Cần phối hợp hiệu quả
Tại Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì và Cục Thể dục Thể thao thực hiện ngày 21.12 tại Hà Nội, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh (nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao – Tổng cục Thể dục Thể thao) mong rằng, ngành thể thao cần có sự phối hợp chặt chẽ và tốt nhất cùng các đơn vị địa phương, ngành mà ở đó các Trung tâm Huấn luyện thi đấu Thể dục Thể thao từ địa phương đến Trung ương tạo thành cầu nối để tìm kiếm, đào tạo tốt nhất các hạt nhân vận động viên, nguồn lực con người.
“Khi chúng ta nâng cấp hơn các Trung tâm Huấn luyện và thi đấu Thể dục Thể thao ở địa phương thì họ có những sự đầu tư đáng kể cho việc đào tạo sơ khai nguồn lực cho thể thao và cũng giảm được gánh nặng cho các Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia. Thể thao thành tích cao là một sự vận động cần quá trình thời gian lâu dài”, ông Hồng Minh phân tích.
Cùng quan điểm, chuyên gia thể thao Lâm Quang Thành (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao) và Phạm Thế Triều (Phó Chủ tịch Liên đoàn điền kinh Việt Nam) chờ đợi rằng, ngành thể thao sẽ đẩy mạnh công việc xã hội hóa và phối kết hợp cùng các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao để có cơ cấu tổ chức tốt nhất trong công việc. Có như thế, thể thao thành tích cao Việt Nam sẽ được sự phát triển tốt hơn.
Khi có sự phối hợp kỹ lưỡng giữa nhà quản lý Cục Thể dục Thể thao cùng địa phương, công tác tìm kiếm bổ sung thêm nguồn lực con người, sự chung tay trong nguồn lực đầu tư hoàn toàn khả quan. Hẳn nhiên, trách nhiệm với thể thao thành tích cao không chỉ một mình Cục Thể dục Thể thao thực hiện.
Cần hiện thực hoá
Đại diện Cục Thể dục Thể thao cho biết tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024 (tổ chức ngày 22.12 tại Hà Nội), hiện tại ngành thể thao đã và đang hoàn thiện Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2024-2045.
Trước đó, về thể thao, chúng ta đã có Đề án “tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035” được Chính phủ phê duyệt ngày 22.2.2019. Ngoài ra, ngành thể thao còn xây dựng Quy chế Quy định tiêu chuẩn và quy trình tuyển chọn huấn luyện viên, vận động viên đội tuyển thể thao Việt Nam.
Hiện tại, Dự thảo Chiến lược phát triển Thể dục Thể thao Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã được hoàn thiện đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chờ trình Chính phủ xem xét để phê duyệt ban hành.
Tất cả được kỳ vọng các Đề án sẽ được thực hiện với sự khả thi cao nhất và Cục Thể dục Thể thao phải tập trung thực hiện quyết liệt.
Chỉ đạo tại Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Văn Hùng đã khẳng định sau Chiến lược phát triển Thể dục Thể thao Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt, ngành phải tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện đúng theo phân cấp, phân quyền, gắn liền với trách nhiệm.
Cục Thể dục Thể thao phải tập trung vào công tác, phân nhóm, phối hợp các nguồn lực để có sự đào tạo và trên hết phải có thay đổi nhận thức, tập trung chấn chỉnh công tác đào tạo huấn luyện, chú ý quy trình đào tạo mang tính hệ thống từ địa phương, tỉnh, thành tới cấp Trung ương; tập trung rà soát lại hệ thống cơ sở vật chất tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia. Trên hết, tính hiệu quả được tác động từ phương thức thực hiện với nguồn kinh phí được phân bổ đúng, đầy đủ.