Tranh Việt đạt mức giá triệu USD cho thấy giới buôn tranh quá giỏi

Hào Hoa (thực hiện) |

Từ Pháp, nhà báo Nguyễn Mỹ Linh có cuộc trao đổi với phóng viên Lao Động câu chuyện đằng sau những bức tranh triệu USD được bán trên các sàn đấu giá ở Châu Âu.

Được biết trong cuộc đấu giá cổ vật gần đây, nhiều bức tranh Việt cũng được mang ra bán. Tranh Việt đang tạo nên những cơn sốt triệu USD ở các sàn đấu giá Châu Âu. Trong năm 2021, có đến 8 tác phẩm của các họa sĩ Việt (trường Mỹ thuật Đông Dương) được đấu giá triệu USD trên các sàn quốc tế.... Chị nhìn thấy tín hiệu gì những con số triệu USD này?

- Tôi nghĩ cũng tốt thôi. Nhưng không bền vững. Đầu tiên, việc các tác phẩm hội họa của Việt Nam xuất hiện trên các sàn đấu giá để thế giới biết đến Nghệ thuật Việt nam là một tín hiệu đáng mừng. Tuy thế, cũng phải đặt câu hỏi là những tác phẩm ấy vào tay ai? Có phải những bảo tàng lớn không? Có phải những nhà sưu tập thế giới nổi tiếng và thường xuyên có hoạt động trưng bày tác phẩm hay không?

Nếu không, khi đa số chỉ về tay các nhà sưu tập trong nước thì việc bán được tranh giá đắt cũng chưa nói lên điều gì lớn và nó không có gì bền vững cho sự phát triển của hội họa Việt Nam.

Nó chỉ cho thấy một thực tế là các tay buôn tranh giỏi quá, thao túng thị trường xuất sắc quá. Thế rồi sao? Vị thế của hội họa Việt Nam trên thế giới có hơn gì không, hay ngoài việc tranh Đông Dương ngày một đắt lên, xuất hiện tình trạng tranh giả và các nhà thẩm định tranh Châu Á "tự phong" thì tương lai của nền hội họa Việt Nam vẫn thế.

Có một thực tế là hiện nay các hoạ sĩ trong nước cũng bắt đầu tìm cách chuyển tranh sang các sàn đấu giá tại Pháp để bán. Tranh thế hệ đầu của trường Mỹ thuật Đông Dương đã hết thì đến thế hệ hai và ba và bốn và năm… nhưng câu chuyện lại khác.

Trừ những họa sĩ đã mất và tác phẩm của họ trở nên quí hiếm thì các họa sĩ thế hệ sau phải chịu sự cạnh tranh với những người cùng thời tại Pháp, và giá cả – thật tiếc là đôi khi còn thấp hơn tại thị trường Việt Nam - nơi họ đã tạo dựng được tên tuổi và lượng khách hàng ổn định.

Nên nói thật là tôi hoàn toàn không nghĩ rằng ta bán được tranh Lê Phổ, Mai Thứ hay Vũ Cao Đàm giá cao thì đồng nghĩa là hội họa của ta đã cao giá trên mặt bằng thế giới.

Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh hiện đang sống và làm việc tại Pháp. Ảnh: FBNV
Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh hiện đang thường trú tại Pháp. Ảnh: FBNV

Việc tranh của các họa sĩ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đầu thế kỷ XX đạt mức giá triệu USD có thể khiến nhiều người bỏ quên hiện trạng nền hội họa đương đại ở Việt Nam. Theo chị, sự đắt giá của tranh Đông Dương và sự yên ắng của mỹ thuật, hội họa đương thời ở Việt Nam, có phải là một nghịch lý?

- Tranh Đông Dương cao giá là câu chuyện của thị trường. Mỹ thuật đương đại bị bỏ quên là câu chuyện của chiến lược phát triển văn hóa, Nhà nước ta có bỏ tiền ra mua tranh Đông Dương đâu, nên cũng không thể gọi là nghịch lý.

Tôi nghĩ cơn khát tranh Đông Dương sẽ đến hồi giảm nhiệt thôi, nhiều nhà sưu tập kín tiếng của Việt Nam đã biết tìm đến những tác phẩm của các họa sĩ thế hệ sau, hoặc mua tranh thế giới chứ không nhất thiết phải bỏ ra rất nhiều tiền để mua về một tác phẩm mà ngay cả người được gọi là chuyên gia thẩm định còn nhầm tên tác giả. 

Trong một tài liệu ghi chép lại, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từng đào tạo ra một thế hệ họa sĩ tài năng xuất chúng những năm đầu thế kỷ XX. Ở những bức ảnh lưu lại, họa sĩ Tô Ngọc Vân cùng với những họa sĩ triệu USD như Lê Phổ, Mai Trung Thứ đã cùng nhau đi thực tế. Những họa sĩ triệu USD sau đó đã sang Pháp và sống thời gian dài ở đây. Chị có thể chia sẻ, ở Pháp, sức ảnh hưởng và danh tiếng của những họa sĩ này? 

- Phải nói thẳng thắn là chúng ta không thể định giá các họa sĩ như Mai Thứ, Lê Phổ theo cách thông thường để nói Pháp đã đánh giá họ thế nào, sinh thời họ có nổi tiếng không?  

Tôi nghĩ cuộc đời của một nghệ sĩ đôi khi gắn liền với thế nước. Đừng quên là các họa sĩ Đông Dương đến Pháp khi Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp, dù họ có tài chăng nữa thì việc đến từ một nước thuộc địa nghèo, không tên tuổi, cũng khác rất nhiều so với ngày nay. 

Ngoài ra, sinh thời họ cũng phải chịu sự cạnh tranh với các hoạ sĩ Pháp cùng thời. Đừng quên, đầu thế kỷ 20, Paris là trung tâm của nghệ thuật thế giới, để định danh được tên tuổi của mình thì phải là một tài năng khủng khiếp. 

Đến Van Gogh sinh thời đến Paris còn chết trong nghèo khó, chẳng ai nhìn nhận ra tài năng của ông cơ mà.

Còn hiện tại, tôi nghĩ người Pháp đã bắt đầu chú ý đến các họa sĩ thế hệ Đông Dương hơn, tuy thế - nhưng như tôi đã chia sẻ, câu chuyện vẫn bắt đầu từ các sàn đấu giá chứ không phải từ các tạp chí nghiên cứu hay bảo tàng.

Bức “Chân dung cô Phương” của họa sĩ Mai Trung Thứ được bán với giá 3,1 triệu USD. Ảnh: Sotheby's.
Bức “Chân dung cô Phương” của họa sĩ Mai Trung Thứ được bán với giá 3,1 triệu USD. Ảnh: Sotheby's.
Bức tranh “Family Life” (Đời sống gia đình) của họa sĩ Lê Phổ được bán với giá 1,1 triệu USD. Ảnh: Sotheby's.
Bức tranh “Family Life” (Đời sống gia đình) của họa sĩ Lê Phổ được bán với giá 1,1 triệu USD. Ảnh: Sotheby's.

Trong khi đó, bàn đến mỹ thuật và thị trường tranh đương đại ở Việt Nam, suốt nhiều nhiều năm trở lại đây, câu chuyện chủ yếu ở thị trường tranh là vấn nạn đạo nhái tranh, chép tranh. Triển lãm diễn ra nhỏ lẻ, không gây chú ý. Đây là sự thay đổi của thời đại, sự thay đổi về tư duy thẩm mỹ, hay là sự thăng trầm của hội họa, theo chị?

- Đây là câu chuyện thị trường và chiến lược văn hoá. Thị trường phụ thuộc vào thẩm mỹ và sự hứng thú của người mua. Chiến lược văn hoá lại phụ thuộc vào cơ quan quản lý văn hoá. Không liên quan đến nhau.

Còn chuyện đạo nhái thì đó là chọn lựa của người sáng tạo. Có người chọn cho mình quyền làm nghề tử tế, có người chọn cho mình quyền chỉ dùng nghề để kiếm sống.

Tôi nghĩ cho đến khi công chúng Việt nam chưa yêu nghệ thuật thực sự và am hiểu về nó thì tình trạng trên sẽ vẫn diễn ra thôi.

Người có tiền còn mua bằng được một tác phẩm đạo nhái với giá trên trời, người sưu tập còn bày ra trong nhà những tác phẩm mà người vẽ ra nó còn đạo của chính mình thì biết làm sao. Nghệ thuật phản ánh xã hội mà nó tồn tại.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã lên kế hoạch xây dựng chiến lược phát triển nền công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045 với hy vọng, sẽ biến Du lịch, Điện ảnh, Mỹ thuật... thành những nền công nghiệp thu lợi nhuận, đóng góp cho GDP (như Hàn Quốc). Nếu mỹ thuật đương đại có những bức tranh triệu USD trên thị trường tranh quốc tế, kế hoạch công nghiệp hóa sẽ thiết thực hơn bao giờ hết.  Chị có lạc quan với điều này?

- Người lạc quan đến mức nào thì cũng không nghĩ thế được. Cơ sở nào để chờ đợi những tác phẩm đương đại giá triệu USD? Chúng ta đã có một tác phẩm như thế cách đây vài năm là "Specula" của Nguyễn Oanh Phi Phi được cho là đã bán với giá triệu USD cho một nhà sưu tập Việt Nam thì từ đó tới nay cũng chưa có tác phẩm thứ hai nào được công bố.

Khi mà công chúng còn lười đi xem triển lãm, các hoạt động triển lãm đương đại còn được cấp phép một cách không dễ dàng gì.

Nghệ thuật đương đại với tính chất là phản biện đời sống còn khiến người ta e ngại thì chỉ riêng việc nghĩ đến điều ấy thôi đã tếu rồi. 

Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh. Ảnh: FBNV
Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh. Ảnh: FBNV

Ai đó nói, hội họa là môn nghệ thuật nghiệt ngã, luôn cần đến độ lùi của thời gian để thẩm định giá trị. Nhiều họa sĩ phải đến khi qua đời mới bán được tranh, có thể lấy đơn cử từ cuộc đời nghèo khổ của Van Gogh. Hay, thử đặt kỳ vọng vào độ lùi của thời gian, biết đâu thời gian sẽ chứng minh được giá trị nghệ thuật, giá trị thương mại của hội họa đương đại ở Việt Nam?

- Không. Nghĩ thế thì làm việc làm gì, chúng ta có thể sẽ trở nên tự phụ và ảo tưởng hoặc bi quan ngồi chờ tương lai. 

Tôi nghĩ việc mở cửa về tư duy, tạo cơ hội cho các nghệ sĩ Việt Nam đi ra nước ngoài để có sự va chạm, học hỏi mới là quan trọng. 

Còn trong nước, bỏ bớt các rào cản về tư duy học thuật và giấy tờ đi thì nghệ thuật tạo hình mới phát triển được.

Hào Hoa (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.