Trí tuệ trong nhân gian đâu chỉ có trong phòng họp...

Trần Hoài (thực hiện) |

Từ thời sinh viên, ông Phan Văn Thắng - nguyên TBT (tổng biên tập) Tạp chí Văn hóa Nghệ An (VHNA), được đặt biệt danh “Thắng Bụi” bởi phong cách ngang tàng, thẳng thắn và chân thành, và giờ nó vẫn được anh em bạn bè dùng gọi ông lúc thân tình.

Sống và làm việc ở TP. Vinh, ông giao du với nhiều trí thức trong nước và nước ngoài. Ai cũng có thể đến chơi với ông và ông có thể chơi với bất kỳ ai, miễn người đó được ông tôn trọng, trân trọng, yêu mến! Rượu tốt. Thích rong ruổi.

Tạp chí VHNA khi ông làm TBT, có thể được xem như một salon văn chương, văn hóa, nghệ thuật ở xứ Nghệ u trầm. Ông tổ chức tọa đàm, giới thiệu sách, đêm nhạc… và đặc biệt là ông làm báo rất ... có nghề. Nhà văn - nhà báo - sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam Trần Hoài đã bắt đầu cuộc trò chuyện với ông Phan Văn Thắng bằng một giọng “trực khởi” như vậy...

Thưa ông Phan Văn Thắng, tôi biết quê ông ở làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, một làng quê rất đẹp bên sông La. Và dòng sông nào cũng chảy ra biển, mà lần đầu tiên ông ra biển khi nào vậy, ấn tượng của ông về biển lúc đó?

- Ông Phan Văn Thắng: Tôi biết biển muộn lắm. Đó là hè năm 1973, tôi bám theo cha đi công tác ở Nghi Xuân. Lúc đó tôi đã học hết lớp 8 rồi nên không quá bỡ ngỡ trước biển. Nhà ở sát sông, bơi khá ổn, nên lúc ấy tôi muốn nhảy xuống biển bơi thử một vòng nhưng ông cụ không cho. Lúc đấy tôi muốn thành bộ đội hải quân. Thật đấy! Tuổi mới lớn lại đang lúc chiến tranh. Tôi nghĩ về biển từ bối cảnh chiến tranh như vậy đó. Cứ tưởng là lãng mạn lắm... (cười).

Giờ đây, nếu ông lại ra biển, đúng cái nơi thời thơ ấu ông đã ra gặp biển lần đầu tiên, thì ông nghĩ gì?

- Ông Phan Văn Thắng: Tôi ra rất nhiều lần rồi, đúng cái nơi ấy, biển Xuân Thành, Nghi Xuân. Tôi đã bơi ở đó rất nhiều lần. Tôi đã biết và hiểu biển nhiều hơn, đúng hơn. Tôi không còn cái ước mơ lãng mạn như hồi đầu gặp nó nữa. Tôi nhìn thấy sóng dữ nhiều hơn là nhìn thấy những cánh buồm.

Có lẽ duyên biển đã đưa đến việc sau khi ông nghỉ hưu ở Tạp chí VHNA thì được mời làm việc cho một tạp chí. Tại sao ông được chọn?

- Ông Phan Văn Thắng: Tháng 6.2019, trong cùng một ngày, có hai hiệp hội có nhã ý mời tôi cộng tác với tạp chí của họ. Tôi đã nhận lời cộng tác với tạp chí  này vì ngay từ đầu tôi đã thích cái tên gọi của nó. Vươn khơi là diễn ngôn một khát vọng lớn về biển cả. Ngay từ đầu những người chủ trương nó đã hướng đến là giữ biển, sống chan hòa với biển để khai thác nguồn lợi từ biển một cách nhân văn và bền vững nhất. Vươn Khơi là diễn đàn của những người yêu biển, bảo vệ biển, gắn bó với biển bằng nghề nuôi trồng trên biển.

 

Ông có 15 năm làm TBT Tạp chí VHNA, được giới trí thức trong và ngoài nước đánh giá cao, được họ đón đợi và nhiều người đã cộng tác, chọn làm nơi công bố bài viết, suy nghĩ, ý tưởng, công trình nghiên cứu của họ. Tôi có nghe nhiều học giả nói rằng “VHNA là tạp chí đáng đọc nhất”, ông đã làm thế nào để được như vậy?

- Ông Phan Văn Thắng: Chuyện đánh giá là của mọi người. May mắn là được nhiều người đồng cảm, chia sẻ, cộng tác, nhất là giới trí thức ở trong và ngoài nước. Tôi làm tạp chí VHNA gần như theo khát vọng bản năng vì tôi chưa hề được một phút giây nào đào tạo về báo chí. Cái khát vọng bản năng đó là nhăm nhăm hướng đến làm gì đó để cho mọi người biết nhiều hơn, hiểu nhiều hơn, yêu nhiều hơn và cống hiến nhiều hơn; thoát ly càng xa hơn cái hèn nhát và lạc hậu để sống đàng hoàng hơn, có ích hơn với cộng đồng. Làm gì ư? Khó mà kể rạch ròi. Nhưng phương châm làm việc của tôi là tôn trọng mọi giá trị, tôn trọng mọi người, tôn trọng sự khác biệt để cùng hướng đến những giá trị chân thực tốt đẹp nhất của lịch sử và văn hóa. Tôi vẫn thường trao đổi với các đồng nghiệp trong cơ quan là VHNA phải hướng đến Mới và Khác. Nếu bị lẫn trong đám đông mặc đồng phục thì không còn là VHNA.

Ông nghĩ gì về thực trạng nền báo chí thế giới và Việt Nam hiện nay?

- Ông Phan Văn Thắng: Tôi nghĩ là mình không có thẩm quyền để đưa ra một nhận định về vấn đề quá rộng lớn này. Song, tôi nghĩ, dù tồn tại dưới hình thức này hay hình thức khác thì báo chí vẫn phải tồn tại và phát triển, và cùng hướng đến những giá trị, những chuẩn mực chung của báo chí thế giới. Xã hội ngày càng thông minh và nhân văn hơn nên tôi tin là báo chí sẽ ngày càng thật hơn, tự do hơn.

Với tư cách là một nhà báo có nhiều tâm huyết với cộng đồng, thời cuộc, ông cần một bầu không khí chính trị, tinh thần như thế nào để có thể làm báo hay hơn, hữu ích, cống hiến cho xã hội nhiều hơn?

- Ông Phan Văn Thắng: Tôi không có ý riêng gì cả, chỉ nói theo quan điểm của Đảng thôi. Tự do, Dân chủ, Tự chủ và Khoa học là điều kiện nền tảng để báo chí ngày càng thật hơn, tốt hơn, hay hơn, có ích hơn.

Trong đời làm báo, ông có gặp tai nạn nghề nghiệp nào không? Và cách ông vượt qua tai nạn đó như thế nào? Ông có lời khuyên nào cho các bạn trẻ làm báo tránh được tai nạn nghề nghiệp?

- Ông Phan Văn Thắng: Thời buổi này làm báo mà gặp tai nạn là chuyện bình thường. Tôi đã không ít lần bị tai nạn. Vấn đề là tai nạn như thế nào? Ai gây ra tai nạn? Thiệt hại, hậu quả ra sao? Vượt qua như thế nào ư? Khó nói quá. Có những việc không thể nói ra. Bí quyết nghề nghiệp đấy (cười). Nguyên tắc là phải dựa vào luật và sự thật; phải trung thực và chân thành. Nhiều phen nhờ gặp may mắn, có “quý nhân phù trợ” tôi mới thoát nạn đấy. Nhưng để được người ta giúp thì điều đầu tiên là trong hành nghề phải tôn trọng khoa học, tôn trọng sự thật khách quan, tôn trọng mọi người, không được tham lam, ích kỷ, không được lợi dụng, lạm dụng để làm bậy. Có mồm ăn thì không có mồm nói, muốn nói thì đừng ăn. Cái nguyên lí giản dị vậy thôi. Cha ông cũng nói rồi, “há miệng mắc quai”.

Ông đã nhận được gì, thôi cứ nói thẳng là ông đã hưởng lợi gì từ nghề báo của mình?

- Ông Phan Văn Thắng: Rất nhiều. Nhiều nhất là mối thiện cảm của rất đông bạn đọc và cộng tác viên. Có một đồng nghiệp đã nhận xét tôi là người về hưu tốn rượu nhất của bạn bè (cười). Thứ hai, tôi học được nhiều điều, từ tri thức, nhận thức đến đạo đức và cách ứng xử. Thứ ba, tôi biết ngày càng nhiều hơn sự kém cỏi của mình.

Đất nước ta hiện đang diễn ra những vận động lớn lao, đặc biệt là trong lĩnh vực ngoại giao, quan hệ quốc tế. Cá nhân ông có đặt niềm tin và kỳ vọng vào những chuyển động đó không? Nếu có thì như thế nào đối với con đường đi, tương lai của dân tộc?

- Ông Phan Văn Thắng: Tôi vẫn tin, tin mạnh mẽ vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Nhưng tôi không tin mọi việc sẽ được giải quyết trong ngày một ngày hai. Lại nói chuyện về biển, để con tàu đi tới đích và an toàn, cần có thời gian, có thuyền trưởng tài năng và bản lĩnh, có hoa tiêu giỏi giang, một đội thủy thủ gan dạ, giàu kinh nghiệm và có một hải trình hợp lý mới đi đến đích nhanh chóng được.

Vâng, xin được trở lại câu chuyện về văn hóa biển, kinh tế biển, môi trường biển, chính trị biển, ngoại giao biển, quá khứ và tương lai biển -  tức là tất tần tật về biển -  ở đâu trong sự quan tâm của ông?

- Ông Phan Văn Thắng: Tôi biết biển từ năm lớp 8 nhưng để biết nhiều hơn, sâu hơn về nó là từ khi tôi làm tạp chí VHNA. VHNA là một tờ báo đã đi đầu trong công cuộc bảo vệ biển Đông. Không nói rõ ra nhưng một thời gian dài chúng tôi chủ trương phải đóng góp nhiều nhất có thể cho công cuộc này bằng các luận chứng khoa học. Đến bây giờ, khi không còn làm ở VHNA, tôi vẫn nung nấu tinh thần đó và muốn được tiếp tục thể hiện trên tạp chí Vươn Khơi. Biển đã và sẽ là cánh đồng cuối cùng, là không gian sinh tồn cuối cùng của nhân loại, đặc biệt là người Việt Nam.

Ông hãy nói đôi điều về “phẩm chất biển” của người Việt...

- Ông Phan Văn Thắng: Tôi vẫn hay nói đến phẩm chất biển của người Việt Nam. Phẩm chất biển mà tôi đề cập là ý muốn nói đến nguồn gốc và các mối quan hệ, sự gắn bó với biển, tri thức về biển của cộng đồng người Việt Nam với biển. Tất nhiên cần hiểu cộng đồng người Việt Nam ở đây bao gồm nhiều tộc người khác nhau, thậm chí nhiều cộng đồng dân tộc, nhiều quốc gia khác nhau trong lịch sử nữa. Dân tộc Việt Nam đã được cấu trúc từ nhiều thực thể địa lý, tộc người, văn hóa, nhà nước khác nhau trên quá trình vận động của mình trong đó có một thực thể rất quan trọng là Chiêm Thành. Người Chăm với quốc gia Chăm Pa/Chiêm Thành đã có lịch sử phát triển vượt trước vô cùng rực rỡ. Họ có nguồn gốc Nam Đảo nên phẩm chất biển của họ rất nổi trội. Trong cộng đồng Việt Nam hiện đại, người Chăm có hải sử phong phú và tiêu biểu nhất. Người Việt cũng có phẩm chất biển. Truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ là kí ức lịch sử về biển, sự gắn bó với biển của người Việt. Nhìn chung, Việt Nam là một quốc gia biển. Không chỉ vì có 3260 km bờ biển, 1 triệu km2 mặt nước biển mà có lẽ quan trọng nhất là cái phẩm chất biển, tâm thức biển sâu sắc và tri thức biển phong phú của người Việt Nam.

Trong 10 số Tạp chí VHNA cuối cùng ông phụ trách trước khi nghỉ hưu, ông đã cho đăng tải nhiều bài viết, phỏng vấn theo chuyên đề “Vì một nước Việt Nam hùng cường”. Ông có toại nguyện về việc này không...

- Ông Phan Văn Thắng: Đúng vậy. Thực ra từ trước đó hai năm tôi đã có ý tưởng tổ chức một vệt bài trong suốt cả năm 2017 nhằm có các lời giải cho câu hỏi “Làm thế nào để tự lập, tự cường?”. Rồi chúng tôi chuyển thành “Vì một nước Việt Nam hùng cường”, lấy cái mục tiêu cuối cùng thay cho cái mục tiêu trước mắt, ngắn hạn, có ý nghĩa giải pháp. Tôi làm được mấy số rồi nghỉ hưu, chuyên đề này cũng dừng. Nhưng cũng may và hay là Vietnamnet không biết có tiếp thu của VHNA hay không mà ngay sau đó cũng mở chuyên đề về “Vì một nước Việt Nam hùng cường”. Với chủ đề này chúng tôi muốn mọi người cùng tham gia bàn việc nước. Trí tuệ ở trong nhân gian đâu chỉ có trong phòng họp. Tôi nghĩ, đây là một vấn đề lớn, có tính chất cốt lõi của Việt Nam hiện nay. Bởi vậy, rất nên tiếp tục tổ chức thảo luận trên nhiều không gian khác nhau, trong đó có báo chí. Cứ hình dung như một Hội nghị Diên Hồng mở. Báo chí là một không gian tuyệt vời để tổ chức Hội nghị Diên Hồng mở. Trên không gian đó mọi người tự do và dân chủ biểu đạt tinh thần yêu nước và những đề xuất đóng góp hữu ích cho sự phát triển của đất nước.

Xin cảm ơn ông Phan Văn Thắng. Chúc ông thật nhiều sức khỏe để Vươn Khơi ngày càng xa, bền bỉ.

Trần Hoài (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Đụng lợn Tết: Một nét văn hóa

ĐĂNG HUỲNH |

Đụng lợn ngày Tết đã được gia đình ông Phạm Đình Hiền (Hưng Yên) duy trì suốt hơn 20 chục năm nay. Thế nhưng, khi giá thịt lợn tăng và vòng xoáy của dịch vụ khiến cho nét văn hoá truyền thống này có nguy cơ mất đi.

Quảng bá văn hóa dân gian Thái Bình tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Khánh Linh |

Các hoạt động quảng bá, tôn vinh văn hóa dân gian tỉnh Thái Bình như chèo, múa rối nước, trò chơi dân gian pháo đất... diễn ra tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán Canh tý 2020.

“Di sản văn hóa phi vật thể không thuộc về quốc gia hay nhân loại”

HẢI NGỌC |

Về cách gọi “Di sản văn hóa phi vật thể thế giới” hay “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, sáng 3.1, tại tọa đàm Công ước 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể do Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức, TS. Frank Proschan, cựu cán bộ Chương trình cao cấp của UNESCO một lần nữa nói rõ: “Di sản văn hóa phi vật thể thuộc về cộng đồng, và chỉ duy nhất thuộc về cộng đồng. Di sản văn hóa phi vật thể không thuộc về quốc gia, nhà nước, dân tộc, hay nhân loại cũng như toàn thế giới”.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Đụng lợn Tết: Một nét văn hóa

ĐĂNG HUỲNH |

Đụng lợn ngày Tết đã được gia đình ông Phạm Đình Hiền (Hưng Yên) duy trì suốt hơn 20 chục năm nay. Thế nhưng, khi giá thịt lợn tăng và vòng xoáy của dịch vụ khiến cho nét văn hoá truyền thống này có nguy cơ mất đi.

Quảng bá văn hóa dân gian Thái Bình tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Khánh Linh |

Các hoạt động quảng bá, tôn vinh văn hóa dân gian tỉnh Thái Bình như chèo, múa rối nước, trò chơi dân gian pháo đất... diễn ra tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán Canh tý 2020.

“Di sản văn hóa phi vật thể không thuộc về quốc gia hay nhân loại”

HẢI NGỌC |

Về cách gọi “Di sản văn hóa phi vật thể thế giới” hay “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, sáng 3.1, tại tọa đàm Công ước 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể do Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức, TS. Frank Proschan, cựu cán bộ Chương trình cao cấp của UNESCO một lần nữa nói rõ: “Di sản văn hóa phi vật thể thuộc về cộng đồng, và chỉ duy nhất thuộc về cộng đồng. Di sản văn hóa phi vật thể không thuộc về quốc gia, nhà nước, dân tộc, hay nhân loại cũng như toàn thế giới”.