Như Báo Lao Động đã phản ánh, du khách nghỉ đêm bức xúc và lấy làm tiếc bởi trong nhiều ngày rong ruổi trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, họ tới những bãi cát trắng, nước biển trong xanh nhưng không được xuống tắm.
Bên cấm, bên tắm tự do
Sau những chuyến du ngoạn dài ngày trên vịnh Hạ Long nhưng không được tắm biển, anh Đoàn Văn Nam (Hà Nội) quyết định chuyển hướng sang Cát Bà, Hải Phòng.
Tàu vào vùng lõi vịnh Lan Hạ, khá nhiều tàu du lịch đã thả neo, du khách nhảy ào ào xuống biển và bơi vào những bãi cát vàng nhỏ ẩn mình trong các góc núi.
Khoác chiếc áo phao, anh Nam xuống chiếc tender (thuyền tăng bo) rồi lao xuống biển vùng vẫy, trước khi bơi vào các bãi cát – nơi nhóm du khách khác đang vui đùa.
Thỉnh thoảng có du khách rú lên bởi được thả mình xuống làn nước mát, trong vắt và ngả mình trên những bãi cát nhỏ nhắn, xinh xắn mà có lẽ chỉ bắt gặp qua phim ảnh.
Sau những giờ bơi lội dưới biển, vui đùa, thư giãn trên những bãi cát, du khách trở về tàu tắm táp, trong khi các đầu bếp đang chuẩn bị những món ăn của biển.
“Bên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long không thiếu những bãi cát như thế, thậm chí đẹp hơn nhiều, nhưng chúng tôi chỉ được ngắm một cách thèm thuồng. Có những chuyến đi trời nắng nóng, trong khi bãi cát đẹp, nước biển trong xanh mà lại không được tắm” – anh Nam cho biết. “Tôi nhớ ở Thiên Cảnh Sơn, Bái Tử Long có một bãi cát rất đẹp, nhưng du khách đến đó chỉ được thò chân xuống nước chứ không được tắm”.
Quy định thiếu thực tế
Hiện, trên vịnh Hạ Long chỉ có 2 bãi tắm là Ti-tốp và Soi Sim, trên tuyến tham quan số 2 và thường chỉ có khách đi tham quan theo giờ xuống tắm, còn khách nghỉ đêm ít ghé qua bởi họ thích sự yên tĩnh.
Rất nhiều các bãi cát đẹp khác nằm ẩn mình giữa những núi đá, thuộc tuyến số 3, 4 – chủ yếu phục vụ khách quốc tế hoặc khách chi trả cao – bị cấm tắm bởi những quy định xa rời thực tế.
Theo Quy chế quản lý bãi tắm du lịch của Sở Du lịch Quảng Ninh, mỗi bãi tắm phải có ít nhất 2 khu nhà tráng nước ngọt, có tủ đựng đồ cho du khách, khu vệ sinh công cộng đảm bảo các tiêu chí của Tổng cục du lịch, có hệ thống thu gom – xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia…
Đại diện các công ty du lịch, các hãng tàu cho rằng, các quy định đó chỉ phù hợp với các bãi tắm trên đất liền, còn với những bãi tắm giữa biển không thể thực hiện được vì vừa nhỏ, vừa phá vỡ cảnh quan.
Trao đổi với Lao Động, ông Phạm Ngọc Thủy – Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh – cho biết, việc áp dụng các tiêu chuẩn chung cho cả bãi tắm ven bờ và giữa biển là không hợp lý. Vì thế, sở này đang xây dựng các tiêu chí riêng cho các bãi tắm nhỏ giữa vịnh Hạ Long, Bái Tử Long.
“Dự kiến đến hè 2020, sẽ có từ 12 –16 bãi tắm nhỏ trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long được công nhận để phục vụ du khách, nhất là với du khách lưu trú qua đêm. Các tiêu chí sẽ được đơn giản hóa. Ví dụ, nhà vệ sinh thì chỉ cần loại lưu động và nhỏ…” – ông Thủy cam kết.