Thượng viện Mỹ bác dự luật trừng phạt Nga
Đề xuất của Đảng Cộng hòa trừng phạt Nga về đường ống dẫn khí Nord Stream 2 vấp phải sự phản đối tại Thượng viện - RT đưa tin.
Các nghị sĩ Dân chủ tại Thượng viện Mỹ đã chặn đề xuất của Đảng Cộng hòa về các biện pháp trừng phạt Nga về đường ống Nord Stream 2, nói rằng nó không giúp ích gì cho Ukraina, và phủ nhận việc Tổng thống Joe Biden dùng Nord Stream 2 làm "đòn bẩy" để đối phó với Điện Kremlin.
Được thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà Ted Cruz (bang Texas) đề xuất, dự luật 3436 của Thượng viện sẽ cho Nhà Trắng hai tuần để áp đặt các hạn chế đi lại, đóng băng tài sản và cấm các công ty Mỹ kinh doanh với những người liên quan đến đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Dòng chảy phương Bắc 2 chạy từ Nga tới nước Đức.
Đảng Dân chủ phản bác rằng các lệnh trừng phạt sẽ không có tác dụng ngăn chặn các biện pháp gia tăng của Nga vào Ukraina - điều mà tình báo Mỹ và chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố trong nhiều tuần là sắp xảy ra. Mátxcơva gọi cáo buộc là "tin giả".
Mặc dù một số đảng viên Đảng Dân chủ đã bỏ phiếu ủng hộ, song dự luật của thượng nghị sĩ Cruz không nhận được 60 phiếu cần thiết để thông qua.
Phát biểu phản đối dự luật tại Thượng viện Mỹ, thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà Rand Paul (bang Kentucky) cho biết, đề xuất không nhằm phục vụ an ninh quốc gia mà là "chủ nghĩa bảo hộ cấp tỉnh". Dự luật nhận được sự ca ngợi từ các bang sản xuất khí đốt tự nhiên.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã công khai thúc giục Thượng viện Mỹ thông qua dự luật của thượng nghị sĩ Cruz, gọi Nord Stream 2 là mối đe dọa đối với Kiev. Trong khi các đảng viên Dân chủ nói chung đồng ý, đảng này lập luận rằng các lệnh trừng phạt ngay bây giờ, và dưới hình thức cụ thể này, gây hại cho Washington trong chính sách ngoại giao ở Châu Âu.
Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Jeanne Shaheen (bang New Hampshire) cho biết, dự luật của ông Cruz sẽ “làm suy yếu tình hình ngoại giao hiện tại - điều hết sức quan trọng” trong việc ứng phó với Nga.
Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Chris Murphy (bang Connecticut) cho biết: “Dự luật này sẽ không giúp được gì cho Ukraina - nó được thiết kế để gây tổn hại cho Tổng thống Joe Biden".
Phản ứng của các bên
Các lập luận chống lại đề xuất của Đảng Cộng hòa cũng phản ánh các quan điểm do Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra và được tờ Politico đưa tin hôm 13.1. Chính quyền ông Joe Biden lập luận rằng, việc trừng phạt Nord Stream 2 hiện tại sẽ tước đi "sự răn đe" và "đòn bẩy đáng tin cậy" của Nhà Trắng trong việc đối phó với Kremlin. Ngoài ra, các lệnh trừng phạt chống lại Đức sẽ làm tổn hại mối quan hệ của Mỹ với chính phủ mới được bầu tại Berlin.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, sự chậm trễ của Đức trong việc phê duyệt đường ống Nord Stream 2 dẫn đã dẫn đến giá khí đốt cao hơn vào giữa mùa đông Châu Âu và điều này chỉ thu lợi cho xuất khẩu năng lượng của Nga.
Đảng Dân chủ đưa ra một đề xuất khác để trừng phạt Nga cũng như Nord Stream 2, nhưng sẽ chỉ được ban hành nếu hành động bị cáo buộc là "xâm lược" Ukraina thực sự xảy ra. Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Ben Cardin (bang Maryland) - kiến trúc sư của đạo luật Magnitsky ban đầu về các biện pháp trừng phạt chống Nga - dự đoán đề xuất có thể nhận được từ 95 đến 99 phiếu bầu.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht nói rằng không nên kéo đường ống Nord Stream 2 vào cuộc xung đột Ukraina. “Chúng ta không nên kéo Nord Stream 2 vào cuộc xung đột Ukraina. Chúng ta cần giải quyết xung đột này, và chúng ta cần giải quyết nó trong các cuộc đàm phán - đó là cơ hội mà chúng ta có vào lúc này. Chúng ta nên sử dụng cơ hội đó hơn là liên kết đến các dự án không liên quan đến cuộc xung đột” - Bộ trưởng Lambrecht nói với đài truyền hình RBB hôm 13.1.
Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng, sẽ vô nghĩa nếu liên kết Nord Stream 2 - vốn là một dự án kinh tế thuần túy - với các vấn đề an ninh Châu Âu hiện tại.
Bình luận về những lời kêu gọi ở Mỹ áp đặt trừng phạt Nga, ông Peskov bày tỏ: "Mátxcơva không có kế hoạch đáp trả cho đến nay vì chúng tôi vẫn muốn rằng một sự nhận thức chung sẽ chiếm ưu thế. Và chúng tôi hy vọng đó chỉ là những tuyên bố ồn ào, một kiểu gây rúng động để cố gắng gây ảnh hưởng đến đất nước".
"Nord Stream là một dự án thương mại, và thật vô nghĩa nếu liên kết dự án này với các vấn đề an ninh ở Châu Âu. Đây là một ví dụ khác về những nỗ lực gây áp lực lên Nga, những nỗ lực cạnh tranh kinh tế không lành mạnh" - ông Peskov nói thêm.
Những diễn biến mới nhất nói trên diễn ra sau cuộc đàm phán an ninh Nga-Mỹ ở Geneva, Thụy Sĩ, tập trung vào Ukraina. Các nhà ngoại giao Nga đã gặp các đại diện của Mỹ, NATO và OSCE trong tuần này để thảo luận về đề xuất của Mátxcơva về an ninh ở Châu Âu, bao gồm cả những đảm bảo ràng buộc về mặt pháp lý rằng NATO sẽ không kết nạp Ukraina và Gruzia.
Các cuộc gặp không đạt được kết quả nào và liên minh NATO do Mỹ dẫn đầu đã từ chối lời đề nghị đó.