Anh Trần Thành Hải (29 tuổi, quê ở huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) - làm việc tại một doanh nghiệp ở cụm công nghiệp Trung An, TP Mỹ Tho - cho biết, chưa khi nào công việc cầm chừng như năm nay. Trong bối cảnh khó khăn, công ty có đơn hàng để công nhân được đi làm ca hành chính đã là điều may mắn. Cách đây hơn 2 năm, mỗi tháng thu nhập từ 9 triệu đồng trở lên; hiện nay, mức thu nhập chỉ dừng lại ở hơn 6 triệu đồng/tháng. Vì thu nhập hàng tháng giảm, nên thưởng Tết sẽ là một khoản “cứu cánh” để bù đắp những chi tiêu đột xuất cuối năm.
“Tôi mong các chủ doanh nghiệp sẽ quan tâm công bố sớm thưởng Tết cho người lao động để công nhân phấn khởi. Hy vọng tiền thưởng Tết được bằng năm ngoái chứ không dám mong nhiều hơn để công nhân có cái Tết đong đầy, ấm áp bên người thân” - anh Hải bày tỏ.
Chị Đoàn Thị Tư (55 tuổi, quê ở tỉnh Hậu Giang) đang làm việc tại một doanh nghiệp ở cụm Công nghiệp Trung An (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) chia sẻ, do tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2023 vẫn khó khăn, một bộ phận doanh nghiệp vẫn tiếp tục thiếu đơn hàng, doanh nghiệp nơi chị Tư đang làm cũng có đơn hàng nhưng không tăng ca.
Thưởng Tết là khoản tiền mà người lao động mong chờ nhất sau 1 năm làm việc vất vả. Thời điểm càng về cuối năm thì công nhân lao động càng mong người sử dụng lao động công bố mức thưởng để cân đối thu chi cho gia đình.
Ông Lê Minh Hùng - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang cho biết, Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có khoảng 6.100 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó có khoảng 3.500 doanh nghiệp có thuê mướn, sử dụng hơn 195.000 lao động. Để tạo mối hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động, LĐLĐ tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các cấp Công đoàn trên địa bàn, đặc biệt là Công đoàn cơ sở nắm chắc tình hình tiền lương, thưởng Tết đối với người lao động để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.
Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với chủ đề “Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ”, LĐLĐ tỉnh Tiền Giang sẽ tập trung hướng về cơ sở, chăm lo đoàn viên, người lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp; chăm lo NLĐ tại các doanh nghiệp gặp khó khăn bị cắt, giảm đơn hàng, thu hẹp quy mô sản xuất, tạm ngừng hoạt động...
Trong đó, ưu tiên đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo, bị giảm thời gian làm việc, mất việc làm; đoàn viên, người lao động nhiều năm chưa có điều kiện về quê đón Tết; ở lại đơn vị, doanh nghiệp để công tác, sản xuất, kinh doanh vào dịp Tết, thực hiện theo phương châm tất các đoàn viên, người lao đồng đều có Tết.