Tranh luận, nêu quan điểm cá nhân là quyền của mỗi người, rất nên tôn trọng, cũng như rất nên tôn trọng vận động viên tự chọn trang phục để chạy marathon, vì đó là quyền cá nhân của họ. Tất nhiên không được vi phạm thuần phong mỹ tục.
Tranh luận, nêu quan điểm cá nhân là quyền của mỗi người, nhưng không nên nói sai sự thật.
Có người đưa ảnh một người đàn ông mặc áo dài, rồi cho đó là lãnh đạo tỉnh có chủ trương đưa áo dài vào cuộc chạy marathon và phê phán. Nhưng có 2 lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế là ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch tỉnh đều mặc áo vận động viên.
Vận động viên tham gia sự kiện "VN Express Huế 2020" chủ yếu mặc áo thể thao, nhưng có một số người lựa chọn trang phục áo dài. Thế là "sóng gió" nổi lên.
Có ý kiến cho rằng mặc áo dài chạy marathon là "xem thường áo dài", làm xấu áo dài, là không phù hợp với môn thể thao này, là không biết gì về marathon.
Nhưng cũng có ý kiến ngược lại, chọn trang phục gì là quyền của vận động viên. Mặc gì mà thấy vui, thấy thích thì mặc, và cuối cùng là chạy đến đích. Chưa kể, có những người tham gia sự kiện không phải với tư cách là vận động viên chạy marathon chuyên nghiệp, họ tham gia cho vui, như một sự kiện quần chúng, như một lễ hội.
Cá nhân người mặc thấy yêu thích trang phục áo dài, thì đó là quyền của họ.
Người mặc áo dài chạy marathon cảm thấy thoải mái thì tại sao người xem qua ảnh lại lo rằng họ vướng víu, cực khổ?
Xin nói thêm, ở các nước, vận động viên tự chọn trang phục chạy marathon, phong phú, sinh động, là chuyện quá bình thường.
Về chiếc áo dài mà có ý kiến cho là quốc phục, là sang trọng không nên đưa vào cuộc chạy marathon, ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, áo dài ngũ thân là là loại thường phục, không phải là Lễ phục hay Tế phục. Cha ông ta hàng trăm năm qua mặc áo dài ngũ thân trong mọi hoạt động: lao động, vui chơi, đánh giặc...
Còn theo quan sát của người viết, từ trước năm 1975, phụ nữ Huế mặc áo dài đi lễ chùa, đi nhà thờ, nữ sinh đi học, nhưng cũng có nhiều người mặc áo dài đi làm, đi chợ, đi bán bún bò, bán chè, nói chung là đi bán hàng rong cũng mặc áo dài.
Đó mới là đời sống của áo dài, và đó là bảo tàng sống của áo dài. Không chỉ ở trong cung điện cao sang đài các.
Vậy thì áo dài trên một đường chạy mang tính thể thao, văn hóa có gì là không đúng?
Và, nếu như ngành văn hóa địa phương khai thác các sự kiện và hóa thể thao để quảng bá về chiếc áo dài thì có gì là không đúng?