Chuyện làng văn nghệ: Thanh Tùng - đã một năm xa

NGUYỄN THỤY KHA |

Giám đốc (Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam) Trần Bình chuyển cho tôi danh sách ca khúc Thanh Tùng trong chương trình “Lối cũ ta về” dự tính sẽ trình diễn vào hai đêm 15 - 16.3.2017 để tưởng nhớ tròn năm người nhạc sĩ tài hoa này ra đi. Nhìn tên những ca khúc đã quá quen thuộc với công chúng yêu nhạc suốt 30 năm qua, mới thấy thực sự đã mất Thanh Tùng. Nhìn những cái tên đó, thấy một dòng quá vãng xô dạt về.

Dạo ấy, vào cuối những năm tháng chiến tranh, những người lính chiến trường thường nghe trên đài bán dẫn của đơn vị, những chương trình hòa tấu âm nhạc, trong đó có hòa tấu những ca khúc được chuyển soạn theo phong cách nhạc nhẹ rất lôi cuốn như “Con kênh xanh xanh”, “Cánh chim báo tin vui”… Không hiểu lính tráng moi nguồn tin ở đâu mà thầm thì kháo nhau rằng, tác giả chuyển soạn các ca khúc này - nhạc sĩ Thanh Tùng - là nhạc sĩ mới tu nghiệp ở Triều Tiên về. Nghe nói đầu tiên anh học ngành luyện kim, nhưng sau vì quá say mê âm nhạc nên đã chuyển sang học âm nhạc. Được biết anh đã từng là học sinh miền Nam học ở Hải Phòng. Thông tin này khiến tôi tưởng tượng lại những năm ấu thơ khi cùng liên hoan với các bạn học sinh miền Nam trường 19, trường 21. Biết đâu trong các bạn hồi đó, tôi đã từng gặp Thanh Tùng.

Nhạc sĩ Thanh Tùng.

Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN.

Vậy mà đến khi đất nước liền một dải tới 10 năm, tôi mới gặp Thanh Tùng. Đấy là dịp 30.4.1985, tôi đưa nhạc sĩ Văn Cao vào chơi với bạn bè ở Sài Gòn. Một hôm ở sân 81 Trần Quốc Thảo của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, anh em nhạc sĩ đang quây quần khá đông, bỗng thấy một chàng xuất hiện, dáng dấp như tài tử xi-nê, Trịnh Công Sơn reo to: “Ôi! Thanh Tùng. Ở Hà Nội về hồi nào?”. Lúc ấy, tôi mới gặp Thanh Tùng. Như một cơn gió lạ, Thanh Tùng ngồi xuống là chuyện trò rôm rả về chuyến đưa Dàn nhạc Đài truyền hình thành phố ra Hà Nội trình diễn. Hóa ra, lúc ấy anh đang là chỉ huy dàn nhạc này, tuy đã có những ca khúc như “Cây sầu riêng trổ bông”, “Hãy đến cùng Trị An”, “Hoàng hôn màu lá”…

Năm 1987, luồng gió đổi mới lại kéo tôi vào Sài Gòn. Đêm Gala 87, Thế Hiển đã hát bốc lửa “Nếu tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghita” - ca khúc mà Thanh Tùng phổ thơ Thanh Thảo, cũng có đôi ba tiếng ì xèo bản quyền với Hình Phước Liên. Đêm ấy, Trịnh Công Sơn say ôm đàn hát “Em là bông hồng nhỏ” khiến cả cầu trường vỗ tay thương mến. Thanh Tùng cũng mềm môi chả kém, ngồi lả tả ôm vai nhạc sĩ Từ Huy.

Vẫn đập vào mắt tôi những ca khúc “Lời tỏ tình của mùa xuân”, “Chuyện tình của biển”, “Câu chuyện nhỏ của tôi”, “Ngôi sao cô đơn”, “Hát với chú ve con”… Có thể nói, đấy là những ca khúc bắt đầu ghi nhận sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Thanh Tùng. Khi đó, anh viết bài để xây dựng chương trình ca nhạc cho đoàn ca múa “Hải Đăng” của tỉnh Khánh Hòa (lúc ấy còn là Phú Khánh) quê hương anh. Những ca khúc làm nên tên tuổi của Ánh Tuyết, Ngọc Thúy, Mỹ Hạnh. Sau khi chương trình phát trên VTV, rất nhiều người mến mộ. Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đặc biệt mê “Chuyện tình của biển”. Có lẽ ở ca khúc này, Thanh Tùng đã vô tình có lối kể chuyện bằng âm nhạc như Đoàn Chuẩn từng làm. Sau đợt sóng đầu tiên này, Thanh Tùng tiếp tục xô dạt vào đời sống âm nhạc những sáng tạo mới. Thanh Lam có lẽ hát “Hoa tím ngoài sân” từ ngày đăng quang ở Hội diễn toàn quốc 1991. Mỹ Linh cũng đã lâu lắm với “Cảm ơn mùa thu”. Người nghe vẫn tiếp tục đón nghe những sáng tạo dồn dập của Thanh Tùng như “Giọt nắng bên thềm”, “Vĩnh biệt mùa hè”, “Em và tôi”… Hồi “Liên hoan các ban nhạc Toàn quốc” ở Đà Nẵng mùa mưa 1993, trong vị trí của hội đồng giám khảo, Thanh Tùng đã đóng góp nhiều ý kiến trong cuộc hội thảo có lúc chừng rất căng thẳng.

Sau khi phổ thơ Thanh Thảo, Thanh Tùng lại phổ thơ của một nhà thơ Quảng Ngãi nữa. Đó là Tế Hanh. Bài “Bão” của Tế Hanh vốn nguyên bản như sau: “Cơn bão nghiêng đêm cây gãy cành bay lá/ Anh nắm tay em cùng qua đường cho khỏi ngã/ Cơn bão tan rồi hàng cây xanh thắm lại/ Nhưng ta lại xa xôi bão lòng anh thổi mãi”.

Đến Thanh Tùng, chắc để cho trẻ trung hơn, anh đã thêm vào “Ta đã yêu nhau thề mãi mãi bên nhau cơ mà”. Bài này Lê Cát Trọng Lý hát rất dễ thương.

Đổi mới được 10 năm, Thanh Tùng hình như cũng muốn đổi mới theo đất nước nên bên cạnh việc sáng tác, anh còn lãnh thêm trách nhiệm làm giám đốc doanh nghiệp. Vậy là sinh ra nhà hàng “Sinh đôi”, nước khoáng Tubon… bên cạnh những “Trái tim hoang vu”, “Giọt sương trên mí mắt”, “Trái tim không ngủ yên”. Có một lần, Thanh Tùng đến Văn phòng Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ở đấy, giữa anh em nhạc sĩ như Trọng Bằng, Ngô Quốc Tính… anh đã hát “Lối cũ ta về”, một ca khúc rất trẻ, rất Hà Nội để tưởng nhớ người vợ thân yêu của mình. Cũng trong dòng tưởng nhớ ấy, còn có “Một mình”. Đấy là một ca khúc rất khác lạ của Thanh Tùng. Khác lạ thứ nhất là nó có đoạn ngâm nga mở đầu giống như đoạn Miễu trong ca trù. Khác lạ thứ hai là Thanh Tùng đã gợi lại thời chiến tranh, thời bao cấp bằng những hình ảnh rất đời thường như “Thương con khi con đang còn nhỏ/ Tan ca bố có đón đưa”. Bây giờ những đứa trẻ chờ bố Thanh Tùng đón từ nhà trẻ đã trở thành doanh nhân. Hai chàng trai cùng tên hệ cây như bố là Bách và Thông đang là một trong những doanh nhân trẻ. Ngày Thanh Tùng đi xa, các con đưa anh lên an nghỉ ở “Công viên Thiên Đức”. Dịp 49 ngày giỗ anh, tôi cùng Trần Bình và nhiều anh em văn nghệ sĩ lên hương khói cho anh ở đấy. Không xa anh lắm là nơi yên nghỉ của nhạc sĩ Trần Lập. Đó là một khuôn viên vùng đồi bình yên và thoáng đãng. Hai anh em Bách và Thông còn làm một nơi như thế ở Nha Trang.

Tết Dương lịch 1999, tôi đến nhậu với Thanh Tùng ở nhà anh, sau khi anh cùng một số các nhạc sĩ khác như Hồng Đăng, Trịnh Công Sơn… tham gia trong hội đồng bình chọn những ca sĩ nổi tiếng thời Đổi mới. Căn nhà khá đẹp, treo rất nhiều bức tranh đẹp của Nguyễn Gia Trí, Lê Văn Đệ… chúng tôi trò chuyện cùng nhau về tương lai âm nhạc nước nhà thế kỷ mới. Vừa tin tưởng, vừa băn khoăn. Thanh Tùng luôn cho rằng, nhạc nhẹ Việt Nam chỉ có thể vươn tới “Pop tình cảm”. Với anh, Việt Nam không có Rock do tính cách của người Việt. Và anh đã đi theo cách nghĩ này đến phút chót.

Ngày anh ngã bệnh, nhạc sĩ Tôn Thất Lập và tôi đến thăm anh đang điều dưỡng ở khách sạn Hàng Tre. Lúc ấy thật buồn. Hình ảnh một Thanh Tùng như người hùng chợt tiều tụy đi vì bạo bệnh. Những năm ấy, anh còn viết “Chuyện cổ Nghi Tàm”, “Lời chim đỗ quyên”, “Hoa cúc vàng” - như một giai điệu cuối cùng mặc dù chương trình của anh vẫn thường xuyên được biểu diễn. Sự ra đi của anh là sự ra đi được báo trước. Nhưng dù như thế, khi nghe tin anh tạ thế, bao người đã thấm buồn. Tôi và Thanh Lam đến nói về anh trong chương trình “Không gian nghệ thuật” mà lòng không khỏi bùi ngùi. Bởi vậy, chương trình “Lối cũ ta về” mà Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam tưởng nhớ anh trong những ngày tới là một cử chỉ nghĩa tình giữa nhạc sĩ và các nghệ sĩ - trong đó có nhiều người thành danh bởi hát ca khúc anh. Cứ nhớ mãi sự hàm ơn của anh với đất Cảng Hải Phòng từng cưu mang ấu thơ anh, mà anh đã từng kể lại trong một chương trình. Có lẽ các nghệ sĩ đến với anh trong chương trình này cũng thế.

NGUYỄN THỤY KHA
TIN LIÊN QUAN

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Khách Trung Quốc đổ xô đặt tour nước ngoài dịp Tết Nguyên đán

Thúy Ngọc |

Dịp Tết Nguyên đán, yêu cầu đặt tour dịch vụ du lịch của khách Trung Quốc đến khu vực Đông Nam Á tăng 1026% so với cùng kỳ năm ngoái.

Biếu Tết nhà nội, nhà ngoại bao nhiêu là đủ?

ANH THƯ |

Dịp cuối năm, nhiều gia đình lại "đau đầu" suy nghĩ biếu Tết bên nội, bên ngoại ra sao cho phù hợp, tỏ lòng hiếu thảo với bậc sinh thành.

Dự báo thời tiết 16.1: Miền Bắc rét đậm mưa vài nơi, nhiệt độ giảm sâu hơn

AN AN |

Dự báo thời tiết hôm nay 16.1.2023, Bắc Bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 9 - 12 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 6 - 9 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C.

Chứng khoán: Thiếu sự đồng thuận của dòng tiền để bứt phá

Gia Miêu |

Với nhiều thông tin hỗ trợ thị trường chứng khoán, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm vượt mức kháng cự 1.067 điểm và hướng về gần mức 1.100 điểm trong tuần giao dịch cuối cùng trước khi nghỉ Tết.