Ngày 21.12, tại Hà Nội, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Cục Thể dục Thể thao đã tổ chức Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 với chủ đề "Nâng tầm ASIAD - Khát vọng Olympic".
Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt đã báo cáo thực trạng thể thao thành tích cao Việt Nam.
Theo đó, thể thao Việt Nam dù đứng đầu 2 kì SEA Games liên tiếp 31 và 32, đạt được những kết quả nhất định ở sân chơi ASIAD, Olympic trong những năm gần đây, nhưng sự phát triển so với khu vực vẫn còn hạn chế và gặp nhiều thách thức.
Đơn cử, tại ASIAD 19, thể thao Việt Nam giành 3 huy chương vàng, 5 huy chương bạc và 19 huy chương đồng, xếp vị trí thứ 21 trên bảng tổng sắp huy chương. Tính riêng khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng thứ 6, kém hơn Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore.
Ở đấu trường Olympic, tính đến thời điểm hiện tại, thể thao Việt Nam chỉ mới có 1 huy chương vàng của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở Thế vận hội 2016, trong khi các quốc gia khác như Thái Lan, Singapore đều có nhiều huy chương vàng Olympic.
Theo đánh giá của Cục Thể dục Thể thao, những nguyên nhân chính khiến thể thao thành tích cao Việt Nam còn hạn chế là do nguồn lực về tài năng vận động viên trẻ chưa nhiều; các vận động viên chưa duy trì sự ổn định về thành tích; nguồn huấn luyện viên nội có trình độ cao khá khiêm tố, thiếu chuyên gia nước ngoài; vận động viên thiếu các đợt tập huấn nước ngoài do thiếu kinh phí, hệ thống thi đấu trong nước thiếu hiệu quả,...
Do đó, tại Hội nghị, Cục Thể dục Thể thao đã nêu ra những định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện để cải thiện thành tích của thể thao Việt Nam.
Theo đó, có 6 nhiệm vụ mà ngành thể thao cần thực hiện, bao gồm: quy hoạch, phân nhóm môn thể thao, xác định nội dung thế mạnh tại ASIAD và Olympic; hiện đại hoá, nâng cao hiệu quả huấn luyện; chăm lo, cải thiện các chế độ, chính sách đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên; phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, y học thể thao trong công tác huấn luyện; đẩy mạnh xã hội hoá, phát huy năng lực của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể dục thể thao; đảo đảm nguồn lực tài chính và phát triển kinh thế thể thao.
Về giải pháp, ngành thể thao vạch ra nhóm giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, nhấn mạnh việc tuyển chọn vận động viên, xác định phương thức đào tạo, lực lượng huấn luyện viên, nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo,...
Đáng chú ý, liên quan đến vấn đề tài chính, thể thao Việt Nam chia làm các giai đoạn với từng mức kinh phí khác nhau.
Cụ thể, giai đoạn 2024-2026 cần mức kinh phí từ 800-850 tỉ đồng/năm để đầu tư, nâng cấp và hiện đại hoá cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật; xây dựng kế hoạch tuyển chọn vận động viên, huấn luyện viên chuẩn bị tham dự Olympic 2024, SEA Games 2025, ASIAD 2026.
Giai đoạn 2027-2030 cần mức kinh phí 850-900 tỉ đồng/năm nhằm tiếp tục triển khai kế hoạch tập huấn, thi đấu trong nước và quốc tế, chuẩn bị lực lượng dự Olympic 2028, ASIAD 2030 và SEA Games 2027, 2029.
Nguồn kinh phí trên được sẽ được huy động từ Ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn xã hội hoá (tài trợ, huy động hợp pháp khác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước).