá/năm, năng suất cao hơn dâu bầu đen khoảng 60%. Riêng S7-CB, thâm canh tốt phải đạt 35-40 tấn/ha, kháng bệnh tốt, thời gian xanh lâu, đáp ứng nhu cầu thức ăn của tằm.

Ngoài “thủ phủ” DTT Lâm Đồng, nghề trồng dâu nuôi tằm đang phát triển mạnh tại nhiều tỉnh khác như Kon Tum, Đắc Nông, Phú Thọ, Thái Bình, Lào Cai, Sơn La. Đặc biệt, nghề DTT đã mang lại cho bà con miền núi các tỉnh Lào Cai, Sơn La nguồn thu nhập khá tốt.

Về vấn đề chất lượng tơ, ông Đặng Vĩnh Thọ cho hay: Tại Lâm Đồng, do chất lượng kén ổn định, hiện nay công nghệ dệt tơ hầu hết đều trên máy tự động nên cho chất lượng tơ rất cao, đáp ứng nhu cầu XK, giá tơ XK lên tới 64-65USD/kg. Sản phẩm dệt may từ tơ lụa của Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã được đầu tư rất cơ bản, dây chuyền sản xuất hiện đại, công suất cao, chiếm 75% năng lực ươm tơ, 70% năng lực se tơ dệt lụa của cả nước. Công nghiệp ươm tơ dệt lụa đã tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, xuất khẩu ra các nước như Nhật Bản, EU, Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan…

Khăn lụa Khai Silk có bao nhiêu là hàng Việt thực sự như quảng cáo?` Ảnh: PV
Khăn lụa Khai Silk có bao nhiêu là hàng Việt thực sự như quảng cáo?` Ảnh: PV

Những khó khăn cần tháo gỡ

Do ngành tơ lụa đang phát triển, nên nhiều DN đã nắm bắt cơ hội, đầu tư máy móc để đẩy mạnh nghề ươm tơ dệt lụa đáp ứng nhu cầu trong nước và phát triển. Cả nước hiện có 40 dãy máy ươm tơ tự động hoạt động, trong đó, chủ yếu là tập trung ở tỉnh Lâm Đồng.

Riêng tại Lâm Đồng hiện có khoảng 15 DN ươm tơ tự động, có thể sản xuất trên 2 tấn tơ/ngày. Bên cạnh đó còn có trên 20 cơ sở ươm tơ cơ khí, mỗi ngày sản xuất gần 1 tấn tơ. Hầu hết tơ sản xuất xong đều được đóng gói XK ra nước ngoài.

Tơ chất lượng loại I được XK sang Ấn Độ, Pakistan. Tơ loại 2 xuất sang Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc. Số còn lại bán cho thị trường nội địa.

“Hiện nay số lượng nhà máy tơ không nhiều nên số lượng kén làm ra có thể đáp ứng được cho các nhà máy trong nước. Tuy nhiên, nhiều nhà máy tơ gần như đã ngừng hoạt động, đặc biệt là tại khu vực phía Bắc” - ông Đặng Vĩnh Thọ cho biết thêm.

Theo ông Trần Thế Hùng - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Yên Bái, nghề DTT cũng đang phát triển mạnh ở địa phương này. Tuy nhiên, số lượng tơ sản xuất ra đều được các thương lái nước ngoài (Trung Quốc) thu mua. Hiện trên địa bàn chưa có nhà máy tơ nên chính quyền địa phương đang xem xét để đầu tư, nhằm hỗ trợ bà con đầu ra. Ngoài việc thiếu các nhà máy chế biến, thì vấn đề khó khăn hiện nay là chất lượng giống tằm.

Khâu cung ứng trứng giống tằm lưỡng hệ cho các hộ nuôi tằm con hiện đang bỏ ngỏ, không có DN nào đứng ra làm dịch vụ này mà chỉ có một vài tư nhân nhập trứng tằm từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, không qua kiểm dịch thực vật, động vật. Do nguồn gốc không rõ ràng, nên nhiều lúc gây thiệt hại lớn cho nông dân.

Tại nhiều cuộc họp chuyên ngành, Chủ tịch Hiệp hội DTTVN Đặng Vĩnh Thọ cũng nêu vấn đề trứng giống tằm đang là vấn đề nan giải của ngành DTTVN, vì phần lớn được nhập theo đường tiểu ngạch. Để hỗ trợ ngành DTT, Hiệp hội DTTVN đề nghị Bộ NNPTNT, UBND tỉnh và Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ cho ngành DTT VN nhập giống tằm cấp 2 từ Trung Quốc theo đường chính ngạch.

Địa phương và Bộ NNPTNT hỗ trợ về kỹ thuật, tổ chức nuôi tằm con tập trung và cung cấp tằm giống cho nông dân Lâm Đồng vì hiện nay việc cung cấp trứng giống tằm chưa được DN nào đứng ra đảm nhận, chủ yếu do một vài thương nhân nhập theo đường tiểu ngạch Trung Quốc, không đảm bảo yêu cầu về kiểm dịch nên người nuôi tằm rất dễ gặp rủi ro vì chất lượng không ổn định.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Hoàng Sỹ Bích - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng - cho hay: Khó khăn lớn nhất của ngành dâu tằm tơ tại Lâm Đồng không phải là sự cạnh tranh của tơ lụa Trung Quốc, bởi chất lượng tơ lụa của vùng Bảo Lộc - Lâm Đồng khá ổn định và đã có thương hiệu, mà là vấn đề trứng giống tằm phải nhập khẩu đến 90% từ Trung Quốc, trong đó phần lớn là nhập tiểu ngạch nên chất lượng không ổn định. Khi chất lượng trứng giống tằm không bảo đảm, thì năng suất không cao, chất lượng tơ cũng không tốt, độ dài của sợi tơ không đạt yêu cầu.

Không thể tiếp tục “tự mình giết mình”

Ông Đặng Vĩnh Thọ khẳng định: Chất lượng tơ tằm của Việt Nam rất tốt, nếu được đầu tư công nghệ bài bản sẽ cho những tấm vải lụa tơ rất đẹp. Thế nhưng, vì lý do thương mại, một số làng nghề tơ lụa trong nước như Vạn Phúc (Hà Nội) đã mai một, hầu như hiện nay còn rất ít hộ gia đình dệt tơ lụa, mà chủ yếu mua các sản phẩm tơ lụa (khăn, mũ, trang phục…- PV) từ Trung Quốc về để bán cho khách tiêu dùng, đặc biệt là khách du lịch, để kiếm lời.

Ông Đặng Vĩnh Thọ cho rằng, các tư thương này không chê tơ tằm Việt Nam, chỉ là vì họ chỉ chú trọng khâu kinh doanh thương mại, không chú trọng phát triển nghề truyền thống.

Theo nghệ nhân Đỗ Quang Hùng (làng nghề dệt lụa Vạn Phúc - Hà Nội) hiện nay nghề sản xuất và kinh doanh lụa ở Việt Nam không còn phát triển rầm rộ như giai đoạn năm 1995-2000, vì hiện nay có loại sản phẩm bán với giá rất rẻ (30.000đ/m) đó là lanh được xe bằng sợi vỏ cây có màu sắc rất đẹp, mặc mát, không nhăn và rất bền.

Lợi dụng việc khách hàng không phân biệt được giữa tơ tằm và lanh nên một số người đã bán với giá rất đắt và thu lợi nhuận rất cao. Cùng đó, một khó khăn nữa là hiện nay việc trồng dâu, nuôi tằm đang bị quy hoạch nhỏ lại nhất là tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Do vậy, phần lớn chúng tôi phải nhập tơ xe từ Bảo Lộc, Lâm Đồng với giá 1.600.000đ/kg cộng với công thợ dệt rất cao.

Đối với nghề dệt thủ công, để dệt 1kg tơ thợ giỏi phải dệt trong 5 ngày. Để có 1m lụa tơ tằm giá thành rất đắt, nên nhiều người đã chuyển sang sản xuất lanh và tơ bóng. Hiện có nhiều nguồn tơ và phần lớn được nhập từ Trung Quốc về, nhưng nhập tơ tằm rất ít vẫn chủ yếu là lanh và tơ bóng và nhập nhèm giữa tơ và lanh để đánh lừa người tiêu dùng.

Từ thực trạng trên, Chủ tịch Hiệp hội DTTVN Đặng Vĩnh Thọ nêu ý kiến: Nếu ngay từ bây giờ nếu Việt Nam không có chiến lược phát triển mạnh ngành dâu tằm tơ thì 10-15 năm nữa sẽ không có nguyên liệu để sản xuất.

“Cần xây dựng chuỗi sản xuất hàng hóa, đưa giống dâu mới, giống tằm tốt, nuôi tằm con tập trung, phân vùng mua lại sản phẩm kén tằm cho từng DN ươm tơ và chọn một số DN có uy tín làm nhiệm vụ XK. Mặt khác, cần quản lý tốt chất lượng tơ lụa và chống được tình trạng trà trộn các loại hàng. Có như vậy mới đảm bảo uy tín để ngành DTT phát triển bền vững” - ông Đặng Vĩnh Thọ nêu ý kiến.

“Đến năm 2020 Lâm Đồng sẽ phát triển diện tích 8.000ha dâu và định hướng các vùng sản xuất nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy. Hiện tại, diện tích dâu đã phục hồi được gần 5.000ha. Vấn đề còn lại là vấn đề trứng tằm giống. Sở sẽ cùng với Hiệp hội DTTVN và các DN tập trung tháo gỡ” - ông Hoàng Sỹ Bích khẳng định.

Vụ Khaisilk “lừa dối” khách hàng có thể khởi tố hình sự?

Liên quan tới vụ việc doanh nhân Hoàng Khải (với thương hiệu lụa tơ tằm nổi tiếng Khaisilk) thừa nhận bán lụa tơ tằm có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, luật sư Nguyễn Quang Ngọc - Cty luật Quốc tế Thiên Việt - cho biết, vụ việc này hoàn toàn có thể khởi tố hình sự vì theo quy định của pháp luật, các cơ quan tiến hành tố tụng cần tiến hành khởi tố để điều tra xem xét đánh giá. CAO NGUYÊN thực hiện

KHÁNH VŨ - ĐẶNG TIẾN
TIN LIÊN QUAN

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Mục tiêu giải ngân 94.161 tỉ đồng, tập trung phát triển đường bộ cao tốc

Đặng Tiến |

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đặt mục tiêu giải ngân 94.161 tỉ đồng năm 2023, tập trung phát triển đường bộ cao tốc và nhiệm kỳ sau tập trung phát triển đường sắt tốc độ cao.