Nhà Việt Nam học Daria Mishukova: “Thiếu thương hiệu du lịch Việt là nguyên nhân khiến du khách không quay trở lại”

Nhật Lệ (thực hiện) |

Nhà Việt Nam học Daria Mishukova đã trải qua hơn 20 năm gắn bó sâu sắc với Việt Nam. Chị đã dành nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu, giới thiệu văn hóa Việt ra thế giới. Đặc biệt, cuốn sách đầu tay về văn hóa Việt Nam của Daria - “Việt Nam. Đất nước con Rồng cháu Tiên” đã trở thành best-seller, được đánh giá là cuốn sách hay nhất viết về Việt Nam bằng tiếng Nga thời hiện đại.

Sau một thời gian quảng bá  du lịch, Daria Mishukova chuyển sang lĩnh vực phát triển thương hiệu, trong đó có thương hiệu ngọc trai Việt Nam.  Những câu chuyện thú vị mang ý nghĩa tốt đẹp, cũng như biểu tượng văn hóa Việt của  vương miện hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam là một trong những brand story của nhà Việt Nam học người Nga Daria Mishukova.

Tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học trung tuần tháng 12.2016 ở Hà Nội, Daria đã gây chú ý với bài tham luận “Việt Nam học với việc xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam”, trong đó đề cập đến việc thiếu vắng những thương hiệu du lịch Việt hiện nay.

Vì̀ đâu chị cho rằng ngành du lịch Việt còn thiếu những thương hiệu mạnh?

Năm 2016, tổng số khách quốc tế sang Việt Nam, bao gồm đường bộ, đường biển, đường không dao động trên dưới 610-830 nghìn khách/tháng. Hãy đối chiếu với đối tượng cạnh tranh gần. Thái Lan có một triệu khách đến trong vòng 10 ngày hay một tuần, chỉ tính riêng khách hàng không, chưa tính đến khách đường thủy, đường bộ từ các nước có biên giới chung.  Ngoài ra, có thể tham khảo thêm số khách đến Singapore và các nước khác trong khu vực.

Trong khu vực, du lịch Nhật Bản, Singapore, Thái Lan đều có thương hiệu riêng. Để đạt được con số 1.000.000 khách/tháng, ngành du lịch Việt Nam nên đầu tư vào quảng cáo và xúc tiến du lịch. Để vươn tới đích nhắm 1.000.000 khách/tuần, phải có thương hiệu du lịch Việt Nam. Sự có mặt của các chuỗi khách sạn JW Marriot, Intercontinental, Sheraton, Novotel một mặt chứng tỏ: Việt Nam là một điểm đến có quy mô quốc tế; mặt khác, nên hiểu rõ, đó là thương hiệu  khách sạn quốc tế tại Việt Nam, trong đó thương hiệu đi trước, nước sở tại đi sau. Thương hiệu du lịch Việt Nam là gì? Và quan trọng hơn nữa: Thương hiệu Việt Nam là gì?

Slogan du lịch Việt theo từng thời kỳ đều bị chê là chung chung, không có nét riêng. Vậy theo chị, thế mạnh du lịch Việt có thể khai thác là gì?

Nếu có slogan hay, mà sản phẩm du lịch chung chung, thì cũng không có nét riêng. Theo tôi, nguồn gốc của vấn đề là thương hiệu Việt Nam nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng không rõ nét. Trước tiên, nên định nghĩa sản phẩm là gì, slogan tạo ra thông điệp về cái gì.

Ngành du lịch trở thành khối kinh tế quan trọng đối với nhiều nước lớn và nhỏ. Mỗi điểm đến có chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch. Một trong những yếu tố then chốt để thu hút du khách, và duy trì sự quan tâm của họ là thương hiệu du lịch của điểm đến. Việc xây dựng thương hiệu trong ngành du lịch Việt Nam vẫn còn thiếu. Thương hiệu du lịch Việt Nam đến nay vẫn là một phạm trù không rõ. Trong 20 năm qua, ngành du lịch Việt Nam đã qua một chặng đường phát triển khá ấn tượng. Tuy nhiên, con đường phía trước dài hơn nhiều và có nhiều thách thức, vì tính cạnh tranh trong ngành rất cao.

Tôi nghĩ, tình trạng thiếu thương hiệu Việt Nam không chỉ bó hẹp trong ngành du lịch. Trong hơn 30 năm qua, Việt Nam ở vị trí top 3 trên thế giới về xuất khẩu gạo, càphê, hạt tiêu. Tuy nhiên, so sánh với các sản phẩm mang tính chất thương hiệu của đất nước như phô mai và rượu vang Pháp, vodka và trứng cá Nga, sôcôla Bỉ, trà đen Ấn Độ và Trung Quốc, cá hồi salmon Na Uy, thịt bò Australia, đồng hồ Thụy Sĩ, kim cương Nam Phi… thì thị trường tiêu dùng quốc tế không gắn liền gạo, cà phê, hạt tiêu với đất nước Việt Nam.

Nhiều người Việt đề cập đến phở và càphê Việt, như sản phẩm mang tính chất thương hiệu của văn hoá ẩm thực Việt Nam. Phở đang được tìm kiếm khá nhiều trong internet. Tuy nhiên, nên lưu ý, món súp mì này vẫn khiến nhiều người không phân biệt rõ với súp mì của Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông. Khác với pizza Italy và sushi Nhật Bản. Lại có dấu hiệu phở Việt Nam sắp chia thành “phở Tây” ra quốc tế và “phở ta” cho người Việt.

Chị có thể chia sẻ thêm về thương hiệu Việt Nam và thương hiệu du lịch Việt Nam?

Xung quanh chúng ta là các thương hiệu: Thương hiệu hàng hoá, thương hiệu đất nước, thương hiệu thời đại. Một trong những thương hiệu cá nhân mạnh nhất thế giới là Vladimir Putin và Donald Trump. Đối với Việt Nam, thương hiệu cá nhân của Hồ Chí Minh đã có sự ảnh hưởng lớn. “Chất lượng Nhật Bản” và “Ước mơ Mỹ” là thương hiệu mạnh, toàn cầu… Hay “hàng Trung Quốc chất lượng thấp” cũng là một “thương hiệu” đã được hình thành vào hai thập niên cuối thế kỷ XX.

Tôi đã nghe tại hội thảo Forbes Việt Nam có diễn giả đã định nghĩa thương hiệu “là một nhãn hiệu mà người tiêu dùng yêu thương”. Một câu nói rất ấn tượng để củng cố thương hiệu cá nhân. Cái hay, cái đẹp trong câu nói này lôi cuốn sự chú ý đến cách chơi chữ, nhưng lại làm cho mọi người mất tập trung vào nội dung của vấn đề. Giữa chất lượng Nhật Bản và chất lượng Trung Quốc, Việt Nam đang ở đâu? Dường như không có câu trả lời. Trong việc xây dựng thương hiệu toàn cầu, Việt Nam chưa đạt được thành công rõ nét, qua đó dễ bị mất đi lợi thế cạnh tranh trong kinh tế.

Trong thực tế, từ trước đến nay, Việt Nam chỉ có một thương hiệu duy nhất mang tính chất toàn cầu, đã được truyền thông mạnh và được cả thế giới biết đến. Đó là chiến tranh Việt Nam. Một thương hiệu thời đại. Trong thế kỷ XX, thương hiệu này đã ảnh hưởng đến kết quả Hiệp định Geneva và Hiệp định Paris, đã giúp Việt Nam trở thành đất nước độc lập và tự do. Nay là thế kỷ XXI với những thách thức mới. Thương hiệu Việt Nam thế kỷ XXI là gì?

Là người có kinh nghiệm 20 năm quảng bá cho du lịch Việt Nam, đặc biệt là tác giả cuốn sách kích thích trí tò mò khám phá của khách du lịch Nga sang Việt Nam, chị có thể cho biết vì sao khách Nga nói riêng, các khách du lịch nước ngoài nói chung đến Việt Nam lần  đầu  đều không muốn... quay trở lại? Theo chị, làm thế nào để giữ chân họ một lần nữa?

Top 10 quốc tịch sang Việt Nam du lịch là những thị trường sau này: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Mỹ, Nga, Australia, Anh, Pháp. Cơ sở hạ tầng du lịch, số phòng khách sạn tiếp tục tăng lên với các dự án đầu tư đang trong giai đoạn khởi động, đang thực hiện và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, đại đa số khách nước ngoài sang Việt Nam chỉ một lần. Số khách quốc tế trở lại Việt Nam hiện nay là quá ít, thậm chí không đủ để xuất hiện trong hệ thống thống kê du lịch. Có thể so sánh, riêng về khách du lịch Nga, họ thường đi Thổ Nhĩ Kỳ 12 lần liên tiếp và sang Thái Lan 5 lần liên tiếp. Việt Nam họ chỉ đi 1 lần.

Đối với những thị trường khác, thống kê không khác mấy. Khách quốc tế không có liên kết với Việt Nam qua kinh doanh hoặc quan hệ gia đình, ít khi quay lại Việt Nam. Một trong những lý do khiến Việt Nam chưa tạo ra ấn tượng và làm cho khách du lịch quốc tế trở lại nhiều lần là đang thiếu thương hiệu du lịch Việt. Giữa hai điểm đến du lịch, khi yếu tố thiên nhiên, cơ sở vật chất đủ tiện nghi, an toàn cho khách du lịch, chính sách giá giá cả và chất lượng dịch vụ tương đối bằng nhau, khách hàng sẽ chọn theo thương hiệu.

Theo chị, cộng đồng Việt Nam học có thể góp sức như thế nào trong việc xây dựng thương hiệu du lịch Việt?

Sản phẩm của ngành Việt Nam học là kiến thức chất lượng về Việt Nam. Sự tôn trọng đến văn hóa và những giá trị tinh thần của dân tộc trong lòng của khách du lịch xuất phát từ hiểu biết. Trong tháng 10.2016, từ Trung Quốc sang Việt Nam du lịch đã có 240 nghìn khách/tháng. Khi máy bay từ Trung Quốc hạ cánh, không thể nói: Nên bảo tồn di sản văn hoá. Khách đã đến rồi, thì nên giới thiệu về Việt Nam một cách ấn tượng, để làm cho khách từ xa tôn trọng nước mình. Nên có chất lượng dịch vụ chu đáo và chất lượng trải nghiệm văn hóa để làm cho khách muốn quay trở lại. Cách nói tiêu biểu “Di tích lịch sử này rất nổi tiếng và đã có từ rất lâu rồi, nay hãy cùng nhau hát một bài hát cho vui” và cách giải quyết vấn đề về dịch vụ theo kiểu “Xin thông cảm” đều không phù hợp.

Giới Việt Nam học nên tập trung và đơn giản hoá kiến thức của mình để xây dựng ấn phẩm du lịch. Sách nghiên cứu chuyên ngành Việt Nam học đối với thế giới lớn là không phù hợp. Nên phối hợp với ngành du lịch để phổ biến kiến thức chất lượng và thú vị về Việt Nam cho khách quốc tế và cho cả khách nội địa. Vì chất lượng về thông tin và dịch vụ sẽ khiến khách du lịch quay trở lại.

Cuốn sách “Việt Nam. Đất nước con Rồng cháu Tiên” của tôi  gần 10 năm rồi phục vụ nhu cầu thông tin về Việt Nam cho chuyên gia du lịch Nga. Sách được in bằng tiếng Nga năm 2007, 2010 và in bằng tiếng Việt năm 2013 theo đề xuất của người Việt, để giới du lịch Việt Nam hình dung và hiểu nên nói như thế nào để cho khách Nga lắng nghe. Năm 2011 tôi đã tách cuốn sách thành nhiều bài viết riêng để in trên tạp chí hãng hàng không đưa khách Nga sang Việt Nam, đến nay đã in với số lượng trên 1.260.000 сuốn.

Trong ấn phẩm cao cấp “Business & Leisure” chuyên về kinh doanh và du lịch bằng tiếng Anh và tiếng Nga cũng có nhiều thông tin thú vị và chất lượng về Việt Nam. Website là www.business-leisure.ru có  chuyên mục “Interesting” tiếng Nga và chọn Việt Nam trong danh sách 8 nước để nhận được nhiều bài viết về văn hoá, đất nước và con người Việt Nam. Đây là nguồn thông tin mà chuyên gia du lịch Nga đang sử dụng nhiều nhất khi tìm kiếm thông tin vừa chuyên nghiệp, vừa thú vị về Việt Nam bằng tiếng Nga.


Nhật Lệ (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Tỷ phú 7X “vẽ lại” bản đồ bất động sản du lịch Việt Nam

PV |

Hết sức nhẫn nại, nhưng cũng hết sức quyết đoán đầu tư vào những vùng “đất khó”, Tập đoàn FLC của vị tỷ phú 7X Trịnh Văn Quyết đang “vẽ lại” bản đồ bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng tại Việt Nam, với hàng loạt dự án quy mô lớn.

Nếu chọn Philippe Troussier, nên học theo Nhật Bản?

TAM NGUYÊN |

Cách bóng đá Nhật Bản sử dụng huấn luyện viên Philippe Troussier có thể là cách VFF cân nhắc học hỏi…

Các nước Đông Nam Á đón Tết Nguyên đán thế nào?

Ngọc Vân |

Pháo hoa, múa lân và sắc đỏ rực rỡ tràn ngập đường phố, nhà cửa và quần áo là dấu hiệu của Tết Nguyên đán ở các nước Đông Nam Á.

Hà Nội: Ôtô gây tai nạn liên hoàn khiến 8 người bị thương

HỮU CHÁNH |

Chiếc ôtô con đâm trúng 6 xe máy trước khi đâm thẳng vào hộ lan bên đường và dừng lại. Vụ tai nạn khiến 8 người bị thương, được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Tết đi du lịch cũng được, về quê cũng được miễn là luôn hướng về gia đình

Nhóm PV |

Từ xưa tới nay, Tết vốn là dịp để gia đình sum họp sau một năm làm việc vất vả, bôn ba với những bộn bề cuộc sống. Tuy nhiên, xã hội ngày càng hiện đại, thay vì về nhà với gia đình, nhiều người trẻ lựa chọn cách đi du lịch để nghỉ ngơi sau 1 năm mệt nhoài với guồng quay công việc. Trong số Podcast ngày hôm nay, quý vị hãy cùng chúng tôi đi tìm đáp án của câu hỏi Tết nên về nhà hay đi du lịch?

Phạt 50 triệu đồng công ty in cờ nước ngoài lên pano trường đại học

HỮU CHÁNH |

In cờ nước ngoài lên pano của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) gây ra dư luận xấu, Công ty TNHH Quảng cáo Giang - xây dựng Thành An bị Công an tỉnh Bắc Ninh xử phạt 50 triệu đồng.

Những người phụ nữ vất vả mưu sinh mong kiếm đủ tiền về quê ăn Tết

Minh Hà - Việt Anh |

Những ngày cận Tết Nguyên đán 2023, chợ đầu mối hoa quả Long Biên luôn nhộn nhịp, tấp nập. Tại đây, không khó để bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ cửu vạn vất vả kéo xe chở hàng chục chuyến hàng. Họ làm đến ngày 30 với mong muốn có đủ tiền về quê ăn Tết, sum họp cùng gia đình.

Bộ Quốc phòng trả lời về tuổi đi nghĩa vụ quân sự trước khi học đại học

Vương Trần |

Bộ Quốc phòng mới đây đã có trả lời liên quan đến kiến nghị của cử tri về tuổi phải đi nghĩa vụ quân sự - trước khi học đại học hoặc nghề.

Tỷ phú 7X “vẽ lại” bản đồ bất động sản du lịch Việt Nam

PV |

Hết sức nhẫn nại, nhưng cũng hết sức quyết đoán đầu tư vào những vùng “đất khó”, Tập đoàn FLC của vị tỷ phú 7X Trịnh Văn Quyết đang “vẽ lại” bản đồ bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng tại Việt Nam, với hàng loạt dự án quy mô lớn.