Nhiều ý kiến cho rằng việc mang áo dài để chạy bộ là phản cảm, phi thể thao. Tuy vậy, nhiều ý kiến cũng cho rằng, đây là quyền tự do cá nhân ăn mặc. Vận động viên có quyền mặc quần áo với mục đích nào đó, tất nhiên là không vi phạm quy định của pháp luật và phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc.
Trên thế giới, việc các vận động viên tham gia các giải chạy marathon mang trên mình những bộ trang phục “muôn hình vạn trạng” không phải là hiếm.
Ngày 19.1.2020, Jordan Maddocks (đến từ thành phố Salt Lake thuộc bang Utah, Mỹ) trở thành người chạy marathon trong bộ quần áo hình… quả chuối nhanh nhất thế giới.
Lần đầu tiên Jordan Maddocks quyết định mặc bộ quần áo quả chuối này là lần chạy vào năm 2019 để ủng hộ một người bạn phải trải qua phẫu thuật cấy ghép phổi. Năm nay, anh trở lại đường đua một lần nữa để ủng hộ người cha lần đầu tiên chạy marathon.
“Chạy marathon luôn thú vị. Vẻ đẹp của chạy marathon là luôn có một thử thách lớn hơn để vượt qua” - Jordan Maddocks tâm sự.
Còn tại Anh, một người đàn ông phục vụ trong quân đội, 33 tuổi tên là Paul Beddows đã tham dự giải marathon vào tháng 4.2018 bằng cách… mặc bộ áo giáp nặng 31 kg kim loại. Paul Beddows đặt mục tiêu phá kỷ lục Guinness thế giới cho người chạy marathon mặc áo giáp chạy nhanh nhất. Paul Beddows cũng hy vọng sẽ gây được ít nhất 2.000 euro cho một quỹ từ thiện dành cho các binh sỹ.
Những vận động viên mặc áo dài khi chạy tại giải marathon diễn ra ở Huế vừa qua cũng là một cách để tôn vinh, quảng bá trang phục truyền thống này. Đây rõ ràng là một việc làm bình thường, không đáng để chỉ trích, lên án, thậm chí còn là cách để các vận động viên thể hiện sáng tạo, nói lên cá tính, hướng tới những mục đích tốt đẹp của mình.
Đó cũng là mục đích của thể thao, ngoài một mục đích mà mọi người thường thấy, đó là thành tích, kỷ lục, là vượt qua giới hạn của bản thân…