Đọc lại bức thư Bác Hồ gửi Báo Lao Động hơn 70 năm trước

Hoàn Minh |

Vào mùa xuân Canh Dần 1950 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi bức thư tới Báo Lao Động để trả lời những câu hỏi của báo về vai trò và nhiệm vụ của giai cấp công nhân Việt Nam.

Bức thư như sau:

Nǎm mới, tôi gửi lời thân ái chúc anh chị em lao động tiến bộ về mọi mặt.

Sau đây là trả lời cho báo Lao Động:

- Công nhân Việt Nam cần phải xung phong trong mọi công việc kháng chiến, kiến quốc. Đánh tan thực dân, giải phóng dân tộc, tranh lại thống nhất và độc lập, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ mới - tức là tranh đấu cho hoà bình và dân chủ thế giới.

- Để đạt mục đích ấy, thì công nhân phải tổ chức thật chặt chẽ và rộng rãi, thi đua tǎng gia sản xuất, thi đua học tập để tiến bộ mãi, tự cải thiện đời sống tinh thần và vật chất của mình, phá hoại kinh tế của địch. Đó là nhiệm vụ chung cho tất cả công nhân ở vùng tự do và trong vùng tạm bị địch chiếm.

- Về phần các cháu nhi đồng lao động, thì học tập và làm việc phải đi đôi với nhau, để mai sau thành những cán bộ trong công cuộc xây dựng và củng cố nước Việt Nam dân chủ mới.

- Nói tóm lại: để xứng đáng là một giai cấp lãnh đạo thì công nhân ta phải xung phong trong mọi việc của nước nhà và xã hội.

Nǎm nay là nǎm ta phải chuyển mạnh sang tổng phản công. Tôi mong rằng mỗi một người và tất cả công nhân ta sẽ làm tròn nhiệm vụ của một giai cấp tiên phong, để chung một phần vẻ vang trong cuộc đại thắng của dân tộc.

***

Bức thư Bác Hồ gửi Báo Lao Động ở thời điểm tờ báo hoạt động tại chiến khu.

Sách lịch sử Báo Lao Động viết: Năm 1947 là năm di chuyển và củng cố cơ quan (dời trụ sở khỏi 51 Hàng Bồ). Muốn ra báo ngay cũng không được. Khó khăn nhất vẫn là giấy. Sang năm 1948, các cơ sở sản xuất giấy bằng phương pháp thủ công mọc lên khắp nơi, nhu cầu giấy in báo mới thực sự được giải quyết.

Báo Lao Động tiếp tục ra mắt bạn đọc từ đầu năm 1948.

Toà soạn báo thoạt tiên đóng ở Trại Văn Kim thuộc xã Hào Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, cùng địa điểm với cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Cán bộ toà soạn báo thời đó có Phạm Hồng, Nguyễn Quang Huy (sau là nhà điện ảnh), Mạc Phi (sau là nhà văn), hoạ sĩ Râu Ria...

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nhà máy Diêm Thống nhất, ngày

16.8.1956. Bác đã nhắc nhở: ‘’Lợi ích của công nhân đi đôi với lợi ích chung của nhà máy.

Nếu đời sống được cải thiện và mọi người khỏe mạnh thì sẽ phấn khởi thi đua sản xuất làm cho nhà máy thu được nhiều kết quả. Nếu nhà máy phát triển thì có khả năng cải thiện đời sống của công nhân và nhân viên’’.

Bác nhấn mạnh rằng: ‘’Mục đích của công đoàn là phải cải thiện đời sống công nhân, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của giai cấp công nhân nói riêng và Nhân dân nói chung’’.

Nhà báo Đỗ Trọng Giang kể chuyện làm báo trong rừng chiến khu:

Đặc điểm làm báo trên chiến khu là thế này: Toà soạn cứ di chuyển luôn. Tôi nhớ hồi ở Cao Vân, báo ở xóm Gốc Sấu, rồi lên La Bằng, Gốc Điệp gần nơi họp Đại hội công đoàn toàn quốc lần thứ nhất; vượt sông Chảy sang An Khê bên Yên Bái (lúc đó địch đang đánh Thái Nguyên); sang Làng Tuộc cạnh sông Gâm; có lần về xóm Bưng, xóm Toa gần Tân Trào; lại có lần di chuyển về xuôi ở Bắc Giang, nơi có cuộc kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động rất to.

Toà soạn lưu động, đi đâu thì đi, nhưng nhà in thì cắm tại chỗ, nên đi đâu cũng phải xoay quanh cái trục là nhà in. Những tay bám nhà in là Minh Tần, lên trang tại chỗ; Thanh Sơn vừa vẽ vừa khắc gỗ được; Văn Đằng, thợ khắc, tất cả các mang sét báo, các đầu đề bài là do một tay anh khắc. Người trình bày báo còn phải có khả năng cắt bài, bổ sung tin, bài tại chỗ.

Hồi ở Gốc Sấu, do cơ quan ở gần đường nên thỉnh thoảng lại được tiếp một người khách quý. Người khách thường lui tới nhất là nhà thơ Xuân Diệu, ông đến xem bích báo dự thi, nhặt được vô khối những hạt ngọc thơ ca dân gian mà sau đó ông giới thiệu trân trọng trong các bài bình luận của ông. Những người khác hay ghé thăm chúng tôi là nhà sử học Trần Huy Liệu, ông Bộ trưởng Bộ Lao động Nguyễn Văn Tạo... Họ không chỉ đem đến cho chúng tôi niềm vui, còn truyền cho chúng tôi biết bao nhiêu kiến thức làm báo mà chúng tôi vận dụng ngay vào việc làm báo kháng chiến.

Làm báo trên chiến khu, bài vở đều phải do phóng viên làm không thể trông đợi vào nguồn tin bài nào khác, tuy thỉnh thoảng cũng có bài gửi đến. Có số báo một người viết hai, ba bài. Và không đi đến tận nơi có sự việc không thể viết được. Mà các chuyến đi đâu có dễ, phải mang theo gạo, phương tiện duy nhất là đôi chân. Đến nhiều địa điểm bí mật còn phải đợi chán ngoài trạm chờ. Còn phải chia nhau đi các chiến dịch.

Ngô Tùng, Như Khánh là những chân đi chiến dịch không biết mệt mỏi. Thành Quý đi mặt trận biên giới. Anh tham gia một trận chiến đấu, trong tình huống một trung đội trưởng hy sinh, anh nhảy lên thay thế, chỉ huy bộ đội. Anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đến nỗi sau trận đánh, bộ đội đề nghị anh ở lại mặt trận luôn, sau này thăng đến quân hàm thiếu tá.

Thực hiện lời Bác dạy trong bức thư gửi dịp Xuân Canh Dần 1950, Báo Lao Động tuyên truyền cổ động không mệt mỏi cho công cuộc kháng chiến kiến quốc. Trên các trang báo thời kỳ mở đầu cuộc kháng chiến, là cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Nam bộ, tinh thần chiến đấu cảm tử của những đoàn quân công nhân trên mặt trận Sài Gòn - Gia Định; những cuộc đấu tranh đình công, biểu tình của công nhân vùng đô thị phối hợp nhịp nhàng với mặt trận làm tê liệt bộ máy chiến tranh của quân thù; cuộc tháo rỡ di chuyển hàng vạn tấn máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu từ các thành phố về chiến khu; cuộc xây dựng lắp đặt đầy tài năng những khu công nghiệp trong rừng; những kỳ tích biến trục bánh xe lửa thành nòng đại bác, ống dẫn nước thành súng badôca; dựng lò cao nấu gang trong hẻm núi.

Trên các trang báo ở giai đoạn cuối cuộc chiến là hình ảnh những đội quân giao thông vận tải chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn xây dựng và sửa chữa cầu đường, những đoàn xe ôtô vận tải leo đèo lội suối, đặc biệt những đội quân xe thồ, các tay ngai không quản nhọc nhằn, đêm hôm mưa nắng bảo đảm từng cân gạo, từng cân muối, từng quả đạn cho mặt trận.

Báo Lao Động hướng dẫn, cổ vũ cuộc thi đua ái quốc trong giai cấp công nhân. Thời kỳ đó, thi đua là một khái niệm cực kỳ hấp dẫn và mới mẻ, đồng thời là cả một lĩnh vực đầy bỡ ngỡ, chập chững. Báo đã cổ động phong trào làm thêm giờ cứu nước, sau đó lại phê phán lối thi đua tăng giờ, coi nhẹ thi đua phát huy sáng kiến.

Báo cổ động phong trào học tập thi đua với Ngô Gia Khảm, Ngô Văn Phú, Cao Viết Bảo, Trương Thị Xin. Báo dành nhiều kỳ giới thiệu kinh nghiệm thi đua của Tiểu tổ Mã Hằng Xương (Trung Quốc); danh mục Tôi đã thi đua như thế nào? kéo dài nhiều kỳ giới thiệu nhiều kinh nghiệm thi đua của các chiến sĩ thi đua, những người lao động xuất sắc như bác sĩ Ngô Đức Khởi, Kỹ sư Lương Ngọc Khuê, tổ rèn Cao Viết Bảo, công nhân ngành dược Nguyễn Thị Giao Tiên...

Báo đặc biệt coi trọng phổ biến kinh nghiệm hoạt động công đoàn. Việc xây dựng công đoàn cơ sở lúc đó còn hết sức mới lạ, cũng giống như việc tổ chức thi đua vậy. Các số báo năm 1951 đăng một loạt bài về lý luận và kinh nghiệm củng cố công đoàn cơ sở. Báo đề cao việc phát huy dân chủ trong xí nghiệp, cổ vũ việc thành lập các Uỷ ban Xí nghiệp, phổ biến các kinh nghiệm về vai trò công đoàn trong Uỷ ban Xí nghiệp.

Năm 1950 Báo Lao Động có một sự kiện đặc biệt: Nhân Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ nhất, báo ra hằng ngày để thông tin kịp thời những sự kiện tại Đại hội. Số 116 được đánh số từ 116a đến 116k. Đó là những trang báo sinh động ghi chép tại chỗ những diễn biến, những ý kiến, những gương mặt tại Đại hội. Nhờ những trang báo đó đến nay ta mới thấy những nhà lãnh đạo công đoàn thời đó rất trẻ: Riêng Hoàng Quốc Việt 44 tuổi, còn lại Trần Danh Tuyên, Nguyễn Hữu Mai 38 tuổi, Nguyễn Duy Tính 36 tuổi, Bùi Quỳ 32 tuổi, Bùi Thái Dương 26 tuổi, Dương Bạch Liên 26 tuổi, Nguyễn Văn Điệp 25 tuổi...

***

70 năm sau bức thư đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Báo Lao Động, lời căn dặn “mong rằng mỗi một người và tất cả công nhân ta sẽ làm tròn nhiệm vụ của một giai cấp tiên phong, để chung một phần vẻ vang trong cuộc đại thắng của dân tộc” vẫn là động lực để Báo Lao Động cùng các tổ chức Công đoàn, mỗi người lao động làm việc, phấn đấu để xây dựng Tổ quốc đẹp giàu.

(Thư gửi báo Lao Động, Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật- 2011, tập 6 trang 319)

Hoàn Minh
TIN LIÊN QUAN

Hình ảnh phóng viên Báo Lao Động tại các điểm nóng dịch COVID-19

Nhóm Phóng viên |

Là phóng viên, chúng tôi luôn sẵn sàng và quen với những tình huống bất ngờ như thiên tai, dịch, họa… Và với dịch COVID-19 kéo dài 2 năm nay, chúng tôi - những phóng viên Báo Lao Động luôn trong tâm thế sẵn sàng lao vào "tâm bão" để phụng sự bạn đọc.

Ứng dụng công nghệ tại Báo Lao Động: Chủ động đón đầu, sẵn sàng vượt khó để chinh phục đỉnh cao

Nguyễn Tuấn Anh |

Chuyển đổi số phải phục vụ thực tế sản xuất, xuất bản và đổi mới liên tục của báo”; “Công nghệ phải đón đầu và theo kịp xu hướng phát triển của báo chí thế giới” - tinh thần chủ đạo của quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào quy trình tác nghiệp, sản xuất và xuất bản nội dung tại Báo Lao Động.

Tập thể Báo Lao Động nỗ lực vượt khó, có nhiều tuyến bài chất lượng cao

Việt Lâm |

Đó là nhận xét của Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) Trần Thanh Hải trong dịp tới chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Lao Động nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925-21.6.2021).

Phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Vương Trần |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 19/QĐ-TTg ngày 15.1.2023 về việc phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Nhân tố bất ngờ có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina

Ngọc Vân |

Thời tiết mùa đông ấm áp bất thường trong năm nay có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Khán giả Việt Nam tin thầy trò ông Park Hang-seo sẽ vô địch AFF Cup 2022

AN NGUYÊN |

Dù gặp bất lợi về mặt tỉ số so với đối thủ Thái Lan, nhưng người hâm mộ và cổ động viên Việt Nam vẫn tin vào một chiến thắng của thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo trên sân khách, qua đó giành ngôi vô địch AFF Cup 2022.

Hình ảnh phóng viên Báo Lao Động tại các điểm nóng dịch COVID-19

Nhóm Phóng viên |

Là phóng viên, chúng tôi luôn sẵn sàng và quen với những tình huống bất ngờ như thiên tai, dịch, họa… Và với dịch COVID-19 kéo dài 2 năm nay, chúng tôi - những phóng viên Báo Lao Động luôn trong tâm thế sẵn sàng lao vào "tâm bão" để phụng sự bạn đọc.

Ứng dụng công nghệ tại Báo Lao Động: Chủ động đón đầu, sẵn sàng vượt khó để chinh phục đỉnh cao

Nguyễn Tuấn Anh |

Chuyển đổi số phải phục vụ thực tế sản xuất, xuất bản và đổi mới liên tục của báo”; “Công nghệ phải đón đầu và theo kịp xu hướng phát triển của báo chí thế giới” - tinh thần chủ đạo của quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào quy trình tác nghiệp, sản xuất và xuất bản nội dung tại Báo Lao Động.

Tập thể Báo Lao Động nỗ lực vượt khó, có nhiều tuyến bài chất lượng cao

Việt Lâm |

Đó là nhận xét của Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) Trần Thanh Hải trong dịp tới chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Lao Động nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925-21.6.2021).