Thực hiện yêu cầu của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai về việc rà soát kết quả phân bổ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, báo cáo đề xuất nhu cầu hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở năm 2023.
Sau khi rà soát, tổng hợp kết quả đề xuất của các địa phương trong tỉnh, căn cứ các tiêu chí hướng dẫn của Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện phân bổ nguồn vốn 280 tỉ được hỗ trợ từ ngân sách trung ương theo nguyên tắc ưu tiên thực hiện sửa chữa, nâng cấp, khắc phục công trình, hạng mục công trình bị thiệt hại, hư hỏng.
Bên cạnh đó, khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu do thiên tai, sạt lở gây ra năm 2023 cần thiết phải khắc phục khẩn cấp để đảm bảo an toàn giao thông, vận chuyển hàng hóa và đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản, đất sản xuất của nhân dân, đồng thời xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã phân bổ chi tiết nguồn dự phòng ngân sách Trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở năm 2023 trên địa bàn tỉnh (280 tỉ đồng) để thực hiện sửa chữa, nâng cấp, khắc phục 12 công trình, hạng mục công trình bị thiệt hại, hư hỏng và khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu do thiên tai, sạt lở gây ra năm 2023.
Năm 2023, Lâm Đồng ghi nhận 2 vụ sạt lở đất nghiêm trọng như sự cố sạt lở đất, gãy ta luy làm chết 2 người tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám (phường 10, Đà Lạt vào tháng 6).
Ngày 30.7, sạt lở đất trên đèo Bảo Lộc khiến 4 người chết. Trên toàn tỉnh ghi nhận 73 vị trí có nguy cơ bị ngập khi xảy ra mưa lớn, hơn 160 vị trí có thể sạt lở đất.
Ngoài ra, tình trạng ngập lụt đô thị ở Đà Lạt xảy ra trong vài năm gần đây ngày một nghiêm trọng và với tần suất ngày càng cao.
Năm 2023, UBND thành phố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Đà Lạt đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, ý thức chủ động phòng chống thiên tai trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng.