Những người độc thân bị hỏi về việc khi nào họ sẽ kết hôn, những cặp vợ chồng mới cưới bị quan tâm về kế hoạch sinh con. Trẻ em cũng không hề vui vẻ hơn, chúng có áp lực về so sánh điểm số. Với người đã trưởng thành, câu hỏi họ đối mặt là về sự nghiệp và thu nhập. Và độ dày hay mỏng của lì xì phần nào trở thành thước đo phản ánh điều đó.
Vậy lì xì (hay hồng bao) nên là bao nhiêu? Ở độ tuổi nào, nếu một người vẫn độc thân thì không nên nhận lì xì để tránh khó xử? Nên làm gì khi việc lì xì khiến bạn gặp sức ép về tài chính?
Không bất ngờ khi nhiều người chọn du lịch nước ngoài thay vì trở về nhà dịp Tết Nguyên đán để tránh những vấn đề đau đầu này.
Theo cây viết của Straits Times, để phù hợp với thời đại, có lẽ cần phải đổi mới truyền thống lì xì.
Theo Clara Lock, có rất nhiều trang web hướng dẫn về tỉ giá thị trường lì xì. Ví dụ, website Seedly khuyến nghị lì xì từ 288-888 USD cho cha mẹ, ông bà, từ 58-288 USD cho anh chị em ruột và từ 20-28 USD cho anh chị em họ, cháu gái và cháu trai.
Đây là khoản tiền khá lớn. Đặc biệt là với những cặp vợ chồng trẻ mới mua nhà trong bối cảnh tình hình tài chính ảm đạm với nhiều cảnh báo về lạm phát, suy thoái kinh tế...
Tuy nhiên, bất kỳ ai từng dự tiệc cưới của người Trung Quốc và ở Châu Á nói chung sẽ hiểu rõ tầm quan trọng của lì xì, nhất là khi lì xì tượng trưng cho lời chúc phúc.
Theo văn hóa Trung Quốc, các cặp vợ chồng nên trao lì xì khi đã kết hôn vì đó là dấu hiệu của tuổi trưởng thành. Nhưng khi tuổi kết hôn ngày càng cao lên, điều này có lẽ không còn đúng nữa.
Báo cáo của Cục Thống kê Singapore năm 2021 cho hay, độ tuổi trung bình của lần kết hôn đầu tiên là 30,5 với nam và 29,1 với nữ, tăng so với 10 năm trước.
Bên cạnh đó, hôn nhân không phải là một lựa chọn với cộng đồng LGBTQ+ - khoảng 12% dân số, theo khảo sát năm 2022 của Ipsos.
Ngoài ra, còn có những người yêu nhau hàng chục năm nhưng không có ý định kết hôn và luôn đối mặt với những câu hỏi khó chịu về vấn đề này mỗi dịp Tết Nguyên đán.
J, 38 tuổi, có bạn trai 13 năm nhưng không kết hôn chia sẻ: “Tôi thực sự không thích nhận lì xì từ những người họ hàng lớn tuổi kèm câu nói: "Tôi hy vọng đây là năm cuối cùng tặng lì xì cho cháu"".
J tặng lì xì cho cha mẹ và những người họ hàng lớn tuổi chưa lập gia đình đã chăm sóc cô khi cô còn nhỏ, một thói quen mà cô bắt đầu từ 6 năm trước.
A, 35 tuổi, làm điều tương tự như một cách thể hiện sự tôn trọng. Cô đang trong mối quan hệ kéo dài 7 năm với một phụ nữ, mặc dù hầu hết những người thân đều coi cô là người độc thân. “Tôi bắt đầu làm việc này cách đây 5 năm khi tôi đã đi làm và họ xem tôi như một người trưởng thành” - cô nói.
Một cập nhật khác mà cây viết của Straits Times đưa ra là, không nên để người đã nghỉ hưu tiếp tục lì xì. Chú của cây viết này, ở độ tuổi 80, thông báo với gia đình khoảng 5 năm trước rằng sẽ ngừng lì xì. Một động thái được đánh giá là hợp lý.
Tuy vậy, cô cho rằng, nếu có những người đã về hưu giàu có muốn tiếp tục lì xì, chắc chắn người thân của họ cũng sẽ không từ chối.
Nhìn chung, Clara Lock nhấn mạnh, không cần lo ngại mất truyền thống mà hãy coi những cập nhật đó như cách làm mới, giống như các ngân hàng hiện khuyến khích mọi người dùng lì xì kỹ thuật số hoặc tiền cũ đã được xử lý sạch, thích hợp để lì xì thay vì dùng tiền mới hoàn toàn nhằm giảm lượng khí thải carbon.