Vác gỗ ngược rừng, làm “homestay” trên đỉnh núi

Long Nguyễn - Bảo Nguyên |

Dẫn phóng viên chinh phục đỉnh Lùng Cúng (nằm ở độ cao 2.913m so với mực nước biển - là 1 trong 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam), anh Hờ A Nhà (sinh năm 1985) người Mông ở bản Tu San, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, mang đến bất ngờ này tới bất ngờ khác.

“Tay trắng” dựng homestay chốn thâm sơn cùng cốc

Theo lời hẹn, sau 3 tiếng đi từ thành phố Yên Bái đến huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), buổi trưa, anh Hờ A Nhà cùng nhóm thanh niên người Mông ở bản Tu San đón chúng tôi ở trung tâm xã Nậm Có. Họ nhận nhiệm vụ chở đoàn vào bản Lùng Cúng bằng xe máy. Quãng đường này dài 25km nhưng toàn những con dốc dựng ngược, đất đá lổm chổm sau mưa nên phải đi mất 2 giờ đồng hồ.

Khi đến chân núi, anh Hờ A Nhà cùng anh Thào A Mang (sinh năm 2001) đi cùng đoàn chúng tôi để phụ giúp mang hành lý, hỗ trợ mọi người ở những cung đường khó khăn, đoạn vách đá, vượt đèo. Hai người dẫn đường là anh Nhà, anh Mang sẽ đồng hành cùng đoàn suốt hành trình.

Trên đường đi, anh Nhà kể, từ năm 2016 trở lại đây, đỉnh Lùng Cúng thu hút lượng lớn những người yêu thích leo núi, trekking (đi bộ đường dài) do địa hình rừng núi đẹp, có thể ngắm hoàng hôn và bình minh giữa biển mây khi lên đỉnh. Dọc đường, chúng tôi phải vượt qua nhiều đoạn đất đá dựng đứng, lội suối và luồn lách qua những cây lớn giữa cánh rừng nguyên sinh.

Đến chiều tối, khi đã thấm mệt sau khoảng 5 giờ leo núi, anh Nhà cho biết, đoàn đang ở độ cao 2.500m. Nếu ai còn đủ sức có thể đi tiếp để ngắm hoàng hôn trên đỉnh Lùng Cúng. Khi chúng tôi đang lo lắng bởi tối có mưa không thể cắm trại giữa rừng, anh Nhà đưa đoàn đến khu vực 2 lán rộng (dành cho nam và nữ) có đầy đủ nơi ngủ, chăn, giường chiếu, nhà vệ sinh…

Sau khi đưa đoàn vào lán, anh Nhà cùng anh Mang lấy thịt gà vịt, thịt lợn đã làm sẵn cùng rau và gia vị mang từ bản đi để chuẩn bị bữa tối cho đoàn 10 người ở lưng chừng đỉnh Lùng Cúng.

Những người dẫn đường hỗ trợ khách chinh phục đỉnh Lùng Cúng.
Những người dẫn đường hỗ trợ khách chinh phục đỉnh Lùng Cúng.

Anh Nhà kể chuyện, cách đây chừng 6 năm, thấy nhiều khách leo núi gặp nhiều bất tiện khi ở lại qua đêm giữa núi rừng, anh nảy sinh ý định dựng nhà kiểu homestay. Không có vốn liếng, anh rủ một số thanh niên người Mông ở bản Tu San vận chuyển những sập gỗ lớn, tre nứa, mái tôn, bạt lên bãi đất bằng phẳng gần đỉnh Lùng Cúng để dựng lán. Mỗi người góp mấy ngày công dẫn đường cho khách được 5 triệu đồng dùng mua máy phát điện. Sau đó họ dùng ống nứa dẫn nước suối từ đầu nguồn về lán. Cả nhóm còn trồng thêm cây, hoa xung quanh cho thêm sắc màu. Vậy là 1 căn lán kiên cố trông như homestay đúng bản sắc của đồng bào Mông được dựng lên giữa chốn thâm sơn cùng cốc.

“Chúng tôi chuẩn bị chiếu trải lên các thảm gỗ cùng chăn màn cho khách. Mỗi người chúng tôi thu 100.000 đồng/đêm. Đợt đông nhất là đoàn khách 80 người ở Thành phố Hồ Chí Minh và đoàn khách gần 100 người ở Thành phố Hà Nội ngủ lại tại lán. Sau khi có thêm vốn, chúng tôi lại xây dựng thêm 2 căn nữa. Dịp cao điểm tháng 11 và 12 thích hợp để leo núi, săn mây, chúng tôi đón khoảng 400 khách”, anh Nhà chia sẻ.

Sau khoảng 2 giờ chuẩn bị, anh Nhà và anh Mang dọn ra 2 mâm cơm cho đoàn gồm: Thịt lợn quay, gà nướng, canh rau cải, cơm trắng và rượu ngô. Vì đói bụng nên chúng tôi ăn uống ngon lành rồi về các lán ngủ.

4 giờ sáng, 2 người dẫn đường gọi chúng tôi dậy ăn nhẹ, chuẩn bị tiếp tục lên đỉnh Lùng Cúng mất khoảng 1 giờ đồng hồ. Càng đến gần đỉnh núi, bức tranh thiên nhiên càng có sự thay đổi ngoạn mục. Lên tới đỉnh Lùng Cúng, các thành viên trong đoàn vỡ oà khi có thể ngắm trọn biển mây bồng bềnh.

Bình minh trên đỉnh Lùng Cúng quá đẹp khiến ai nấy đều rạo rực, phấn khích.

Sau khi check-in, cả đoàn xuống núi theo hướng bản Thào Chua Chải, đi qua thung lũng Tà Cua Y dài hơn khoảng 5 km so với đường lên và sẽ phải vượt qua 5 con suối lớn nhỏ. Khu vực này được bao bọc bởi những dãy núi ở Mù Cang Chải và các thảm thực vật với vẻ đẹp hoang sơ.

Anh Mang cho hay, Lùng Cúng có những nét đẹp riêng trong các mùa khác nhau. Tháng 11-12 là mùa lá phong chuyển màu và mùa hoa dã quỳ nở rực rỡ trên các triền núi. Tháng 1-3 là mùa hoa đào và hoa táo mèo. Còn biển mây thì luôn có ở mọi mùa trong năm.

Khu vực lán nghỉ được ví như homestay giữa núi rừng trong hành trình chinh phục đỉnh Lùng Cúng nằm ở độ cao 2.913m.
Khu vực lán nghỉ được ví như homestay giữa núi rừng trong hành trình chinh phục đỉnh Lùng Cúng nằm ở độ cao 2.913m.
Anh Hờ A Nhà, người có ý tưởng vác đá ngược núi, làm homestay giữa rừng. Ảnh: BẢO NGUYÊN
Anh Hờ A Nhà, người có ý tưởng vác đá ngược núi, làm homestay giữa rừng. Ảnh: BẢO NGUYÊN

Bản làng khởi sắc nhờ du lịch cộng đồng

Bây giờ, anh Hờ A Nhà đã thành ông chủ “homestay” có tiếng ở Mù Cang Chải. Anh mặc áo lanh, quần ống rộng truyền thống, đi dép tổ ong, luôn cười nói khi gặp khách. Anh còn được bầu làm tổ trưởng dẫn đoàn khách leo núi kiêm thêm nhiệm vụ lên mạng xã hội quảng bá du lịch địa phương và tìm khách leo núi.

Nhớ lại hơn thập niên trước, anh Nhà cùng nhiều chàng trai người Mông trưởng thành phải tìm cách thoát khỏi bản làng vùng cao nghèo đói để lập nghiệp. Từ ngày khách du lịch tìm về nơi hoang sơ này, hơn 100 thanh niên bản Tu San đã không phải tha hương, đời sống nhiều khởi sắc. Nhiều người đi làm công nhân các tỉnh khác cũng về quê làm công việc thú vị này.

Cũng như anh Nhà, anh Mang, anh Hờ A Lâu (sinh năm 1990) đã có 8 năm gắn bó với công việc đặc biệt này. Anh Lâu tâm sự, làm du lịch cộng đồng tưởng khó mà lại rất đơn giản. Mỗi chuyến leo núi dài 2 ngày anh thường quay video, chụp hình ảnh trải nghiệm của khách sau đó đăng lên TikTok, Facebook, YouTube. Về sau nhiều người biết, khách này giới thiệu khách kia nên hầu như ngày nào các anh cũng có người nhờ chở xe máy hoặc dẫn đường khám phá đỉnh Lùng Cúng.

Vợ anh Lâu ở nhà làm công tác hậu cần, vào bản tìm mua gà vịt của người dân, trồng rau xanh để chồng phục vụ khách leo núi. Thường thì đoàn 10 người chỉ hết khoảng 800.000 đồng tiền mua thực phẩm. Còn nấu ăn thì anh giúp đoàn, một số khách thấy nhiệt tình sẽ cho thêm chút tiền để anh mua quần áo mới, quà bánh cho các con ở nhà.

“Từ nghề phụ bây giờ dẫn đường cho khách du lịch đã trở thành công việc chính của thanh niên người Mông chúng tôi. Gà vịt nuôi trong chuồng, rau củ quả trồng ngoài vườn giờ đây cũng để bán phục vụ khách du lịch” - anh Lâu bày tỏ.

Qua chia sẻ của những người dẫn đường, từ tháng 10 đến cuối năm, trung bình mỗi người dẫn 2 đoàn leo núi (2 ngày/chuyến) là có thể kiếm được từ 7-9 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này với đồng bào người Mông nơi đây được xem là rất cao. Nhờ đó, vợ chồng anh Nhà nuôi được 3 con ăn học, anh Mang đã sửa sang được căn nhà sau bão còn anh Lâu vừa sắm được tivi, tủ lạnh trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Long Nguyễn - Bảo Nguyên
TIN LIÊN QUAN

Nhiều hệ lụy khi đua nhau làm homestay không theo quy hoạch

TRÍ MINH |

Loại hình homestay đang trở thành dịch vụ lưu trú được yêu thích bởi đông đảo du khách. Tuy nhiên, nếu không có sự quản lý chặt chẽ, các homestay có thể bị lợi dụng vào các mục đích vi phạm pháp luật, gây nhiều hệ lụy về an ninh trật tự.

An Giang hủy nội dung cho phép giữ nguyên hiện trạng homestay trên Núi Cấm

Thanh Mai |

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang ký quyết định hủy bỏ nội dung "giữ nguyên hiện trạng đối với các homestay xây dựng tự phát trên Núi Cấm", thị xã Tịnh Biên.

Xây dựng homestay trên đất nông nghiệp được không?

Tuyết Lan |

Một trong những nguyên tắc sử dụng đất là phải sử dụng đúng mục đích. Do đó nếu sử dụng đất sai mục đích, người sử dụng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu. Nhiều người thắc mắc xây dựng homestay trên đất nông nghiệp được không?

Giá cả tăng vọt, đặt qua app 30 phút vẫn không tìm được xe tối mùng 3 Tết

Vương Trần |

Tối 12.2 (mùng 3 Tết Giáp Thìn), tại khu vực ga Hà Nội (đường Lê Duẩn, Hà Nội), nhu cầu đi lại của người dân bằng xe dịch vụ tăng cao, nhiều người phải đợi chờ hàng giờ đồng hồ.

Hàng vạn du khách trẩy hội chùa Hương ngày mùng 3 Tết

Anh Vũ - Trần Tuấn |

Phóng viên Báo Lao Động ghi nhận không khí du xuân, lễ Phật của du khách tại chùa Hương vào hôm nay (mùng 3 Tết Giáp Thìn).

Tranh cãi bài viết so sánh giá vé 75.000đ/người xe khách và 9.000đ/người xe buýt cho quãng đường 70km ngày Tết

KHÁNH AN |

Bài viết có nội dung than vãn về giá vé xe khách ngày Tết tăng cao, đồng thời so sánh với giá vé xe buýt hiện đang gây tranh cãi trên mạng xã hội.

20 nghìn 3 lạng rau xanh cũng khó mua ngày Mùng 3 Tết

Thanh Vân |

Trong khi siêu thị hút khách với giá rau củ quả bình ổn, thì rau củ quả tại chợ cóc, chợ dân sinh lại đắt hơn gấp 2-3 lần.

Quán bún mở xuyên Tết, cao điểm bán hơn 500 bát/ngày

Nhóm PV |

Nhiều hàng quán lựa chọn mở hàng xuyên Tết, bán hàng trăm bát/ngày.

Nhiều hệ lụy khi đua nhau làm homestay không theo quy hoạch

TRÍ MINH |

Loại hình homestay đang trở thành dịch vụ lưu trú được yêu thích bởi đông đảo du khách. Tuy nhiên, nếu không có sự quản lý chặt chẽ, các homestay có thể bị lợi dụng vào các mục đích vi phạm pháp luật, gây nhiều hệ lụy về an ninh trật tự.

An Giang hủy nội dung cho phép giữ nguyên hiện trạng homestay trên Núi Cấm

Thanh Mai |

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang ký quyết định hủy bỏ nội dung "giữ nguyên hiện trạng đối với các homestay xây dựng tự phát trên Núi Cấm", thị xã Tịnh Biên.

Xây dựng homestay trên đất nông nghiệp được không?

Tuyết Lan |

Một trong những nguyên tắc sử dụng đất là phải sử dụng đúng mục đích. Do đó nếu sử dụng đất sai mục đích, người sử dụng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu. Nhiều người thắc mắc xây dựng homestay trên đất nông nghiệp được không?