Mỗi nơi một kiểu
Đơn cử như Ninh Bình, theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” của Chính phủ, tỉnh Ninh Bình được giao hoàn thành 3.100 căn, trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 là 2.300 căn và giai đoạn 2026 - 2030 là 800 căn.
Chương trình phát triển NƠXH cho công nhân và NƠXH cho người có thu nhập thấp trên địa bàn của tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được phê duyệt với tổng số 5.573 căn. Trong đó, mục tiêu giai đoạn 2021-2025 là xây dựng 2.887 căn và giai đoạn 2026-2030 là 2.686 căn.
Thế nhưng theo ghi nhận thực tế của phóng viên Lao Động, tính đến tháng 3.2024, Tỉnh Ninh Bình đã quy hoạch 4 khu nhà ở xã hội cho công nhân và người có thu nhập thấp với quy mô trên 80ha, trong đó có 2 dự án đang được triển khai nhưng tiến độ mới chỉ dừng lại ở khâu giải phóng mặt bằng.
Dự án NƠXH cho người thu nhập thấp tại phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) có quy mô 13.460m2 với 335 căn hộ chung cư dành cho người thu nhập thấp. Dự án được triển khai xây dựng từ năm 2020 và sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2023.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa kêu gọi được nhà đầu tư và vẫn chỉ là bãi đất trống. Còn tại Dự án khu nhà ở và dịch vụ công nhân Khu công nghiệp Gián Khẩu (thuộc xã Gia Tân và Gia Trấn, huyện Gia Viễn) có quy mô 40.000m2 với 2.018 căn hộ NƠXH dạng chung cư và 94 căn NƠXH dạng liền kề được triển khai từ năm 2017 nhưng đến nay cũng chưa kêu gọi được nhà đầu tư.
Lý do Ninh Bình đưa ra là vướng mắc về giao đất và việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp, đặc biệt là với gói 120.000 tỉ đồng còn gặp nhiều khó khăn.
Với địa phương Thanh Hóa lại là câu chuyện khác, theo quy định hiện hành, mỗi dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất cho NƠXH, thế nhưng cho đến nay, trên địa bàn tỉnh có 14 dự án nhà ở thương mại đã lựa chọn chủ đầu tư nhưng chưa bố trí quỹ đất dành để xây dựng NƠXH (trong đó, 1 dự án chuyển đổi thành khu tái định cư không thuộc trường hợp phải bố trí quỹ đất NƠXH và 13 dự án chưa bố trí hoặc bố trí chưa đủ quỹ đất NƠXH).
Một địa phương khác bị nêu tên là Vĩnh Long lại đến từ nguyên nhân khác. UBND tỉnh này đã phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2024. Theo kế hoạch, tỉnh cần phát triển khoảng 7.149 căn nhà (nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư khoảng 144 căn; NƠXH khoảng 229 căn; hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng khoảng 6.776 căn).
Song, chính lãnh đạo tỉnh này thừa nhận rằng các dự án NƠXH trên địa bàn triển khai xây dựng chậm, chưa hoàn thành, đưa vào sử dụng theo kế hoạch. Khó khăn chủ yếu làm ảnh hưởng đến việc triển khai kế hoạch là do đa số các chủ đầu tư không đảm bảo năng lực về tài chính để triển khai thực hiện, trong quá trình thực hiện có tranh chấp, khiếu kiện.
Một phần do nhu cầu về NƠXH chưa cao do quỹ đất còn nhiều, mức giá đa dạng. Cùng với đó, là việc các nhà đầu tư chưa ưu tiên đầu tư loại hình NƠXH do lợi nhuận chưa cao, nhiều thủ tục, công tác giải phóng mặt bằng còn gặp khó. Do sản phẩm các dự án là nhà ở chưa có tính hấp dẫn so với việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng, dẫn đến việc đầu tư dự án trên địa bàn chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Doanh nghiệp chờ hướng dẫn
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thừa nhận, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang chật vật với những thủ tục đầu tư xây dựng NƠXH: “Chúng ta đã biết, hiện nay theo các quy định pháp luật, việc thực hiện dự án đầu tư này đã được phân cấp và giao cho các địa phương toàn quyền quyết định thực hiện các thủ tục đầu tư các dự án NƠXH”.
Thực tế với việc xây dựng NƠXH, quỹ đất rất quan trọng nhưng có quỹ đất rồi lại phải gắn với hạ tầng xã hội như trường học, nhà trẻ… Quy hoạch NƠXH phải đồng bộ, có hạ tầng, kèm theo đó là các giải pháp như vấn đề đền bù, vấn đề lãi suất cho cả nhà đầu tư, cho cả người mua.
Ông Nguyễn Anh Quê - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội BĐS Việt Nam - chia sẻ, hiện nay thủ tục đầu tư xây dựng NƠXH và dự án nhà ở thương mại đang khá giống nhau. Thậm chí thủ tục đối với NƠXH có phần nhiêu khê hơn ở một số khâu, đặc biệt là quá trình mở bán.
“Đối với dự án NƠXH, cho dù có đất sạch để triển khai nhưng từ khi xin thủ tục đầu tiên đến khi xong phải rơi vào 5-7 năm trở lên”, ông Quê nói và cho hay, trong thủ tục mở bán, việc phê duyệt giá mất nhiều thời gian cũng là điều các doanh nghiệp băn khoăn. Nhiều khi doanh nghiệp làm xong móng rồi mà vẫn chưa được bán vì chưa được phê duyệt giá.
Chính vì vậy tại địa phương doanh nghiệp đang có ý chờ các quy định mới thông thoáng hơn, nhất là khi Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ 1.1.2025. Hiện nay, để cụ thể hóa những điều khoản mới trong hai luật này, Bộ Xây dựng cũng đang trình dự thảo Nghị định về nhà ở xã hội, cho đến nay vẫn chưa biết khi nào Nghị định này được ban hành.
Từ đầu năm 2024, Chính phủ đã có nhiều cuộc họp lớn nhằm khai thông, thảo gỡ những vấn đề liên quan đến tín dụng, cơ chế cho phát triển NƠXH. Tuy nhiên, nếu “nút thắt” từ phía các địa phương và doanh nghiệp chưa tháo gỡ thì nguy cơ đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” sẽ khó hoàn thành bởi tình trạng “trên nóng - dưới lạnh” như hiện nay.