Sự thật cay đắng phía sau đồng lương giáo viên

NGUYỄN HUYÊN - QUANG ĐẠI |

Sau 35 năm “trồng người”, cô giáo Hoàng Thị Huệ ở Can Lộc - Hà Tĩnh nhận quyết định nghỉ hưu từ tháng 9.2017. Thế nhưng, những gì cô nhận được thì quả là khó tin: 1,3 triệu đồng/tháng là tổng tiền lương hưu. Cũng như cô Huệ, hàng ngàn giáo viên mầm non khác cũng đang nhận đồng lương quá thấp, từ 3 - 5 triệu đồng mỗi tháng, nghĩa là chỉ tương đương mức lương tối thiểu.

Ý kiến “trách nhiệm của giáo viên Việt Nam không cao và nguyên nhân chính là do chế độ lương” từ cuộc hội thảo mới đây của Bộ GDĐT càng khẳng định: Những dự định đổi mới trong giáo dục sẽ vô nghĩa nếu không đổi mới chế độ tiền lương cho giáo viên, và đây sẽ phải là việc làm đầu tiên.

Cứ nói đến lương là khóc

Ở tuổi 55, là giáo viên (GV) mới nghỉ hưu, nhưng nếu không có ai giới thiệu, thì sẽ tưởng cô là một lão nông. Cô người nhỏ thó, da đen nhẻm, tóc bạc và khắc khổ.

Cô Huệ bật khóc khi chị Nguyễn Thị Dương - Chủ tịch LĐLĐ huyện - hỏi chuyện nhà cửa: “Chẳng dám nghĩ nữa, vì khó khăn quá”. Hoàn cảnh cô Huệ rất éo le, lấy chồng muộn, sinh được con trai thì con mất, rồi chồng cũng mất (chồng chị là thương binh 4/4). Hai mẹ con ở trong căn nhà (xã Trung Lộc) bé tí, thấp lè tè, xập xệ nhưng không thể nâng cấp, vì không đủ tiền. Và cô cũng không có chủ quyền trên mảnh đất đang ở”.

Sinh năm 1962, cô Huệ đi dạy mầm non từ năm 1982. Đến năm 2013, mới được vào biên chế, với mức lương 2,5 triệu/tháng. Đến năm 2017, lương lên được khoảng 5 triệu thì nghỉ hưu. Mức lương hưu, chỉ khoảng 1,3 triệu/tháng. Theo Giám đốc BHXH huyện Can Lộc - ông Trần Đình Giáp, - thì lương cô Huệ chưa được mức đó, nhưng theo quy định được nâng lên mức tối thiểu.

Cũng trường Mầm non Trung Lộc, có hoàn cảnh cô Phan Thị Xuân, nhà ở xóm Trung Mỹ, xã Trung Lộc hết sức khó khăn. Chồng đau yếu, làm nông, ba đứa con ăn học. Anh chị vay hơn trăm triệu lo cho con ăn học, bây giờ chưa biết cách gì để trả.

Cô Xuân sinh năm 1968, vào ngành giáo dục năm 2002, đến năm 2014 mới vào biên chế. Mức lương hiện nay hơn 3,6 triệu/tháng. 6 năm nữa là cô nghỉ hưu, nhưng đến đó, tổng thời gian đóng bảo hiểm chỉ vẻn vẹn có 16 năm, chưa đủ để hưởng lương.

Không phải là chuyện mới, bởi năm 2015, câu chuyện hàng trăm giáo viên ở Nông Cống - Thanh Hóa đã gạt nước mắt gửi đơn đi khắp nơi phản ánh việc hàng chục năm cống hiến cho giáo dục, vượt qua bao khó khăn gian khổ, đến lúc nghỉ hưu chỉ nhận lương từ 320.000đ - dưới 500.000đ.

Câu chuyện này một lần nữa được nhắc lại tại Hội thảo giáo dục 2017 về chất lượng GDPT do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội mới được tổ chức. Theo PGS-TS Hoàng Thị Tuyết (Đại học Mở TPHCM), hiện nay lương GV trả theo thâm niên. GV dạy tiểu học, dù tốt nghiệp cử nhân, hay thạc sĩ thì cũng bắt đầu hưởng lương trung cấp (1,86). Rất nhiều giáo viên tiểu học đã phải nuốt nước mắt làm nghề, hoặc không dám đi học cao hơn. Chúng tôi không hiểu sao lại có quy định như vậy?”.

Đồng quan điểm, ông Trần Trung Ninh (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, trong khi chúng ta luôn khẳng định vai trò quan trọng của giáo viên thì tiền lương của đội ngũ “trồng người” lại không đủ đảm bảo đời sống, chính điều đó đã phần nào hạ thấp vị thế nghề dạy học và vị thế của nhà giáo.

Ông Ninh dẫn chứng theo Đề tài khoa học cấp nhà nước “Các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng GV phổ thông” do nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình làm chủ nhiệm đã chỉ ra, thu nhập bình quân từ lương và các phụ cấp theo lương của GV thâm niên 13 năm là 3-3,5 triệu đồng/tháng. GV thâm niên hơn 25 năm là 4,1-4,7 triệu đồng/tháng. GV mới ra trường ở cả ba cấp học nhận lương dưới 2 triệu đồng/tháng.

Hiện chỉ khoảng 50% GV các cấp có thâm niên dạy học từ 13 năm trở lên. Như vậy, sẽ rất nhiều GV có thu nhập từ lương dưới 3 triệu đồng/tháng. Do đó, thu nhập từ lương và phụ cấp theo lương cho GV phổ thông không đáp ứng được nhu cầu cơ bản về đời sống của họ và gia đình. Đây là lý do khiến khoảng 40% GV không muốn làm nghề sư phạm nếu được chọn lại ngành nghề.

Và trên thực tế, thời gian gần đây, rất nhiều GV đã mạnh mẽ lên tiếng “bỏ biên chế” vì lương quá thấp, vì áp lực công việc quá nhiều như trường hợp của Nguyễn Quang Tuệ (Trường Tiểu học Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình); cô giáo trẻ Hoàng Kim Anh (Trường Mầm mon Pác Miau, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng)...

Tại TPHCM, riêng GV mầm non, trung bình mỗi năm có trên 1.000 người bỏ việc hoặc chuyển việc vì không sống nổi với nghề. Cũng nhiều GV cho biết, rằng họ sống chủ yếu bằng nghề “tay trái” như làm MC đám cưới, bán hàng,...

Nhiều ý kiến kiến nghị thay đổi chế độ tiền lương dành cho giáo viên mầm non và giáo viên nói chung. Ảnh: H.NG
Nhiều ý kiến kiến nghị thay đổi chế độ tiền lương dành cho giáo viên mầm non và giáo viên nói chung. Ảnh: H.NG

Học Đại học chỉ hưởng lương “trung cấp”: Bất cập sao không sửa

Vấn đề này không phải mới được nhắc đến mà đã tồn tại như một bất cập của giáo dục. Hiện nay, việc xếp lương quy định theo những quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên trong thông tư liên tịch 20-21 -22/2015 của Bộ GDĐT và Bộ Nội vụ.

Theo đó, GV có 4 phân hạng chức danh nghề nghiệp, mỗi hạng ứng với yêu cầu và bậc lương khác nhau. Để được xếp hạng II hoặc III, ngoài yêu cầu về bằng cấp chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, còn có các yêu cầu khác như chứng chỉ bồi dưỡng GV hạng II, III hoặc được công nhận là chiến sĩ thi đua hoặc GV dạy giỏi.

Chính vì thế, nhiều GV có trình độ cao nhưng vẫn chỉ được hưởng lương như GV có bằng trung cấp. Bởi lẽ, GV mới ra trường đạt được các tiêu chuẩn về trình độ nhưng lại không đạt được tiêu chí theo quy định thông tư về thành tích chiến sĩ thi đua, GV giỏi, thâm niên công tác... Và cũng không phải ai cũng đạt chiến sĩ thi đua và GV giỏi do nhiều nơi bị “khống chế” tỉ lệ.

Những năm qua, nhận thấy nhiều bất cập trong chi trả lương GV, nhiều cá nhân, tổ chức đã kiến nghị nhưng đến nay quy định này vẫn chưa có chuyển biến mới.

Lý giải về việc GV có bằng đại học mà chỉ được hưởng lương trung cấp, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ GDĐT - cho hay: “Trước đó, hưởng lương theo bằng cấp. GV cứ “đổ xô” đi học lên cao, người ở nhà phải làm rất nhiều, lương thì vẫn thấp. Còn người đi học về thì được lương cao hơn. Chính vì vậy, từ khi có Luật Viên chức, việc tính toán trả lương theo tiêu chuẩn chức danh, theo thứ hạng trong nghề nghiệp, trong đó trình độ đào tạo không phải là yếu tố quyết định, mà là sự cống hiến và sức lao động bỏ ra”.

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 do Bộ GDĐT tổ chức sáng 21.8, trước kiến nghị của TPHCM về bất cập này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Hiện nay giáo dục vẫn còn quá nhiều những quy định cứng nhắc mà chúng ta không chịu sửa. Như việc chuẩn giáo viên mầm non vẫn là trung cấp trong khi chúng ta không đào tạo trung cấp nữa. Thế nhưng, chúng ta lại không chịu sửa. “Đó là quyền lợi của giáo viên, của những người trong ngành giáo dục, mình không sửa cho anh em thì ai sửa?” - Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.

Trước thực trạng trên, không biết GV còn phải chờ đến bao giờ để được trả lương một cách xứng đáng.

Ý kiến: Phải thay đổi ngay chính sách tiền lương giáo viên

Ông Phạm Hồng Quang (Trường ĐH Sư phạm, ĐH Thái Nguyên) nhận định, hiện nay trách nhiệm của giáo viên Việt Nam không cao và nguyên nhân chính là do chế độ lương. Theo ông Quang, “bảo hiểm trách nhiệm” của giáo viên các nước trên thế giới chính là tiền lương thỏa đáng, còn ở nước ta chưa làm được điều này.

GS Đinh Quang Báo - Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Lương GV ở các nước thành công nhất trong giáo dục không cao hơn một số ngành nhưng họ đủ sống trên mức trung bình cộng với môi trường làm việc thực sự dân chủ khuyến khích tự do sáng tạo nghề nghiệp. Đây chính là bí quyết để có đội ngũ GV chất lượng cao - chìa khóa vạn năng thành công giáo dục. Tại Việt Nam, trước hết thu nhập của GV phải đủ sống ở mức trung bình khác trong tương quan xã hội sao cho họ toàn tâm, toàn ý, toàn sức cho nghề giáo dục. Trong lúc hạn hẹp về tiền thì cần biết chọn mục đầu tư. Hãy chọn đầu tư vào con người là ưu tiên số 1.

TS Lê Thống Nhất: Chế độ tiền lương dành cho giáo viên còn nhiều bất cập đã được phản ánh khá nhiều trên báo chí, các cuộc hội thảo về tiền lương... Chắc chắn rằng một cải cách chế độ tiền lương cho giáo viên phải được đặt ra kịp thời với các nhà hoạch định chế độ chính sách.


NGUYỄN HUYÊN - QUANG ĐẠI
TIN LIÊN QUAN

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Ông Park Hang-seo dặn dò cầu thủ tuyển Việt Nam trong ngày chia tay

AN NGUYÊN |

Kết thúc AFF Cup 2022, huấn luyện viên Park Hang-seo đã nói lời cuối cùng trên cương vị huấn luyện viên trưởng và bày tỏ tình cảm của mình với các cầu thủ tuyển Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Bi hài chuyện người già online: Suýt bị lừa gần 300 triệu đồng

BẠN ĐỌC NGUYỄN MINH ÚT |

Tôi nhận được một tin nhắn trên Facebook với nội dung vô cùng phấn khởi: “Xin chúc mừng tài khoản của bạn đã may mắn nhận được giải nhất từ sự kiện tuần lễ tri ân khách hàng năm 2022… Phần quà giải nhất của chị gồm: 1 xe máy Honda SH 150i; 1 phiếu quà tặng trị giá 200 triệu đồng tiền mặt… do tập đoàn Facebook tổ chức bình chọn…”.