Theo Daily Mail, ong mật phương Tây (Apis mellifera) có khả năng thích nghi đáng kể trong các môi trường khác nhau. Chúng có thể sống trong các rừng mưa nhiệt đới, khu vực có khí hậu khô cằn và thậm chí cả những vùng có mùa đông lạnh giá.
Nguồn gốc thực sự của ong mật phương Tây đã được tranh luận từ lâu. Để giải quyết bí ẩn này, các nhà nghiên cứu từ Đại học York, Toronto, Canada đã giải trình tự bộ gene của 251 con ong mật phương Tây - đại diện cho 18 trong số 27 phân loài khác nhau.
Nhóm nghiên cứu sau đó đã sử dụng dữ liệu này để tái tạo lại mô hình phân tán có khả năng xảy ra nhất đối với các dòng ong mật khác nhau và điểm xuất phát của chúng. Họ phát hiện, ong mật phương Tây có nguồn gốc từ Tây Á, thay vì Châu Phi.
Các nhà nghiên cứu tin rằng, loài ong ở Tây Á đã tách thành 7 dòng họ khác nhau và mở rộng độc lập sang cả Châu Phi và Châu Âu.
Nhà sinh vật học Amro Zayed từ Đại học York cho hay, ong mật phương Tây là một trong những loài thụ phấn quan trọng nhất thế giới, vì vậy, điều quan trọng là phải biết được nguồn gốc của chúng. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể hiểu được sự tiến hóa, di truyền và cách chúng thích nghi khi phát tán rộng rãi.
Nhóm nghiên cứu hy vọng kết quả nghiên cứu của họ sẽ có thể kết thúc cuộc tranh luận về nguồn gốc của loài ong mật phương Tây.
Các phát hiện của nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Science Advances.