Đi tìm “Tiếng hát từ làng Sen”

|

Tháng 5 lại về, khắp nơi lại rộn vang lời ca dâng Bác. Có một người đã 30 năm nay, lúc cồn cào, khi sâu lắng luôn để mắt dõi theo về mỗi kỳ Liên hoan Tiếng hát từ làng Sen.

Một buổi sáng tháng 5, tôi rộn rã đi tìm người khởi xướng “Liên hoan Tiếng hát từ làng Sen” - ông Nguyễn Hữu Thuông - nguyên Giám đốc Nhà văn hoá trung tâm tỉnh Nghệ Tĩnh. Mới ngày nào còn đôn đáo khắp Nghệ An, Hà Nội để ý tưởng được trở thành hiện thực, vậy mà đã 30 năm...

Gian nan “Tiếng hát từ làng Sen”

Ông Thuông chùng giọng, nét mặt đăm chiêu, hai bàn tay đan chặt vào nhau, rồi trở nên nhỏ nhẹ: “Cực lắm cháu ạ. Bao nhiêu lần vào ra Hà Nội, bao nhiêu là công văn, giấy tờ. Cực nhất là đi xin chữ ký, được người này lại mất người kia, chầu chực hết ngày này đến ngày khác. Không đam mê, không có lửa không làm được đâu”. Ông kể tiếp: Đó là vào năm 1981, sau khi Nhà văn hoá trung tâm tỉnh tổ chức mấy cuộc hội diễn nghệ thuật quần chúng, ông nhận ra rằng: Nhàm, nhàm lắm rồi, phải đổi mới! Trong rất nhiều đêm không ngủ, có một đêm, ông nhớ lại lần được gặp Bác Hồ. Hồi đó, ông là thư ký của Thượng tướng Chu Văn Tấn. Tối 1.1.1955, ông tháp tùng thượng tướng đi xem biểu diễn văn nghệ theo lời mời của Bác.

Nguyễn Hữu Thuông - người khởi xướng Liên hoan Tiếng hát từ làng Sen.
Nguyễn Hữu Thuông - người khởi xướng Liên hoan Tiếng hát từ làng Sen.

Đêm đó, ông được ngồi gần Bác rất lâu, một niềm vinh dự lớn mà ít ai có được. Chính cái đêm hồi tưởng, “đêm trắng” ấy đã cho ông một ý tưởng lớn, sẽ tổ chức liên hoan những bài hát về Bác Hồ. Trong đêm tối, ông nắm tay, quả quyết: Phải làm bằng được, phải làm thành công! Hôm sau, mới tang tảng sáng, ông đã đánh thức mọi người để trình bày ý tưởng. Cả cơ quan rầm rập hưởng ứng. Thế rồi, một cuộc hội ý đã diễn ra ngay lập tức. Nhiều cái tên đã được đưa ra để bàn bạc, như: “Liên hoan hát về làng Sen”, “Tiếng hát làng Sen”... Cuối cùng anh em đã chính thức chọn là “Liên hoan Tiếng hát từ làng Sen”. Hôm đó, hoạ sĩ Đào Phương được mời vẽ biểu trưng cho liên hoan. “Mới nói vậy mà chỉ mấy hôm sau, anh Phương đã đưa đến ba mẫu vẽ. Ai cũng tấm tắc. Mới đó mà anh đã ra đi rồi” - ông Thuông rơm rớm nước mắt nói về người hoạ sĩ tài hoa mà bạc mệnh.

Anh em tán thành rồi, nhưng kinh phí ở đâu, tổ chức như thế nào, ai là người cho phép? Ông lại phải khăn gói mà đi, không ai khác được. Cuộc hành trình đi tìm “Tiếng hát từ làng Sen” bắt đầu. Người mà ông Thuông nhắm đến đầu tiên chính là đồng đội cũ - ông Phùng Xuân Bính - Giám đốc Nhà văn hoá Trung ương. Hai người lính gặp nhau, chưa kịp hỏi han đã lao vào công việc. Bàn bạc xong cách thức tổ chức, quy mô thực hiện... hai ông đi gặp Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin - GS Nguyễn Văn Hiếu. GS Hiếu mời cả Thứ trưởng Nông Quốc Chấn cùng nghe ông Thuông trình bày. Không thể ngờ, người đăm chiêu như ông Hiếu, người điềm đạm như ông Chấn vừa nghe xong đã reo lên: “Tuyệt quá, tuyệt quá!”. Không đợi ông Thuông phải bổ sung gì thêm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hiếu kết luận: “Thế là xong nha, anh Thuông, giao cho anh và anh Bính cứ thế mà làm”.

Không lưu lại thêm Hà Nội, ông Thuông lật đật về Nghệ. Gần một ngày đêm trên tàu, miệng ông lúc nào cũng lẩm nhẩm: “Tiếng hát từ làng Sen”. Về Nghệ, ông lại đi “gõ cửa quan”, trình bày ý tưởng. Thật may, ông mang “Tiếng hát từ làng Sen” đến đâu là cửa rộng mở với ông đến đó. Văn bản có gì đâu, mới chỉ là tờ trình do ông soạn, được Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin Nghệ Tĩnh Trần Nhật Tiến đồng ý. Cầm tờ trình đi gặp Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Đạt, ông Đạt nhất trí ngay, nhưng yêu cầu ông Thuông “phải gặp đồng chí Trương Kiện - Bí thư Tỉnh uỷ - để trình bày thêm”.

Không sao cả, ông lại đến Tỉnh uỷ, gặp cho được đồng chí bí thư. Vừa dựng xe ở sân thì ôtô của bí thư chuẩn bị lăn bánh. Thấy ông Thuông, Bí thư Trương Kiện hỏi ngay: “Có việc gì không, anh Thuông? Tôi chuẩn bị đi công tác”. “Thưa anh, tôi muốn xin 5 phút, trình bày với anh về...”. Bí thư Tỉnh uỷ Trương Kiện nhận tờ trình, đứng cạnh ôtô đọc ngấu nghiến. Nét mặt ông ửng hồng. Đoạn ông tháo mục kỉnh, trìu mến nhìn ông Thuông: “Hay quá, ông Thuông ơi. Mình đồng ý!”...

Thế là xong thủ tục, mọi việc khác cũng đã hòm hòm, giấy mời 11 đoàn nghệ thuật của 11 tỉnh, thành có dấu ấn về cuộc đời hoạt động của Bác cũng đã được gửi đi. Ai cũng háo hức, anh em khắp nơi trong cả nước thi nhau báo tin hưởng ứng. Thế rồi, một buổi sáng mai, điện của Văn phòng T.Ư Đảng: Hoãn Liên hoan Tiếng hát từ làng Sen. “Như sét đánh, cháu ạ” - ông Thuông vẫn chưa hết ngao ngán. Sau này, ông mới biết, chỉ do sơ suất không xin ý kiến của Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ mà ông ấy đã có công văn gửi trung ương đề nghị hoãn vì lý do “Nghệ Tĩnh mất mùa”.

Liên hoan Tiếng hát từ làng Sen - 2010. 	Ảnh: SM
Liên hoan Tiếng hát từ làng Sen - 2010. Ảnh: SM

“Vui sao một sáng tháng 5”

Ông Thuông lại phải lặn lội đi Hà Nội. Không còn cách nào khác, đành phải thu hẹp quy mô. Từ 11 đoàn tham dự liên hoan đành rút xuống 4 đoàn là Nghệ An, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Nhà văn hoá Trung ương. Những ngày đó, thư, điện từ các tỉnh, thành gửi về trách móc không ngớt. Họ đòi được đóng góp, được sẻ chia, không vì Nghệ Tĩnh mất mùa mà phải hoãn liên hoan. Lòng ông rối bời, nhưng biết làm sao được. Gác lại những lời trách móc của đồng chí, đồng nghiệp, ông “bí mật” chuẩn bị cho liên hoan, vừa phải tiết kiệm, nhưng phải thành công vang dội.

Đúng 8 giờ sáng 19.5.1982, Liên hoan Tiếng hát từ làng Sen chính thức khai mạc tại thành phố Vinh - thành phố quê hương Bác. Sau màn khai mạc của đoàn chủ nhà, với các ca khúc “Từ làng Sen” của Phạm Tuyên, “Người về thăm quê” của Thuận Yến..., đoàn nghệ thuật TP.Hồ Chí Minh với giàn kèn hoành tráng đã bừng lên “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” của Cao Việt Bách... và kết thúc là bài “Thăm bến Nhà Rồng” của Trần Hoàn. Các nghệ sĩ lui vào hậu trường đã lâu mà tiếng vỗ tay vẫn không ngớt. Đoàn Hà Nội với sự có mặt của Trung Đức, Huy Túc... là những nghệ sĩ mà người Nghệ rất hâm mộ.

Nhạc sĩ Ánh Dương đã hết sức xúc động khi được nghe trực tiếp Huy Túc hát bài hát của mình - “Chào em cô gái Lam Hồng”, mà lâu nay ông mới chỉ nghe qua làn sóng phát thanh. Rồi những Lê Hàm, Hồ Hữu Thới và sau này là Thuận Yến, Hồng Đăng, Đặng Nhất Mai, Tân Huyền, Amư Nhân... sẽ không có những ca khúc hay về Bác, nếu không có Liên hoan Tiếng hát từ làng Sen.

Càng kể, nét mặt ông Thuông càng rạng ngời, phấn chấn: “Liên hoan kết thúc rồi mà mình vẫn cứ lâng lâng, vui sướng quá, thành công quá”. Ông rưng rưng kể về một kỷ niệm, thật tiếc là không nhớ tên người ấy nữa. “Một cụ già ở huyện Yên Thành, hay tin có Liên hoan Tiếng hát từ làng Sen đã đi bộ mấy chục cây số để xin được hát một bài về Bác Hồ. Không hề do dự, tôi quyết định mời cụ ấy hát ngay. Tôi nghĩ, liên hoan phải từ lòng người và phải đi vào lòng người” - ông tâm sự.

Và cảm động nhất là chuyện về nghệ sĩ kèn đồng Quang Vui của đoàn TP.Hồ Chí Minh. Sau liên hoan, Quang Vui cùng anh em đi thăm nhà Bác và biểu diễn phục vụ bà con Kim Kiên, Nam Đàn. Xã Kim Liên bồi dưỡng cho đoàn sau buổi biểu diễn bằng nước chè và lạc rang, vui không tả hết. Hôm đó sau khi tham quan nhà Bác, Quang Vui khóc hu hu như một đứa trẻ. Anh không thể ngờ, vị Chủ tịch Nước kính yêu lại sinh ra trong một gia đình nghèo như vậy, bình dị như vậy. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã cho ông Thuông biết, Quang Vui nguyên là nhạc công nổi tiếng thời ngụy. Chính Trần Long Ẩn đã giác ngộ Quang Vui cùng một số anh em khác trở về với cách mạng. Từ đó, Quang Vui đã có mặt khắp nơi để phục vụ đồng chí, đồng bào trong những ngày đầu “đất nước trọn niềm vui”. “Trần Long Ẩn vừa là nhạc sĩ tài hoa, vừa là nhà dân vận xuất sắc” - ông Thuông thán phục.

Liên hoan vừa kết thúc, âm vang đã bay đi khắp mọi miền đất nước. Ông Thuông lại liên tục nhận thư, điện tín, chúc mừng lắm, trách móc cũng nhiều. Và ông vẫn không thôi xúc động mỗi khi nhắc lại lời của ông Bảy Cao - Giám đốc Sở Văn hoá An Giang lúc bấy giờ: “An Giang là quê hương bác Tôn. Hát về Bác Hồ sao các anh không mời chúng tôi, quê hương của bác Tôn”.

Tôi chia tay ông Thuông trong nỗi niềm bịn rịn. Từ hội trường xã Nghi Xuân (Nghi Lộc) quê ông đang vang lên những lời ca của Liên hoan Tiếng hát từ làng Sen cấp cụm xã. Xa xa, giai điệu Chay Kathun hùng tráng của đồng bào Chăm vang mãi điệp khúc: “Hồ Chí Minh trong trái tim Việt Nam. Hồ Chí Minh trong trái tim người Chăm...”.

Phạm Việt Thắng

TIN LIÊN QUAN

Bác bỏ tin đồn thất thiệt sinh viên Đại học Ngoại ngữ - Tin học bị hiếp dâm

Tuệ Nhi |

Trước những tin đồn lan truyền trên mạng xã hội về việc sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) đang học quân sự, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh - Trường Quân sự Quân khu 7 đã có phản hồi chính thức về thông tin trên.

Người lao động rơi nước mắt khi về quê đón Tết trên chuyến bay 0 đồng

KHÁNH LINH - ANH TÚ |

TPHCM - Đêm 11.1 và rạng sáng 12.1, hàng trăm công nhân, người lao động đang làm việc tại TPHCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An được về quê đón Tết trên 2 chuyến bay miễn phí do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Công ty Tài chính TNHH HD SAISON cùng Vietjet tổ chức.

Đại hạ giá loạt siêu xe mạ vàng, du thuyền, biệt thự của đại gia Việt Nam

Trà My |

Một số chiếc siêu xe và du thuyền là tài sản thế chấp cho các khoản nợ quá hạn của đại gia vẫn chưa tìm được chủ nhân mới.

Sự thật vụ đồ đạc tự bốc cháy ở Hậu Giang: Do gia đình tự đốt

PHONG LINH |

Liên quan vụ việc được cho là đồ đạc tự bốc cháy ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, hồi cuối tháng 11.2022, sau thời gian điều tra, công an xác định nguyên nhân đồ đạc trong nhà anh Nguyễn Văn Mừng bị cháy là do... người nhà tự đốt.

Sai phạm ở Trung tâm đăng kiểm: Chi hàng trăm triệu đồng cho Cục trưởng

Chân Phúc |

TPHCM - Theo Công an TPHCM, để thành lập các Trạm đăng kiểm và dẫn tới các sai phạm, các đối tượng đã chung chi hàng trăm triệu đồng theo tháng, theo quý cho các lãnh đạo phòng ban và đặc biệt là cho đối tượng Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm.

Giảng viên Việt là nhà khoa học nữ duy nhất Châu Á đạt giải thưởng sáng tạo

HUYÊN NGUYỄN |

PGS.TS Lê Thị Kim Phụng - giảng viên Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TPHCM là nhà khoa học nữ duy nhất toàn Châu Á nhận được Giải thưởng Sáng tạo xuất sắc nhất của Quỹ Toàn cầu Hitachi năm 2022.

Thái Lan sắp thu phí du lịch của du khách quốc tế

Thanh Hà |

Thái Lan có kế hoạch thu phí du lịch với người nước ngoài, ngoại trừ người nước ngoài có giấy phép lao động và giấy thông hành biên giới.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương thưởng nóng cho tiền đạo Tiến Linh

AN NGUYÊN |

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có buổi gặp gỡ, động viên huấn luyện viên Park Hang-seo và cá nhân tiền đạo Tiến Linh trước thềm chung kết AFF Cup 2022.