Nỗi niềm cây sả hương chanh

|

Cây sả hương chanh tuy không được đưa vào "cơ cấu cây trồng" của huyện Đạ Tẻh - huyện vùng sâu, cách Đà Lạt gần 200km - nhưng lại “làm nên danh tiếng” cho Lâm Đồng.

Mới đây, sả hương chanh của Đạ Tẻh được Tổ chức Winrock (Hoa Kỳ) và Cty hương liệu Mỹ Linh (TPHCM) chứng nhận Global GAP (sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế). Ấy nhưng, cây sả hương chanh của Đạ Tẻh bỗng trở nên... nỗi niềm lắm lắm!

Cây sả hương chanh ở huyện Đạ Tẻh được trồng chủ yếu tại xã Quốc Oai. Tuy giữa trưa nắng cháy nhưng chỉ cần “một vòng xe máy” là tôi đã có thể “lội” hết cánh đồng sả “nổi tiếng” này rồi. Sau khi đảo một vòng, tôi tìm đến một ngôi nhà theo sự lựa chọn ngẫu nhiên. Khi nghe nhắc đến cây sả hương chanh, chủ nhà - anh Nguyễn Văn Long, ở thôn 5, xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh - giọng buồn buồn: “Sả lên bông trắng như bông lau rồi anh ơi!”. 

Hoa sả trắng

Cách nay vài tháng, tôi có nhận được “thông cáo báo chí” của Cty hương liệu Mỹ Linh với đại ý rằng: Với cây sả hương chanh Đạ Tẻh, chứng nhận Global GAP là sự đảm bảo với người tiêu dùng về một sản phẩm sạch, truy xuất được nguồn gốc và sản xuất theo phương pháp thực hành nông nghiệp tốt, không tổn hại đến môi trường...

Chưa đọc xong nội dung thông cáo báo chí không đầy một trang giấy A4, niềm phấn khích trong tôi đã dâng cao đến mức cứ muốn nhảy ngay lên xe đò về xã Quốc Oai để chia sẻ niềm vui với người nông dân trồng sả. Nhưng, công việc cứ quay mòng nên mãi hơn hai tháng sau khi xã Quốc Oai nhận chứng nhận Global GAP cho cây sả hương chanh, tôi mới có dịp đến tận nơi để “diện kiến” thứ cây “làm nên danh hiệu” cho Đạ Tẻh và cho Lâm Đồng. Như vậy là quá muộn! Tuy nhiên, muộn có cái hay của muộn!

Cái hay thứ nhất: Diện tích sả hương chanh của Đạ Tẻh có lúc lên đến trên 20ha nhưng sao chỉ chứng nhận có 10ha? Và, người trồng sả theo chương trình sả sạch của Cty hương liệu Mỹ Linh ở Đạ Tẻh (tập trung tại xã Quốc Oai) có lúc lên đến trên dưới 20 hộ nhưng sao chỉ có 6 hộ được công nhận? Tìm câu trả lời không khó! Cứ theo sự nói thẳng, nói thật của những hộ dân trồng sả hương chanh ở Quốc Oai thì vào thời điểm được cấp giấy chứng nhận Global GAP với buổi lễ khá tưng bừng được chính Cty hương liệu Mỹ Linh tổ chức hồi cuối tháng 7.2010 thì đó cũng chính là lúc cây dược liệu “ngát hương” một thời này bắt đầu “tụt dốc” cả về diện tích lẫn số hộ trồng sả.

Anh Nguyễn Văn Long nói rằng: “Hồi đầu, tức là cách nay khoảng gần 3 năm, nhà tôi trồng đến 5 sào. Cty và dự án hứa rằng sẽ thu mua với giá hơn 1.000 đồng/kg (sả hương chanh thu lá chứ không thu củ như sả thường). Đúng là lứa sả đầu tiên tôi bán được 1.000 đồng/kg. Nhưng sau đó, về lý thuyết thì mỗi năm cắt 3 - 4 lứa, gia đình tôi và hầu hết những người dân trồng sả ở Quốc Oai đợi mãi, đợi mãi mà chẳng thấy người của Cty đến thu mua.

Sả hương chanh tốt bời bời trên đất Đạ Tẻh (ảnh phải). u Anh Nguyễn Văn Long: “Xịt thuốc cỏ, đốt cả ruộng sả như thế này thì xót lắm!
Anh Nguyễn Văn Long: “Xịt thuốc cỏ, đốt cả ruộng sả như thế này thì xót lắm!".

Dân kêu riết róng, rồi “họ” cũng xuống, nhưng lựa từng lá để cắt, mà giá thì chỉ còn 300 - 400 đồng/kg, sau đó... im luôn đến tận giờ. Đến lúc nhận cái giấy chứng nhận ấy, sả hương chanh của Quốc Oai đã trổ cờ trắng như bông lau. Nhiều người sốt ruột, đành phải xịt thuốc cỏ diệt cây sả để trồng thứ khác gỡ gạc”.

Như vậy, đầu ra chính là nguyên nhân khiến cho trên dưới 20 hộ trồng sả ở Quốc Oai “bị” rút xuống còn 6 hộ và diện tích từ hơn 20ha giảm còn 10ha. Khi nói ra điều này, có thể có ai đó không tin? Thì đây, rời nhà anh Long, đi thêm “nửa vòng xe máy”, tôi không khó khăn lắm để ghi nhận thêm hàng loạt hộ dân ở Đạ Tẻh rớt nước mắt cầm dao xóa bỏ vườn sả nhà mình: Ở thôn 3 xã Quốc Oai, ông Luân trồng 1ha nhưng vừa phải phá bỏ hơn nửa, chỉ giữ lại gần một phần hai diện tích để... “cầm chừng”, vì biết đâu... Giống như ông Luân, ông Hợi ở Đạ Nha cũng trồng 1ha và cũng “trắng như bông lau” nên đành phải phá bỏ gần hết.

Còn ít thì như anh Phạm Văn Dũng ở thôn 5 Quốc Oai trồng 3 sào nhưng chưa kịp thu thì thứ cây “hương chanh” ấy chả còn “hương” để “dẫn dụ” anh. Và, anh Phạm Văn Dũng có cách nói về nỗi niềm cây sả hương chanh gây ấn tượng mạnh cho tôi: “Ăn không ăn được, bán không bán được. Sả lên ngập đầu, hoa trắng như bông lau. Cầm dao phát như phát rẫy. Dân chúng tôi đau lắm chứ!”!.

Như vậy, hóa ra, cái danh hiệu Global GAP chẳng qua chỉ là cái vỏ bọc mà thôi ư?

Vị “đắng” của sả hương chanh

Một vị cán bộ có trách nhiệm của Sở NNPTNT Lâm Đồng phân tích cho tôi rõ: “Loại sả này rất hợp với loại đất hơi bị kém dinh dưỡng như Đạ Tẻh. Việc hướng người dân ở đây vào trồng cây sả hương chanh là đúng rồi. Với lại, việc đầu tư cho loại cây trồng này chỉ khoảng 1 triệu đồng một sào là mức không cao, người dân nghèo Đạ Tẻh có đủ khả năng. Rồi nữa, về lý thuyết mà nói thì trồng cây sả hương chanh cho thu nhập gấp vài lần so với các loại cây trồng khác ở cùng địa phương như cây điều, cây lúa, cây mì (sắn)... thì chắc chắn đó là sự hấp dẫn của nhà nông Đạ Tẻh”. Hấp dẫn là vậy, nên ngay khi dự án sả hương chanh ở Đạ Tẻh được triển khai cách nay 3 năm, một HTX có tên gọi là “Tiến Đồng” do ông Nguyễn Tiến Duẩn làm chủ nhiệm đã nhanh chóng được thành lập, đặt ngay trong vùng trọng điểm sả - xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh.

Hôm tôi đến, cái băngrôn làm lễ đón nhận Global GAP cho cây sả hương chanh Đạ Tẻh được chủ nhân Tiến Đồng mang về treo ngay trong cơ sở chế biến sả của hợp tác xã. Có điều, hai cái lò chưng cất to đùng của cơ sở sơ chế biến sả này lại nằm im như hai cục sắt. Trong lò, không thấy dấu hiệu của ngọn lửa vừa tắt mà lạnh tanh như đã thôi được đốt nóng từ lâu lắm rồi. Hỏi ra mới biết, chủ nhân của lò chưng cất sả Tiến Đồng đã về Bắc từ mấy hôm trước. “Cả tháng nữa bố cháu mới vào, chú ạ!” - đứa con gái nhỏ của ông Chủ nhiệm Hợp tác xã Tiến Đồng trả lời như một thông báo. Ghé ra thăm mấy hộ dân gần đó, được biết, lò chưng cất tinh dầu sả của ông Duẩn đã tắt lửa từ mấy tháng nay.

“Bản thân sả nhà ông ấy cũng “đắng” không kém gì sả của bà con đâu, anh ạ!” - chị Thân, một trong những hộ trồng sả ở Quốc Oai nói. Cứ theo lời của những hộ dân trồng sả ở đây thì đến ông chủ nhiệm hợp tác xã cũng đang “lực bất tòng tâm”. Cả một đồi sả ngút ngát của ông Duẩn hiện cũng đang bị bỏ mặc cho nắng mưa, chỉ thu hoạch và chế biến cầm chừng, được chăng hay chớ. “Đến cả sả của ông Chủ nhiệm chưng cất xong cũng chẳng bán được, nếu bán được thì giá cả cũng bèo bọt, thì nói chi đến chuyện ông ấy đi thu mua sả của bà con!” - chị Thân nói theo kiểu vừa cảm thông nhưng cũng vừa... chỉ trích. Tôi rời lò chưng cất tinh dầu sả của ông chủ nhiệm Tiến Đồng giữa trưa nắng nhưng lại như vừa chui ra từ một hốc núi sương mù giá băng. 

Mang nặng những “nỗi niềm” của người dân trồng sả trong lòng, tôi lần tìm đến những vị cán bộ có trách nhiệm ở địa phương: Anh Đỗ Phú Quới - Bí thư Huyện ủy và anh Phạm Ngọc Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh. Anh Quới bảo tôi đến nhà “tâm sự”. Ngồi chưa nóng chỗ, tôi hiểu ra ngay cái “tâm sự” của người lãnh đạo cao nhất của huyện Đạ Tẻh: “Dạo được trao chứng nhận Global GAP, chúng tôi vui lắm! Vì, đó là cái danh hiệu đầu tiên của huyện này có được. Nhưng nghe anh em báo lại tình hình cây sả hương chanh, thú thật là tôi lo lắm; và cũng thú thật, tự tôi cũng cảm thấy... ái ngại!”. Hôm sau, là ngày nghỉ nên đích thân tôi tìm đến tận nhà ông Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh Phạm Ngọc Anh Tuấn ở thị trấn Đạ Tẻh.

Sả hương chanh tốt bời bời trên đất Đạ Tẻh.
Sả hương chanh tốt bời bời trên đất Đạ Tẻh.

Anh Tuấn tiếp tôi một cách... không chính thức ngay bên hiên nhà trước, sát đường nhựa trong thị trấn: “Đứng dưới một góc độ nào đó mà nhìn thì dự án sả hương chanh có phần độc lập trong cơ cấu cây trồng kinh tế của địa phương. Tuy vậy, lãnh đạo địa phương chúng tôi vẫn dõi theo khá chặt chẽ sự thăng trầm của loại cây trồng này. Ai mà không buồn khi biết rằng hiện đang có hàng loạt nông dân rớt nước mắt phá bỏ vườn sả một thời đầy kỳ vọng của mình. Nhưng, cơ chế thị trường mà! Chắc chắn chúng tôi sẽ cố gắng tìm hiểu kỹ hơn việc phát triển loại cây trồng khá mới này của địa phương, để từ đó đưa ra những quyết sách hợp lý!”.

Về lại Đà Lạt với tâm trạng ngổn ngang nhiều thứ, tôi đã vắt tay lên trán nghĩ ngợi rất nhiều trước khi viết những dòng này. Bởi lẽ, qua tham khảo ý kiến của một số cán bộ chuyên môn của tỉnh, thú thật là cho đến lúc này, tôi cũng chưa nhận được một ý kiến nào mang tính “chính kiến” về việc nên vực dậy cây sả hương chanh của Lâm Đồng hay mạnh dạn phá bỏ nó. Không ai dám nêu “chính kiến” của mình cũng phải thôi: Tiềm năng và cả triển vọng cây sả hương chanh ở Đạ Tẻh nói riêng và Lâm Đồng nói chung là rất lớn. Lớn là vì, thị trường hương liệu sả hương chanh trên thế giới đang và sẽ còn rất rộng mở.

Rồi, Lâm Đồng có cả một dự án cùng với cả việc được chứng nhận mang tầm cỡ quốc tế hẳn hoi cho cây sả hương chanh, thì chắc chắn sản phẩm của nó một khi được đưa ra thị trường trong và ngoài nước, hẳn phải có uy tín cao hơn những sản phẩm cùng loại là điều dễ hiểu. Thế nhưng, một thực tế tưởng như nghịch lý của cây sả trên đất Đạ Tẻh là... nhà nông không bán được hàng ngay trên bờ ruộng đang rất thênh thang của mình!

Và đến lúc này đây, khi đặt bút viết phóng sự về “nỗi niềm” cây sả hương chanh, lời nói của anh Phạm Văn Dũng ở thôn 5, xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh đang vọng lại trong tôi: “Ăn không ăn được, bán không bán được. Sả lên ngập đầu, hoa trắng như bông lau. Cầm dao phát như phát rẫy. Dân chúng tôi đau lắm chứ!”. Âu thì, tôi tự xem lời nói này là “cái hay” thứ hai vậy; và cũng là để trông chờ một cái hay thứ ba đúng nghĩa của từ này sẽ đến trong tương lai gần!

Khắc Dũng

TIN LIÊN QUAN

Bác bỏ tin đồn thất thiệt sinh viên Đại học Ngoại ngữ - Tin học bị hiếp dâm

Tuệ Nhi |

Trước những tin đồn lan truyền trên mạng xã hội về việc sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) đang học quân sự, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh - Trường Quân sự Quân khu 7 đã có phản hồi chính thức về thông tin trên.

Người lao động rơi nước mắt khi về quê đón Tết trên chuyến bay 0 đồng

KHÁNH LINH - ANH TÚ |

TPHCM - Đêm 11.1 và rạng sáng 12.1, hàng trăm công nhân, người lao động đang làm việc tại TPHCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An được về quê đón Tết trên 2 chuyến bay miễn phí do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Công ty Tài chính TNHH HD SAISON cùng Vietjet tổ chức.

Đại hạ giá loạt siêu xe mạ vàng, du thuyền, biệt thự của đại gia Việt Nam

Trà My |

Một số chiếc siêu xe và du thuyền là tài sản thế chấp cho các khoản nợ quá hạn của đại gia vẫn chưa tìm được chủ nhân mới.

Sự thật vụ đồ đạc tự bốc cháy ở Hậu Giang: Do gia đình tự đốt

PHONG LINH |

Liên quan vụ việc được cho là đồ đạc tự bốc cháy ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, hồi cuối tháng 11.2022, sau thời gian điều tra, công an xác định nguyên nhân đồ đạc trong nhà anh Nguyễn Văn Mừng bị cháy là do... người nhà tự đốt.

Sai phạm ở Trung tâm đăng kiểm: Chi hàng trăm triệu đồng cho Cục trưởng

Chân Phúc |

TPHCM - Theo Công an TPHCM, để thành lập các Trạm đăng kiểm và dẫn tới các sai phạm, các đối tượng đã chung chi hàng trăm triệu đồng theo tháng, theo quý cho các lãnh đạo phòng ban và đặc biệt là cho đối tượng Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm.

Giảng viên Việt là nhà khoa học nữ duy nhất Châu Á đạt giải thưởng sáng tạo

HUYÊN NGUYỄN |

PGS.TS Lê Thị Kim Phụng - giảng viên Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TPHCM là nhà khoa học nữ duy nhất toàn Châu Á nhận được Giải thưởng Sáng tạo xuất sắc nhất của Quỹ Toàn cầu Hitachi năm 2022.

Thái Lan sắp thu phí du lịch của du khách quốc tế

Thanh Hà |

Thái Lan có kế hoạch thu phí du lịch với người nước ngoài, ngoại trừ người nước ngoài có giấy phép lao động và giấy thông hành biên giới.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương thưởng nóng cho tiền đạo Tiến Linh

AN NGUYÊN |

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có buổi gặp gỡ, động viên huấn luyện viên Park Hang-seo và cá nhân tiền đạo Tiến Linh trước thềm chung kết AFF Cup 2022.