89 năm Báo Lao Động - đôi dòng lược sử

nguyễn huy minh |

Suốt quãng thời gian kể từ ngày thành lập đến nay, Báo Lao Động mang trong mình một lịch sử dày đặc các sự kiện. Nhân dịp kỷ niệm 89 năm ngày thành lập (14.8.1929 – 14.8.2018), chúng tôi xin được điểm lại một số đường nét trong sự nghiệp lâu dài này.
Ấn phẩm báo Lao Động Tết Ất Mùi năm 1955. Ảnh: Tư Liệu

Ra đời trong muôn vàn gian khó

Trong làng báo chí Việt Nam, báo Lao Động giữ một vị trí rất quan trọng, là một trong những tờ báo cách mạng sớm nhất nước ta trải dài từ năm 1929 đến nay. Lịch sử báo Lao Động thực sự là tấm gương phản ảnh sinh động, phong phú lịch sử phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn trong dòng chảy hùng vĩ của cách mạng Việt Nam qua 89 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Lao Động là tờ báo của giai cấp công nhân và lao động Việt Nam, là cơ quan ngôn luận của Tổng Công hội đỏ, nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Trải qua các thời kỳ lịch sử, báo Lao Động đã góp phần vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của “Dân tộc anh hùng, giai cấp tiên phong”.

Ngày nay, dư luận đều coi Lao Động là một trong những tờ báo chính trị xã hội tiêu biểu của cả nước. Còn đối với nước ngoài, thì Lao Động được bình chọn là một trong 200 tờ báo hiện đại trong số vài nghìn loại báo hiện có trên toàn cầu, được mời dự Triển lãm báo chí quốc tế.

Báo Lao Động đã ra đời trong muôn vàn gian khó, do đích thân lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh thực hiện: Ngày 28.7.1929 tại ngôi nhà số 15 phố Hàng Nón - Hà Nội, lúc đó là Hiệu thuốc lào Thuận Mỹ, đã diễn ra một cuộc hội nghị quan trọng sau này trở thành một sự kiện lịch sử: Hội nghị thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ (TCHĐBK). Dự hội nghị có bảy đại biểu do Nguyễn Đức Cảnh chủ trì. Hội nghị đã bầu Nguyễn Đức Cảnh làm Hội trưởng lâm thời, quyết định ra một tờ báo mang tên báo Lao Động, một tạp chí mang tên Công hội Đỏ...

Sau hội nghị 28.7, Nguyễn Đức Cảnh bắt tay ngay vào việc chuẩn bị ra báo Lao Động. Địa điểm làm báo là một ngôi nhà nhỏ ở ngõ Thông Phong đầu phố Hàng Bột, ngày nay là phố Tôn Đức Thắng. Đặc điểm ngôi nhà là nó quay lưng ra một cái hồ mang tên Hồ Giám, ở một góc hồ có một hòn cù lao um tùm cây cối, bên kia bờ hồ tiếp giáp với một khu vườn có lối thông sang cổng lớn của khu Văn Miếu, Quốc Tử Giám, thời đó cũng rậm rạp cây cối.

Tường sau của ngôi nhà là một bức tường mỏng, tường mười, có khoét sẵn một lỗ hổng đủ người chui lọt, xếp gạch và dán giấy báo để nghi trang, phòng khi có động người làm báo chỉ việc chui ra bờ hồ, bơi ra ẩn trong hòn cù lao. Khi cần thì bơi sang bên kia hồ lọt vào khu Văn Miếu tạm nương thân dưới bóng các bậc thánh hiền, hoặc luồn ra phố tẩu thoát. Ngày nay trước cửa Văn Miếu, bờ hồ bị san lấp, nhà cửa mọc lên san sát, nhưng cái hồ và hòn cù lao vẫn còn.

Sự kiện năm 1929 báo Lao Động ra được 4 số đầu tiên là sự kiện lịch sử có giá trị truyền thống sâu sắc. Sau một thời gian gián đoạn, theo yêu cầu của Tổng Bí thư Trường Chinh, báo Lao Động tiếp tục được xuất bản bí mật, do Tổng biên tập Nguyễn Văn Trân thực hiện. Từ cuối năm 1943 đến khởi nghĩa 19.8.1945 ra được 12 số, đó là một kỳ công. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mở ra một trang đẹp rực rỡ trong lịch sử báo Lao Động: Báo ra công khai.

Ngày 12.12.1946, báo Lao Động ra số 42, không ngờ đó là số báo cuối cùng ở thủ đô Hà Nội trước khi bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc. Ngay sau đó là thời kỳ “Tòa soạn trong rừng”, tiếp tục xuất bản 200 số báo trong suốt 9 năm kháng chiến.

Số báo đầu tiên ra mắt công chúng Hà Nội trở lại là số 276 ngày 6.11.1954, gần một tháng sau ngày giải phóng thủ đô. Từ đây bắt đầu một thập kỷ thịnh vượng của lịch sử báo Lao Động. Báo liên tục ra tuần hai kỳ cho đến năm 1961 thì ra tuần ba kỳ vào các ngày thứ ba, thứ năm, thứ bảy.

Năm 1962, báo Lao Động đã tiễn chân những đồng nghiệp thân yêu của mình vào Nam tăng cường cho các hoạt động Công đoàn giải phóng. Trong số đó có những người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, vĩnh viễn không trở về.

Đó là Võ Văn Ngoạn, Phó Tổng biên tập; các phóng viên Lê Ái Mỹ, Lê Nguyên Vấn. Ngày 5.8.1964 giặc Mỹ đem tàu chiến khiêu khích ở Vịnh Bắc Bộ. Do khó khăn chiến tranh, báo ra hai kỳ/tuần, thứ tư và thứ bảy nhưng hành trình 1965 – 1975 là những năm báo Lao Động phát triển đến đỉnh cao theo quan niệm báo chí vô sản.

Sau ngày 30.4.1975, báo Lao Động từ số nhà 51 - Hàng Bồ - Hà Nội bằng mọi cách chuyển lên từng chuyến xe của Tổng Công đoàn đi xuyên Việt vào phát hành trong thành phố Sài Gòn giải phóng. Trong những năm bao cấp khó khăn, Lao Động trở thành một trong những tờ báo đứng ở hàng đầu cuộc đấu tranh đổi mới báo chí.

Trong nhân dân lúc đó truyền đi câu vè: “Muốn biết ý Đảng - đọc báo Nhân Dân, muốn biết lòng dân - đọc báo Lao Động”. Ngày 3.12.1989, số báo Lao Động Chủ nhật đầu tiên ra đời.

Số báo này đăng ý kiến ý kiến của nhà văn, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng mừng tờ Lao Động có thêm một kỳ chủ nhật ra mắt bạn đọc: “Giữa thời cuộc trong và ngoài nước cực kỳ phức tạp hiện nay, tiếng nói của quần chúng lao động hơn lúc nào hết cần phải cất cao. Tôi xin phép mở ngoặc: Lao động với nghĩa chính xác, gồm lao động trí óc và chân tay, một khái niệm lao động hiện đại... Báo Lao Động, như báo chí nói chung, ý thức vai trò cao quý của mình, xuất hiện là để bảo vệ lợi ích của quần chúng lao động, tức bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Ngay trong năm 1990 báo Lao Động Chủ nhật đã phát hành bình quân 80.000 bản mỗi số. Ngày từ ngày 17.3.1991 Ban Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã họp, xem xét và ra quyết định số 198-QĐ-TLĐ xin phép Nhà nước cho báo Lao Động ra hằng ngày. Tuy nhiên, để trở thành nhật báo là một hành trình dài đầy khó khăn.

Năm 2000, lần đầu tiên báo ra 5 kỳ/tuần. Năm 2001, lần đầu tiên Lao Động ra 6 kỳ báo/tuần. Năm 2002, lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển, Báo Lao Động phát hành đúng nhịp độ báo ngày, liên tục từ thứ hai đến chủ nhật – 7 kỳ báo/tuần trên toàn quốc.

Trước đó, ngày 19.5.1999 là một dấu mốc rất đáng nhớ của báo Lao Động, một câu lệnh cuối cùng trên máy tính... và báo Lao Động đã hòa vào mạng thông tin điện tử toàn cầu với tên miền thân thiện: www.Laodong.com (nay là www.Laodong.vn), trở thành tờ báo điện tử đầu tiên của Việt Nam.

Ấn phẩm báo Lao Động Tết Ất Mùi năm 1955. Ảnh: Tư Liệu
Ấn phẩm báo Lao Động Tết Ất Mùi năm 1955. Ảnh: Tư Liệu
Báo Lao Động số 186 ra ngày 1.9.1952. Ảnh: Tư Liệu
Báo Lao Động số 186 ra ngày 1.9.1952. Ảnh: Tư Liệu

Luôn giữ gìn tinh thần đấu tranh chống tiêu cực

Báo Lao Động là tờ báo nổi tiếng về chống tiêu cực. Nhà báo Quang Đạm trong Hội nghị bàn tròn ngày 10 tháng 6 năm 1988 ở toà soạn báo đã gọi “Lao Động là một trong những kiện tướng trên mặt trận chống tiêu cực”.

Là tờ báo của giai cấp công nhân, báo Lao Động ngay trong những năm đầu tiên ra công khai đã nêu cao tính chiến đấu, phê phán tiêu cực ngay trong nội bộ. Những bài báo mang tinh thần đấu tranh thẳng thắn tuy ngày nay đọc lại thấy còn thô sơ, mộc mạc nhưng lúc đó là những bài gây dư luận sôi nổi khác thường. Chúng ta hãy sống lại với một vài cuộc đấu tranh như thế.

Số báo 136 ra ngày 21.10.1950 đăng bài của Áo Xanh: “Phải triệt ngay những con mọt gạo ấy”. Sau khi nêu rõ địa chỉ của bọn tiêu cực, bài báo viết:

- ... Với số lượng trung bình hàng tháng từ 28 đến 35kg gạo mà bọn này sống xa xỉ, hách dịch như những ông lớn thời xưa: Rượu chè yến tiệc ở các hàng quán, chửi mắng anh chị em gồng gánh vận tải, đánh đập các lái thuyền.

... Trước khi giao thóc gạo cho các thuyền chở từ nơi này sang nơi khác chúng để phơi sương một đêm cho ngấm nước và lên cân. Cân non cân già, vít đầu cán cân, cân một mã hai lần, ghi phiếu mập mờ để dễ dàng tẩy xoá, cân ít ghi nhiều, ghi tờ đầu thi đúng tờ dưới thì sai, khi các lái thuyền ký nhận thì huỷ tờ đầu đi, mà giữ tờ dưới... Chiếc cân đặc biệt xoay cán cân đi bốn phía, cân sẽ thay đổi 4 lần từ 18 đến 21 cân. Thành ra khi nói rằng giao cho bộ đội 21 cân gạo thì thực ra chỉ có 18 cân.

Số 206 ra ngày 21.4.1953 đăng tin và bình luận về một con sâu mọt lợi dụng Công đoàn để ăn cắp, phá hoại tài sản của chính phủ và bóc lột công nhân đã bị xử tử. Bản tin viết: Lương nó có 35kg gạo mà nó có nhà riêng, nuôi 30 lợn nái, hàng ngày ăn cơm với... thịt gà, có kèn hát; hút thuốc lá Báttô, Côtáp.

Tên X là trưởng ban quản trị Công đoàn vận tải ôtô thị xã T. (tên và địa chỉ thật được lược bỏ). Thủ đoạn của nó là ăn cắp hàng rồi báo là do chạy máy bay mà mất. Dùng dùi chọc thủng bao lấy gạo rồi bảo là do đạn máy bay. Lợi dụng dấu Công đoàn cấp giấy cho bọn xấu. Ăn không số tiền mậu dịch trừ cho công nhân. Phân phối vải cho công nhân, quy định hạn ngặt nghèo, quá hạn không đến lấy đem bán lấy tiền tiêu.

Đọc đoạn tin trên, chúng ta có thể thấy quan niệm về đạo đức thời ấy ngặt nghèo đến mức nào và tờ báo công nhân đã không bỏ qua những hiện tượng tiêu cực ngay trong nội bộ.

 
 
 
 

Ngày nay, báo Lao Động vẫn giữ gìn được tinh thần đấu tranh chống tiêu cực mạnh mẽ ấy. Nhà báo – nhà văn Xuân Cang, nguyên Tổng Biên tập Báo Lao Động chia sẻ: “Cuối cùng ta nên tự hỏi: Truyền thống xuyên suốt của báo Lao Động là gì?

Theo tôi là “Tay công nhân viết báo Lao Động”, một câu nói giản dị, mộc mạc nhưng nói lên tất cả. Tờ báo đã trưởng thành trong bàn tay bạn đọc. Những bước chuyển mình có tính lịch sử đều gắn với bạn đọc. Đó cũng là lý do tồn tại của tờ báo suốt bấy nhiêu năm. Cái này sâu sắc lắm, vừa hiện lên rõ ràng trong đường đi nước bước của những người làm báo, vừa có cái còn ẩn kín bên trong”.

Là người nhiều năm làm việc tại báo Lao Động, nhà báo Nguyễn Trung Hiếu nhận định: “Những năm tháng qua là một chuỗi thời gian dài lao động vất vả của các phóng viên, cộng tác viên từ thế hệ này đến thế hệ khác. Thế nhưng cũng có thể nói rằng đó cũng là những ngày hạnh phúc của đội ngũ làm báo tại đây, vì họ đã không chỉ làm tròn trách nhiệm trước bạn đọc, trước tờ báo, mà còn hoàn thành nghĩa vụ của người công dân đối với xã hội”.

Còn nhà báo Ngô Mai Phong cho rằng: “Với tôi, báo Lao Động không chỉ là một trường học, một gia đình, đó còn là cái "lò bát quái" mà ngọn lửa tôi luyện không khách khí với bất cứ đứa con nào. Ở đây, tôi có những bậc thầy lão luyện, vừa ấm áp, bao dung, vừa hà khắc và sắt đá. Lại có những đàn anh rất cởi mở, ân tình; những người bạn hào hiệp và nghĩa khí. Tất cả những ai từng được đào luyện ở đây, đều trở thành những chiến binh không tồi...

Mới ngày nào, vèo một cái, tóc xanh nay đã thành tóc trắng...

Mỗi thế hệ đều có một bình minh cũng như mỗi cuộc đời đều có một tuổi trẻ. Tôi gọi những năm tháng chúng tôi đã cống hiến cho sự nghiệp tờ báo của mình là một bình - minh - không - tàn”.

Trải qua 15 thời kỳ Tổng biên tập đến nay, Báo Lao Động đã đạt nhiều danh hiệu cao quý:

+ Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1978.

+ Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 1999.

+ Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới 2009.

+ Huân chương Độc lập hạng Nhất cho tập thể báo Lao Động năm 2014.

+ Huân chương Lao động hạng Nhất (2012), Nhì (2006), Ba (2001) cho hoạt động xã hội Quỹ Tấm Lòng Vàng.

+ Nhiều giải thưởng báo chí quốc gia, hàng trăm giải từ các cuộc thi viết và giải thưởng báo chí cấp bộ, ngành...

Riêng trong công cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của thế kỷ XX, cán bộ phóng viên báo Lao Động đã được tặng thưởng 10 Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Nhì; 22 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Nhì, Ba; 5 Huân chương Chiến sĩ Vẻ vang; 3 Huân chương Giải phóng, Quyết thắng; 1 Huân chương Lao động hạng Ba; 14 Huy chương Kháng chiến chống Pháp, Mỹ hạng Nhất, Nhì; 1 Huy chương Nghĩa vụ Quốc tế.

Sang năm, nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập báo Lao Động (14.8.1929 – 14.8.2019), Ban Biên tập Báo Lao Động quyết định xuất bản cuốn sách “Lịch sử 90 năm báo Lao Động”. Bản thảo cuốn sách đã được các thế hệ Tổng biên tập của Báo Lao Động: Nguyễn Xuân Cang, Phạm Huy Hoàn, Vương Văn Việt, Trần Duy Phương, Nguyễn Ngọc Hiển; các cựu nhà báo báo Lao Động nay là Tổng Biên tập – Tổng giám đốc các cơ quan báo chí khác: Thang Đức Thắng, Tô Quang Phán, Nguyễn Minh Quang, Lưu Quang Định... đọc và góp ý.

Cuốn sách dự kiến ra mắt dịp mùa xuân năm 2019, trân trọng mời các bạn đón đọc.

Lịch sử Báo Lao Động đã ghi lại:

“Ngôi nhà số 51 Hàng Bồ, Hà Nội, không chỉ là một ngôi nhà có nhiều dấu tích lịch sử cách mạng của Hà Nội, mà còn là trụ sở đầu tiên của Công nhân cứu quốc hội Hà Nội và của Ban Công vận Xứ uỷ, đồng thời là trụ sở Nhà in cho báo Lao Động chuẩn bị ra công khai ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công.

Khu vực này quả là có nhiều “quán báo” nổi tiếng trong lịch sử báo chí nước nhà. Xa xa ở góc Quán Thánh - Hàng Bún là trụ sở tuần báo Phong Hoá ngày nay. Phố Hàng Da có An Nam tạp chí của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Ngược lên Hàng Bông, góc rẽ nhà thương Phủ Doãn có trụ sở Vịt Đực của nhóm Tam Lang Vũ Đình Chí, Vũ Bằng và Phùng Bảo Thạch.

Chỗ Hàng Bông nối Hàng Gai là toà soạn Trung Bắc Tân Văn của Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Doãn Vượng. Phố Nhà Thờ có trụ sở tờ Đông Tây của Hoàng Tích Chu, Đỗ Văn. Còn đầu Lê Thái Tổ nối với Hàng Trống lúc đó là trụ sở Hội Khai Trí Tiến Đức và Toà soạn Nam Phong của Phạm Quỳnh do Louis Marty, Chánh mật thám Đông Dương bảo trợ...

Sau cách mạng, nếu như ở Lý Thái Tổ, ngay trước Tháp Rùa - Hồ Gươm, Tổng bộ Việt Minh đã tịch thu ngôi nhà số 44, trụ sở báo thực dân là tờ Tương Lai Bắc Kỳ (L’Avenir du Tonkin) làm trụ sở báo Cứu Quốc thì tại ngôi nhà số 51 Hàng Bồ này, tờ báo Lao Động từ núi rừng cách mạng cũng ra công khai hoạt động”.

nguyễn huy minh
TIN LIÊN QUAN

Báo Lao Động và LĐLĐ tỉnh Ninh Bình kí kết chương trình phối hợp giai đoạn 2018 - 2023

T. TUẤN - A. ĐỨC - N. TRƯỜNG |

Sáng 10.8, tại TP. Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình), lãnh đạo Báo Lao Động, Văn phòng Đại diện Báo Lao Động khu vực Bắc Trung Bộ đã có buổi làm việc với LĐLĐ tỉnh Ninh Bình về Chương trình phối hợp giữa Báo Lao Động với LĐLĐ tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2013 - 2018 và giai đoạn 2018 - 2023.

Giáo viên sinh con thứ 3 khốn khổ vì kỷ luật "kép": Huyện tiếp thu phản ánh của Báo Lao Động

QUANG ĐẠI |

Về việc điều chuyển hàng trăm giáo viên THCS xuống dạy Tiểu học, lãnh đạo Phòng GD-ĐT Diễn Châu (Nghệ An) cho biết là giải pháp tình thế trong điều kiện mất cân đối giáo viên (GV) quá lớn. Huyện cũng đã bãi bỏ việc chuyển trường đối với giáo viên sinh con thứ 3 sau khi báo phản ánh.

Vỡ đập thủy điện ở Lào: Phóng viên báo Lao Động vượt lũ vào 4 bản bị cô lập

Đình Văn (từ Sanamxay, Attapeu, Lào) |

Sau một đêm thức trắng cùng những người dân thoát nạn tại trung tâm huyện Sanamxay (Lào), sáng sớm nay (26.7), phóng viên báo Lao Động đã vượt lũ vào 4 bản bị cô lập.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Báo Lao Động và LĐLĐ tỉnh Ninh Bình kí kết chương trình phối hợp giai đoạn 2018 - 2023

T. TUẤN - A. ĐỨC - N. TRƯỜNG |

Sáng 10.8, tại TP. Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình), lãnh đạo Báo Lao Động, Văn phòng Đại diện Báo Lao Động khu vực Bắc Trung Bộ đã có buổi làm việc với LĐLĐ tỉnh Ninh Bình về Chương trình phối hợp giữa Báo Lao Động với LĐLĐ tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2013 - 2018 và giai đoạn 2018 - 2023.

Giáo viên sinh con thứ 3 khốn khổ vì kỷ luật "kép": Huyện tiếp thu phản ánh của Báo Lao Động

QUANG ĐẠI |

Về việc điều chuyển hàng trăm giáo viên THCS xuống dạy Tiểu học, lãnh đạo Phòng GD-ĐT Diễn Châu (Nghệ An) cho biết là giải pháp tình thế trong điều kiện mất cân đối giáo viên (GV) quá lớn. Huyện cũng đã bãi bỏ việc chuyển trường đối với giáo viên sinh con thứ 3 sau khi báo phản ánh.

Vỡ đập thủy điện ở Lào: Phóng viên báo Lao Động vượt lũ vào 4 bản bị cô lập

Đình Văn (từ Sanamxay, Attapeu, Lào) |

Sau một đêm thức trắng cùng những người dân thoát nạn tại trung tâm huyện Sanamxay (Lào), sáng sớm nay (26.7), phóng viên báo Lao Động đã vượt lũ vào 4 bản bị cô lập.