Trong màn sương mờ của thị trường cổ vật: Mua đuổi - bán đuổi

Huy Minh |

Họa sĩ Tuấn Long nói với tôi rằng, người anh em của anh -  Dương Minh Chính - rất am hiểu về cổ vật lẫn giá trị. Tôi cũng nghe có người đánh giá anh Chính là “bậc thầy đồ đá”, “nhà nghề nhất trong giới nhà nghề”. Nhưng Dương Minh Chính chỉ tự nhận mình là một người kinh doanh thuần túy.

Bài trước: Trong màn sương mờ của thị trường cổ vật: Người chơi đồ cổ mộ và người chơi đồ truyền thừa

5. Rất kính trọng họa sĩ Tuấn Long nên anh Chính đồng ý gặp tôi để nói chuyện với nhau như hai người bạn. Và cũng bởi anh chưa thấy ai đi tìm câu trả lời về giám định cổ vật và thị trường cổ vật như tôi. “Nay tôi 55 tuổi, dự kiến là khi nào 65 tuổi sẽ viết hồi ký đời mình. Bây giờ thì chưa, vì vẫn còn đang trên lưng ngựa”, Dương Minh Chính cười nói.

Bên bàn trà tại căn nhà trên phố cổ vật Nghi Tàm, có con chó đá to chưa từng thấy canh cửa, anh Chính kể, mình đi buôn đồ cổ từ năm 18 tuổi. Mua xong lỗ luôn, bị lệch giá thành, bởi mua theo cảm xúc. Một món đồ cổ giá bao nhiêu, hay cụ thể là phương pháp định giá thế nào, đến tận bây giờ nhiều người vẫn nói làng màng lắm. Nó là góc nhìn riêng của mỗi người thôi.

Nhà sưu tầm cổ vật Dương Minh Chính. Ảnh: Huy Minh
Nhà sưu tầm cổ vật Dương Minh Chính. Ảnh: Huy Minh

Chơi đồ cổ đã có lịch sử xa xưa. Nước mình người nghèo cũng yêu quý, trân trọng cổ vật và nhìn chung người Việt vẫn coi cổ vật là cái gì đó rất linh thiêng. Cổ vật có rất nhiều nhánh, với gu chơi, style chơi khác nhau. Có rất nhiều người chơi và nhiều người chơi thành công. Người thì thích vẻ đẹp thời gian, người thích tinh thần của cổ vật, người lại chơi như một kênh đầu tư. Có những người hy sinh tài sản để mua. Khoảng 10% số người chơi là để đóng góp, lưu giữ cho đất nước những tài sản lớn, họ rất đáng trân trọng. Người chơi vì kinh tế, người chơi vì mỹ thuật, nhưng đã là dân chơi đồ cổ nhà nghề là phải có cả hai.

Các nhà khảo cổ học không thừa nhận đồ vãng lai nằm ngoài không gian khai quật. Họ thường quan tâm tới rất nhiều thứ: Niên đại, văn hóa, thông điệp của cổ vật. Họ như biểu mẫu cho người chơi cổ vật còn Bảo tàng như phòng tiêu bản chuẩn để người chơi so sánh. Với nhà khảo cổ, chỉ cần một mảnh vỡ đã rất giá trị. Nhưng nhà sưu tầm nhìn cổ vật không như thế. Cổ vật càng hoàn hảo càng tốt; đồ càng quý - hiếm - độc tôn, càng giá trị.

Cổ vật không sinh ra thêm. Rất hữu hạn và luôn luôn đắt lên. Phải đào thêm mới có. Một cái trống Mường 10 năm trước giá 20-30 triệu, giờ vài trăm triệu là thường.

 
 
 
 
Bình vôi bằng vàng thời Nguyễn, thuộc sở hữu của nhà sưu tập Dương Minh Chính.
Một số cổ vật của nhà sưu tầm Dương Minh Chính. Ảnh: Huy Minh

 
 
 
 
Bình vôi bằng vàng, văn hoá Champa, thuộc sưu tập của vua Bảo Đại, nay thuộc sở hữu của nhà sưu tập Dương Minh Chính.

6. Dương Minh Chính suy tư: Không có lúc nào cổ vật Việt Nam rẻ như những năm qua. Thị trường cổ vật hiện nay hoàn toàn tự phát, không có định hướng của nhà nước và mang nặng cảm xúc của các cá nhân.

Anh cho rằng, đồ của người Việt chúng ta rất đẹp nhưng lưu trữ tư nhân gặp rất nhiều trắc trở. Từ vài ba chục năm trước chúng ta đã được phép chơi, nhưng phải chứng minh nguồn gốc theo hai dạng: Đồ lâu năm có xuất xứ từ trong lòng đất hoặc được truyền lại từ đời trước. Nhưng những gì trong lòng đất thì lại không thuộc tài sản cá nhân mà thuộc sở hữu nhà nước. Luật gần đây có bổ sung những điểm ưu việt nhưng không cởi trói cho người chơi cổ vật; rào cản của luật khiến chúng ta không cất cánh bay lên được.

Đồ trôi nổi trên thị trường thì không chứng minh được nguồn gốc, nên hạn chế người chơi rất nhiều. Đăng ký là đồ của tổ tiên để lại thì mất thông tin về gốc gác, xuất xứ của cổ vật, mất “chứng từ gốc” về cổ vật. Chúng ta cần phải xây dựng luật mới để người Việt có thể đăng ký sở hữu cổ vật Việt Nam, khi đó chơi mới an toàn. Phải tạo cho người chơi hành lang pháp lý thật tốt. Trên mặt đất thì cho đăng ký để mọi người yên tâm giữ, chứ có những món mang đi đường đã là phạm pháp rồi. Rất nhiều người chơi mà nơm nớp sợ pháp luật. Không phải đồ trộm cắp của đền chùa, của tư nhân thì nên được đăng ký ngay. Còn thực tế hiện nay là cực kỳ phức tạp về thủ tục hành chính. Cổ vật hồi hương cần cơ quan hải quan tạo điều kiện. Có người mang cổ vật về nước, hải quan đòi giấy của Bộ Văn hóa, dù chỉ là một món. Mua trống đồng Việt mang về quê hương cũng phải đi đường vòng rất vất vả. Nói cách khác, hiện chúng ta đang không tìm ra cách hoạt động. Nếu các nhà làm luật được tư vấn thì cổ vật Việt Nam sẽ đắt giá hơn lên rất nhiều và không có cơ hội chảy máu ra ngoài lãnh thổ. Phải giữ lại cho Việt Nam, cho đất nước ta những báu vật của người xưa.

Chúng tôi đang đàm đạo thì có người alo cho anh Chính: Đồ Đông Sơn mới lên đêm qua, thú chi chít? Perfect bao tiền? Để nguyên đấy đừng rửa. Phía Bắc à? Phía Bắc là chỗ nào? Cao Bằng cũng là phía Bắc mà Hà Giang cũng là phía Bắc?...

7. Dương Minh Chính cười cúp máy rồi quay trở lại với tôi, kể rằng anh theo đuổi đồ đá niên đại 3.500 – 4.000 năm trước, giai đoạn Phùng Nguyên, đấy mới là khởi thủy, cội nguồn văn hóa dân tộc. Anh đã mua bán hàng chục năm nay, rất đắt và rất tốn tiền. Trong các bảo tàng rất ít, thậm chí thiếu trầm trọng giai đoạn này, không những thế còn tranh cãi suốt những thập kỷ qua. Trung Quốc cũng săn lùng đồ thời Phùng Nguyên và họ gọi là văn hóa Hồng Sơn. Anh muốn mua để giữ lại, chứng minh là đồ của chúng ta, của giai đoạn kinh điển nhất trong văn hóa Việt, một giai đoạn quá đỗi tự hào.

Anh Chính kêu người bạn mở két sắt, đưa ra một cái hộp chứa 5 món đồ quấn giấy mỏng cẩn thận. Mỗi món chỉ bằng cái trâm cài đầu, mà trên thị trường cứ một món đổi một ô tô. Quả thực đó là những tuyệt tác điêu khắc tối giản mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Tôi không rõ bằng cách nào mà người xưa có thể tạo nên được những vật này trên chất liệu đá? Người bạn mở két sắt cười rạng rỡ: “Phải là người nhà trời mài mới được thế này!”. Tôi với lấy máy ảnh nhưng anh Chính ngăn lại: “Thôi đừng chụp, không có là lại bị làm giả ngay”.

Những món đồ này anh mua được của những người hút cát trên sông Lô. Có lẽ là nó được chôn trong một ngôi mộ cổ nào đó rồi lở xuống sông nằm im trong cát từ nhiều ngàn năm trước. Cách đây 10 năm, trong một hội thảo khảo cổ học, anh Chính thuyết trình về những món đồ này, mấy giáo sư cười ồ lên, bảo là đồ mỹ nghệ. “Mình không có học hàm học vị gì cả, không nói áp đảo được. Mình bán bớt đi vì tự ái, mua cái nhà ở. Đó là một sai lầm. Và đó là nỗi buồn lớn nhất”. Trong thâm tâm, anh chỉ muốn đồ đá Phùng Nguyên của người xưa được người nay thừa nhận mà thôi.

8. Con đường dích dắc sóng lượn lên Kim Bôi, Hòa Bình mùa này lúa thơm mùi sữa, chồi xanh phủ kín các triền non. Tôi đi để gặp TS Nguyễn Việt, nhà khảo cổ học hàng đầu, một trong những người có phương pháp luận tốt nhất Việt Nam hiện nay. Trong sơn trang nằm giữa bốn bề núi đồi trùng điệp của vùng đất cổ xưa, nơi đào đâu cũng thấy cổ vật, đào giếng đào ao cũng thấy, nhà khảo cổ học 71 tuổi vui vẻ nói: “Ở đây khỏe, không bận tâm gì, không khí tốt, công việc lúc nào cũng vui”.

TS Nguyễn Việt trò chuyện với Lao Động. Ảnh: Huy Minh
TS Nguyễn Việt trò chuyện với Lao Động. Ảnh: Huy Minh

Ông đi khai quật từ năm 1968. Năm 1971 ở Hòa Bình này, ông là trưởng đoàn sinh viên đại học Tổng hợp đi viết sử cho địa phương. Ăn cơm ở nhà dân ông thấy dân dùng bát thời Lý, có cả trống đồng cất trong góc nhà. Đoàn đổi bát Hải Dương và âu sứ mới tinh dồn tiền mua ngoài chợ lấy số bát thời Lý đó, còn cái trống ba mấy cân đồng thì cả đoàn không còn gì để đổi. Mang chồng bát về Bảo tàng Mỹ thuật, các bác mừng quá thưởng thêm cho 100 đồng. Còn trống người mua đồng nát đập bẹp để chở đi cho dễ.

Ở ta, dân đi soi dò đồ cổ phá phách rất ghê. Có những ngôi mộ cổ bị hất vỡ lấy đồ đá đồ đồng bán được, còn thì vứt sạch xương cốt của người xưa. Cả một cái quan tài thân cây khoét rỗng là 100%, họ lấy 2-3% đồ vật, còn lại phá tất cả. Khoảng một năm trở lại đây, ông thấy trên mạng chào bán máy dò kim loại của Trung Quốc, dò sâu được 2-3m, người khắp cả nước mua. Đầu tư cái máy mà dò được chum tiền cổ là đã lãi được vài chục triệu rồi. Nó đang trở thành vấn nạn lớn.

Ông nói, đó là chảy máu toàn diện.

Mâu thuẫn giữa những người làm khảo cổ và những người sưu tầm đồ cổ đã có từ lâu. Một bên phải đào rất nhiều công để nhận chân giá trị hiện vật. Một bên có rất nhiều đồ, nhưng không nhận diện được. Ông kể, giới khảo cổ lên án giới sưu tầm rất nhiều, chuyện này có lịch sử và diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Thời kỳ trước đây giữa hai bên có một lằn ranh rất lớn. Đồ khảo cổ có lai lịch mâu thuẫn rất lớn với đồ trôi nổi không rõ nguồn gốc. Có ai đi giám định đồ khảo cổ đâu? Vì nó cơ bản đã rõ thật giả, nó là đương nhiên, nhưng lại thường là toàn mảnh vỡ không giá trị lắm về kinh tế.

TS Nguyễn Việt tại bàn làm việc của ông trên sơn trang tọa lạc trên vùng đất cổ xưa Hòa Bình. Ảnh: Huy Minh
TS Nguyễn Việt tại bàn làm việc của ông trên sơn trang tọa lạc trên vùng đất cổ xưa Hòa Bình. Ảnh: Huy Minh
TS Nguyễn Việt tại bàn làm việc của ông trên sơn trang tọa lạc trên vùng đất cổ xưa Hòa Bình. Ảnh: Huy Minh

9. Trước đây, TS Nguyễn Việt cũng là người cực đoan, không chơi với giới sưu tầm. Ông nhớ những năm 1975-1980, anh Trịnh Cao Tưởng thỉnh thoảng kín đáo dẫn thầy Trần Quốc Vượng đến nhà cụ Huệ phố Hàng Muối, một nhà sưu tầm có tiếng của Hà Nội khi đó, để xem những con dao găm Đông Sơn rất đẹp. Lúc ấy chưa có đồ giả, xã hội nhìn chung coi người sưu tầm là những kẻ phá hoại di tích và là hoạt động bất hợp pháp. Nhưng thái độ của ông thay đổi dần theo thời gian. Từ năm 2002-2007, ông đã đi tất cả các bảo tàng trên thế giới có đồ Việt Nam cũng như đồ Đông Sơn, con số tới ba mấy nước. Ông nhận ra rằng, đồ vãng lai cũng có giá trị thực và nhờ người sưu tầm trong nước mà cổ vật mới được giữ lại cho đời sau. Nhiều người làm nhiều nghề khác nhau, nhưng họ lấy tiền từ đó để sưu tầm cổ vật, rất là đáng quý. Những người sưu tầm ông biết không ai đi đào, đi ăn cắp cổ vật. Họ có nghề nghiệp ổn định, có thú chơi và có dư tiền.

Trong nước ông quen nhiều người chơi lớn, sừng sỏ. Họ chứ không phải ai khác, mới có thể trở thành những nhà sưu tầm mẫu mực. Họ tạo ra đường ray, xu hướng. Ông rất hy vọng những người giàu có bậc nhất Việt Nam, những người có lực, có thể tạo ra các bảo tàng tư nhân mà bảo tàng nhà nước không so sánh được: “Nhà sưu tầm là phải có: Trách nhiệm trước cổ vật và trách nhiệm trước lịch sử. Muốn thú chơi cổ vật được nâng tầm thành Đạo thì phải học Babemule. Mình luôn muốn mọi người đến thăm bảo tàng mang tên con người trứ danh này”. 

10. Ông hứa: “Mình sẽ viết một cuốn sách về Giám định”. Ở nước ngoài, cổ vật phải chính chủ thì bảo tàng mới mua và cần thông qua Công ty giám định tầm quốc tế CIRAM thì mới được thế chấp ngân hàng như một tài sản có giá trị. “Mình thuộc trường phái CIRAM, nó có đủ cơ sở khoa học hơn giám định cảm quan. Thấy một món đồ có vẻ cổ đấy là chưa đủ. CIRAM mà làm đồ đồng thì đừng cãi. Gốm thì có thể giám định bằng nhiệt huỳnh quang. Đá thì có những trường hợp chưa vượt qua được nhưng họ có thể tìm trong da của đá xem bì dày bì mỏng thế nào; phóng đại cực lớn, xem rừng nguyên sinh cổ của nấm tảo để phân tích tuổi thời gian có đáng tin cậy hay không. Việt Nam chưa có khoa học giám định cổ vật, không những thế, nhiều phương pháp giám định ở Việt Nam không chịu làm”, ông nói.

TS Nguyễn Việt đánh giá: “10 năm tới, thị trường cổ vật sẽ nhuận sắc, sẽ lên. Về quy luật, nó gắn với sự thịnh vượng. Người yêu mến cổ vật rải rác trong dân gian khoảng 15-20% dân số. Nhưng đồng thời cũng sẽ song hành với vấn đề đồ giả cổ. Đông Nam Á có những trung tâm làm đồ giả ở Malaysia, Indonesia; Ấn Độ, Trung Quốc cũng vậy, làm giả cổ rất cao siêu, và họ sống dư dật. Họ sẽ đánh vào cái này và những năm tới nước ta sẽ có không ít đồ giả cổ của họ. Nếu chúng ta biết tổ chức giám định khoa học thì sẽ giúp việc chơi cổ vật phát triển lành mạnh hơn. Dần dần người ta sẽ đều thông qua giám định cổ vật khách quan, khoa học”.

Một số món đồ của nhà sưu tập Dương Phú Hiến, người sở hữu hàng vạn hiện vật. Theo ông, người chơi cổ vật có 3 dạng: Thứ nhất là thật sự say mê, được gia truyền từ đời nọ qua đời kia, chơi mang tính hệ thống, bài bản, khoa học; thứ hai là những trí thức uyên thâm, không có nhiều điều kiện để sưu tầm nhưng rất am hiểu và rất có tâm; thứ ba đông nhất - vừa giao lưu vừa buôn bán. Không nên đánh giá thấp họ, vì họ cũng góp phần xã hội hóa việc chơi cổ vật và họ có chân rết thu gom ở khắp mọi nơi. Nhưng cũng nhiều khi sự mưu sinh khiến cho đồ của họ thật giả lẫn lộn, làm mất đi cái “thiêng”, cái “tín” của cổ vật Việt Nam với thế giới. Ảnh tư liệu của Huy Minh
Một số món đồ của nhà sưu tập Dương Phú Hiến, người sở hữu hàng vạn hiện vật. Ông từng nói với người viết bài này, người chơi cổ vật có 3 dạng: Thứ nhất là thật sự say mê, được gia truyền từ đời nọ qua đời kia, chơi mang tính hệ thống, bài bản, khoa học; thứ hai là những trí thức uyên thâm, không có nhiều điều kiện để sưu tầm nhưng rất am hiểu và rất có tâm; thứ ba đông nhất - vừa giao lưu vừa buôn bán. Không nên đánh giá thấp họ, vì họ cũng góp phần xã hội hóa việc chơi cổ vật và họ có chân rết thu gom ở khắp mọi nơi. Nhưng cũng nhiều khi sự mưu sinh khiến cho đồ của họ thật giả lẫn lộn, làm mất đi cái “thiêng”, cái “tín” của cổ vật Việt Nam với thế giới. Ảnh tư liệu của Huy Minh

11. Từ biệt TS Nguyễn Việt, tôi về Hà Nội gặp nhà tư vấn văn hóa Trần Thế Côi. Ở tuổi đã ngoại thất tuần, ông kể: “Tôi là vua giả cổ, đến nỗi xuất hàng hàng loạt đi nước ngoài từng bị ách lại vì tưởng là đồ thật. Vì làm giả cổ nên tôi chỉ nhìn cái dáng là biết các ông đời sau làm sai rồi, liếc cái là biết đồ xịn hay không xịn. Nói về cổ vật là rất khó. Khó lắm. Đối tượng hiểu về vấn đề này không thể sâu sắc”. Về thị trường cổ vật, ông nhận định: “Tôi rất mừng là những năm gần đây nhiều người có tiền có ý thức với văn hóa nước nhà. Đó là cái mừng nhất. Càng gần đây, tinh túy của cổ vật càng xuất hiện và lên tiếng nhiều hơn. Nhưng đồng thời biến chuyển về sự lừa đảo ngày càng nhiều và càng sâu. Nước ngoài đang đổ rất nhiều tiền đầu tư vào Việt Nam thì đương nhiên họ sẽ tìm hiểu mình. Họ sẽ tìm cách mua cổ vật. Tương lai của thị trường cổ vật rất tốt nhưng phải tránh chảy máu. Dân Việt Nam giờ chơi cổ vật còn kinh hơn Tây nhiều. Một nửa thị trường sẽ là Tây, một nửa là Ta. Cổ vật ngày càng hiếm, hết dần. Thị trường cổ vật này luôn luôn là mua đuổi – bán đuổi”.

(Còn nữa)

Huy Minh
TIN LIÊN QUAN

Trong màn sương mờ của thị trường cổ vật (bài 1)

Nhóm PV |

Một chuyên gia giám định hơn 50 năm lăn lộn trong nghề chưa từng tai tiếng nói với tôi rằng, thị trường cổ vật đang tăng trưởng chóng mặt, chỉ sau bất động sản. “Thế giới cổ vật mờ mờ tỏ tỏ, phóng viên chuyên nghiệp cũng không bao giờ lần ra được”, ông nói, và ngắm tôi một lát. Nào, ta khởi hành thôi!

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Trong màn sương mờ của thị trường cổ vật (bài 1)

Nhóm PV |

Một chuyên gia giám định hơn 50 năm lăn lộn trong nghề chưa từng tai tiếng nói với tôi rằng, thị trường cổ vật đang tăng trưởng chóng mặt, chỉ sau bất động sản. “Thế giới cổ vật mờ mờ tỏ tỏ, phóng viên chuyên nghiệp cũng không bao giờ lần ra được”, ông nói, và ngắm tôi một lát. Nào, ta khởi hành thôi!