Những món quà miễn phí - từ tiền đến vé xem phim - được chủ sử dụng lao động và chính quyền địa phương ở Trung Quốc đưa ra để thu hút người lao động ở lại đón Tết Nguyên đán trong bối cảnh nước này đẩy mạnh hoạt động kinh tế hậu COVID-19.
Theo truyền thống, hàng triệu người ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu di cư về quê trong kỳ nghỉ lễ lớn nhất trong năm, có thể kéo dài tới 15 ngày, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là ở các ngành sử dụng nhiều lao động như xây dựng và sản xuất.
Các nhà sử dụng lao động chia sẻ với Straits Times rằng, tình trạng thiếu lao động năm nay có thể sẽ nghiêm trọng hơn so với vài năm trước khi nhiều người muốn trở về quê ngay bởi không còn quy định nghiêm ngặt về COVID-19.
Khoảng 2,1 tỉ lượt hành khách ở Trung Quốc dự kiến di chuyển trong đợt cao điểm đi lại kéo dài 40 ngày trong dịp Tết Nguyên đán - hay còn gọi là Xuân vận, cuộc di cư thường niên lớn nhất trên thế giới - bắt đầu vào ngày 7.1. Tết Nguyên đán chính thức bắt đầu từ ngày 21.1.
Những dự báo chính thức nhận thấy, số chuyến đi trong năm 2023 dự kiến tăng gấp đôi so với năm 2022. Lúc cao điểm, khoảng 3 tỉ chuyến đi - tương đương với toàn bộ dân số Trung Quốc di chuyển 2 lần - đã được thực hiện mỗi năm.
Lu Yao, chủ nhà máy sản xuất kính cửa sổ ở Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, nhận thấy lao động đề nghị được về nhà trong dịp Tết Nguyên đán năm nay tăng 40% so với năm 2022.
“Hầu như tất cả công nhân đều muốn về nhà dù tôi đã cung cấp chỗ ở miễn phí và một bao lì xì tương đương 60% tiền lương hàng tháng nếu họ ở lại" - ông Lu nói.
Chủ nhà máy này lo ngại công nhân về quê sẽ chậm trở lại làm việc như từng có tiền lệ khiến hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng. "Có rất nhiều việc làm ở các nhà máy nên công nhân có thể dễ dàng tìm việc khác nếu nghỉ" - ông chỉ ra.
Một chủ doanh nghiệp khác, bà Liang, người điều hành một chuỗi nhà hàng vịt quay ở Bắc Kinh, cho nhân viên sắp xếp ngày nghỉ lễ luân phiên để các nhà hàng duy trì hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán.
“Tôi thường không mở hàng trong dịp Tết Nguyên đán nhưng năm nay đặc biệt vì là kỳ nghỉ lễ lớn đầu tiên sau khi Trung Quốc quyết định sống chung với COVID-19. Tất cả các doanh nghiệp đều muốn kiếm tiền nhiều hơn nếu có thể" - bà nói.
Nhóm nhân viên đầu tiên sẽ về nhà từ ngày 18-25.1, trong khi nhóm thứ hai sẽ về từ 25.1-1.2.
“Không thể nói với nhân viên là "không thể về nhà". Tất cả chúng ta đều là con người và hiểu mong muốn được ở bên gia đình trong ngày lễ quan trọng này, đặc biệt là dịp lễ quan trọng như năm nay" - bà Liang nhấn mạnh.
Nhân viên của bà có thể kiếm thêm được 50% thu nhập mỗi ngày nếu về quê muộn hơn, trong khi những người về nhà sớm hơn sẽ nhận được thêm 30% mỗi ngày khi trở lại làm việc.
Bà Liang cho biết thêm, những người chọn không về nhà cũng được đãi ngộ tốt, thêm 50% tiền lương mỗi ngày trong 7 ngày đầu tiên và thêm 30% cho những ngày tiếp theo.
Chính quyền địa phương ở Trung Quốc cũng vào cuộc. Tô Châu, thành phố lớn nhất ở tỉnh Giang Tô, đề nghị cung cấp cho nhân viên giao hàng tại một số nền tảng thương mại điện tử tới 50 nhân dân tệ (7,44 USD) một ngày và 500 nhân dân tệ (74,44 USD) một ngày cho những nhân viên không phải quê ở Tô Châu nhưng đang làm việc tại “các doanh nghiệp chủ chốt”, theo truyền thông địa phương.
Tại trung tâm tài chính Thượng Hải, những người lao động trong ngành du lịch văn hóa có thể nhận được vé xem phim miễn phí và vé vào cửa các điểm tham quan nếu không về quê dịp Tết Nguyên đán. Những người làm việc trong lĩnh vực xây dựng đang làm việc tại các dự án trọng điểm có thể nhận thêm 100 nhân dân tệ (14,89 USD) mỗi ngày để đảm bảo 80% lực lượng lao động tiếp tục làm việc trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán.