Nhà văn Lê Lựu: “Đã gục cùng ngòi bút xuống cánh đồng Khoái Châu”

Mai Hương |

Tin nhà văn Lê Lựu qua đời sau nhiều năm chống chọi với bệnh trọng đã để lại niềm thương tiếc cho nhiều bạn văn và độc giả cả nước. Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Lê Lựu là một nhà văn đặc biệt của văn học Việt Nam sau 1975. Ông là một người nông dân có kiến văn rộng, hiểu đời sống sâu sắc.

Dấu ấn Lê Lựu 

Nhà văn Lê Lựu rời làng quê ở Khoái Châu - Hưng Yên để tham gia cuộc kháng chiến giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Đây là thử thách để nhà văn Lê Lựu trở thành “người cầm súng”, đồng thời cũng mở ra cơ hội cầm bút cho ông. Nhà văn Lê Lựu trở thành nhà văn quân đội mang quân hàm đại tá. Trong sự nghiệp của mình, ông có nhiều tiểu thuyết ấn tượng với bạn đọc nhiều thế hệ, đặc biệt thời gian sau chiến tranh với 2 tác phẩm gây tiếng vang là “Thời xa vắng” và “Sóng ở đáy sông”.

Sinh thời, khi tự đánh giá về cuộc đời mình, ông tự trào: “Tôi chỉ là cái gã hạng xoàng, xuất thân từ một anh chân đất mắt toét, đánh dặm mò cua bắt ốc, giờ trở thành nhà văn, cán bộ cao cấp trong quân đội, đó là thứ trời cho, may mắn lắm rồi”.

Trao đổi với Lao Động, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết, Lê Lựu là một nhà văn lớn, ông xuất hiện và nổi tiếng vào những năm chống Mỹ với truyện ngắn đầu tay là “Tết làng Mụa”. Năm 1974, Nhà văn Lê Lựu cho ra đời cuốn tiểu thuyết “Mở rừng”, đặc biệt trước thời kỳ đổi mới, ông đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết “Thời xa vắng” và chính tác phẩm đó đã khẳng định thêm tên tuổi của ông.

Ngoài ra, nhà văn Lê Lựu còn có “Sóng ở đáy sông” được chuyển thể sang phim truyền hình nhiều tập, “Người về đồng cói” từ năm 1972 được chuyển thể sang bộ phim cùng tên.

“Nhà văn Lê Lựu là một cây bút rất vạm vỡ, ông đi trước cả công cuộc đổi mới. Ông là một ngòi bút rất đặc sắc viết về nông thôn, chúng ta có nhiều nhà văn viết về nông thôn như: Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Kim Lân… nhưng tác phẩm của Lê Lựu thì khác. Ông trực tiếp viết về chính mình, người nông dân từ trong bản chất nên lời văn của Lê Lựu rất thật và sinh động của người trong cuộc” - nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ.

Là nhà văn đàn em có nhiều gắn bó rất thân thiết với nhà văn Lê Lựu, Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái bày tỏ sự trân trọng và cảm xúc tiếc thương với nhà văn đàn anh vừa ra đi. Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái cho biết, Lê Lựu là nhà văn đầu tiên của Việt Nam được mời sang Mỹ cùng với nhà văn Ngụy Ngữ.

“Điều đó chứng tỏ người Mỹ đọc văn ông, hiểu người ông, đánh giá cao ông vì trong ông có thông điệp mang tầm nhân loại. Khán, thính giả cả Mỹ và kiều bào ta ngồi nghe ông đọc thuộc lòng truyện ngắn “Người về đồng cói” và một chương trong tiểu thuyết “Làng Cuội”, nghe say mê đến mức thè lưỡi xuýt xoa khen hay nức nở... Đó là điều khác lạ đặc biệt làm nên sự hấp dẫn của nhà văn Lê Lựu” - Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái nói.

“Quyết liệt sống - chết như một tuyên ngôn”

Chia sẻ với phóng viên Lao Động, Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái kể về kỷ niệm cùng nhà văn Lê Lựu cách đây hơn 20 năm. Lúc đó, Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái được nhà văn Lê Lựu đưa về Đồ Sơn (Hải Phòng) để chỉ bảo cho viết cùng kịch bản phim truyện “Những người trở về” - đề tài về chiến sĩ cảnh sát trại giam.

“Một buổi sáng, nhà văn Bùi Hoàng Tám đi đâu ở Đồ Sơn ghé thăm Lê Lựu, ba anh em chúng tôi đi ăn cháo. Lê Lựu mặc quần áo lịch sự, thắt cà vạt, đội mũ mềm, đi giày quân đội cùng chúng tôi ra quán.

Cao hứng khi nhấp một chén rượu trắng, nhà văn bảo hai chúng tôi, tao sẽ viết, viết đến lúc nào gục mặt cùng ngòi bút xuống cánh đồng Khoái Châu là tao đi. Hai chú cứ nhớ thế. Sống mà không viết, chết đi cho nó xong…

Rồi ông cười khùng khục như chữa thẹn, hai chúng tôi cùng cười với nhà văn bậc đàn anh rất xa, coi như chuyện tếu táo. Ngày 9.11.2022, nhà văn Lê Lựu ra đi ở Khoái Châu, tôi mới hiểu ra rằng Lê Lựu không chỉ dự cảm mà quyết liệt sống - chết như một tuyên ngôn” ... Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái nói.

Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái bày tỏ: “Nhà văn Lê Lựu là một người rất yêu thương mọi người và quan tâm con cái. Ông còn là người hài hước và tự trào để làm vui cho cuộc sống. Bệnh tật kéo dài, Lê Lựu sinh sống ở Trung tâm Văn hoá Doanh nhân - nơi ông làm Giám đốc Trung tâm kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Văn hoá Doanh nhân, mỗi lần chúng tôi đến thăm, ông vẫn vui vẻ, tự trào, đem niềm vui lại cho mọi người. Cảm giác cuộc sống với ông lúc đó thật nhẹ nhõm, như là ông không có bệnh tật gì”.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên từng nói đến nhà văn Lê Lựu với bốn “cái nhất”. Đầu tiên là tiểu thuyết “Thời xa vắng” được giới phê bình coi là tác phẩm mở đầu cho một xu hướng của văn học đổi mới - xu hướng nhận thức lại thực tại. Tiếp theo là chuyến đi Mỹ đầu tiên của một nhà văn cựu chiến binh Việt Nam (1988). “Cái nhất” thứ ba là Trung tâm Văn hóa Doanh nhân tại Hà Nội do nhà văn Lê Lựu thành lập, như để khẳng định rằng kinh tế không thể tách rời văn hóa.

“Cái nhất” thứ tư nhưng là “cái nhất” xuyên suốt là chất nông dân với tất cả mọi sắc thái ý nghĩa của từ này, theo Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Lê Lựu nhìn đã biết là người của nông thôn, làng quê từ dáng vẻ thân hình, lời ăn tiếng nói, cho đến quần áo trang phục, cách nghĩ cách cảm. Một chất quê vừa là đặc sản vừa là đặc trưng.

Và ngẫm ra, suốt đời văn của mình, Lê Lựu chỉ viết về người nhà quê trong người mình và những người quanh mình, dù cho họ có sống ở thị thành bao năm đi nữa. Có lẽ vinh quang, thành công và cả cay đắng của Lê Lựu trong đời và văn cũng là từ đấy.

Sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật, nhà văn Lê Lựu đã trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà Khoái Châu - Hưng Yên vào chiều 9.11. Sức khỏe nhà văn Lê Lựu suy yếu từ năm 2006, ông thường xuyên ra vào bệnh viện. Năm 2013, ông cho biết: “Tôi bị tai biến mạch máu não, lần này là lần thứ năm, rồi bệnh tiểu đường, bệnh tim, bệnh gout, phổi, tụy, thận, tiền liệt tuyến... Tất cả là 14 bệnh”. Cuộc sống của ông bữa thuốc nhiều hơn bữa cơm.


Mai Hương
TIN LIÊN QUAN

Cuộc đời giản dị và những năm tháng cuối đời của nhà văn Lê Lựu

Hải Minh |

Nhà văn Lê Lựu từng chia sẻ, chỉ mong được về mảnh đất tổ tiên, ăn rau cỏ ở mảnh đất, trồng rau cuốc đất, sống như người nông dân.

Nhà văn Lê Lựu: Nhân vật đặc biệt của văn học Việt Nam

Hải Minh |

Theo lời Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Nhà văn Lê Lựu là một nhân vật đặc biệt của văn học Việt Nam.

Nhà văn Lê Lựu, tác giả "Sóng ở đáy sông" qua đời sau nhiều năm chống chọi bệnh tật

Hải Minh |

Nhà văn Lê Lựu - tác giả "Thời xa vắng", "Sóng ở đáy sông" - qua đời ở tuổi 81, sau nhiều năm chống chọi bệnh tật.

Dưa hấu trưng Tết 700.000 đồng/cặp, bưởi Tài-Lộc giá gấp 3 vẫn đắt hàng

Văn Sỹ |

Sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), trên nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ, hàng chục loại trái cây trưng Tết cũng đã xuống phố phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trong đó, dưa hấu hoàng kim, một trong những trái cây trưng Tết phổ biến của các gia đình ở miền Tây có giá khá đắt, từ 500.000 đến 700.000 đồng/cặp.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Hà Nội: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước ngày thông xe

Tô Thế |

Hà Nội - Theo dự kiến, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sẽ chính thức thông xe vào sáng 17.1.2023 sau hơn 20 năm triển khai.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Cuộc đời giản dị và những năm tháng cuối đời của nhà văn Lê Lựu

Hải Minh |

Nhà văn Lê Lựu từng chia sẻ, chỉ mong được về mảnh đất tổ tiên, ăn rau cỏ ở mảnh đất, trồng rau cuốc đất, sống như người nông dân.

Nhà văn Lê Lựu: Nhân vật đặc biệt của văn học Việt Nam

Hải Minh |

Theo lời Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Nhà văn Lê Lựu là một nhân vật đặc biệt của văn học Việt Nam.

Nhà văn Lê Lựu, tác giả "Sóng ở đáy sông" qua đời sau nhiều năm chống chọi bệnh tật

Hải Minh |

Nhà văn Lê Lựu - tác giả "Thời xa vắng", "Sóng ở đáy sông" - qua đời ở tuổi 81, sau nhiều năm chống chọi bệnh tật.