Cô gái trọc đầu trồng… cỏ dại

Tâm Am |

Khi tôi ngỏ ý tìm hiểu con đường khởi nghiệp từ cây cỏ của Thu, cô đã đắn đo rất lâu trước lúc quyết định hẹn gặp. Cô thẳng thắn: “Đã có nhiều bạn start up quay lưng với con đường nghiêm ngắn mà chính họ dựng xây vì sức cám dỗ của kim tiền. Tôi mới đặt được những viên gạch nền, chỉ e tiếng lành đồn xa, được “ưu ái” quá, tôi sẽ vì ham lợi nhuận mà không giữ được cái Tâm đã và đang nuôi dưỡng. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu mà tôi theo đuổi; nếu không vững vàng thì hậu quả đối với người tiêu dùng là vô cùng lớn”.

“Cái Thu trồng toàn là cỏ, có khi nó... rửa tiền"

Góc chợ xã Khánh Hà (huyện Thường Tín, TP.Hà Nội), nghe nhắc đến cô Thu - Tâm An (tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thu - GĐ Công ty TNHH SX&TM ATK Việt Nam), chị bán thịt lợn cắm phập con dao xuống phản gỗ: “Ra ngoài cánh đồng, ruộng nào trồng đầy nhọ nồi, cây cứt lợn là thấy cái Thu. Tưởng làm giám đốc thế nào, chứ suốt ngày lội ruộng cứu úng vất vả hơn cả nông dân “xịn”. Mà cái Thu trồng toàn cỏ, có khi nó… rửa tiền cũng nên”.

Tôi nhắc lại lời chị hàng thịt cho Thu nghe, cô cười giòn tanh tách, đầy hào sảng. Giữa ruộng chùm ngây mơn mởn, bên dưới là cây nhọ nồi, cỏ ngũ sắc (dân gian gọi là cây cứt lợn), ngải cứu, cỏ mần trầu…, Thu đưa tay áo quệt mồ hôi, ánh mắt biết cười, cô bảo: “Vừa phải hướng dẫn công nhân dọn cỏ chọn lọc, vừa lo be bờ, bơm nước chống úng cứu cây. Bây giờ mà nghe ai nói làm nông nghiệp trong ba năm đã thu tiền tỉ, thú thực là tôi không tin đâu. Có làm nông nghiệp rồi mới thấy gian nan, vất vả đến thế nào; nông nghiệp sạch khó khăn còn gấp nhiều lần”.

Thu là con thứ 4 trong gia đình có 6 chị em gái. Bố của Thu - ông Nguyễn Văn Hay - mới 54 tuổi đã lên chức cụ ngoại. Làng Đan Nhiễm nhà ông vốn có nghề mổ lợn, nên mấy đứa con đầu, đứa nào cũng hết lớp 3 - lớp 4 là ông đã cho nghỉ để “xung” vào đội quân của “làng nghề”. Thu và em gái út học hết lớp 12, nhưng chỉ mình Thu là theo học lên cao nữa. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Tài chính (năm 2010), Thu lên Hoà Bình làm kế toán trong công ty của một người bác. Thu bảo hình như cô có “máu buôn bán” như rất nhiều người làng, nên mới làm được mấy tháng cô đã nói với bác: “Cho cháu đi tìm hiểu thị trường hay thế nào đó, chứ cháu không thể ngồi một chỗ với đống giấy tờ, sổ sách được”.

Ông Hay nhớ: “Nghe bác ấy nói lại, tôi giận cái Thu lắm. Khi nó đi xe máy từ Hoà Bình bỏ về nhà, lúc đến sân, tôi đã chạy ra bạt tai nó hai cái mà nghiến răng: “Mày được học nhiều nhất nhà, mà mày làm thế nào để người ta nói là mất dạy, hả con”. Từ lúc Thu về, trong suốt một năm ông Hay không dám “vác mặt” tham gia các buổi họp họ, dù ông là trưởng chi. Về quê, Thu xin vào làm trong công ty lớn nhất huyện Thường Tín. Người ta hỏi Thu muốn mức lương bao nhiêu, cô trả lời “chỉ cần trả cho cháu đủ tiền xăng xe đi lại”. Thu nhận 2,5 triệu đồng mỗi tháng, ông Hay lại càng chì chiết. “Nó học đến Cao đẳng mà không bằng các chị, em nó học hết lớp 3, lớp 4 - mỗi buổi đi chợ kiếm 300.000 - 400.000 đồng là chuyện bình thường. Nhưng ngày 2.9.2012, cái Thu mang về đưa cho tôi hai tờ giấy, một là quyết định kết nạp Đảng, hai là quyết định bổ nhiệm nó làm Trưởng phòng Marketing, nhận lương tháng 10 triệu đồng. Bấy giờ tôi mới thực sự hiểu được tính con gái” - ông Hay xúc động lạc cả giọng. 

Năm 2013, Thu lấy chồng, sinh con, tưởng thế là yên ổn. Đến năm 2015, vợ chồng ông Hay và đàn dâu, rể lại thêm một phen hoảng hốt vì quyết định của cô con gái cá tính, quyết liệt nhất nhà: Thu bỏ việc công sở, đứng ra thành lập công ty riêng. Cả công ty chỉ có bốn thành viên, một kế toán, một nhân viên giao hàng, và hai vợ chồng Thu. “Mà tưởng nó mở công ty làm ăn gì oách lắm, hoá ra nó đi bán rau chùm ngây. Bán chưa chán, nó còn trồng rồi mày mò làm trà, làm bột chùm ngây với nhiều thứ từ cây cỏ khác”.

 
 

Nguyên nhân là 12 năm đội tóc giả

Thu nghe bố nhắc đến chuyện của mình, chốc chốc lại tủm tỉm. Cô bảo “Tôi đeo đuổi trồng, chế biến dược liệu sạch vì muốn bố nhận ra rằng ông và nhiều người đã sai khi nghĩ “con gái thì làm được trò trống gì”. Nhưng có lẽ sâu xa hơn cả là vì câu chuyện 12 năm đội tóc giả tôi phải trải qua”.

Khoảng năm 2000-2001, không hiểu sao Thu bị rụng tóc rất nhiều. Đã đi khắp các bệnh viện lớn, nhỏ, tìm đến không biết bao nhiêu thầy lang mà tóc của cô vẫn rụng trơ trụi. Đến mức từ khi lên học cấp 3, Thu đã phải gắn với những bộ tóc giả mỗi lúc bước chân ra khỏi nhà. Thu bảo đội tóc giả mãi cũng thành quen, có khi sáng chụp ảnh với một kiểu tóc, chiều đã lại thấy xuất hiện với bộ tóc khác rồi. “Chuyện tôi bị rụng tóc đến trọc cả đầu, phải đội tóc giả quanh năm suốt tháng chỉ thực sự ám ảnh khi về quê ra mắt bố mẹ người yêu. Mẹ chồng tôi khi đó cấm mối quan hệ giữa tôi và con trai bà. Vì biết là đầu tôi trọc lốc nên bà sợ tôi mắc phải bệnh gì khủng khiếp lắm, nhỡ đâu về làm dâu nhà bà lại không sinh nở được thì khốn khổ. Mà khi đó, chúng tôi yêu nhau đã 7 năm”.

Anh Phạm Trọng Kỷ - chồng Thu - đi dò hỏi khắp chốn rồi đưa Thu về huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) gặp một thầy thuốc hưu trí chữa bệnh từ thiện bằng Đông y. Nghe Thu trình bày xong, ông đi lấy cho cô một túi với những loại cây quen thuộc: Bồ kết, hương nhu, sả, cỏ mần trầu… Chẳng ngờ chỉ sau một năm, tóc Thu đã mọc xanh trở lại, thế là cô đã đủ “tiêu chuẩn” để… lấy chồng. 

Sau những tháng ngày đầu tắt mặt tối bận con mọn, Thu bắt đầu có thời gian tìm hiểu các loại dược liệu. Năm 2014-2015 rộ lên loại cây có thể thay thế thịt: Cây chùm ngây. Thu tìm hiểu sách vở, thấy chùm ngây có rất nhiều công dụng cả trong điều trị bệnh, nên năm 2015, thành lập công ty xong, Thu xắn tay vào “buôn” rau chùm ngây. Nguồn rau lấy từ công ty sản xuất nông nghiệp của một GĐ khiếm thị là người cùng huyện, “giá nhập 15.000 đồng/kg, giá bán ra là 40.000 đồng/kg không tính phí giao hàng. 

Bán rau ăn thì chỉ giải quyết được phần lá non, nhìn đám lá già bị vặt bỏ làm phân, Thu xót xa như chính mình vừa mất của. Lại thêm việc bà con nông dân Thanh Hoá ồ ạt trồng cây chùm ngây, không có chỗ tiêu thụ nên đổ bỏ. Thu và kế toán về tận huyện Cẩm Thuỷ tìm hiểu và tính phương án giúp đỡ bà con. Chẳng ngờ về đến nơi, bà con cho không hàng chục héc ta, bảo cô thuê xe tải mà chở về Hà Nội; nghe thế lại càng tiếc. Thu nghĩ thuốc nam vẫn phơi khô để dùng dần được, sao mình không thử phơi, sấy để làm trà. Bấy giờ chưa có máy móc, Thu phải đưa chùm ngây từ Thanh Hoá ra Đông Anh (Hà Nội) để thuê một công ty chuyên về dược liệu sấy giúp.

“Cũng có đôi lúc tôi ngã lòng, muốn làm ẩu, làm dối như bao người khác cho nhanh giàu. Nhưng nghĩ đến những người đã tin tưởng mình, người dân mình, bản thân mình, tôi không cho phép mình làm những điều sai trái. Tôi đã nhìn thấy những sa ngã của các star up khác, nên tôi càng quyết tâm đeo bám con đường đầy gian khó, vất vả này”.

Xắn quần đi xin dự án phi chính phủ 

Sau “thương vụ” thuê sấy chùm ngây làm trà, Thu về thuyết phục bố mẹ và các chị em giúp mình vốn để mua máy móc. Thu gom góp tiền tìm đến Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch để hỏi mua máy sấy lạnh. Trước cái máy, Thu háo hức, rổn rảng; mà lúc nghe báo giá, cô bỗng tần ngần. Ông Nguyễn Mạnh Hiểu - Phó Viện trưởng Viện cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch - vốn đã biết Thu và tâm huyết của cô từ khi cả hai người cùng tham gia hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất rau của GĐ khiếm thị; ông Hiểu cười lớn bảo Thu cứ mang máy về, phần còn thiếu ông cho “chịu”.

Có cái máy sấy lạnh, tạm yên tâm về trà và cốm chùm ngây; Thu bắt tay vào làm sản phẩm gội đầu từ cây cỏ. Thu đặt mua bồ kết, thuê người đi cắt cỏ mần trầu, hoa ngũ sắc… về băm nhỏ rồi đóng túi lọc. Nói về sản phẩm gội đầu Tâm An, Thu chia sẻ: “Tôi bắt đầu làm từ tháng 12.2015 nhưng đến tận cuối năm 2017 mới thành công với dầu gội thảo dược Tâm An như ngày hôm nay”. Vì từng trụi thùi lụi tóc trên đầu, nên Thu không ngừng nghiên cứu, thử nghiệm. “Kết quả tốt nhất không chỉ phụ thuộc vào thành phần, tỉ lệ, mà còn phụ thuộc công nghệ chiết xuất để lấy và giữ được các thành phần tốt cho da đầu, cho tóc. Cuối năm 2015 đến tháng 5.2017, tôi đã thất bại khi làm dầu gội túi lọc”.

Tôi hỏi Thu: “Bây giờ các sản phẩm dầu gội túi lọc trên thị trường vẫn được nhiều khách hàng sử dụng. Sao Thu lại cho rằng mình thất bại?”. Thu trả lời khiến tôi giật mình: “Không phải tôi thất bại về kinh tế, mà thất bại vì không đem được sản phẩm tốt nhất đến tay người sử dụng. Túi lọc tiện dụng, sản xuất nhanh nhưng không lấy hết được những tinh chất tốt nhất trong cây cỏ”.

 
 

Vì không có chất lắng bọt, không chất bảo quản, không phụ liệu nên mỗi mẻ “nấu cao” thảo dược của Thu chỉ chứa được 1/3 nguyên liệu so với các đơn vị khác (bồ kết nấu lên rất nhiều bọt, nếu không có chất lắng bọt, đổ đầy nguyên liệu sẽ trào hết bọt). Chưa kể vì 100% là thảo dược nên mỗi mẻ “nấu cao” cho dầu gội của Thu phải mất thêm ba ngày so với nấu cho các đơn vị khác. Bao nhiêu chi phí cứ thế đội lên. Mà Thu vẫn cười tươi rói: “Tôi chấp nhận lãi ít, quan trọng nhất vẫn là sức khoẻ của người dùng”.

Hữu xạ tự nhiên hương, tâm huyết và con đường sản xuất các sản phẩm dược liệu minh bạch của Thu đã lay động được nhiều người. Họ mách Thu tìm đến Thriive - một tổ chức phi chính phủ của Mỹ, chuyên hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sau những ngày về xã Khánh Hà tìm hiểu, kiểm tra cách làm của Thu, rồi trò chuyện với người lao động có hoàn cảnh khó khăn mà Thu giúp đỡ, Thriive Hà Nội quyết định hỗ trợ cho cô một máy sấy đa năng, một kho lạnh, một máy đóng gói với tổng giá trị 214 triệu đồng. Bây giờ nhà xưởng và công ty của Thu được xã Khánh Hà ưu tiên, tạo điều kiện trong việc thuê địa điểm hoạt động. 

Thoăn thoắt đóng gói sản phẩm, bà Nguyễn Thị Bình thật thà: “Chồng và hai đứa con tôi đều mắc tâm thần. Tôi làm cho cô Thu vừa có lương, vừa được đóng bảo hiểm. Chứ làm ruộng đói lắm”. Bà Bình là một trong chín lao động cố định có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trong công ty của Thu. Riêng xã Khánh Hà đã có 12 hộ trồng cây liên kết nhận hỗ trợ cây giống và bao tiêu đầu ra, chưa kể 25 lao động thời vụ. 

Khi Thu quần xắn móng lợn nhảy xuống đồng trũng để phủ xanh những khoanh ruộng bỏ hoang; cán bộ thôn, xã vừa cảm phục vừa lo lắng vì con đường nông nghiệp sạch đầy chông gai mà Thu đi. Trong các cuộc họp ở địa phương, Trưởng thôn Khánh Vân - ông Đinh Văn Khang thẳng thắn: “Doanh nghiệp của cô Thu là doanh nghiệp bé nhất huyện, lại làm lĩnh vực nghèo nhất trong xã hội bây giờ là nông nghiệp. Nên tôi nói trước, các cơ quan đoàn thể nếu không giúp đỡ gì được cho cô ấy thì thôi, chứ đừng nay gõ cửa xin tài trợ, mai gõ cửa xin hỗ trợ như với các doanh nghiệp khác, địa phương khác”…

Ngay từ ngày mở công ty, Thu đã chọn cái tên Tâm An cho các sản phẩm của mình bởi cô luôn tâm niệm phải mang cái Tâm của người sản xuất để trả lại cảm giác bình an, sự bình an cho người tiêu dùng. Thu gõ cửa Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội (thuộc Viện Dược liệu - Bộ Y tế). Anh Mạnh - cán bộ Trung tâm, người góp công không nhỏ trong việc giúp Thu thành công với dầu gội Tâm An cứ tấm tắc, dầu gội thảo dược của Thu là thật 100%...

Tâm Am
TIN LIÊN QUAN

Lập thân, làm giàu nơi biên viễn

LÊ VĂN VỴ |

Cầm tinh con hổ, cựu thanh niên xung phong (TNXP) Trần Đình Hoan (thuộc Tổng đội TNXP Tây Sơn, Hương Sơn, Hà Tĩnh) lựa chọn vùng rừng núi biên cương lập thân, lập nghiệp, làm giàu.

Trồng quýt - làm giàu, nếu chăm sóc cây tốt

Hoàng Huy |

Năm 2017, hàng loạt cây có múi tại ĐBSCL bị thiệt hại do bệnh lá vàng. Tuy nhiên, theo một số nhà vườn, cây quýt nếu chăm sóc tốt sẽ đem đến lợi nhuận rất cao.

Làm giàu thêm kho giống lúa Việt

LONG VŨ |

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu (XK), cần các giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt và giàu vi chất dinh dưỡng thiết yếu, thích nghi với thổ nhưỡng từng vùng, miền. Công trình “Nghiên cứu chọn tạo và phát triển 2 giống lúa mới OM6976 và OM5451 có năng suất và chất lượng cao phục vụ sản xuất và XK” đã được PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa cùng 4 tác giả nghiên cứu, thực hiện và đạt được giải thưởng đặc biệt danh giá: Giải thưởng Nhà nước!

Giờ thứ 9: Bóng tối của hôn nhân - Phần 2

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ai cũng tin chắc rằng chị rất hạnh phúc, một thứ hạnh phúc thật khó kiếm tìm. Nhưng như những gì chị viết trong lá thư gửi tới chương trình Giờ thứ 9 thì đó chỉ là cái bề nổi che giấu những đợt sóng ngầm dữ dội trong cuộc sống hôn nhân của chị mà thôi.

Nóng Sài Gòn: 4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại

NGUYỄN LY - CHÂN PHÚC |

4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại; Phố ông đồ những nét đẹp văn hoá cho chữ du xuân được tiếp nối; Người phụ nữ điều khiển xe máy tử vong sau va chạm với xe ben;... là những thông tin chính có trong bản tin Nóng Sài Gòn ngày 15.1.

Đen Vâu lên tiếng về chuyện đám hỏi với Hoàng Thùy Linh

ĐÔNG DU |

Sau thông tin Đen Vâu và Hoàng Thuỳ Linh bí mật tổ chức đám hỏi đăng trên một số trang tin, chiều 15.1, nam rapper đã lên tiếng.

Hà Nội: Phố phường tấp nập ngày cận Tết, nhiều tiểu thương vẫn than ế

Thơm Bùi - Đinh Thiện |

Nhiều tiểu thương kinh doanh các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023 chia sẻ, dù là ngày cuối tuần và phố phường khá đông đúc nhưng sức mua của người dân chưa đạt kỳ vọng.

Mai anh đào nở rộ, đợi khách du xuân Mộc Châu dịp Tết Nguyên đán

Ý Yên |

Quảng trường Mộc Châu, sân 224, đồi anh đào Nậm Tôm, chùa Tân Cương... đang rực rỡ sắc hoa mai anh đào dịp cận Tết Nguyên đán.

Lập thân, làm giàu nơi biên viễn

LÊ VĂN VỴ |

Cầm tinh con hổ, cựu thanh niên xung phong (TNXP) Trần Đình Hoan (thuộc Tổng đội TNXP Tây Sơn, Hương Sơn, Hà Tĩnh) lựa chọn vùng rừng núi biên cương lập thân, lập nghiệp, làm giàu.

Trồng quýt - làm giàu, nếu chăm sóc cây tốt

Hoàng Huy |

Năm 2017, hàng loạt cây có múi tại ĐBSCL bị thiệt hại do bệnh lá vàng. Tuy nhiên, theo một số nhà vườn, cây quýt nếu chăm sóc tốt sẽ đem đến lợi nhuận rất cao.

Làm giàu thêm kho giống lúa Việt

LONG VŨ |

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu (XK), cần các giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt và giàu vi chất dinh dưỡng thiết yếu, thích nghi với thổ nhưỡng từng vùng, miền. Công trình “Nghiên cứu chọn tạo và phát triển 2 giống lúa mới OM6976 và OM5451 có năng suất và chất lượng cao phục vụ sản xuất và XK” đã được PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa cùng 4 tác giả nghiên cứu, thực hiện và đạt được giải thưởng đặc biệt danh giá: Giải thưởng Nhà nước!