Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn: Giải tỏa những điểm nghẽn của nông nghiệp Việt Nam

Nhóm PV |

Chiều nay (7.6), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đăng đàn trả lời những câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về ngành nông nghiệp và nông thôn.

- 17:00: Quốc hội nghỉ.

Sáng mai, 8.6, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

- 16h50: Hướng đến xu hướng sản xuất nông nghiệp tuần hoàn

Tham gia giải trình, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp lớn có liên quan đến chuyển đổi lực lượng sản xuất, an ninh, chính trị, công ăn việc làm của nông dân. Có nhiều hình thức tập trung đất đai thành công như dồn điền đổi thửa, hợp tác xã liên kết, cho thuê... Thời gian tới, Bộ sẽ có giải pháp về tập trung đất để các doanh nghiệp liên kết với nông dân, làm sao để nông dân ly nông nhưng không ly hương.

Hiện có nhiều mô hình hay về doanh nghiệp liên doanh, liên kết gắn với người nông dân, từ giống, phân bón, sản phẩm nông sản... Bộ cũng đang tính toán quy hoạch đất nông nghiệp công nghệ cao trong quỹ đất nông nghiệp. Cả nước có 4.710 ha quy hoạch đất nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, thực tế mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chưa được quan tâm nhiều.

Về suy thoái đất, ông Trần Hồng Hà phân tích có nhiều nguyên nhân, trước tiên do đa số nông dân lựa chọn mô hình canh tác không đúng đắn, thâm canh, dùng phân vô cơ. Lý do khác là biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nhiễm phèn, khô hạn, ngập lụt...

Một trong những dẫn chứng về việc sử dụng đất đai thành công thích ứng với biến đổi khí hậu được Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu ra là Đồng bằng sông Cửu Long. Xu hướng của sản xuất nông nghiệp sắp tới là kinh tế tuần hoàn, sản phẩm sinh thái, nông nghiệp hữu cơ... Nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đang ứng dụng tốt các mô hình này. Như việc trồng dừa ở Bến Tre, tất cả sản phẩm của quả dừa đều dùng được, không phải bỏ. Để phát triển nông nghiệp đạt hiệu quả cao và thích ứng biến đổi khí hậu thì phải có đa mục tiêu, tức là kinh tế xanh, phục hồi rừng...

Phát triển các vùng trồng cây ăn quả tập trung, hiệu suất cao

Liên quan đến vấn đề về phát triển giống cây ăn quả, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng ở nước ta phù hợp cho việc phát triển sản xuất cây ăn quả. Việc phát triển cây ăn quả bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương. Tuy nhiên phần lớn diện tích cây ăn quả hiện tại là do người dân, hợp tác xã trồng theo hình thức nhỏ lẻ, manh mún, chưa có vùng trồng tập trung, chủ yếu là trồng xen trong diện tích cây công nghiệp dài ngày, phổ biến nhất là trồng xen trong vườn cây cà phê nên năng suất thấp, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các bộ, ngành và các viện nghiên cứu để nghiên cứu các giống cây ăn quả phong phú, hiệu suất cao. Về giải pháp phát triển hợp tác xã, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi Luật Hợp tác xã theo hướng để hợp tác xã dễ tiếp cận những điều kiện thuận lợi hơn về đất đai và vốn phát triển.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng cần phải nâng cao năng lực quản trị, năng lực thị trường của các hợp tác xã. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp cùng các địa phương triển khai các biện pháp hỗ trợ để hợp tác xã phát huy được vai trò của mình.

Áp dụng đồng bộ các quy trình để phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái

Về phát triển chuỗi liên kết, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng phải bắt đầu từ xây dựng vùng nguyên liệu, qua đó chuẩn hóa đầu vào, đáp ứng và đảm bảo chuẩn mực đầu ra. Bộ trưởng nêu rõ không thể xây dựng chuỗi ngành hàng cho từng hộ, mà cho từng vùng nguyên liệu, vùng sinh thái. Ngoài vai trò nhà nước, cần chú trọng vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng ngành hàng, đặc biệt trong nâng cao chất lượng của các hợp tác xã để phát triển vùng nguyên liệu.

Bộ trưởng cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì ngành nông nghiệp nước ta vẫn giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo lương thực, thực phẩm, an sinh xã hội. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng đang đối mặt thách thức lớn từ nội tại tới khách quan như biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến đổi xu hướng tiêu dùng của thế giới. Do đó, tới đây, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người.

- 16h45: Nông sản nước ta hoàn toàn có thể trở thành hàng hóa và có thể bán ra thị trường thế giới

Tham gia trả lời đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ lịch sử nước ta chứng minh là “khi nào công - nông liên minh dưới sự lãnh đạo của Đảng thì cách mạng sẽ thành công”.

Quán triệt tinh thần đó, nhiều năm qua là Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quan hệ rất tốt, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì hai Bộ đã có chương trình phối hợp toàn khóa khóa, cùng với đó là kế hoạch hằng năm, chế độ giao ban định kỳ hàng quý và có cơ chế xử lý sự cố từng vụ việc. Từ đó, nhiều vấn đề bức xúc đã được giải quyết.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, từ một nền nông nghiệp truyền thống chuyển sang tư duy nông nghiệp hàng hóa và chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp đòi hỏi nỗ lực lớn. Mặc dù thời gian qua đã có những cố gắng nhưng chưa thấm tháp gì khi mà sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng chưa đạt yêu cầu thị trường.

Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định nông sản nước ta hoàn toàn có thể trở thành hàng hóa và hoàn toàn có thể bán ra thị trường thế giới. Đồng thời khẳng định Việt Nam bây giờ là thành viên của 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 65 quốc gia, vùng lãnh thổ nên thị trường rất rộng mở. Hơn nữa, thời gian qua, sản phẩm nông sản Việt Nam đã vào được thị trường rất khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, các nước phát triển. Điều đó chứng tỏ những sản phẩm đi được là những sản phẩm đạt được tiêu chuẩn của thị trường.

Thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo Chính phủ, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp rất tốt để chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang hàng hóa. Đó là vấn đề khuyến cáo các địa phương quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức lại sản xuất theo yêu cầu của thị trường. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã làm rất tốt việc cung cấp thông tin thị trường, định hướng sản xuất, cung cấp thông tin thị, khuyến cáo vùng trồng, vùng nuôi, khuyến cáo người sản xuất và doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng sản xuất theo tín hiệu thị trường. Đồng thời, đã phối hợp trên cơ sở các FTA đã ký thì đàm phán để đưa các sản phẩm nông nghiệp vào thị trường nước ngoài. Bộ Công thương cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương có liên quan để thuận lợi hóa các thủ tục.

Về giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, Bộ sẽ sẽ tiếp tục làm tốt thông tin thị trường, khai thác lợi thế 17 FTA đã ký tăng cường đàm phán, thuận lợi hóa thương mại cho hàng hóa xuất khẩu, giảm chi phí, đẩy mạnh thực hiện đề án xuất khẩu nông sản chính ngạch và đẩy mạnh thương mại điện tử. Cùng với đó, đề nghị các địa phương làm tốt quy hoạch vùng trồng vùng nuôi, xây dựng thương hiệu sản phẩm; khuyến cáo có sự liên kết trong tổ chức sản xuất. Bộ trưởng nhấn mạnh trong quá trình này, vai trò của cấp ủy chính quyền địa phương là rất quan trọng và đây là điều thực tiễn đã chứng minh.

- 15h40: Thị trường có nhiều “cái biến” nhưng “bất biến” là phải làm tròn trách nhiệm quản lý nhà nước

Điều hành nội dung chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong sản xuất nông nghiệp, việc giải quyết vấn đề "thực phẩm bẩn" đã có tiến bộ rất nhiều. Trước đây người dân, đại biểu Quốc hội cũng nói nhiều đến tình trạng “rau hai luống, lợn hai chuồng”, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, bây giờ vấn đề này ít được nói đến hơn. Điều đó chứng tỏ đã có thay đổi tư duy người sản xuất và tiến bộ hơn trong vấn đề quản lý, điều hành nền sản xuất sạch. Qua đó, chúng ta có thể tổng kết, rút ra được những bài học kinh nghiệm, nhất là vấn đề quản lý nhà nước để làm được tốt hơn.

“Thị trường có nhiều “cái biến”, nhưng mà có cái “bất biến” là chúng ta phải làm tròn trách nhiệm quản lý nhà nước: phân tích, đánh giá, dự báo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, hợp tác quốc tế…”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Tiếp tục Phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mời Bộ trưởng Bộ Công thương giải trình thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

- 16h35: Cần có “đáp án” cho những câu hỏi “khi nào, bao giờ”

Nhấn nút tranh luận, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông có nói là đối với những câu trả lời "khi nào? bao giờ?..." thì thật khó để đưa ra một câu trả lời, bởi vì rất khó xác định được kết quả. Đối với những câu hỏi đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng nói là do yếu tố thị trường biến động cho nên không xác định được kết quả.

Đại biểu Mai cho rằng, đúng là thị trường là yếu tố khó xác định những biến động nhưng trên thực tế chúng ta có những quy luật thị trường. Đó là quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, quy luật giá trị và sự quản lý nhà nước trong kinh tế thị trường có 4 vai trò căn bản gồm: kiến tạo, xây dựng, định hướng và dự báo thị trường.

“Như vậy, chúng tôi nghĩ rằng, không thể nói là chúng ta khó xác định được kết quả và hiện nay trên thực tế xác định kết quả đầu ra là một quy luật tiên tiến và thông lệ quốc tế cũng đang áp dụng” - đại biểu Mai nêu ý kiến tranh luận.

Cũng theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Bộ trưởng có nói là có những vấn đề mà liên quan đến yếu tố liên ngành cũng rất khó xác định. Đại biểu cho rằng, đồng ý rằng có từng bộ, ngành nhưng Chính phủ là nhất thể và bộ máy điều hành đó là thống nhất.

“Vì vậy, tôi cũng mong rằng, đối với những câu hỏi liên quan đến khi nào, bao giờ thì các đại biểu cần có được câu trả lời. Bởi vì đó không chỉ đơn thuần là câu trả lời mà còn là hy vọng và chúng ta cũng không nên để hy vọng của người dân trở thành vô vọng khi không có câu trả lời” - đại biểu Mai nói.

Trả lời tranh luận của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết: Chính phủ đã chỉ đạo trong những hoàn cảnh khó khăn thì vẫn phải tìm ra một hướng đi cho riêng mình về chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng như chủ động thích ứng với sự thay đổi. Hiện nay, nền Nông nghiệp đang đứng trước "3 biến": Biến đổi khí hậu nhưng chúng ta không thể làm chủ được mà chỉ thích ứng được phần nào; Biến động thị trường thì chúng ta phải đưa ra tình huống để thích ứng và giải quyết; Biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới theo xu hướng người dân không chỉ ăn no mà còn tiêu dùng xanh, sạch, đủ chất dinh dưỡng, không bị tác động của biến đổi khí hậu và môi trường. Vì vậy, cần nâng cao năng lực của doanh nghiệp, người sản xuất, thậm chí là nâng cao năng lực quản lý của Bộ chuyên ngành, cơ quan.

Cũng tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định: Bản thân cá nhân Bộ trưởng chưa làm hết trách nhiệm của mình trong bối cảnh đó. Với những câu hỏi của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Bộ trưởng cũng sẽ nghiên cứu để trả lời đại biểu sau.

- 16h25: Ngành thủy sản có số lượng ngư dân lớn nhưng sản xuất còn manh mún, tự phát

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi:  Nghị định 67 năm 2014 để giúp ngư dân đóng tàu công suất lớn vươn khơi bám biển đã hơn 7 năm. Do đó, đề nghị Bộ trưởng làm rõ những bài học kinh nghiệm rút ra khi triển khai Nghị định, đồng thời chỉ ra những giải pháp tháo gỡ cho ngư dân nhằm thực hiện tốt hơn Nghị định này?

Đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết các biện pháp để đẩy mạnh sản xuất muối tăng về số lượng, tốt về chất lượng để có thể xuất khẩu và để nhân dân bớt khó khăn hơn?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trong triển khai thực hiện Nghị định này, các cấp, các ngành còn một số bất cập, chưa lường trước được hết các tình huống xảy ra, chưa chú ý tới cách vận hành hệ thống để thực thi chương trình lớn và có ý nghĩa. Bộ trưởng cho rằng cần đánh giá nhiều chiều, tổ chức lại ngành hàng, huấn luyện đội tàu, ngư dân, hệ thống quản lý thủy sản ở các địa phương, nâng cao hiệu quả khâu thẩm định bình xét đối tượng ngư dân được tham gia, hưởng lợi ích từ chương trình…

Bộ trưởng cũng nêu rõ, ngành thủy sản có số lượng ngư dân lớn nhưng còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Chiến lược phát triển thủy sản bền vững với định hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng. Suy giảm tài nguyên thủy sản là câu chuyện toàn cầu do trữ lượng và ngư trường đang dần thu hẹp, cơ sở hạ tầng nghề cá còn chưa được đầu tư xứng đáng. Bộ đang quy hoạch lại hệ thống cảng cá theo hướng tích hợp để nâng cao hiệu quả trong việc phát triển ngành này.

Liên quan đến vấn đề phát triển ngành muối, Bộ trưởng cho biết, việc tổ chức ngành hàng này hiện nay vẫn còn tự phát, giá trị không cao. Các địa phương bắt đầu thu hẹp diện tích làm muối, dần dần công nghiệp hóa một phần ngành hàng này. Tuy nhiên ngành muối giá trị không cao nên nếu đầu tư vào ngành khác để giá trị ra tăng cao hơn cũng là một giải pháp. Bộ đã xây dựng Đề án phát triển ngành muối trong điều kiện chuyển dịch một số diện tích muối sang quy hoạch ngành kinh tế khác; sử dụng các biện pháp để muối không chỉ là thực phẩm mà còn là dược phẩm, mỹ phẩm….

Ngoài ra, đối với vấn đề khởi nghiệp nông nghiệp trong bối cảnh sau đại dịch COVID-19, Bộ trưởng nêu rõ, trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã có nhóm vấn đề phát triển kinh tế nông thôn gồm 11 nội dung thành phần. Theo đó, chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, khởi nghiệp nông nghiệp, du lịch nông nghiệp…

- 16h20: Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Lê Minh Hoan cho biết, Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững được Thủ tướng phê duyệt đã xác định rõ chúng ta đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố thị trường.

Bộ trưởng chia sẻ với bà con nông dân cùng doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua đã đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như việc ùn ứ ở cửa khẩu phía Bắc; vấn đề vật tư phân bón, giá nguyên liệu đầu vào của ngành nông nghiệp đều tăng cao trong bối cảnh thị trường đã bị đứt gãy…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảm ơn 14 triệu nông dân Việt Nam đã rất năng động, linh hoạt để góp phần làm nên kết quả xuất khẩu nông nghiệp, nông lâm, thủy sản trong năm 2021 đạt mức rất cao trong bối cảnh khó khăn.

- 16h15: Đẩy mạnh liên kết, chia sẻ để phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Trả lời đại biểu về giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, trong thời đại công nghiệp 4.0, làm nông nghiệp có thể không cần phải đầu tư và sở hữu nhiều đất, mà có thể tận dụng thế mạnh của nền kinh tế liên kết, kinh tế chia sẻ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, ngoài hướng tập trung tích tụ đất đai hướng tới tăng quy mô sản xuất, xây dựng vùng nông nghiệp cao, vẫn có những phương thức tập trung đất đai mềm, thích ứng với từng điều kiện ở từng địa phương, kết hợp nguồn lực nhà nước với nguồn lực xã hội để cùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Bày tỏ đồng tình với quan điểm của đại biểu trong việc phát triển nông nghiệp sinh thái tạo ra giá trị xây dựng, chuyển từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp xanh, sinh thái, bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Đây cũng là hướng tiếp cận, chiến lược mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang định hướng triển khai.

- 16h: Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Không thoái thác trách nhiệm của Bộ trưởng

Chủ tịch Vương Đình Huệ khi điều hành phiên chất vấn lưu ý Bộ trưởng Nông nghiệp rằng các đại biểu đang chất vấn bộ trưởng với trách nhiệm quản lý nhà nước với ngành, lĩnh vực. Vì thế, nếu câu trả lời "giải quyết điểm nghẽn, ách tắc ở đâu mà nói hỏi địa phương thì vai trò của Bộ Nông nghiệp ở đâu, bộ trưởng thế nào?".

Ông đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời thẳng, nêu rõ thực trạng đang thế nào, đã có chủ trương, chính sách gì, và tới đây làm cách nào để giải quyết điểm nghẽn trong ngành nông nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội nêu dẫn chứng của đại biểu Trần Thị Hoa Ry hỏi về giá vật tư nông nghiệp tăng cao, được mùa mất giá thì nghẽn ở đâu, giải quyết thế nào? "Hỏi địa phương thì không cần buổi chất vấn này", Chủ tịch Quốc hội nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan sau đó khẳng định không thoái thác trách nhiệm mà "sẽ làm hết mình trên cương vị Bộ trưởng Nông nghiệp". Tuy nhiên, ông cho rằng nếu địa phương cùng vào cuộc, năng động hơn thì những điểm nghẽn, ách tắc trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ được giải quyết nhanh hơn.

Ông ví dụ việc tiêu thụ, tìm đầu ra cho quả vải thiều Bắc Giang trong mùa dịch 2021, nhãn lồng Hưng Yên hay vải Thanh Hà (Hải Dương)... Nhờ các địa phương vào cuộc chủ động tiếp thị, lãnh đạo địa phương cũng tiếp thị sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương tại nhiều hội nghị xúc tiến, nên quả vải thiều Bắc Giang vẫn tìm được đầu ra, tiêu thụ tốt dù năm ngoái dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng.

Theo ông, lúc này hình ảnh lãnh đạo địa phương cũng chính là thương hiệu nông sản, là lời hiệu triệu để kết nối nông sản.

- 15h55: Xây dựng đề án riêng cho 3 thị trường xuất khẩu nông sản lớn 

Trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Văn Tuân (Hậu Giang) về vấn đề bất ổn thị trường nông sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thông qua các cơ quan như Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao và Tham tán thương mại nước ngoài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các bộ đã xây dựng 3 thị trường lớn và một đề án riêng cho từng loại thị trường. Trong đó có thị trường Hoa Kỳ, thị trường EU và thị trường Trung Quốc.

Mỗi loại thị trường có chuẩn mực, tiềm năng và có quy định rào cản của thị trường. Việc xây dựng đề án riêng tránh tình trạng “đi buôn chuyến” để có chương trình xúc tiến bài bản tiếp cận thị trường với số đông doanh nghiệp tham gia hơn. Từ những loại thị trường đó sẽ chuẩn hóa các vùng nguyên liệu để đáp ứng được từng loại thị trường.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng, với đề án này các doanh nghiệp Việt trong từng loại thị trường sẽ kết nối với nhau. Như vậy, nhìn vào lăng kính thị trường để điều chỉnh lại tổ chức sản xuất phù hợp từng loại thị trường, từng mùa vụ, từng vùng nguyên liệu cụ thể.

- 15h45: Giảm khai thác, tăng nuôi trồng thủy sản

Trả lời câu hỏi của đại biểu về định hướng phát triển ngành thủy sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, ngành thủy sản có số lượng ngư dân lớn nhưng gần như không có một tổ chức quy củ nào, còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Chiến lược phát triển thủy sản bền vững với định hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng.

Theo Bộ trưởng, trữ lượng và ngư trường đang dần thu hẹp. Cơ sở hạ tầng nghề cá còn chưa được đầu tư xứng đáng, Bộ đang quy hoạch lại hệ thống cảng cá theo hướng tích hợp để nâng cao hiệu quả trong việc phát triển ngành này.

Về vấn đề đất đai đồng bằng sông Cửu Long suy thoái, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng đó là thực trạng đang được các ngành, các cấp từng bước khắc phục và có được một số kết quả khả quan. Theo đó, những mô hình hữu cơ hóa đang phát huy tác dụng, làm đất đai đỡ chai cằn ở nhiều địa phương. Bộ trưởng cho rằng các mô hình đã phát huy hiệu quả trong thực tế cần được mở rộng, nhân rộng, cần xây dựng những mô hình tổ chức khuyến nông để bà con chuyển từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hiện đại, sử dụng lại vật tư đầu vào, chuyển đổi tăng giá trị, giảm chi phí.

Bên cạnh đó, về việc phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với hoàn cảnh biến đổi khí hậu, Bộ trưởng cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng quy hoạch sản xuất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó chia ba vùng sinh thái ngọt, lợ, lợ mặn để có phương án sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, từ đó giúp thay đổi sinh kế, tăng thu nhập đáng kể cho người nông dân.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang làm việc với các tập đoàn của Mỹ, châu Âu đầu tư chuỗi các kho bảo quản ở cấp độ hợp tác xã dọc sông Tiền, sông Hậu để kết nối về trung tâm ở thành phố Cần Thơ. Mô hình đầu tiên là kho lạnh sử dụng năng lượng mặt trời ở Trà Vinh đang được triển khai thí điểm để rút kinh nghiệm. Bộ trưởng tin rằng, với giải pháp này sẽ tạo ra một thế mới cho hạ tầng nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long.

- 15hh36: Tìm hướng thay đổi thói quen canh tác phụ thuộc vào phân vô cơ

Trả lời câu hỏi khi nào người Việt Nam hoàn toàn yên tâm khi sử dụng thực phẩm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, đây là câu hỏi được lặp lại rất nhiều từ trước đến nay, có khi từ khóa XI.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói “không thoái thác trách nhiệm”, nhưng ngành nông nghiệp có tính liên ngành rất cao, có tính hệ thống trên dưới, trong ngoài, vận hành theo kinh tế thị trường. Vì vậy, không thể bằng một mệnh lệnh hành chính là có thể thay đổi được.

Ngay cả sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng phải an toàn, được kiểm chứng bởi hệ thống phân phối. Đáng tiếc chúng ta chưa có hệ thống để đánh giá chất lượng nông sản, dẫn đến nền nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi lời nguyền manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Vấn đề này có trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ, nhưng bây giờ kiểm đếm lại vẫn là manh mún, dẫn đến hệ lụy rất nhiều. Nếu không tổ chức được ngành hàng sản xuất thì còn rủi ro, trong đó có vai trò địa phương. Bộ trưởng Hoan "tha thiết" mong muốn các địa phương cùng vào cuộc để xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao.

Trả lời câu hỏi về giá vật tư nông nghiệp, đặc biệt giá phân bón tăng cao, làm gì để thay đổi tập quán phục thuộc vào phân vô cơ,  Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có câu thơ "đất ghiền phân vô cơ như người ghiền á phiện".

Người ở đây đã quen làm nhiều vụ để tăng năng suất, tăng xuất khẩu và an ninh lương thực và nhiều năm sử dụng phân vô cơ. Để thay đổi tập quán không phải dễ vì sự quan hệ chằng chịt giữa các đại lý vật tư phân bón với nông dân.

Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng phải tổ chức lại ngành hàng, sản xuất, vận động nông dân vào hợp tác xã. Ông cho biết, sáng nay, Bộ NNPTNT đã triệu tập cuộc họp với các giám đốc Sở Nông nghiệp để bàn về nhiều vấn đề. Bộ thành lập Văn phòng điều phối 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về nông nghiệp, liên tục tổ chức diễn đàn, mời các doanh nghiệp về phân bón, thuốc để dẫn dắt bà con thay đổi.

- 15h25: Giải pháp nào cho tình trạng nông sản "được mùa mất giá"?

Trả lời các đại biểu về điệp khúc “được mùa, mất giá”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói đây là quy luật kinh tế cung - cầu và phải khống chế quy luật này qua hai cách. Khi dư thừa thì phải tăng chế biến để giảm lượng đưa ra thị trường và chuẩn hóa sản phẩm nông sản để thị trường thông suốt. Do đó, giải pháp cho câu chuyện được mùa mất giá là tổ chức lại sản xuất, chuẩn hóa ngành hàng, thông tin minh bạch thị trường xuất khẩu, nội địa.

"Bộ Nông nghiệp nhận khuyết điểm trong điều hành, chuẩn hóa nông sản. Chưa tổ chức lại sản xuất thì chưa thành công và đối mặt rủi ro khi không đồng nhất nguyên liệu một loại nông sản, và khi đó chưa đồng nhất thương hiệu", Bộ trưởng Hoan nói và cho hay sẽ sớm cùng các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài giải quyết việc này.

Về câu chuyện nhiều nhà vườn phải phá bỏ vườn thanh long do bí đầu ra, chi phí vật tư đầu vào tăng cao, theo Bộ trưởng Nông nghiệp, chỉ khoảng 1/10 sản xuất theo quy trình hợp tác xã, phần lớn là bà con trồng không theo quy chuẩn. "Sự cạnh tranh giữa các nhà vườn, hợp tác xã tạo ra sự bất ổn để có danh chính ngôn thuận một vùng nguyên liệu ổn định", ông nhận xét.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao các viện nghiên cứu chuẩn hóa lại quy trình sản xuất, trồng trọt để giảm chi phí đầu vào. "Các nước đang hướng tới nền nông nghiệp ít hơn để được nhiều hơn. Tức là tối thiểu hóa chi phí, và tối đa hóa lợi nhuận bằng khoa học nông nghiệp. Chúng ta cũng phải phấn đấu theo hướng này", ông nói.

- 15h15: Địa phương phải "sâu sát" với nông dân và doanh nghiệp chế biến nông sản

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang), Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm là việc rất nên làm nhưng không phải đơn giản. Có những “hợp đồng” mà nông dân đã can kết với doanh nghiệp rồi nhưng vì một lý do nào đó, thị trường bên ngoài tăng giá, bà con nông dân lại đưa nông sản ra ngoài nhà máy chế biến. Thực trạng này đòi hỏi địa phương phải là đơn vị sâu sát, cùng ngồi với hai bên: một là nông dân thông qua hợp tác xã, một bên là doanh nghiệp.

“Đến giờ này vẫn chưa có những chế tài xử lý dứt điểm việc phá vỡ hợp đồng giữa bà con nông dân và doanh nghiệp chế biến. Tôi cũng nói, giờ phải bắt đầu bằng niềm tin trước, rồi từ từ nâng dần lên. Các doanh nghiệp cũng hay nói, nếu doanh nghiệp bội tín, nông dân có thể kiện ra toà; còn nếu nông dân bội tín, doanh nghiệp không thể nào kiện ra toà được. Bởi đó không phải là giao dịch dân sự hay hợp đồng kinh tế để có một chế tài xử lý.

Chúng tôi mong muốn các Đại biểu Quốc hội, nhất là những người làm luật có thể tư vấn, giúp chúng tôi những vấn đề mà chúng tôi đang lúng túng”, Bộ trưởng Hoan nói.

- 15h10: "Bài toán" nguồn nguyên liệu và thu hút đầu tư vào chế biến nông sản

Trước các chất vấn vấn đề xuất khẩu nông sản thô và phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Thực tế các ngành nông lâm thủy sản chúng ta có rất nhiều ngành gần như chiếm tỷ trọng tuyệt đối về chế biến. Đó là ngành thủy sản, hai là ngành chế biến gỗ và ngành cao su.

Tức là những ngành mà chúng ta thậm chí không đủ nguyên liệu, chúng ta còn nhập khẩu nguyên liệu của các nước khác gì để chế biến. Cái khó nhất trong chế biến của chúng ta nhất là ngành trái cây.

Trong thời gian vừa qua cũng có rất nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào lĩnh vực chế biến thành công và Thủ tướng Chính phủ cũng mới vừa khởi động một nhà máy chế biến Sơn La, Gia Lai và một số địa phương khác. Các doanh nghiệp tham gia vào chế biến đánh giá rất cao, tính liên kết của nông dân các vùng nguyên liệu đó.

Bởi vì để đầu tư vào lĩnh vực chế biến nếu chất lượng nông sản, chất lượng nguyên liệu không tốt, không đảm bảo chất lượng thì sản phẩm chế biến cũng không đảm bảo chất lượng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, khi thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến, một trong những quan tâm nhất của doanh nghiệp là chất lượng nguyên liệu nhiên liệu không ổn định, thậm chí đi theo mùa chỉ có một mùa một nhà máy mở cửa mà chỉ một mùa trong một giai đoạn ngắn hạn.

- 15h00: Chưa nên "hào hứng" khi nông sản Việt lên kệ nước ngoài giá cao

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Huệ (đoàn Sóc Trăng): Có thông tin nông sản Việt Nam được xuất khẩu và có mặt trong các gian hàng, siêu thị nước ngoài với giá cao, hàng trăm nghìn. Trong khi giá bán tại các chợ truyền thống và siêu thị trong nước còn ở mức thấp - vài chục nghìn đồng. Vì thế, thu nhập của người nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp chưa thực sự được cải thiện. Bộ trưởng có giải pháp gì giúp cải thiện thu nhập của người nông dân?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: Câu chuyện vải thiều qua Nhật Bản mấy trăm nghìn một cân - giá rẩt cao - nhưng thương lái lại mua nông sản của người nông dân với giá thấp. Là vì một sản phẩm nông sản để lên kệ hàng ở siêu thị nước ngoài thì chi phí logistics, chi phí thị trường chiếm tỉ trọng rất cao. Cho nên, đừng quá háo hức câu chuyện giá cao. Quan trọng giá cao đó có phân bổ lại cho người nông dân không? Đây là vấn đề mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho các đơn vị, địa phương để cân đối lại vấn đề này.

“Có nhiều hiệp hội, ngành hàng nói với tôi rằng, đất nước mình giàu rồi, tầng lớp trung lưu cao rồi, sẵn sàng chấp nhận mua nông sản giá cao, thậm chí còn cao hơn những doanh nghiệp mua nông sản để xuất khẩu. Vấn đề cần tổ chức lại thị trường trong nước. Rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài nói với tôi rằng, muốn xây dựng thương hiệu nông sản Việt ở nước ngoài thì hãy làm tốt xây dựng thương hiệu nông sản ở trong nước. Điều này có nghĩa niềm tin của người tiêu dùng trong nước là bệ đỡ của ngành hàng nông sản. Nếu người Việt Nam không dùng hàng Việt Nam thì làm sao sống được ở thị trường nước ngoài. Đây là câu chuyện chúng ta cần phải bàn rất kỹ”, ông Hoan cho hay.

- 14h55: Giải tỏa những "điểm nghẽn" của nông nghiệp Việt Nam

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu): Tình trạng vật tư nông nghiệp tăng vào mùa vụ sản xuất, điệp khúc “được mùa, mất giá” hoặc thời gian còn loay hoay trong tìm kiếm cây trồng, vật nuôi mang tính thị trường. Đây không phải vấn đề mới, đã được chất vấn rất nhiều lần. Đâu là điểm nghẽn của vấn đề này và tới bao giờ mới khắc phục được?

Đại biểu Nguyễn Vân Thi (đoàn Bắc Giang): Trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam tương đối cao, đạt trên 48 tỉ USD/năm. Tuy nhiên, chủ yếu là xuất khẩu thô. Có gần 80% là xuất khẩu tiểu ngạch. Trong số đó có 70% là lệ thuộc vào một thị trường lớn, rủi ro. Đây là một trong những rào cản để phát triển nông nghiệp. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ có giải pháp, chính sách nào để tăng tỉ lệ nông sản đã qua chế biến, tăng tỉ lệ xuất khẩu nông sản chính ngạch và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc): Hiện nay, xuất khẩu nông sản chủ yếu chưa qua chế biến, nên giá trị xuất khẩu và giá trị gia tăng thấp. Vì vậy để nâng cao giá trị xuất khẩu của nông sản Việt Nam trong thời gian tới, Bộ trưởng có định hướng hay giải pháp gì?

Thứ hai, trong thời gian qua, tình trạng ùn tắc dài ngày trên các cửa khẩu đã làm hư hỏng hàng hoá xuất khẩu nông sản gây thiệt hại cho người dân sản xuất và kinh doanh. Để khắc phục tình trạng trên, bộ trưởng có giải pháp gì?

Đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang): Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay liên kết này còn nhiều nút thắt, khiến cho việc tiêu thụ nông sản đôi khi còn bị bỏ ngỏ dẫn tới tình trạng tiểu thương lợi dụng, thao túng giá cả thị trường thậm chí bẻ gãy chuỗi liên kết. Xin bộ trưởng cho biết, những giải pháp cơ bản thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia sản xuất và tiêu thụ sản phẩm?

Đại biểu Phạm Thị Minh Huệ (Sóc Trăng): Hàng Việt chiếm tỉ lệ cao trong các cơ sở phân phối của các doanh nghiệp trong nước. Có thông tin nông sản Việt Nam được xuất khẩu và có mặt trong các gian hàng, siêu thị nước ngoài với giá cao, hàng trăm nghìn. Trong khi giá bán tại các chợ truyền thống và siêu thị trong nước còn ở mức thấp - vài chục nghìn đồng. Vì thế, thu nhập của người nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp chưa thực sự được cải thiện. Xin bộ trưởng có giải pháp gì giúp cải thiện thu nhập của người nông dân?

- 14h40: Mất 1-2 năm xây dựng nhãn hiệu nhưng mất cả chục năm xây dựng thương hiệu

Trả lời câu hỏi với vai trò là tư lệnh ngành, Bộ trưởng  có giải pháp gì để nâng cao thương hiệu nông sản Việt trên trường quốc tế?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, đây cũng là câu hỏi mà Thủ tướng Chính phủ thường xuyên nêu ra với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Về vấn đề này cần phân biệt rõ nhãn hiệu và thương hiệu nông sản Việt Nam.

Với nhãn hiệu, chúng ta có thể xây dựng 1-2 năm rồi đăng ký nhãn hiệu với Bộ Khoa học và Công nghệ. Nhưng thương hiệu là bao gồm nhãn hiệu và niềm tin của người dân với sản phẩm nông sản đó. Niềm tin là cái quan trọng nhất. Nhiều khi phải mất 5-10 năm mới hình thành nên cảm xúc của người tiêu dùng về thương hiệu sản phẩm nông sản, để người tiêu dùng ấn tượng được mất rất nhiều thời gian. Để xây dựng thương hiệu nông sản cần bắt đầu từ việc xây dựng hệ sinh thái ngành hàng.

"Chúng ta không áp đặt, không đặt ra những khẩu hiểu mà phải làm thực chất, tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng", ông Lê Minh Hoan nói.

- 14h30: Ùn ứ nông sản tại cửa khẩu chỉ là vấn đề đột biến, xảy ra trong thời gian ngắn

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nguyên nhân vấn đề do sự kiểm soát dịch bệnh phía Trung Quốc khác với Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính, trong khi nông dân Việt Nam vẫn quen đây là thị trường dễ tính. Trung Quốc đang siết chặt chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm trong khi nông dân chậm thay đổi, tất nhiên có trách nhiệm của các bộ ngành Trung ương.

Về giải pháp, ông Hoan nói 14 triệu hộ nông dân trên cả nước khó truyền thông hết được, nên đầy rủi ro. Chỉ có cách là tổ chức lại ngành hàng sản xuất, tổ chức thị trường để thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Các bộ Nông nghiệp và Ngoại giao đang xây dựng dự thảo chiến lược xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, để chuyển dần dần, rồi một ngày nào đó nông sản Việt Nam danh chính ngôn thuận nhập khẩu sâu vào nội địa, ở phân khúc thị trường cấp cao. Để làm được điều này đòi hỏi phải chuẩn hóa chất lượng sản phẩm.

- 14h20: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận trách nhiệm về câu chuyện chuẩn hoá nông sản

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn: Câu chuyện được mùa mất giá là “lời nguyền” nhiều năm nay. Thứ nhất, chúng tôi cho rằng, khi nông sản dư thừa cần trữ lại để chế biến, giảm lượng đưa ra thị trường.

Thứ hai, cần chuẩn hoá nông sản của chúng ta để thị trường được thông suốt, giảm áp lực cho thị trường. Tiêu chuẩn và quy chuẩn là cách để chuẩn hoá nông sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận trách nhiệm về vấn đề này khi thời gian qua chúng ta vẫn còn dễ dãi trong việc chuẩn hoá nông sản. Chúng ta cần tổ chức lại sản xuất một cách bài bàn hơn, để hạn chế rủi ro trong vấn đề xuất khẩu nông sản; cần thông tin minh bạch về số lượng, mùa vụ và phân bổ phù hợp đối với từng thị trường, trong đó có thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ảnh: TTXVN

- 14h10: 53 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan

Các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan. Bảng điện tử thông báo có 53 đại biểu đăng ký chất vấn.

Đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) đặt câu hỏi: Thời gian vừa qua, giá phân bón và vật tư nông nghiệp tăng phi mã. Đây là bài toán cấp thiết của ngành nông nghiệp. Ngoài các giải pháp về kiểm soát giá được Bộ Nông nghiệp đưa ra, Bộ trường  có giải pháp như thế nào trong thời gian tới để kiểm soát giá vật tư nông nghiệp, giá phân bón?

Đại biểu Quốc hội Hoàng Anh Công (đoàn Thái Nguyên): Trong thời gian qua, cử tri rất lo lắng về vấn đề ùn tắc hàng nông sản xuất khẩu ở cửa khẩu phía Bắc, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, tăng chi phí cho bà con nông dân và doanh nghiệp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do phía Trung Quốc kiểm soát hàng hoá để phòng chống dịch COVID-19. Theo Bộ trưởng, cần có các giải pháp gì để nâng cao chất lượng nông sản trong thời gian tới để có nền xuất khẩu nông sản bền vững?

Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam): Thời gian qua, nông sân phải khổ sở gánh chịu nạn phân bón giả, gây thiệt hại lớn cho người nông dân, nông dân đã nghèo còn phải đeo cái khổ. Bộ trưởng có biết tình trạng này không và giải pháp nào để xử lý nghiêm tình trạng phân bón giả? Bên cạnh đó, với vai trò là tư lệnh ngành, Bộ trưởng có giải pháp gì để nâng cao thương hiệu nông sản Việt trên trường quốc tế.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắc Nông): Sản xuất nông nghiệp là cứu cánh của nền kinh tế trong những lúc khó khăn nhất. Mặc dù ngành nông nghiệp phát triển nhưng thực tế cuộc sống của nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn, điệp khúc được mùa mất giá, giải cứu nông nghiệp chưa đến hồi kết, trong khi giá đầu vào tăng cao, giải pháp căn cơ nào cho vấn đề nêu trên?

Đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An): Tình hình sản xuất nông nghiệp trong thời gian vừa qua vẫn gặp nhiều khó khăn khi giá phân bón tăng cao, có thời điểm tăng 200%; các sản phẩm vật tư như thuốc trừ sâu hay giá xăng dầu cũng tăng rất mạnh. Trong khi sản phẩm nông nghiệp thì khó bán. Vậy, thưa Bộ trưởng, cần giải pháp gì để kiểm soát giá cả vật tư nông nghiệp giúp nông dân an tâm sản xuất.

- 14h00:  Sau phát biểu mở đầu khai mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn gồm: Công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản. Giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp. Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững.

Trách nhiệm trả lời chất vấn trực tiếp thuộc Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Cùng tham gia trả lời chất vấn và làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu có: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì điều hành phiên chất vấn đầu tiên về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì điều hành phiên chất vấn đầu tiên.
Nội dung chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung vào công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản; giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp.

Quốc hội cũng chất vấn việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn của đại biểu tại nghị trường về các vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề liên quan có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường.

Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN

Hôm nay, Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn trước Quốc hội

PHẠM ĐÔNG |

Chiều 7.6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Bốn bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội

NHÓM PV |

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải được lựa chọn trả lời chất vấn Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.

Giữ nguyên thời gian chất vấn 2,5 ngày tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Phạm Đông |

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa ký thông báo số 981/TB-TTKQH kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Hôm nay, Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn trước Quốc hội

PHẠM ĐÔNG |

Chiều 7.6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Bốn bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội

NHÓM PV |

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải được lựa chọn trả lời chất vấn Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.

Giữ nguyên thời gian chất vấn 2,5 ngày tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Phạm Đông |

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa ký thông báo số 981/TB-TTKQH kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.