Vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại nhiều địa phương trên cả nước lại đang tái diễn tình trạng cạn kiệt. Tại Hà Nội, nhiều loại vaccine đã hết từ tháng 9, tháng 10.2023; vaccine 5 trong 1 chỉ còn cầm cự được đến tháng 12.
Tuy nhiên hết, cạn kiệt là trong hệ thống y tế công, chứ vaccine dịch vụ vẫn không thiếu loại nào. Và nhiều cơ sở tiêm chủng đã khuyên bố mẹ trả tiền cho con tiêm dịch vụ để đảm bảo sức khỏe, không bỏ sót mũi tiêm nhắc lại.
Trao đổi với Lao Động, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) lý giải hiện tượng này ở góc độ chủ quan đồng thời cũng là gốc rễ của vấn đề.
Là chúng ta có khuynh hướng cái gì cũng đấu thầu, mà Luật Đấu thầu hiện nay đã và đang “bó tay bó chân” ngành y tế từ thủ tục, quy định, quy trình cho đến việc sợ sai, sợ bị xử lý nếu làm sai…
Trong khi thực tế đã cho thấy, đấu thầu vẫn có thể có những kẽ hở để lọt tiêu cực. Với đặc thù ngành Y tế, đấu thầu càng tốn công sức, tốn thời gian nhưng hiệu quả lại thấp, hệ lụy thì toàn dân phải chịu như đã và đang thấy.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho biết thời gian qua trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu đã tranh luận rất nhiều về đấu thầu, nhưng hầu như không có gì khác biệt cho y tế.
“Không có gì khác biệt”, dẫn đến việc năm 2022, chúng ta đã thực hiện đấu thầu vaccine không được, kể cả có sự tham gia của Bộ Y tế. Đến năm 2023, chuyển nguồn đấu thầu vaccine và đưa về cho địa phương thực hiện. Kết quả vẫn là không được.
Và đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhận xét: Rõ ràng, chúng ta chưa có thay đổi trong tư duy “cái gì khó là đẩy cho cấp dưới làm dù rằng đã biết trước là làm không được”.
Bộ Y tế đứng ra đại diện đấu thầu vaccine tập trung toàn quốc gia (như đang làm với một số nhóm thuốc đặc biệt), sau đó phân bổ về cho các địa phương và chi trả bằng ngân sách địa phương với tư duy tiền của ai cũng là tiền - là một trong những đề xuất, gợi mở có tính khả thi của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan để giải quyết khó khăn trước mắt.
Song dù có thay đổi cơ chế hay quy trình như thế nào thì vấn đề mấu chốt vẫn nằm ở chỗ chất lượng và thái độ của từng con người cụ thể trong khi xử lý công việc.
Khó khăn, không chỉ với vaccine mà còn ở nhiều lĩnh vực khác nữa, sẽ rất khó để giải quyết nếu vẫn còn những con người - nói như đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - là “ai cũng không muốn nhận trách nhiệm về mình, để không bị xử lý. Nhưng còn mục tiêu cuối cùng là phục vụ người dân thì lại bỏ mặc”…