Giao lưu tại hội nghị, nghệ nhân nhân dân Hoàng Thị Bích Hồng chia sẻ: “Hát Then, đàn Tính, các giai điệu gắn với đời sống dân tộc chúng tôi, rất cần được lưu giữ”.
Bà Bích Hồng dạy hơn 700 học sinh là những người yêu thích đàn Tính, hát Then, trong đó học trò nhỏ nhất mới lên lớp 3, người cao tuổi nhất đã 86 tuổi.
“Tôi rất mừng vì nhiều người yêu thích nghệ thuật hát Then, đàn Tính. Đó là cơ duyên. Các lời ca, giai điệu đàn Tính, hát Then gắn với đời sống của người dân tộc, thấm đẫm trong đời sống”, nghệ nhân người Thái Nguyên bày tỏ.
Là một gương điển hình tiên tiến khác, ông Phan Thuyết Trình - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tân Đông, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, luôn đi đầu trong vận động người dân địa phương thực hiện nếp sống văn minh trong nghi thức hiếu hỷ.
Ông Trình bộc bạch, những năm đầu gặp nhiều khó khăn, vì hủ tục đi sâu vào tiềm thức, nhưng nhờ người có uy tín tham gia, người dân dần thay đổi nhận thức.
Kinh nghiệm của địa phương là Mặt trận Tổ quốc, tổ dân phố tham gia vào thực hiện nếp sống văn minh. “Chúng tôi tận dụng sự tham gia của người lớn tuổi, uy tín trong cộng đồng nhằm tác động đến từng thôn, từng nhà, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang”.
Từ 2015 đến nay, 100% hộ dân xã Hòa Tân Đông mỗi khi có đám tang đã thực hiện không rải vàng mã ra đường trong đám tang, từ đó lan tỏa đến nhân dân cả địa phương làm theo.
Luôn đau đáu với công tác lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, gương điển hình tiên tiến Trần Thị Mỹ Trinh - Giám đốc Thư viện tỉnh Đồng Tháp chia sẻ câu chuyện đưa thư viện trở thành điểm hẹn giao lưu văn hóa của tất cả người dân.
Để thư viện truyền thống thu hút bạn đọc, bà Mỹ Trinh cho rằng không gian bên trong và bên ngoài cần đảm bảo xanh - sạch -đẹp. “Tài nguyên thông tin phải đáp ứng được nhu cầu của mọi đối tượng bạn đọc. Đặc biệt, cần phải chú trọng công tác phục vụ bạn đọc, hỗ trợ cung cấp tài nguyên thông tin cho bạn đọc với các tiêu chí nhanh, chính xác và thuận tiện. Dù là thư viện truyền thống, vẫn phải trang bị các thiết bị hiện đại, thông minh để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin của bạn đọc”, bà bày tỏ phương châm hoạt động để thư viện là điểm thu hút bạn đọc trong thời đại công nghệ số.
Bên cạnh đó, thư viện còn tổ chức các hoạt động, sinh hoạt chuyên đề, hoạt động trải nghiệm, hướng dẫn kỹ năng sống… để thúc đẩy giao lưu. Thư viện còn chủ động phục vụ cơ sở thông qua các chuyến xe lưu động.
“Khi đi đến phục vụ vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, chúng tôi thấy người dân nơi đó rất yêu sách. Sau mỗi chuyến xe chúng tôi đều tặng lại tủ sách khuyến học để địa phương phục vụ cộng đồng”, bà nói. Đến nay, Thư viện tỉnh Đồng Tháp đã trao tặng hơn 300 tủ sách khuyến học tại địa phương và sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả trong thời gian tới.
Chia sẻ tại hội nghị, diễn viên múa Phạm Thu Hằng (Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam) là tấm gương về sự nỗ lực tìm tòi, sáng tạo vươn lên để cống hiến.
Cô là diễn viên tài năng đảm nhận hầu hết các tác phẩm múa có chiều sâu, chất lượng. Kể về tình yêu với ballet từ thời thơ ấu với sự đồng hành của ông nội, Thu Hằng cho biết bản thân trải qua không ít thăng trầm trong sự nghiệp. Thi vào Cao Đẳng múa Việt Nam, cô bắt đầu bước đường sự nghiệp với múa dân gian để rồi 4 năm sau lại trở về với ballet tại Nhà hát vũ kịch Việt Nam.
Cô quan niệm: “Cái gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim nhanh nhất, luôn đặt cái tâm lên hàng đầu thì nghệ sẽ không phụ mình”. Do đó, cô luyện tập qua không biết bao nhiêu đau đớn. Dù 10 đầu ngón chân tóe máu, bật móng cô vẫn phải tiếp tục đứng lên khổ luyện để đổi lại những giây phút thăng hoa trên sân khấu.