Ksor H’lâm - nữ già làng đầu tiên của vùng biên giới

Trương Thúy Hằng |

Khi tôi bước lên thang gác căn nhà gỗ dưới tán cây xoài xanh rì nhuộm hồng bụi đất bazan của Ksor H’lâm ở làng Krong, xã Ia Mơr, huyện biên giới Chư Prong, Gia Lai, một bà lão Jrai đẹp đến ngạc nhiên xuất hiện trên bậc cửa. Dù đọc trước lý lịch của nữ già làng được dân bầu đầu tiên ở Tây Nguyên, tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy người phụ nữ trước mặt mình với nụ cười khoáng đạt. Tôi cất tiếng: “Chào thượng úy!”.

Hạt giống đỏ

Với cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, dấu vết của mẫu hệ vẫn còn nguyên. Phụ nữ trong gia đình vẫn là rường cột, nhưng đàn bà đứng vai già làng thì rất hi hữu. Ngay cả bây giờ, người ta vẫn không... thoải mái với việc nữ giới có thể ngồi nghiêm ngắn chủ tọa ghế Kpan trên nhà rông để bàn việc làng. Đằng này, Ksor H’lâm, bước sang tuổi 75, giữ chức già làng đã 2 thập kỉ!

Sinh năm 1945, trải hai cuộc kháng chiến, sau đó là trường kỳ chống thất học, chống đói nghèo đằng đẵng những năm hậu chiến, đến giờ, Ksor H’lâm vẫn giữ được nụ cười thanh tươi, hàm răng trắng rạng rỡ trên khuôn mặt hồn hậu.

Cái dáng người dong dỏng cao này khi còn trẻ hẳn đốn tim nhiều giai làng lắm. Vì sao, ngoài việc chưa từng kết hôn, bao năm qua, không ai trong làng thấy Ksor H’lâm để mắt tới người đàn ông nào? Tôi bắt đầu bằng câu hỏi muốn biết nhất.

Giọng chắc nịch, lơ lớ âm điệu người Jrai quen nói tiếng Jrai mà ít khi nói tiếng phổ thông, Ksor H’lâm bật mí: “Ngày còn trẻ đi chiến đấu, anh em đồng đội, chiến sĩ sát cánh cũng nhiều. Rồi ra công tác phụ nữ, quân sự địa phương, đồng nghiệp cũng nhiều đàn ông. Mà họ luôn nói muốn yêu mà thấy mình nghiêm nghị quá, sợ mình chê nhỏ, chê thường, sợ không xứng với mình, không dám tiến đến. Mà mình cũng say mê công tác, đi xuyên rừng ban đêm một mình mỗi khi giải quyết công việc có khi dễ hơn ngồi trước mặt đàn ông”. Ksor H’lâm lại cười, nụ cười nhẹ bẫng.

Làng Krong, xã Ia Mơr, Chư Prong, Gia Lai. Ảnh: TTH
Làng Krong, xã Ia Mơr, Chư Prong, Gia Lai. Ảnh: TTH
Về hưu, Ksor H’lâm về lại làng Krong của bà, mang quân hàm thượng úy từ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Thế hệ của bà, nữ giới được chọn gửi đi học phổ thông để phát triển thành cán bộ hạt giống đỏ phải là những thiếu niên ưu tú ở Tây Nguyên. Rồi bà trưởng thành là cán bộ tham gia kháng chiến ngang dọc Tây Nguyên, tuổi thanh xuân trôi qua lúc nào không hay. Ksor H’lâm quen cách nghĩ nếp sống vun vén cho tập thể, sức vóc lao động lại gấp đôi gấp ba người khác.

Hai vai gánh tình yêu Tây Nguyên

Làng Krong lựa chọn Ksor H’lâm vào vị trí già làng từ năm 1998. Tới nay, không ai nghĩ phải thay đổi. Chính bà nghĩ ra việc cho vay bò. Nuôi được đàn bò, thỉnh thoảng, bà cho mấy gia đình nghèo khó trong làng vay mỗi nhà mỗi con. Một năm chăm tốt có khi bò đẻ ra bê rồi họ dắt con bò mẹ qua trả, bà lại cho nhà khác vay. Hàng mấy chục năm qua, đàn bò của Ksor H’lâm sinh sôi nảy nở khắp làng, chính bà cũng không biết có thêm bao nhiêu con bê.

Nếu chỉ cho dân trong làng mượn bò, mượn tiền, mượn gạo, vực dậy kinh tế, chưa chắc bà đã có uy tín như một người mẹ lớn như thế. Bởi trước H’lâm, phụ nữ Tây Nguyên chưa từng được ngồi ở ghế chủ Kpan trên nhà rông. Người phụ nữ này nắm giữ nhiều kỹ năng vận động quần chúng được rèn rũa trong quân ngũ. Dân làng bảo cái gì không hiểu về luật, về chủ trương của nhà nước cứ tìm H’lâm mà hỏi. Chả màng tư lợi, bà đứng ra giải quyết mọi tranh chấp trong làng dễ lắm. Mấy nhà lục đục đêm hôm, bất quá kéo nhau sang nhà H’lâm, lúc về ai nấy như bỏ xuống được gánh nặng. Những thân phận nghèo của làng chỉ biết tin H’lâm.

Ksor H’lâm mềm mại nhưng mạnh mẽ, như người mẹ một mình làm nhiệm vụ dẫn đường, sẻ chia, cảm thông, che chở. Bà đùa: “Nhiều lúc, tôi cũng thấy mình giống đàn ông. Mấy cái việc khó, tôi cứ cách của đàn ông mà làm. Mấy cái bằng khen trên tường kia cũng ghi nhầm là ông già làng Ksor H’lâm, vì họ nghĩ không có nữ già làng. Tôi đứng làm đàn ông cũng không sao”.

Ksor H’lâm táo bạo nghĩ rằng, đất Ia Mơr vốn chỉ có 4 vạn ha rừng nghèo bọc lấy khoảng 500 hộ dân chủ yếu là người Jrai bản địa mà tỉ lệ nghèo vẫn còn cao. Mảnh đất khô khát dưới chân núi Chư Prong không có mạch nước ngầm, mỏng vẹt chút đất mặt trên dải đá bazan. Mấy chỗ đất rừng đã trót chuyển đổi thành đất lâm nghiệp, giao cho doanh nghiệp kinh doanh cây trồng mà thất bại rồi thì có cách nào đó chuyển qua cho dân làm ăn thôi...

Tôi hỏi, liệu có phong tục tập quán nào mà vì nghèo khó quá, người Jrai ta đã bỏ rơi rớt không? Ksor H’lâm nói, mất nhiều lắm. Lễ cúng bến nước là một ví dụ. Cứ nhìn Tây Nguyên bây giờ đó, nơi nào có cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống là nơi đó gần nguồn nước. Đó là cách chọn nơi cư trú mang đặc tính dân tộc. Chọn rồi thì tạ ơn trời đất. Cứ nói tốn kém rồi bỏ đi là mất văn hóa gốc. Giờ lại mất công phục dựng lại.

Ngược lại, nhiều cái phải bỏ, bỏ tiệt đi. Như, làng cũ ngày xưa cho rằng đẻ sinh đôi là xúi quẩy lắm, phải bóp chết một trẻ mới nuôi được đứa còn lại... Như, cái thuyết thế gian không trẻ mồ côi ấu trĩ quá, phải bỏ. Sau này, chính Ksor H’âm cứu một đứa trẻ khi mẹ chết mà gia đình tang chủ nhất định đưa con đi theo mẹ. Bà giật lại nói cứng: “Sợ ma không ai nuôi để tôi nuôi”. Người ta nể quá để đứa trẻ lại, giờ nó thành thanh niên rồi, có vợ nữa, nhà ở trong làng Krong. Từ đó, người làng cũng bỏ hẳn hủ tục này.

Không chỉ trẻ hơn cái tuổi 75, Ksor H’lâm rất giỏi tư duy lý giải, phân tích mạch lạc nhiều vấn đề khó. Bà giải thích cho tôi việc những người già trong làng thường hay sắm sẵn cho mình một cỗ quan tài để trong nhà. Cái kì dị là mỗi khi có người trong làng chết mà chưa chuẩn bị được hậu sự, người ta lại qua bà hỏi mượn vay. Khi nào qua đám tang, bỏ mả rồi, người ta sẽ mua cỗ hậu sự khác mang trả. Vay hoài như vậy không đếm được số lần và có khi ban đầu cỗ quan tài để trưng đó bằng gỗ, bây giờ là quan tài bê tông.

Làng Krong, xã Ia Mơr, Chư Prong, Gia Lai. Ảnh: TTH
Làng Krong, xã Ia Mơr, Chư Prong, Gia Lai. Ảnh: TTH
Tôi quan sát thấy ở đây, giữa đại ngàn rộng lớn này mà có rất nhiều gia đình có cỗ quan tài đúc bằng xi măng để trong vườn. Tây Nguyên cạn hết gỗ đến mức phải làm quan tài bê tông? Ksor H’lâm nói quả thật điều đó chưa từng có trước đây. Có lẽ người ta thấy rẻ thì làm, quên mất rằng dù tín ngưỡng tôn giáo nào cũng quan niệm khi chết phải hòa vào tự nhiên. Dùng quan tài bê tông hóa ra hồn chả siêu mà xác cũng chả thoát. Cái làng nhỏ Krong vẫn cần Ksor H’lâm phải đứng ra giải quyết những việc khó thế.

Như mạch ngầm dưới đất bazan

Krong là ngôi làng cổ rất hiếm hoi còn sót lại của Tây Nguyên giữ được nhiều căn nhà ghép gỗ dưới những gốc xoài cổ thụ như nhà của nữ già làng. Những hàng rào bằng gỗ quanh làng thẳng thớm, mòn trẻ dấu chân trẻ leo trèo. Hơn 60 nóc nhà của làng Krong hầu như dựng bằng gỗ, gầm sàn để chứa củi.

Một điều ngậm ngùi là trước những biến động rất mạnh mẽ của đời sống Tây Nguyên, làng nào còn giữ được nếp cũ. Cả làng chẳng có căn nhà nào mới, nhìn đâu cũng thấy những ngôi nhà được tặng bởi các tập đoàn, doanh nghiệp, cơ quan đơn vị, của rất nhiều chương trình an sinh xã hội thì chứng tỏ làng đó nghèo... Ngôi nhà của Ksor H’lâm ở giữa ngôi làng đó. Người phụ nữ này giải đáp cho tôi nhiều câu hỏi về Tây Nguyên, về đời sống mà tôi đang nhìn thấy, về cả chiều dài sự phát triển của xã biên giới heo hút Ia Mơr...

Trương Thúy Hằng
TIN LIÊN QUAN

Chủ tịch Quốc hội: Đắk Lắk là “trái tim” của vùng Tây Nguyên

Hữu Long |

Làm việc với tỉnh Đắk Lắk, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Đắk Lắk là trái tim của vùng Tây Nguyên. Từ nền tảng vốn có, Chủ tịch Quốc hội mong muốn tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục đầu tư phát triển để thay đổi bộ mặt của TP. Buôn Ma Thuột.

Quy hoạch để phát triển Đắk Lắk thành trung tâm của Tây Nguyên

Hữu Long |

Đắk Lắk được đánh giá là trung tâm vùng Tây Nguyên, còn nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trong 2 ngày làm việc tại tỉnh Đắk Lắk (ngày 6-7.1). Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị lãnh đạo Đắk Lắk cần có quy hoạch dài hạn để tập trung phát triển địa phương này thật sự trở thành trung tâm của Tây Nguyên chứ không thể để mãi dạng tiềm năng...

“Độc chiêu” săn bắt, thuần dưỡng voi của người Tây Nguyên xưa

Bảo Trung |

Người Mnông nổi tiếng với việc săn bắt và thuần dưỡng voi. Để săn và thuần dưỡng một con voi rừng phải mất rất nhiều thời gian công sức và có thể nguy hiểm đến tính mạng...

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Chủ tịch Quốc hội: Đắk Lắk là “trái tim” của vùng Tây Nguyên

Hữu Long |

Làm việc với tỉnh Đắk Lắk, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Đắk Lắk là trái tim của vùng Tây Nguyên. Từ nền tảng vốn có, Chủ tịch Quốc hội mong muốn tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục đầu tư phát triển để thay đổi bộ mặt của TP. Buôn Ma Thuột.

Quy hoạch để phát triển Đắk Lắk thành trung tâm của Tây Nguyên

Hữu Long |

Đắk Lắk được đánh giá là trung tâm vùng Tây Nguyên, còn nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trong 2 ngày làm việc tại tỉnh Đắk Lắk (ngày 6-7.1). Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị lãnh đạo Đắk Lắk cần có quy hoạch dài hạn để tập trung phát triển địa phương này thật sự trở thành trung tâm của Tây Nguyên chứ không thể để mãi dạng tiềm năng...

“Độc chiêu” săn bắt, thuần dưỡng voi của người Tây Nguyên xưa

Bảo Trung |

Người Mnông nổi tiếng với việc săn bắt và thuần dưỡng voi. Để săn và thuần dưỡng một con voi rừng phải mất rất nhiều thời gian công sức và có thể nguy hiểm đến tính mạng...