Ngày 27.7, UBND tỉnh Gia Lai cho biết, vừa có quyết định về việc phê duyệt đề án phát triển hệ thống y tế tỉnh Gia Lai đến năm 2030.
Đề án sẽ huy động nguồn lực tập trung đầu tư nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ y tế, phát triển y tế chuyên sâu đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân trong địa bàn tỉnh, tỉnh lân cận và khách du lịch.
Đảm bảo người dân tại vùng sâu, vùng xa, biên giới và đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng.
Theo đó, tổng kinh phí triển khai thực hiện đề án là 3.896,76 tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư công 2.729,92 tỉ đồng, vốn sự nghiệp 1.116,84 tỉ đồng, vốn huy động hợp pháp khác là 50 tỉ đồng.
Nguồn vốn lớn là điều kiện cần thiết, cơ bản để xây dựng lại ngành y tế tỉnh Gia Lai. Như Báo Lao Động phản ánh, một số cơ sở y tế trên địa bàn Gia Lai như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Kông Chro… xuất hiện tình trạng thiếu cục bộ đối với một số thuốc.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai có 14 danh mục thuốc hiện đã hết không có thuốc thay thế.
Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Gia Lai, năm 2021, ngành y tế có 110 trường hợp nghỉ việc, trong đó có 38 người xin thôi việc (18 bác sĩ). Kỷ luật thôi việc 11 người (có 10 bác sĩ).
Trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành Y tế Gia Lai nghỉ việc 23 người, trong đó có 6 bác sĩ; thôi việc 14 viên chức, trong đó có 4 bác sĩ; kỷ luật buộc thôi việc 2 người.
Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn ngành Y tế có 26 người nghỉ việc, thôi việc, bỏ việc. Trong đó bác sĩ là 19/51 người (chiếm 37%), còn lại các chức danh nghề nghiệp khác.
Tình trạng xin nghỉ việc, thôi việc ở bệnh viện công để chuyển sang làm việc tại các bệnh viện tư được cho là do chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với công sức, năng suất lao động...