Người cần mua thì không mua được
Đơn cử như tại TPHCM, hồi cuối tháng 9 vừa qua, Đoàn giám sát của HĐND TPHCM đã có những chuyến đi tìm hiểu về thực trạng triển khai của các dự án NOXH trên địa bàn.
Tại Dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê Thủ Thiêm Green House do Công ty cổ phần ThuThiem Group làm chủ đầu tư ở TP Thủ Đức có quy mô gồm 4 block với 1.040 căn hộ, dự kiến hoàn thành và bàn giao một phần vào cuối năm 2023, song đến nay mới có 100 người đăng ký thuê nhà.
Ông Trần Việt Cường - Tổng Giám đốc ThuThiem Group cho biết, có nhiều người dân liên hệ tìm hiểu dự án, nhưng rất ít hồ sơ đạt yêu cầu. Ngoài đáp ứng 3 điều kiện về nhà ở, cư trú và thu nhập theo quy định, người thuê còn cần chứng minh đang làm việc tại các doanh nghiệp có trụ sở tại khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP Thủ Đức, TPHCM.
"Những năm qua, nhóm đối tượng này có thu nhập không cao, công việc cũng không ổn định, nên rất khó xác định nhu cầu thuê lâu dài tại dự án, trong khi quyền thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội chỉ được một lần" - ông Cường nói. Và ông Cường chia sẻ thêm, tính đến hiện tại, chỉ vài chục trường hợp trong ba đợt trình hồ sơ tại Sở Xây dựng thành phố được duyệt.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc đang tham gia phát triển một dự án nhà lưu trú cho công nhân tại TPHCM cho biết, ngoài những khó khăn về thủ tục, nguồn vốn triển khai thì những quy định liên quan đến điều kiện tiếp cận nhà ở xã hội cũng là một rào cản.
Đôi khi người cần mua thì không mua được, trong khi chính sách lại hướng về người không cần mua. Các quy định liên quan NOXH siết đối tượng mua.
Vướng ở những yêu cầu xác nhận
Sở Xây dựng TPHCM mới đây cũng vừa phải kiến nghị lên UBND Thành phố đề nghị với Bộ Xây dựng có hướng dẫn để chính quyền địa phương xác nhận về thực trạng nhà ở.
Bởi trong thời gian qua, Sở Xây dựng nhận được nhiều kiến nghị, phản ánh của các chủ đầu tư dự án và người thuê, mua, thuê mua nhà ở xã hội liên quan đến việc xác nhận về thực trạng nhà ở.
Theo đó, UBND cấp xã - nơi có đăng ký thường trú hoặc tạm trú từ một năm trở lên thực hiện xác nhận về thực trạng nhà ở và chưa được hỗ trợ nhà ở, đất ở theo mẫu số 3 và 4 tại Phụ lục 1 ban hành theo Thông tư số 09/2021/TT-BXD ngày 16/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Hầu hết người dân khai “Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình”. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp UBND cấp xã không thực hiện xác nhận theo mẫu vì cho rằng cấp này chỉ xác nhận đương sự có sở hữu nhà hay không tại căn nhà đang thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn do mình quản lý; hoặc có trường hợp chỉ xác nhận chữ ký hoặc chỉ xác nhận đương sự tự cam kết và tự chịu trách nhiệm.
Như vậy, xác nhận như trên của UBND cấp xã không đảm bảo đúng yêu cầu được quy định. Nhưng nếu phải xác nhận đúng theo mẫu quy định thì rất khó thực hiện cho UBND cấp xã và sẽ gây ách tắc trong giải quyết hồ sơ xét duyệt đối tượng đuợc hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Tiếp nữa là yêu cầu xác định thành viên của hộ gia đình để xét đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, thực tế hộ gia đình có thể gồm nhiều gia đình nhỏ (vợ, chồng, con), hoặc trong hộ gia đình chỉ có vợ, chồng và con đăng ký thường trú hoặc người ở nhờ cũng cùng đăng ký cư trú.
Như vậy, viêc quy định “Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình" sẽ dẫn đến việc hộ gia đình có nhiều người, nhiều thế hệ cùng đăng ký thường trú khó được hưởng chính sách về nhà ở xã hội.