Những lọn tóc tưởng nhớ
Tháng 3.1827, khi Ludwig van Beethoven hấp hối, ông nằm trên giường, đau bụng và vàng da, bạn bè và người quen đau buồn đến thăm. Một số người xin một đặc ân: Cắt một lọn tóc của ông để tưởng nhớ.
Những người đưa tang tiếp tục tới khi Beethoven qua đời ở tuổi 56, ngay cả sau khi các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật mở sọ xem xét các nếp gấp trong não Beethoven và loại bỏ xương tai của ông để tìm hiểu lý do tại sao nhà soạn nhạc đáng kính bị mất thính lực.
Trong vòng 3 ngày sau khi Beethoven qua đời, không một sợi tóc nào còn sót lại trên đầu ông, theo New York Times.
Hiện tại, phân tích chi tiết về những sợi tóc được các nhà nghiên cứu quốc tế công bố trên tạp chí Current Biology đã làm rõ hơn các giai thoại về sức khỏe của Beethoven, tìm lời giải cho căn bệnh và cái chết của ông cũng như đặt ra những câu hỏi mới về nguồn gốc của ông và hé mở những bí mật đen tối của gia đình.
Các nhà nghiên cứu không liên quan đến nghiên cứu này cũng công nhận mức độ thuyết phục của các kết quả. Andaine Seguin-Orlando - chuyên gia về ADN cổ tại Đại học Paul Sabatier, Toulouse, Pháp - cho biết, đây là “một nghiên cứu rất nghiêm túc và được thực hiện tốt”.
Lần theo những sợi tóc
Nghiên cứu tìm hiểu về những bí ẩn của căn bệnh của Beethoven bắt đầu ngày 1.12.1994, khi một lọn tóc được cho là của Beethoven được Sotheby's bán đấu giá. Bốn thành viên của Hiệp hội Beethoven Mỹ đã mua lọn tóc với giá 7.300 USD.
Theo hồ sơ, lọn tóc này thuộc về Ferdinand Hiller - nhà soạn từng đến thăm Beethoven nhiều lần trước và sau khi ông qua đời. Hiller tặng con trai là Paul lọn tóc đặt trong một chiếc mề đay làm quà sinh nhật. Chiếc mề đay có những sợi tóc là chủ đề của cuốn sách "Beethoven's Hair” của Russell Martin, xuất bản năm 2000 và dựng thành phim tài liệu năm 2005.
Phân tích về tóc tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne ở Illinois, Mỹ, nhận thấy tóc có mức độ chì cao gấp 100 lần bình thường. Năm 2007, các tác giả của bài báo trên Beethoven Journal suy đoán, nhà soạn nhạc có thể đã vô tình bị đầu độc qua thuốc, rượu hoặc dụng cụ ăn uống.
Đây là ý kiến chủ đạo cho tới năm 2014 khi Tristan Begg - nhà nghiên cứu khảo cổ học tại Đại học Tubingen ở Đức - nhận thấy công nghệ đủ tiến bộ để nghiên cứu ADN từ lọn tóc của Beethoven.
William Meredith - một học giả nghiên cứu Beethoven - bắt đầu tìm những lọn tóc khác của Beethoven. Qua nhiều kênh khác nhau, ông có 8 lọn tóc, bao gồm cả tóc của Ferdinand Hiller.
Đầu tiên, các nhà nghiên cứu thử nghiệm tóc của Hiller và xác định đây là tóc của nữ giới, không thể và không phải là tóc của Beethoven. Phân tích cũng cho thấy, người phụ nữ có gene thuộc về quần thể người Do Thái Ashkenazi.
Tiến sĩ Meredith suy đoán, sợi tóc thật của Beethoven đã bị phá hủy và được thay bằng những sợi tóc của Sophie Lion - vợ của Paul. Sophie Lion là người Do Thái.
Những bí mật phơi bày
Với 7 lọn tóc còn lại, có 1 lọn tóc là giả, 5 lọn có ADN giống hệt nhau và 1 lọn không thể kiểm tra được. Năm lọn tóc giống hệt nhau có nguồn gốc khác nhau và 2 lọn được gìn giữ hoàn hảo khiến các nhà nghiên cứu tin tưởng đây thực sự là tóc của Beethoven.
Khi có trình tự ADN từ tóc của Beethoven, các nhà nghiên cứu đã tìm cách giải đáp những câu hỏi về sức khoẻ nhà soạn nhạc, như tại sao ông chết vì xơ gan.
Theodore Albrecht - giáo sư danh dự về âm nhạc tại Đại học Bang Kent ở Ohio, Mỹ - cho biết Beethoven uống rượu, nhưng không quá mức để bị coi là nghiện.
Trong khi đó, tóc của Beethoven cung cấp một manh mối: Có các biến thể ADN khiến ông dễ mắc bệnh gan về mặt di truyền. Ngoài ra, tóc của ông có dấu vết của ADN viêm gan B.
Nhưng Beethoven nhiễm bệnh như thế nào? Viêm gan B lây lan qua quan hệ tình dục, dùng chung kim tiêm, và trong khi sinh nở.
Tiến sĩ Meredith xác định, Beethoven không sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch. Ông cũng chưa bao giờ kết hôn dù có quan hệ tình cảm với một số phụ nữ.
Arthur Kocher - nhà di truyền học tại Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck ở Đức, một trong những đồng tác giả của nghiên cứu mới - đưa ra một lời giải thích khả dĩ khác: Beethoven có thể đã bị nhiễm viêm gan B khi sinh.
Nghiên cứu cũng tiết lộ, Beethoven không có quan hệ di truyền với những người khác trong dòng họ của ông. ADN nhiễm sắc thể Y của ông khác với ADN của nhóm 5 người họ Van Beethoven - sống ở Bỉ ngày nay. Theo hồ sơ lưu trữ, những người này có chung tổ tiên vào thế kỷ 16 với nhà soạn nhạc nổi tiếng.
Điều đó cho thấy chắc chắn đã có một mối quan hệ ngoài giá thú trong dòng họ trực tiếp của Beethoven. Maarten Larmuseau - đồng tác giả của nghiên cứu mới, giáo sư phả hệ di truyền tại Đại học Leuven ở Bỉ - nghi ngờ cha của Ludwig van Beethoven được bà nội của nhà soạn nhạc - một người phụ nữ nghiện rượu - sinh ra với một người đàn ông khác, không phải ông nội ông - một nhạc công cung đình rất nổi tiếng vào thời đó.
Có nhiều yếu tố cho thấy cha của Beethoven là một đứa trẻ ngoài giá thú, theo ông Larmuseau. Không có hồ sơ rửa tội nào cho cha của Beethoven. Ông nội và cha của Beethoven có mối quan hệ không mấy tốt đẹp.
Tiến sĩ Meredith nói thêm, còn có những tin đồn rằng Beethoven thực sự là con hoang của Friedrich Wilhelm II hay thậm chí là Frederick Đại đế. Beethoven chưa bao giờ bác bỏ chúng.