Quốc hội chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

NHÓM PV |

Từ 14h45 ngày 8.6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.

17h05: Quốc hội tạm dừng phiên chất vấn với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Nội dung này sẽ được tiếp tục thực hiện vào đầu giờ sáng 9.8.

16h55: Người mua vàng miếng không nhiều, chủ yếu bán vàng lấy tiền

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thuỷ (đoàn Hà Nội) về chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian vừa qua, diễn biến giá vàng trên thị trường quốc tế rất phức tạp. Vì giá vàng chịu tác của nhiều yếu tố như chỉ số đồng đôla Mỹ, căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraina và một loạt sự kiện về chính trị, thương mại khác…, đều tác động đến giá vàng.

Cái khó lường là có thời điểm giá vàng tăng lên đến 2.000 USD/Ouce, cũng có thời điểm giá vàng xuống mức 1.700 USD/Ouce. Đối với thị trường trong nước, theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng có chung xu hướng với giá vàng thế giới. Thế nhưng, tốc độ điều chỉnh tăng của giá vàng trong nước nhanh hơn giá vàng thế giới, còn tốc độ điều chỉnh giảm của giá vàng trong nước lại chậm hơn giá vàng thế giới.

Nguyên nhân bởi, giá vàng của các thương hiệu khác ngoài SJC, tức là vàng nguyên liệu, về cơ bản chênh lệch so với quốc tế khoảng 2 triệu đồng/lượng. Riêng giá vàng của SJC tăng ở mức lớn, vào khoảng 16-17 triệu đồng/lượng. Điều này có nguyên nhân như thực hiện chủ trương chống “vàng hoá” cho nền kinh tế.

Theo bà Hồng, từ năm 2012, thực hiện Nghị định 24 và đặc biệt từ năm 2014 trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng để sản xuất vàng miếng. Như vậy, nguồn cung vàng trong nước đã bị giảm, bởi một phần vàng đó được chuyển sang sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.

“Với biến động giá vàng thế giới như vậy, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng niêm yết giá cũng rất lo về các rủi ro. Cho nên họ sẽ niêm yết giá rất cao. Với SJC - thương hiệu vàng được người dân ưa chuộng, họ niêm yết giá cao”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói, đồng thời khẳng định, thực tế giá vàng mua và giá vàng bán của các doanh nghiệp thường chênh lệch khoảng 1-1,5 triệu đồng/lượng. Thế nhưng, với SJC mua cao thì bán cao, các thương hiệu khác mua thấp thì bán thấp. Ngân hàng Nhà nước cũng đã chuẩn bị các phương án sẵn sàng can thiệp nếu cần thiết. “Qua đánh giá, thời gian vừa qua, người dân không mua vàng miếng nhiều. Theo số liệu bán ròng, khi giá vàng lên cao, người dân chủ yếu mang đi bán để lấy tiền”, bà Hồng khẳng định.

Có khuôn khổ pháp lý để ngân hàng tham gia vào thị trường chứng khoán phải kiểm soát được rủi ro

16h50: Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) đặt câu hỏi: Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước với cấp tín dụng cho đầu tư, kinh doanh chứng khoán, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng và có những giải pháp gì khi thị trường này đang tiềm ẩn rủi ro?

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Đã có khuôn khổ pháp lý để các ngân hàng tham gia vào thị trường chứng khoán phải kiểm soát được rủi ro. Ví dụ, các ngân hàng không được trực tiếp mua cổ phiếu của doanh nghiệp mà phải lập công ty con, công ty liên kết để mua. Nếu tổ chức tín dụng trực tiếp mua sẽ có rủi ro về chi trả khi người dân rút tiền. Khi lập công ty con, công ty liên kết để mua cổ phiếu, rủi ro được tách biệt.

Với trái phiếu doanh nghiệp, ngoài vai trò tổ chức tín dụng trực tiếp mua trái phiếu doanh nghiệp mà còn cấp tín dụng cho tổ chức, cá nhân đầu tư vào chứng khoán (gồm cả cổ phiếu, trái phiếu). Ngân hàng Nhà nước đã quy định khi cấp tín dụng cho việc đầu tư vào các lĩnh vực này không vượt qua 5% vốn điều lệ. Còn việc cấp tín dụng do tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng.

Với bất động sản, Thống đốc cho biết đây là tài sản lớn, kỳ hạn dài, nên tiềm ẩn rủi ro về chi trả, chênh lệch kỳ hạn. Vốn ngân hàng 80% là vốn ngắn hạn trong khi vốn cho vay bất động sản là dài hạn. Ngân hàng Nhà nước đã có các quy định kiểm soát, như cho vay kinh doanh bất động sản phải có hệ số điều chỉnh rủi ro 200%. Còn các khoản có thế chấp bằng tài sản là bất động sản giao động từ 30-150%. Tùy theo nhận diện rủi ro mà tổ chức tín dụng tự quyết định.

Đang triển khai 339 dự án nhà ở xã hội nhưng tốc độ triển khai chậm  

16h40: Để làm rõ thêm một số vấn đề về thị trường bất động sản, nhà ở xã hội... trong nội dung chất vấn của các Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu: Thị trường bất động sản là một trong những thị trường quan trọng của nền kinh tế. Có vai trò quan trọng trong việc thu hút nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định cho nền kinh tế. Thị trường bất động sản cũng thúc đẩy nhiều ngành kinh tế và các lĩnh vực khác cùng phát triển.  

Trong năm 2021 và quý 1 năm 2022 thị trường bất động sản vẫn có nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng đã thích ứng và từng bước có chuyển biến; có dấu hiệu phục hồi và phát triển. Tổng lượng giao dịch bất động sản cao hơn quý trước và cùng kỳ năm 2021. Tỉ lệ bỏ trống văn phòng, mặt bằng cho thuê giảm dần.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, ông Nghị cũng chỉ rõ thị trường bất động sản đang bộc lộ nhiều hạn chế, chưa ổn định, chưa lành mạnh.

Theo ông Nghị, việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án bất động sản tại hầu hết các địa phương gặp nhiều khó khăn. Điều này khiến nguồn cung bất động sản sụt giảm ở các phân khúc, số lượng các dự án được chấp thuận mới còn hạn chế. Chưa đáp ứng nhu cầu đối với nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và nhà ở cho người thu nhập thấp, thu nhập trung bình.

Đối với nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đến nay mới đạt 7,3 triệu m2/ 12,5 triệu. Trong đó nhà ở công nhân là 2,7 triệu m2 với 54.000 căn hộ; nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đạt 4,6 triệu m2 với 92.500 căn hộ.

Cả nước hiện đang triển khai 339 dự án nhà ở xã hội nhưng tốc độ triển khai rất chậm. Trong đó nhà ở công nhân là 7,6 triệu m2 với hơn 152.000 căn hộ; nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp là 10,96 triệu m2 với 219.000 căn hộ. “Các dự án này triển khai rất chậm và mới chỉ khởi động lại thời gian gần đây sau khi gói tín dụng theo nghị quyết 11 của Chính phủ được công bố” - ông Nghị thông tin.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Lần đầu Quốc hội chất vấn việc phân bổ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại

16h30: Đại biểu Trịnh Xuân An hỏi hiện nhu cầu vay vốn của cá nhân, doanh nghiệp là khá cao, nhưng nhiều ngân hàng hết hạn mức tín dụng. Nhiều nhà băng đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép nới hạn mức tín dụng. Ông đề nghị Thống đốc cho biết tính hợp lý của việc cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại. "Cơ chế này có phải là can thiệp vào hoạt động của ngân hàng hay không? Sắp tới, có khả năng nới hạn mức tín dụng ra sao", ông nói.

Chủ tịch Quốc hội nhận xét, "đây là câu hỏi rất hay, lần đầu Quốc hội chất vấn việc phân bổ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại, từ trước nay chưa có nội dung này". Ông đặt câu hỏi, việc này có mang tính hành chính không và khi nào bỏ được việc phân bổ này. Ông đề nghị Thống đốc nghiên cứu kỹ, trả lời thoả đáng bởi bản thân các ngân hàng cũng rất quan tâm.

Xử lý nợ xấu hiệu quả

16h25: Trả lời câu hỏi của Đại biểu Phạm Hùng Khánh (đoàn Hà Nam) về việc tại sao chỉ đề xuất kéo dài xử lý nợ xấu, mà không đề xuất sửa đổi Nghị quyết 42, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, Nghị quyết 42 là Nghị quyết xử lý nợ xấu rất hiệu quả. Nếu không kéo dài Nghị quyết này, thì vấn đề xử lý nợ xấu rất khó khăn.

“Nếu không xử lý được nợ xấu, doanh nghiệp vẫn “treo” nợ xấu sẽ rất khó tiếp cận vốn tín dụng”, bà Hồng cho biết.

Còn tại sao kéo dài mà không sửa đổi, theo bà, do Nghị quyết 42  là chính sách mới, có quy định liên quan đến nhiều quy định của pháp luật. Nếu sửa đòi hỏi phải có thời gian đánh giá tác động của việc sửa này.

“Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đề xuất Quốc hội cho kéo dài việc thực hiện Nghị quyết và trong thời gian kéo dài này, Ngân hàng Nhà nước cũng đánh giá lại, tham mưu “luật hoá” việc xử lý nợ xấu”, bà Hồng nói.

Tăng vốn để tăng tiềm lực tài chính các ngân hàng thương mại nhà nước

16h15: Trả lời câu hỏi của Đại biểu Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam) đánh giá về tình trạng vốn của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước hiện nay như thế nào, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, tình trạng vốn chung của các tổ chức tín dụng trong nước so với các nước trên thế giới và trong khu vực, mức vốn tiềm lực tài chính vẫn thấp.

Riêng đối với 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, nếu so sánh cũng vẫn thấp hơn rất nhiều so với ngân hàng ở các nước trong khu vực. Trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất vào khoảng 3,8 tỉ USD - vẫn thấp hơn rất nhiều so với ngân hàng của một số nước trong khu vực như Malaysia, Singapore… Mức vốn chủ sở hữu của ngân hàng lớn nhất của họ lên 14-19 tỉ USD.

“Trong thời gian vừa qua, những ngân hàng này cũng tăng vốn để tăng tiềm lực tài chính. Quốc hội cũng rất quan tâm, Nghị quyết 43 cũng đồng ý cho phép Ngân hàng thương mại Nhà nước tăng vốn điều lệ. Đối với 3 Ngân hàng thương mại Nhà nước có vốn chi phối dùng từ nguồn lợi nhuận để lại, riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn là ngân hàng 100% nguồn ngân sách Nhà nước”, bà Hồng cho hay.

Tăng cường bảo mật ngân hàng

16h10: Đại biểu Quốc hội Lý Văn Huấn (đoàn Thái Nguyên) đặt câu hỏi, trong thời gian vừa qua, tội phạm công nghệ cao diễn biến hết sức phức tạp, có dấu hiệu gia tăng. Kẻ xấu thường xâm nhập vào các tài khoản ngân hàng, sau đó lấy cắp tiền trong tài khoản. Những hành vi này rất tinh vi, gây khó khăn cho quá trình điều tra. Xin Thống đốc cho biết giải pháp bảo mật là gì?

Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, tội phạm công nghệ cao cũng xuất hiện, tấn công vào lĩnh vực tài chính ngân hàng. Đây là vấn đề là ngành ngân hàng rất quan tâm.

Qua đánh giá, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy, tội phạm thường tấn công vào người sử dụng các dịch vụ của ngân hàng. Có một số nhóm tội phạm như lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin cá nhân, tiếp cận vào internet banking và lấy tiền.

Dạng thứ 2  tấn công và đánh cắp thông tin khách hàng, sau đó mang đi mua bán hoặc đòi tiền chuộc.

Dạng thứ 3 là sử dụng các giấy tờ giả, căn cước công dân giả, thậm chí căn cước công dân điện tử cũng có thể làm giả được và lấy được thông tin khách hàng, sau đó lấy tiền của ngân hàng.

"Nhận định được tình hình này, chúng tôi đã có chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường công tác bảo mật thông tin cho khách hàng. Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành hành lang pháp lý, yêu cầu các tổ chức tín dụng có quy trình cho việc nhận diện rủi ro, phát hiện vấn đề. Thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra an toàn thông tin. Yêu cầu các tổ chức tín dụng cũng đầu tư để nâng cấp trang thiết bị, phần mềm phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh an toàn, bảo mật; Phối hợp với Bộ Công an đưa ra các tình huống ứng cứu, xử lý ngăn chặn các hành vi lừa đảo đánh cắp tài khoản. Đặc biệt, người sử dụng luôn luôn phải cảnh giác các thông tin xấu, để tránh mất tiền qua tài khoản của mình" - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn.

Đang sửa đổi nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt

16h: Đại biểu Nguyễn Thành Công – Đoàn Ninh Bình đề nghị Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đưa ra quan điểm của Ngân hàng Nhà nước về triển khai nghiên cứu đồng tiền kỹ thuật số quốc gia? Đồng thời nêu rõ tình hình triển khai thí điểm thời gian qua có những khó khăn gì? Và những giải pháp cần thiết để phát triển dịch vụ này, giúp người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa có thể sử dụng thuận lợi?

Trả lời vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến tiền điện tử, tiền ảo, tài sản ảo. Vì vậy, những khái niệm này cần làm rõ.

Tiền điện tử là thể hiện của đồng tiền pháp định của Ngân hàng trung ương phát hành dưới dạng tiền giấy, xu nhưng người cầm tiền lưu giữ dưới dạng điện tử trong điện thoại, máy tính bảng. Tiền điện tử đòi hỏi pháp định 1-1 giữa tiền điện tử và tiền pháp định, và được thanh toán bằng tiền này. Ngân hàng Nhà nước đã có quy định ví điện tử là tiền điện tử.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đang sửa đổi nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, làm rõ khái niệm này.

Tiền thuật toán, hay còn được gọi là tiền ảo, tài sản ảo như bitcoin, không phải là đồng tiền pháp định do ngân hàng Trung ương các nước phát hành mà do các tổ chức, cá nhân tạo ra bằng các thuật toán trên mạng máy tính, như bitcoin. Đồng tiền này chỉ được thừa nhận trong cộng đồng nhất định như cộng đồng game, sàn công nghệ... Mỗi nước có cách quản lý khác nhau với tiền ảo. Có nước coi tiền ảo như một tài sản như chứng khoán để thu thuế, cấp phép giao dịch.

Với Việt Nam, Chính phủ giao các bộ ngành nghiên cứu, xây dựng hành lang pháp lý cho tiền ảo. Ngân hàng nhà nước đang phối hợp các cơ quan chức năng xây dựng.

Đồng tiền kỹ thuật số là đồng tiền pháp định do ngân hàng trung ương phát hành nhưng dưới dạng điện tử. Các nước đang trong quá trình nghiên cứu, nhiều nước thử nghiệm. Với Việt Nam, Chính phủ đang giao Ngân hàng Nhà nước lập ban nghiên cứu tiền kỹ thuật số, do Thống đốc làm trưởng ban.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Chính sách đối với tài chính, đối với kinh tế phải nhất quán, thông suốt, dự phòng nhiều nội dung khác nhau

15h40: Trước khi Quốc hội nghỉ giải lao 20 phút, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc phát triển tổ chức tài chính vi mô là một trong những nội dung rất quan trọng của chiến lược tài chính toàn diện trong nhiệm kỳ trước. Qua đó, hỗ trợ rất nhiều việc tiếp cận vốn của các đối tượng, nhất là những người yếu thế và là một giải pháp phòng chống tín dụng đen rất hiệu quả. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức tài chính vi mô phát triển, không gây khó khăn, không phân biệt đối xử. Đồng thời đề nghị ngành Ngân hàng Nhà nước rà soát lại Thông tư 03.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Quốc hội cũng đã đồng ý đưa vào dự án Luật phần bảo hiểm vi mô, rất quan trọng. Còn thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, các nhà điều hành đều nói là không siết. Nhưng thực tế đầu năm nay, mấy tháng nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã hồi trở lại, nhất là những nhà đầu tư có tiềm lực, muốn huy động vốn để đảo nợ hoặc là tiếp tục đầu tư mới.

Với thị trường bất động sản, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải thanh tra, kiểm tra, giám sát từ sớm, từ xa, tránh trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng”, tất cả thị trường phải thông suốt, một mặt phải giám sát, quản lý chặt thị trường đó, mặt khác phải tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường đó phát triển, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải chấn chỉnh, xử lý những cái méo mó, hư hỏng của thị trường chứ không phải là đóng cửa, hạn chế thị trường phát triển. Do đó, chính sách đối với tài chính, đối với kinh tế không thể giật cục, phải nhất quán, thông suốt, phải có dự phòng nhiều nội dung khác nhau.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói thêm về thực trạng liên quan đến thị trường bất động sản hiện nay như thế nào, nhất là thị trường nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp và cho phân khúc trung lưu mà nhiều doanh nghiệp bất động sản có tiềm lực thì vẫn làm được. Đó là một thành tố rất quan trọng của nền kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị những chất vấn sau, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm rõ thêm các nội dung này.

Giải pháp chính sách tiền tệ để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh

15h35: Đại biểu Lê Thanh Vân nêu câu hỏi, thị trường bất động sản có vai trò quan trọng với nền kinh tế. Siết chặt tín dụng với bất động sản có thể khiến thị trường đình trệ, khiến người nghèo, nhất là người nghèo ở đô thị, khó mua nhà giá rẻ hơn như mong muốn.

Trong khi đó, mục đích của Nhà nước là chống đầu cơ, chống bong bóng bất động sản. Thực tế có nhiều doanh nghiệp bất động sản làm ăn nghiêm túc, đúng pháp luật. Thống đốc có giải pháp gì về chính sách tiền tệ đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

Trả lời về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Nhiều năm trở lại đây, Ngân hàng nhà nước có chủ trương là mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn hiệu quả; tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh và hạn chế vốn vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Lĩnh vực bất động sản có rủi ro mất vốn. Để ngăn rủi ro tín dụng, các ngân hàng chỉ cho vay khi khách hàng đủ điều kiện, đảm bảo khả năng trả nợ. Bản chất bất động sản là tài sản lớn, kỳ hạn dài trong khi tiền gửi của hệ thống ngân hàng là ngắn hạn. Nếu tổ chức tín dụng cho vay không kiểm soát được thì có thời điểm khách hàng đến rút tiền mà không đòi lại được khoản nợ dài hạn.

"Còn cho vay với lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản là do tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng và quyết định, trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động của chính họ", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Đang xây dựng hành lang pháp lý kiểm soát cho vay qua app 

15h25: Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Đoàn Hà Nội  đặt câu hỏi hiện nay người dân dễ dàng tiếp cận một loại hình vay khá phổ biến gọi là vay qua trang Web hoặc vay App mà ngân hàng gọi là cho vay ngang hàng (P2P Lending). Đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết hành lang pháp lý của hoạt động và quản lý việc cho vay ngân hàng ngang hàng mà người dân chỉ biết đến và gọi chung là vay qua App vì thời gian vừa qua Công an Thành phố Hà Nội đã khám phá án một vụ án vay qua App lên đến hơn 5.000 tỷ đồng, gây thiệt hại lớn cho nhân dân?

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời: Sự phát triển của công nghệ đã xuất hiện nhiều hoạt động cho vay. Việc cho vay qua app và web đã có ở một số nước trên thế giới, gần đây lan sang các nước châu Á và Việt Nam.

Việc cho vay này dựa trên kết nối công nghệ giữa người vay và cho vay nhưng thực tế xảy ra hiện tượng không tách bạch giữa tiền của người cho vay và của người đi vay. Có thể người lập ra sàn kết nối lại là người đi vay hoặc cho vay, gây mất an toàn trật tự xã hội.

Trung Quốc đã có biện pháp siết các hoạt động này. Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã khảo sát, đánh giá có các tổ chức xuất hiện loại hình cho vay này và đang xây dựng hành lang pháp lý.

Kiểm soát giá mặt hàng để kiềm chế lạm phát

15h15: Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, Thống đốc có thông tin tình hình lạm phát hiện nay vẫn cơ bản ổn định. Đề nghị Thống đốc có thông tin nhận định thế nào về rủi ro nợ xấu và áp lực nợ xấu trong thời gian tới. Ngân hàng Nhà nước có giải pháp gì để điều hành chính sách tiền tệ, nâng cao chất lượng tín dụng.

Trả lời, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, áp lực lạm phát rất cao trên thế giới. Trong nước, diễn biến 5 tháng qua lạm phát tăng 2,25%. Qua đánh giá, ở đây chủ yếu do tác động của yếu tố giá, chưa tính đến tác động của các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối kết hợp các công cụ của chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, hiệu quả và theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, gói hỗ trợ để đưa ra giải pháp điều hành phù hợp.

Đặc biệt, cần thực hiện phối hợp giữa chính sách vĩ mô, chính sách kiểm soát giá mặt hàng do Nhà nước quản lý như xăng dầu, giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục… Đây đều là những mặt hàng, tỉ trọng tương đối lớn trong tính CPI (chỉ số giá tiêu dùng).

Về giải pháp nâng cao hiệu quả tín dụng và xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm quy định về cho vay. Đồng thời, có những phần trích lập dự phòng rủi ro để chủ động trong trường hợp nợ xấu phát sinh.

Trong thời gian qua, khi doanh nghiệp khó khăn, hệ thống ngân hàng cũng thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ và cho phép giữ nguyên nhóm nợ cho các doanh nghiệp. Từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được vay.

Đã có phương án xử lý ngân hàng 0 đồng

15h05: Bà Leo Thị Lịch (Bắc Giang) cũng đặt vấn đề việc xử lý ngân hàng 0 đồng vẫn "dậm chân tại chỗ". "Vì sao lại chậm trễ như vậy, giải pháp gì để đẩy nhanh quá trình này", bà hỏi. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời: Việc xử lý cơ cấu ngân hàng yếu kém trong điều kiện bình thường là khó, do nền kinh tế phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Vừa qua, cơ quan này đã trình phương án xử lý và sẽ tích cực triển khai sau quyết định của cấp có thẩm quyền. Tại báo cáo gửi Quốc hội trước đó, Chính phủ cho biết đã triển khai nhiều giải pháp để xử lý 3 ngân hàng mua lại bắt buộc (CBBank, OceanBank, GPBank) và Ngân hàng Đông Á. Các biện pháp được đưa ra gồm tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại ngân hàng, đồng thời sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn... Trong đó, hai trên ba ngân hàng mua lại bắt buộc là Ngân hàng Xây Dựng (CBBank) và Ngân hàng Đại dương (OceanBank) đã có phương án xử lý, báo cáo cho biết.

Cần giảm 0,5-1% lãi suất trong 2 năm với người dân và doanh nghiệp

15h:Trả lời câu hỏi của Đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) về việc cần giảm 0,5-1% lãi suất trong 2 năm với người dân và doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Theo Nghị quyết 43 thực hiện các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Cho nên, trong vấn đề điều hành lãi suất, chúng tôi huy động tổng lực các công cụ để điều hành một cách tổng thể.

“Đối với điều hành lãi suất, có điều kiện, chúng tôi luôn luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí trong hoạt động, cố gắng giảm lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp”, bà Hồng khẳng định.

Còn lãi suất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo bà Hồng, số lượng doanh nghiệp này rất lớn, chiếm 97% doanh nghiệp trong nền kinh tế. Đây là khối doanh nghiệp có nhiều hạn chế về tình hình tài chính, thương hiệu hàng hoá chưa cao. Chính vì vậy, khi vay vốn thì các tổ chức tín dụng cũng xếp hạng mức độ tín nhiệm khác nhau, lãi suất sẽ cao hơn so với các doanh nghiệp có độ tín nhiệm tốt.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho các doanh nghiệp này, tổng lượng lãi suất giảm cũng xấp xỉ 48.000 tỉ đồng.

Áp lực tăng lãi suất rất lớn

14h55: Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam) về vấn đề lãi suất khi các doanh nghiệp “kêu” vẫn cao, tiếp cận vốn khó khăn. Đồng thời khoản 2% ngân sách Nhà nước hỗ trợ ngành ngân hàng để bù đắp lãi suất cho doanh nghiệp hiện nay đã triển khai đến đâu? Các ngành nghề, doanh nghiệp được hưởng lợi như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng, liên quan đến điều hành tín dụng, lãi suất, đây là nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước.

Những năm trước, lãi suất rất cao nhưng đến năm 2020-2021, lãi suất giảm.

Ngân hàng Nhà nước có nhiều giải pháp làm cho mặt bằng lãi suất giảm mạnh. Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm 2022, áp lực điều hành lãi suất rất lớn vì bên ngoài lạm phát có xu hướng tăng cao.

Các Ngân hàng Trung ương đều có xu hướng tăng lãi suất trên thế giới.

Theo đó, các ngân hàng này tăng từ năm 2021 khoảng trên 100 lượt tăng lãi suất, những tháng đầu năm 2022 cũng tăng 135 lần.

“Trong nước, đối với lãi suất phụ thuộc vào vấn đề cung cầu vốn. Từ đầu năm đến nay, khi hoạt động sản xuất quay trở lại bình thường đã tăng tín dụng lên 8%. Đây là mức khá cao so với mục tiêu, định hướng của cả năm 2022 là 14%.

Áp lực là lớn, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã điều tiết cơ bản ổn định mặt bằng lãi suất, lãi suất chỉ tăng 0,09% so với cùng kỳ năm ngoái”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay.

14h50: 68 đại biểu đăng ký chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Trước khi trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành ngân hàng vừa qua đã có những đóng góp trong chính sách tiền tệ, ổn định vĩ mô.

Tuy vậy, ngành vẫn còn những hạn chế, cần khắc phục thời gian tới. Theo bà Hồng, dịp trả lời chất vấn lần này là cơ hội để lắng nghe, giải trình, tiếp thu ý kiến từ các đại biểu Quốc hội, để đưa ra giải pháp điều hành tốt hơn. 68 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Chiều 8.7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực ngân hàng.

Các vấn đề chất vấn gồm: Tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng nhà nước; việc phối hợp chính sách tài khóa về kiểm soát lạm phát, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô.

Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém gắn với xử lý nợ xấu; cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại.

Việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là cho vay chứng khoán, bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Thực trạng và giải pháp phòng, chống tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng.

- Người trả lời chất vấn:

+ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

+ Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ; Tổng Kiểm toán nhà nước; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

NHÓM PV
TIN LIÊN QUAN

Giá nông sản tăng, giảm không ổn định do phụ thuộc lớn vào xuất khẩu

NHÓM PV |

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, trong thị trường tiêu thụ nội địa, giá nông sản tăng, giảm không ổn định do phụ thuộc lớn vào tình hình xuất khẩu (đặc biệt tại các tỉnh phía Nam).

Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

NHÓM PV |

Lĩnh vực tài chính được Quốc hội chất vấn sẽ gồm hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn: Giải tỏa những điểm nghẽn của nông nghiệp Việt Nam

Nhóm PV |

Chiều nay (7.6), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đăng đàn trả lời những câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về ngành nông nghiệp và nông thôn.

Bắt tạm giam Chủ tịch Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Giang

Việt Dũng |

Ông Dương Văn Dũng - Chủ tịch Công ty Khoáng sản Bắc Giang bị bắt tạm giam với cáo buộc sai phạm liên quan đến khai thác than.

Ông Trump tiết lộ cách chấm dứt xung đột Nga - Ukraina trong vài giờ

Ngọc Vân |

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột Nga - Ukraina trong vòng vài giờ nếu tái đắc cử tổng thống năm 2024.

Rắc rối tên gọi một khu công nghệ cao 5 năm chưa thể hoạt động

NHẬT HỒ |

Bạc Liêu - Được Thủ tướng Chính phủ thành lập vào năm 2017, nhưng qua 5 năm triển khai, đến nay, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm tỉnh Bạc Liêu vẫn chưa hoạt động vì các thủ tục pháp lý liên quan đến tên gọi.

Khởi tố 8 đối tượng ở Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 47-06D Đắk Lắk

BẢO TRUNG - PHAN TUẤN |

Chiều 21.2, VKSND tỉnh Đắk Lắk thông tin, đã phê chuẩn quyết định khởi tố 8 bị can là lãnh đạo, nhân viên thuộc Công ty TNHH An Phát và Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 47-06D (xã Hoà Đông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) để điều tra về hành vi nhận hối lộ.

Lốc xoáy thổi bay rạp khiến cả đám cưới hoảng loạn, một số người bị thương

DUY TUẤN |

Bình Thuận - Trưa ngày 21.2, một cơn lốc xoáy mạnh bất ngờ thổi tung rạp đám cưới ngoài trời của một gia đình ở xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận khiến hàng trăm người dự đám cưới hoảng loạn, có người bị thương.

Giá nông sản tăng, giảm không ổn định do phụ thuộc lớn vào xuất khẩu

NHÓM PV |

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, trong thị trường tiêu thụ nội địa, giá nông sản tăng, giảm không ổn định do phụ thuộc lớn vào tình hình xuất khẩu (đặc biệt tại các tỉnh phía Nam).

Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

NHÓM PV |

Lĩnh vực tài chính được Quốc hội chất vấn sẽ gồm hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn: Giải tỏa những điểm nghẽn của nông nghiệp Việt Nam

Nhóm PV |

Chiều nay (7.6), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đăng đàn trả lời những câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về ngành nông nghiệp và nông thôn.