Tiến tới cứu trợ vùng lũ lâu dài, bền vững

LÊ XUÂN CHIẾN |

Cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt là truyền thống vị tha nhân ái, “thương người như thể thương thân” tốt đẹp ngàn đời của dân tộc ta. Nhờ những tấm lòng sẻ chia, đùm bọc của cộng đồng mà người dân vùng bão lũ có điều kiện vươn lên, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên qua theo dõi công tác cứu trợ những năm qua, chúng ta thấy còn nhiều vấn đề băn khoăn, bất cập trong câu chuyện cứu trợ bão lụt của cả nước nói chung, miền Trung nói riêng.

 

Khi “cả làng đều vui”

Cứu trợ là giúp cho người đang khó khăn, ngặt nghèo cần chúng ta hỗ trợ. Giả dụ họ không cần mà ta lại giúp, khi đó hành động của ta bằng thừa và mất đi ý nghĩa cứu trợ. Vậy nên khi cứu trợ bão lụt, cần sát đối tượng hỗ trợ. Cùng một địa phương, vùng ngập lụt nhưng mức độ thiệt hại mỗi thôn xóm, mỗi hộ không giống nhau. Nếu phát quà cứu trợ theo kiểu “cào bằng”, ai cũng có, “cả làng đều vui” thì cứu trợ chỉ mang ý nghĩa động viên chung cho dân, không có hiệu quả cao.  

Một số đoàn từ thiện muốn cứu trợ trực tiếp, trao quà tận tay cho người dân, họ xin phép địa phương rồi tự khảo sát tình hình nhưng thời gian có hạn và nhân lực mỏng nên họ không thể đến được những thôn xóm không có đường ô tô hoặc những vùng còn ngập nước, đường sá, cầu cống bị hư hỏng. Trong khi đó không ít người dân do trở ngại đường sá hoặc không có phương tiện đi lại nên quà cứu trợ không đến được với họ.  

Phát quà cứu trợ trực tiếp, lo nhất là phát đủ số lượng (số suất quà tương ứng với số hộ do địa phương cung cấp) nhưng “phát chồng” (một hộ nhận 2, 3 suất do người dân cố ý) nhưng một số hộ khác thì bị thiếu (vì không có ai đi nhận do ốm đau, già yếu, hoặc do đường sá bị chia cắt, trở ngại). 

Thế mới thấy phương thức cứu trợ trực tiếp, trao quà tận tay vẫn có đôi chỗ bất cập. Trong một số trường hợp cứu trợ không thể không có lực lượng của địa phương tham gia hỗ trợ, phối hợp, nhất là lực lượng đoàn thanh niên, hội chữ thập đỏ của xã, thôn, xóm. 

Bội thực mì ăn liền 

Mì ăn liền rất tiện trong chống đói khẩn cấp, đồng thời giá cả không đắt, dễ vận chuyển, phân phát nên được chọn là hàng cứu trợ “ưu tiên” số một lâu nay. Vì thế sau các đợt cứu trợ, người dân vũng lũ nhận được rất nhiều thùng mì ăn liền. Mà chẳng lẽ ngày nào cũng ăn mì gói, ăn sao nổi ? Thế là họ đem ra quầy tạp hóa bán lại (với giá rẻ hơn) lấy tiền mua thứ khác như mắm muối, gia vị, bột giặt... Hình ảnh người dân đem hàng cứu trợ đi bán lại, trông rất khó coi. 

Nếu hàng cứu trợ là gạo thì không sợ thừa nhưng ngay sau khi nước lũ rút, điện chưa có, người dân lại thiếu củi đun (củi khô), thiếu nước sạch và thực phẩm. Có người đề nghị chỉ hỗ trợ tiền cho dân nhưng sau bão lũ giá cả thường tăng đột biến, hoặc “cháy hàng” (trong phạm vi hẹp của địa phương). 

Vì vậy tùy theo thời điểm cứu trợ mà các đơn vị nên chọn mì ăn liền, gạo hay tiền. Nếu kết hợp được cả vài ba thứ thì tốt nhất. Về thực phẩm ăn liền, không nên chỉ tặng mì gói mà có thể thay bằng lương khô, phở ăn liền, hủ tiếu ăn liền... để ăn cho đỡ ngán. Phát gạo cho dân, nếu có thể thì thêm mắm, muối, lạc, vừng, mì chính, thực phẩm đóng hộp... 

Dẫu biết rằng “miếng khi đói bằng gói khi no” và người dân không đòi hỏi phải cứu trợ cái này hay cái kia, nhưng thiết nghĩ, tùy theo khả năng của mình các đoàn cứu trợ có thể làm được điều gì giúp dân thì nên làm hợp lý, tối ưu nhất.

Sau lũ người dân cần nhiều thứ thiết yếu cho sinh hoạt đời sống như tấm phơi, tấm lợp, chất đốt, giống cây trồng, con vật nuôi; sách vở, dụng cụ học tập cho học sinh; bột giặt, chất tẩy rửa, khử trùng; nước đóng chai, bình lọc nước sạch, thuốc khử trùng nước uống... chứ không chỉ là lương thực, thực phẩm. Vì vậy các tổ chức, cá nhân đi cứu trợ cần thông qua địa phương để tìm hiểu trước người dân đang cần hỗ trợ cái gì, cái gì đã được hỗ trợ, cái gì còn thiếu. Khó có thể đáp ứng được tất cả những nhu cầu của người dân, chỉ cần giúp họ một phần nào đó trong cái họ cần là được, miễn là ưu tiên sát đúng đối tượng. 

Sống chung với bão lũ ở miền Trung   

Lũ lụt ở miền Trung là quy luật của thiên nhiên hằng năm. Sống chung với bão, lũ là điều mà người dân miền Trung phải chấp nhận. Đã từ mấy thập kỷ qua, cứ vài ba năm một lần, nhân dân cả nước lại ra tay cứu trợ bão lụt cho đồng bào miền Trung. Lòng nhân ái, tinh thần tương thân tương trợ không bao giờ là đủ. 

Nhưng có cách “cứu trợ” nào căn cơ, bền vững hơn chăng ? “Cho cần câu tốt hơn cho con cá”, tại sao những “căn nhà nổi” còn quá ít ỏi, vùng lũ nhưng nhiều nhà không có ghe xuồng, áo phao ? Quỹ phòng chống thiên tai do người dân đóng góp được sử dụng thế nào, có công khai minh bạch không, hiệu quả đến đâu ? Tại sao các địa phương không để dành một phần tiền cứu trợ trong các đợt cứu trợ (rất nhiều năm rồi) để lập “quỹ cứu trợ tại chỗ” theo phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống bão lụt ?  

Không thể để gạo trong kho khi phát cho dân thì bị mốc, cũng như không thể để tiền cứu trợ dự trữ trong két sắt hay ngân hàng mà không công khai cho dân biết bao nhiêu. 

Do đặc điểm thiên nhiên kém ưu đãi, người dân miền Trung luôn có ý thức tiết kiệm, biết chắt chiu, dành dụm, “làm khi lành để dành khi đau”. Trong công tác đối phó với bão lụt, cũng cần theo tinh thần này.

Lương thực, thực phẩm người dân miền Trung không nhiều nhưng không đến nỗi thiếu, họ biết để dành cho mùa mưa bão,  giáp hạt. Nếu quỹ phòng chống thiên tai, “quỹ cứu trợ tại chỗ” được dùng tiết kiệm, hiệu quả, người dân được hỗ trợ để làm “nhà nổi”, sắm ghe xuồng, áo phao thì sẽ không có người chết hay tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm xảy ra nữa. Chính MC Phan Anh, “người hùng” cứu trợ đồng bào miền Trung cũng khẳng định : “Tôi muốn giúp bà con có cái ăn, cái mặc và cố gắng tạo cho họ một cần câu cơm để họ thoát nghèo bền vững. Bởi cách làm từ thiện hay nhất là làm sao để hoạt động thiện nguyện đó không cần phải xảy ra nữa.” 

Tất nhiên công tác dự báo mưa bão, lũ lụt phải thật chính xác, người dân cần có thời gian để chuẩn bị đối phó, gia cố nhà cửa, di tản người và gia súc, gia cầm đến nơi an toàn. Các nhà máy thủy điện tuyệt đối không được xả lũ đột ngột, xả lũ vào nửa đêm, xả lũ mà không thông báo kịp thời cho dân biết, khiến người dân không kịp trở tay. Cần đóng cửa (nếu cần) những thủy điện nếu xả lũ thì dân thiệt hại nặng nề rồi bão rằng xả lũ “đúng quy trình” !  

Những năm gần đây xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân, các đoàn thiện nguyện đổ dồn về miền Trung cứu trợ đồng bào bị bão lụt. Nghĩa cử ấy thật đáng quý, nhưng đây chỉ là cứu trợ đột xuất, giúp đỡ người dân lúc ngặt nghèo. 

Trung ương và địa phương cần có giải pháp căn cơ, lâu dài để giúp người dân miền Trung “sống chung” với mưa bão, lũ lụt. Mong lắm đến lúc nào đó không còn cảnh các đoàn xe nối đuôi nhau đi cứu trợ miền Trung để rồi ít năm sau lại lặp lại cảnh này. Thay vào đó là hình ảnh những ngôi nhà “nhà nổi”, những khu tránh bão an toàn, những ngôi nhà tránh bão cộng đồng kiên cố, những con thuyền cứu hộ “thong dong” trên dòng nước lũ ở miền Trung.          

                                                                             

 

LÊ XUÂN CHIẾN
TIN LIÊN QUAN

Huấn luyện viên Mai Đức Chung: Từ “Tết COVID-19” đến “Tết World Cup”

PHƯƠNG TRANG (thực hiện) |

Huấn luyện viên Mai Đức Chung từng trải qua một cái “Tết COVID-19” đầy khó khăn để rồi đón cái “Tết World Cup” đầy tự hào. Trong cuộc trò chuyện với Lao Động nhân dịp đầu Xuân mới 2023, ông hướng về một mục tiêu mới khi giấc mơ đã thành sự thật.

Nhà thiết kế Xuân Thu: Trong nghề thiết kế áo dài, tôi chọn lối đi riêng

NHÓM PV |

Suốt 20 năm gắn bó với nghề thiết kế, NTK Xuân Thu luôn tạo được những nét độc đáo đối với những tà áo dài. Trong xu hướng thời trang hiện đại, người ta hay đi theo mốt nhưng với NTK Xuân Thu lại chọn đi chậm, thiết kế các mẫu áo dài có nhiều yếu tố sản xuất handmade, đậm chất truyền thống để gìn giữ nét đẹp của áo dài Việt Nam.

Đến quán cà phê đẹp nhất thế giới thử làm quý tộc

Hà Nguyên |

Nằm trên 1 phố chính của Budapest (Hungary), New York café từng được bình chọn là quán cà phê có không gian đẹp nhất thế giới và bây giờ vẫn là nơi để ngồi uống trà, cà phê đẹp nhất. Bởi, bước qua cánh cửa ra vào, bỏ lại sau lưng ồn ào của phố xá, là lạc bước vào thế giới quý tộc Châu Âu với không gian của một cung điện.

Mạng lưới ngân hàng thực phẩm vươn lên trong đại dịch

Thanh Hà |

Mạng lưới ngân hàng thực phẩm đã "lật đổ" United Way để trở thành tổ chức từ thiện lớn nhất nước Mỹ.

Thiên đường của loài mèo

Thanh Hà |

Trong thành phố cổ từng do các sultan và hoàng đế cai trị, đế vương thực sự là những con mèo khiêm nhường đang lang thang khắp mọi hang cùng, ngõ hẻm.

Áp lực lạm phát đè nặng trong năm 2023

Hương Nguyễn |

Bài toán lạm phát tiếp tục là câu chuyện khó đối với những nhà điều hành chính sách tiền tệ. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà nhận định gì về lạm phát trong năm 2023.

Chưa hết Tết, giao thông cửa ngõ Thủ đô đã căng thẳng

Nhóm PV |

Ngày 25.1 (tức mùng 4 Tết Nguyên đán), dù chưa hết kỳ nghỉ Tết nhưng lượng người đổ về trung tâm Hà Nội tăng đột biến khiến các cửa ngõ nhiều điểm ùn tắc cục bộ.

Bảo tàng gốm cổ sông Hương: Khuyến khích du khách chạm vào hiện vật

Hoàng Văn Minh |

Trong khi các bảo tàng khác đều “cấm sờ vào hiện vật”, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương luôn khuyến khích du khách “hãy chạm vào hiện vật”.