Đức tìm cách ngăn hiệu ứng domino sụp đổ ngành năng lượng

Ngọc Vân |

Chính phủ Đức đang ráo riết giải cứu gã khổng lồ khí đốt Uniper để ngăn chặn hiệu ứng domino sụp đổ ngành năng lượng của cả nước.

51 tỉ euro giải cứu Uniper

Uniper kêu cứu chính phủ Đức chi thêm 25 tỉ euro theo kế hoạch quốc hữu hóa để ngăn chặn sự sụp đổ của công ty - tờ The Local của Đức đưa tin.

Vào tháng 9, chính phủ Đức đã đồng ý quốc hữu hóa công ty Uniper đang nợ nần chồng chất sau khi Nga đóng đường ống dẫn khí đốt quan trọng Nord Stream và giá năng lượng cao ngất ngưởng khiến Uniper đối mặt với phá sản.

Reuters dẫn lời giám đốc điều hành Uniper, ông Klaus-Dieter Maubach cho biết hôm 23.11, công ty cần thêm 25 tỉ euro để trang trải “chi phí bổ sung khổng lồ từ việc cắt giảm khí đốt của Nga mà Uniper tiếp tục gánh chịu”. Con số này nâng tổng số tiền cần thiết để giải cứu Uniper lên hơn 51 tỉ euro.

Con số sửa đổi được đưa ra sau khi Berlin hủy bỏ một kế hoạch gây tranh cãi nhằm bắt người tiêu dùng Đức trả tiền thuế xăng dầu để giúp các nhà nhập khẩu đối phó với tình trạng giá cả tăng cao. Số tiền thuế này dự kiến sẽ bù đắp một phần chi phí của Uniper.

Chính phủ sẽ tài trợ cho việc giải cứu từ một “quỹ đặc biệt” trị giá 200 tỉ euro, được thiết kế để giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Uniper cho biết sẽ xin ý kiến ​​cổ đông chính thức thông qua thương vụ giải cứu vào ngày 19.12 tới đây.

Là nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Đức, Uniper đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi hậu quả của cuộc xung đột Nga - Ukraina, phải mua khí đốt với giá cao hơn đáng kể trên thị trường mở.

Uniper báo cáo khoản lỗ ròng 40 tỉ euro trong 9 tháng đầu năm - một trong những khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp Đức.

Chính phủ Đức đã vào cuộc để cứu Uniper vì lo ngại rằng sự sụp đổ của công ty có thể gây hiệu ứng domino kéo theo sự sụp đổ của cả ngành năng lượng quốc gia, nguy hiểm cho nguồn cung cấp khí đốt và tàn phá nền kinh tế lớn nhất Châu Âu.

Đức, vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu khí đốt của Nga, đã chạy đua tìm nhà cung cấp thay thế và lấp đầy kho dự trữ trước mùa đông. Tuần trước, Đức công bố đã lấp đầy 100% các cơ sở lưu trữ khí đốt.

Đức gánh thêm nhiều khoản nợ

Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner cho biết, Đức sẽ phải gánh nhiều khoản nợ hơn dự kiến ​​vào năm 2023 để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng khiến nền kinh tế lớn nhất Châu Âu phải đối mặt với "sự bất ổn kinh tế lớn".

Chính phủ dự kiến ​​khoản vay ròng mới trong năm tới sẽ tăng lên 45,6 tỉ euro, cao hơn gấp đôi so với ước tính ban đầu là 17,2 tỉ euro. Kế hoạch ngân sách được thảo luận tại Hạ viện trong tuần này và dự kiến được thông qua vào ngày 25.11.

“Chúng ta đang ở trong thời kỳ bất ổn kinh tế lớn” - Bộ trưởng Lindner nói với đài truyền hình ARD.

Cường quốc công nghiệp Đức đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá năng lượng tăng vọt và việc Nga cắt giảm nguồn cung. Chính phủ dự kiến ​​nền kinh tế Đức sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới và giảm 0,4%.

Tuy nhiên, ông Lindner nhấn mạnh rằng Đức sẽ quay trở lại "phanh nợ" được quy định trong hiến pháp vào năm 2023, giới hạn khoản vay mới hàng năm ở mức 0,35% GDP.

Chính phủ đã dỡ bỏ "phanh nợ" khi bắt đầu đại dịch COVID-19 vào năm 2020, nhưng việc khôi phục "phanh nợ" là ưu tiên hàng đầu của Bộ trưởng Lindner - người nhậm chức vào tháng 12 năm ngoái.

Để giúp chèo lái nước Đức vượt qua hậu quả của cuộc xung đột Nga - Ukraina mà không làm đảo lộn cam kết của ông Lindner về việc kiềm chế nợ nần, chính phủ đã công bố “các quỹ đặc biệt” được coi là tách biệt với ngân sách liên bang thông thường.

Một trong số đó là quỹ 100 tỉ euro để hiện đại hóa quân đội Đức, còn lại là gói hỗ trợ 200 tỉ euro để giúp bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp khỏi giá năng lượng cao hơn.

Cả hai quỹ sẽ được tài trợ bằng cách vay các khoản mới. Các nhà phê bình bao gồm cả các đảng đối lập chỉ trích các quỹ riêng biệt này như một "trò lừa bịp tài chính".

Nhưng ông Lindner tuyên bố, ngân sách 476 tỉ euro cho năm 2023 là “chắc chắn” và nói rằng “không có giải pháp thay thế nào”.

Đầu tháng này, hội đồng cố vấn kinh tế của chính phủ đề xuất nên tạm thời tăng thuế đối với những người có thu nhập cao để giúp tài trợ cho chi tiêu mới.

Nhưng ông Lindner lại loại trừ khả năng tăng thuế. “Điều đó sẽ cực kỳ rủi ro từ quan điểm kinh tế và sẽ gây bất lợi cho việc làm và đầu tư” - ông nói với ARD.

Ngọc Vân
TIN LIÊN QUAN

Khí đốt Bắc Phi có thể lấp đầy khoảng trống khí đốt Nga ở EU?

Ngọc Vân |

Các nước EU đang đẩy mạnh thương thảo với các quốc gia Bắc Phi nhằm đảm bảo nguồn cung để thay thế khí đốt Nga.

Tiết lộ mức đội giá nhà ga LNG đầu tiên của Đức

Ngọc Vân |

Nhà ga khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên của Đức đội giá gấp đôi so với ước tính ban đầu.

Nắm Gazprom, Đức sẽ thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất EU?

Song Minh |

Đức, sau khi quốc hữu hóa chi nhánh của Gazprom Nga, được cho là sẽ trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất EU.

Công an điều tra hoạt động đăng kiểm xe cơ giới tại Khánh Hòa

Hữu Long |

Sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp cung cấp hồ sơ, số liệu hoạt động đăng kiểm xe cơ giới để cơ quan công an điều tra, xác minh theo thẩm quyền.

Thu hồi những bức tượng người trong Đại Nội Huế: Thử nghiệm thừa thãi?

Tường Minh |

Việc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho thu hồi số tượng người đặt trên cầu Kim Thủy dẫn vào Ngọ môn Huế sau khi có ý kiến phản đối của dư luận cho thấy trung tâm này đang hành xử với di sản theo kiểu thừa giấy vẽ voi.

Kiểm tra hàng trăm trường hợp, chỉ phát hiện vài tài xế vi phạm nồng độ cồn

Vương Trần |

Qua quá trình kiểm tra các tài xế, cảnh sát giao thông cho biết có những ngày kiểm tra hàng trăm trường hợp nhưng chỉ phát hiện vài trường hợp vi phạm nồng độ cồn lái xe.

Toàn cảnh vụ xe hợp đồng trá hình tai nạn khiến 9 người tử vong ở Quảng Nam

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ tai nạn khiến 9 người tử vong, Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, xe khách trong vụ tai nạn tại tỉnh Quảng Nam được cấp phù hiệu hợp đồng nhưng gom khách lẻ, chở quá số người quy định.

Quảng Ninh đề xuất điều chỉnh vùng đệm Di sản vịnh Hạ Long

Nguyễn Hùng |

Quảng Ninh - Trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quảng Ninh kiến nghị điều chỉnh lại vùng đệm di sản vịnh Hạ Long. Việc điều chỉnh giảm diện tích vùng đệm vịnh Hạ Long đã được đặt ra từ nhiều năm trước, khi mà vùng đệm rộng lớn, lại phải tuân thủ các quy định của Luật Di sản văn hóa và Công ước Di sản Thế giới, mà theo Quảng Ninh, đã hạn chế rất nhiều khả năng phát triển của thành phố biển, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục pháp lý, đánh mất cơ hội đầu tư.

Khí đốt Bắc Phi có thể lấp đầy khoảng trống khí đốt Nga ở EU?

Ngọc Vân |

Các nước EU đang đẩy mạnh thương thảo với các quốc gia Bắc Phi nhằm đảm bảo nguồn cung để thay thế khí đốt Nga.

Tiết lộ mức đội giá nhà ga LNG đầu tiên của Đức

Ngọc Vân |

Nhà ga khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên của Đức đội giá gấp đôi so với ước tính ban đầu.

Nắm Gazprom, Đức sẽ thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất EU?

Song Minh |

Đức, sau khi quốc hữu hóa chi nhánh của Gazprom Nga, được cho là sẽ trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất EU.