Bệnh nhân, bác sĩ khổ vì quá tải
Theo thống kê của phòng Kế toán tổng hợp - Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, 10 tháng của năm 2023, bệnh viện này tiếp nhận hơn 14.790 ca khám ngoại trú; hơn 3.580 ca điều trị nội trú mắc tay chân miệng, trong đó hơn 430 ca mắc tay chân miệng nặng.
Tại khoa Nhiễm, có 140 giường bệnh cố định, vì vậy khi tiếp nhận quá nhiều bệnh nhi, Ban giám đốc bệnh viện buộc phải chi viện thêm bác sĩ, kê thêm 70 giường để đảm bảo công tác điều trị.
Từ cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm nay, lượng bệnh nhân tăng lên gấp 3 lần so với tháng 5, đỉnh điểm có ngày khoa Nhiễm phải điều trị cho hơn 300 bệnh nhi. Biên chế ở mức cho phép nên đội ngũ y bác sĩ chia nhau ra gồng gánh và thậm chí 1-2 tháng nay các bác sĩ, điều dưỡng không nghỉ phép để túc trực và kiểm soát bệnh nhân có dấu hiệu chuyển độ.
Tương tự, tại Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, do chỉ có 1 máy xạ trị Cobalt 60 nên trung bình mỗi ngày chỉ có thể xạ trị được từ 90 - 100 bệnh nhân. Trong khi số lượng bệnh nhân chờ được xạ trị khoảng 200 người bệnh, thậm chí có khi lên đến 300 - 400 người.
Do đó, khoảng 2 năm nay, các y bác sĩ, nhân viên y tế, kỹ thuật viên tại khoa Điều trị tia xạ phải tăng cường làm việc 4 ca, kể cả ca đêm từ 23h đến 5h sáng, đồng thời làm thêm ngày thứ Bảy, Chủ nhật để giải quyết tình trạng quá tải.
Thuốc BHYT hết thầu
Trong khi đó, tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, thực trạng khám bệnh, cấp phát thuốc và kê đơn thuốc BHYT vẫn là nỗi trăn trở của bệnh nhân, bác sĩ. Ở thời điểm danh mục thuốc BHYT hết thầu, không đủ cung ứng cho các chuyên khoa, lãnh đạo bệnh viện gỡ khó bằng cách chuyển tuyến hoặc kê đơn toa thuốc ngoài BHYT nếu bệnh nhân đồng ý.
Bà Kim Phượng (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) than thở: “Tôi lâm bệnh, nhà gom góp mua BHYT nhưng mấy tháng nay cứ mỗi đợt lấy thuốc tôi phải mất thêm hơn 500.000 đồng”.
Vẫn chờ một giải pháp căn cơ
Về tình trạng quá tải bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Phạm Phú Trường Giang lấy ví dụ: Hiện tại, về cơ cấu giường bệnh, tại Khoa sốt xuất huyết của Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ là 60-80 giường, trong khi đỉnh điểm dịch, con số tiếp nhận điều trị lên đến gần 400 bệnh nhi. Chính điều này buộc bệnh viện phải linh động, chuyển sang các khoa phòng khác để mở rộng điều trị, đến khi bệnh dịch lui thì bệnh viện sẽ trả về hiện trạng ban đầu để duy trì.
Ngoài ra, Bệnh viện còn tiếp nhận bệnh nhân từ các tỉnh lân cận. Hiện tại, Cần Thơ bị quá tải một phần là do tuyến trên quá tải, không phải chỉ bệnh nhân ở Cần Thơ tăng cao.
“Nếu cơ chế điều tiết thuốc từ các bệnh viện linh hoạt, tức bệnh viện thừa thuốc sẽ chuyển sang cho bệnh viện thiếu thuốc, sẽ phần nào giảm áp lực trong điều trị” - ông Giang đề xuất.
Liên quan đến tình trạng nhiều bệnh nhân trên địa bàn thành phố có tham gia BHYT nhưng phải mua thuốc ngoài, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Việt Nga cho biết, nhiều bất cập trong quy định đấu thầu dẫn đến một số bệnh viện không cung cấp đủ thuốc cho người bệnh, phần nào ảnh hưởng việc đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT.
“Do người bệnh hoặc bác sĩ chỉ chọn lựa một loại thuốc do một công ty nào đó sản xuất nhưng mặt hàng này lại không trúng thầu. Trong khi cũng loại thuốc đó, công ty khác sản xuất trúng thầu thì bác sĩ hoặc người bệnh không dùng. Đối với vấn đề này, ngành y tế tăng cường nhắc nhở các bác sĩ phải tư vấn cho người bệnh đầy đủ hơn" - bà Nga chia sẻ.
Hiện nay, việc mua thuốc phục vụ điều trị tại các bệnh viện công lập được thực hiện bằng hình thức đấu thầu. Hầu hết các thuốc điều trị các bệnh lý phổ biến khác đều đáp ứng được nhu cầu điều trị bệnh nhân. Ngoại trừ một số ít trường hợp các bệnh lý chuyên sâu (thuốc đặc trị sốt xuất huyết, tay chân miệng, ung thư...) sẽ rất khó tìm nhà cung cấp trong công tác mua sắm.