Công tác đào tạo, khai thác thử chậm trễ
Dù hoàn thành phần đào tạo lý thuyết từ lâu, nhưng mãi đến ngày 7.6, kỹ thuật viên lái tàu Metro số 1 mới được tiếp cận và thực hành trên thiết bị mô phỏng buồng lái đoàn tàu, tại khu vực depot Long Bình (TP Thủ Đức).
Thời gian qua, công tác đào tạo nhân sự vận hành của Metro số 1 bị kéo dài do các nhà thầu và tư vấn chung chậm thống nhất trong cách thức bàn giao thiết bị, đoàn tàu để học viên được tham gia thực hành.
Theo quy trình, đội ngũ nhân sự vận hành Metro số 1 sau khi đào tạo phần lý thuyết, mô phỏng, đến giai đoạn học thực tế trên các đoàn tàu và tiếp cận thiết bị của dự án. Quá trình đào tạo ban đầu dự kiến kết thúc vào cuối tháng 6, sau đó chuyển sang giai đoạn vận hành khai thác thử (Trial-Run). Tuy nhiên, việc chậm thống nhất giữa các bên khiến thời gian đào tạo hiện phải lùi sang tháng 8, 9.2024.
Ngoài ra, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR - chủ đầu tư) cho biết, hiện nay theo các kế hoạch công việc mới nhất, nhà thầu Hitachi - gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray, bảo dưỡng) lại đẩy lùi các mốc tiến độ về sau, ví dụ mốc tiến hành Trial-Run đã được đẩy lùi về tháng 11, thay vì tháng 10.
Dự kiến thời gian Trial-Run được tiến hành trong 2 tháng để đảm bảo tàu và toàn bộ các thiết bị, hệ thống vận hành trơn tru. Đây cũng là bước thử cuối cùng tiến hành đồng thời với quy trình đánh giá, cấp chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án. Như vậy, nếu thời gian Trial-Run lùi đến tháng 11 thì Metro số 1 không kịp khai thác thương mại trong năm nay như kế hoạch.
Phụ thuộc nhà thầu Hitachi
Theo MAUR, dù đã được quy định trong hợp đồng nhưng các nội dung liên quan đến đào tạo nhân viên (điều kiện đầu vào, số lượng học viên, thời điểm bắt đầu…) và công tác chạy thử (nghĩa vụ an toàn hệ thống, cung cấp thiết bị, đoàn tàu cho việc đào tạo và chạy thử…) bị kéo dài do những tranh cãi và thoái thác công việc của nhà thầu Hitachi.
Một lý do khác khiến công tác đào tạo và khai thác thử bị chậm trễ do nhà thầu Hitachi đang yêu cầu tính thêm chi phí cho việc gia hạn thời gian hoàn thành gói thầu CP3 (theo hợp đồng gói thầu kết thúc tháng 4.2018). Đến nay, tổng số tiền phát sinh nhà thầu trên đưa ra khoảng 23,721 tỉ yen (gần 4.000 tỉ đồng).
Để sớm tháo gỡ vướng mắc, chủ đầu tư đang phối hợp với nhà thầu thành lập Ban xử lý tranh chấp (DAB). Sau khi rà soát, MAUR nhận thấy việc thành lập DAB cần phải có một khoảng thời gian nhất định.
MAUR đề nghị giải pháp tiến hành trao lệnh phát sinh tạm (căn cứ trên giá trị đề xuất của nhà thầu để thanh toán 70%) để nhà thầu có nguồn kinh phí thực hiện ngay các nội dung công việc thúc đẩy dự án. Phần còn lại và giá trị sau cùng sẽ phụ thuộc vào phán quyết của DAB hoặc Trọng tài thương mại (nếu nhà thầu không đúng thì trả lại chi phí lệnh phát sinh này).
Nhà thầu Hitachi đồng thuận về nguyên tắc, tuy nhiên yêu cầu thanh toán 100% tạm giá trị phát sinh như họ đề xuất thì mới thực hiện công việc.
Theo MAUR, việc thanh toán 100% giá trị phát sinh cho nhà thầu trong khi các nội dung vẫn được xem như là "tranh chấp" hoặc "khác biệt về cách hiểu" là không phù hợp. Việc thanh toán 70% phù hợp quy định hợp đồng, cũng như đảm bảo quyền lợi của nhà thầu và quyền lợi của chủ đầu tư đối với việc hậu kiểm, kiểm toán dự án về sau. Do đó, MAUR đã kiến nghị Đại sứ quán Nhật Bản có ý kiến đề nghị nhà thầu Hitachi chấp thuận đề xuất để thúc đẩy công việc.
Ngày 3.6, MAUR đã trình UBND TPHCM dự thảo công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Ngoại giao về đề xuất biện pháp giải quyết vướng mắc ở dự án Metro số 1.
MAUR đề xuất TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đề nghị phía Nhật Bản quan tâm, hỗ trợ, trong đó có các trao đổi, tác động nhà thầu (đặc biệt nhà thầu Hitachi) sớm hoàn thành công việc để đưa tuyến Metro số 1 vào khai thác thương mại.