Phóng sự dự thi:

Võ Tòng Xuân - người “gieo trồng” bất tận

Lâm Điền |

Sau hơn 50 năm hiến tuổi xuân vào vùng “khỉ ho, cò gáy” giúp nông dân đẩy lùi phèn mặn, đánh thắng giặc sâu, rầy… thậm chí có lúc đánh đổi cả sinh mạng chính trị để “cởi trói” cho đồng đất, tăng lợi tức cho nông dân, giờ đây đã vượt ngưỡng “xưa nay hiếm”, GS-TS, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Võ Tòng Xuân lại mang gia tài cả đời dành dụm để thực hiện cuộc dấn thân mới: Giúp con em những người nông dân “một nắng hai sương” có cơ hội vào học trường chất lượng cao. Cuộc đời ông như cuộc gieo trồng bất tận cho những cánh rừng ấm no, hạnh phúc…
Dốc lòng cho đồng đất
Hẹn gặp Anh hùng Lao động Võ Tòng Xuân rất khó bởi lúc nào ông cũng có việc đột xuất: Lúc thì lên Tây Ninh hỗ trợ chương trình mía đường, lúc bay ra Phú Quốc (Kiên Giang) tư vấn cho Trung tâm Dịch vụ chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp Phú Quốc với vai trò cố vấn... Chộp được ông ở quê nhà Ba Chúc (Tri Tôn - An Giang) thì cuộc trò chuyện liên tục bị ngắt quãng vì bà con ở xứ Ba Chúc đến nhờ “chú Ba” tư vấn về cây trồng và ai cũng được ông hướng dẫn tận tình. Võ Tòng Xuân là thế đó, thậm chí còn hơn thế nữa, nếu nhìn ngược lại chặng đường hơn 50 năm dấn thân vì sự nghiệp cây trồng của nhà nông học này...
Năm 1971, giữa lúc sự nghiệp đang thăng tiến tại Viện Lúa quốc tế (IRRI) với mức lương hàng ngàn USD mỗi tháng và môi trường làm việc tân tiến, ông lại khăn gói về Việt Nam với mức lương còm cõi và đối mặt với bom đạn chiến tranh chỉ vì muốn đào tạo đội ngũ kỹ sư nông nghiệp cho quê nhà theo lời mời của Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ lúc bấy giờ. Ông kể: “Ấn tượng lớn nhất của tôi sau những năm đầu về nước là việc đóng cửa trường đại học, đưa toàn bộ sinh viên đi chống giặc rầy toàn vùng ĐBSCL”. Rồi “đến vụ đông xuân 1977-1978, tôi đề xuất và trực tiếp tổ chức huấn luyện cấp tốc 3 kỹ năng cơ bản cho toàn bộ sinh viên: Làm mạ, làm đất và cấy 1 tép mạ/bụi, sau đó “đóng cửa trường”, xuống địa bàn giúp dân chống rầy bằng cách nhân nhanh giống kháng”. Ông nhớ lại: “Bây giờ, nghe thấy nhẹ nhàng, nhưng thời điểm đó rất “căng”. Không chỉ tìm cách thuyết phục lãnh đạo trường chấp nhận việc làm chưa có tiền lệ, chúng tôi còn vấp phải phản ứng gay gắt của nhiều địa phương”.
Đã hơn 1/3 thế kỷ, nhưng ông vẫn nhớ như in lần thân chinh xuống tận Bến Tre, địa phương có diện tích cháy rầy lớn nhất vùng ĐBSCL, để thuyết phục địa phương và động viên nhóm sinh viên nhẫn nhịn sự thoái hoá của một vài cán bộ để bám trụ giúp nông dân. Có lẽ do lần đầu nghe thấy kỹ thuật cấy lúa 1 tép/bụi nên lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện Chợ Lách đã nói “toạc móng heo” khi nhóm sinh viên vừa tiếp cận: “Làm kiểu này không đủ lúa cho cua kẹp chớ ở đó mà khoa với học...”.
Sẵn sàng đánh đổi sinh mạng…
Sau lần giúp nông dân ĐBSCL thắng giặc rầy, ông tiếp tục có nhiều công trình khác mà sau này được đúc kết là: Đặt nền móng quan trọng cho hạt gạo Việt Nam lập “kỳ tích của thế giới”: Chỉ trong thời gian ngắn, từ nước thiếu đói đã “lột xác” thành cường quốc xuất khẩu gạo. Sau khi truyền cho nông dân cách trồng lúa đạt năng suất cao, ông lại ray rứt khi chứng kiến nhiều nơi, nông dân vẫn thiếu ăn... vì chính sách nông nghiệp lạc hậu. Vì vậy năm 1979 ông đã âm thầm bày kế “xé rào” và được Tập đoàn sản xuất số 9, ấp Lung Đen, xã Kế An (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) tin tưởng hưởng ứng cơ chế mới: “Khoán sản phẩm” thay cho cơ chế “tập thể” trước đó. Chỉ ngay vụ đầu, các tập đoàn viên đã được vụ mùa bội thu, bồ đầy lúa...
Từ thực tế này, ngoài việc đúc kết thành bài viết trên báo “Tin Sáng”, ngày 2.9.1980 ông còn “bật mí” và mạnh dạn đề xuất “đổi mới”, cởi trói cho đồng đất ngay trong chương trình “Kỹ thuật nông nghiệp” phát thường xuyên hằng tuần do chính ông đề xuất và trực tiếp viết kịch bản kiêm đóng kịch trên sóng truyền hình của Uỷ ban Phát thanh - Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình TPHCM và Cần Thơ. Sau buổi phát sóng, trong khi nông dân cả nước xôn xao, tràn đầy hy vọng về luồng gió mới..., thì ở Cần Thơ, ông lại lặng lẽ một mình ngụp lặn trong biển ám ảnh tù - tội, vì nghi án... “mô hình phản động”, đi ngược lại chỉ đạo của trung ương.
“Một ngày sau khi báo, đài phát chương trình, anh Hai Chung (Võ Văn Chung), một nông dân có nhiều năm hợp tác với tôi, từ Tiền Giang hớt hải đón xe đò qua Cần Thơ mật báo: Lãnh đạo tỉnh bảo tôi không được tiếp xúc với chú Ba nữa vì chú đã phạm trọng tội với trung ương. Thậm chí anh Chung còn khuyên tôi nên bỏ trốn để đảm bảo an toàn tính mạng. Thật lòng lúc đầu tôi rất lo, lo cho mình thì ít, vì làm cho dân, nếu có bề gì cũng đáng, chỉ lo cho gia đình và mấy anh lãnh đạo báo đài vì mình mà vạ lây thì thật tiếc”. May thay, tại phiên họp tháng 4.1981, BCHTƯ Đảng đã đồng tình với cách làm “khoán sản phẩm” và cụ thể hoá bằng chỉ thị 100, mà sau này chúng ta quen gọi là khoán 100. Với thành tích xuất sắc đó năm 1985, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Bán nhà làm giáo dục
Không quyết liệt đấu tranh vì sự nghiệp và quyền lợi của nông dân, Võ Tòng Xuân còn dốc hết tâm huyết đào tạo hàng ngàn kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ nông nghiệp để mở rộng phạm vi phục vụ sự nghiệp gieo trồng. Với những thành tích xuất sắc đó, ông được Nhà nước phong tặng trực tiếp học hàm giáo sư khi vừa qua tuổi 40 và 20 năm sau ông tiếp tục được phong tặng danh hiệu cao quý: “Nhà giáo Nhân dân”.Thế rồi khi bước vào ngưỡng “xưa nay hiếm”, ông lại mang gia tài đời người để đầu tư cho nông dân thế hệ mới.
Những ngày làm Hiệu trưởng ĐH An Giang, có điều kiện đi sâu vào lĩnh vực quản lý giáo dục, ông đã cay đắng phát hiện: Cỗ xe đổi mới giáo dục Việt Nam chưa thể tăng tốc vì học sinh bị mất căn bản từ gốc, nhất là ngoại ngữ, chìa khoá mở cửa thành công thời hội nhập. Từ phát hiện này, ông đã “vào cuộc” bằng cách xuất tiền túi đầu tư cho một giáo viên có cùng tâm huyết ra nước ngoài học chuyên ngành về giáo dục mầm non... Năm 2009, ông chính thức cho ra đời Trường Song ngữ Tinh Hoa theo tiêu chuẩn quốc tế gồm 4 cấp liên hoàn với khát vọng tạo điều kiện cho con, cháu của “Hai lúa” có điều kiện tiếp cận hệ thống giáo dục chất lượng quốc tế với giá Việt Nam.
“Lúc đầu dự kiến sẽ vay vốn xây trường theo dự án giáo dục, nhưng sau khi thẩm định, phía ngân hàng đã từ chối vì mức thu học phí của trường quá thấp, và đề nghị nâng giá học phí để được xem xét” - ông nhớ lại. Bị thay đổi kế hoạch cho vay vào phút 89, không còn cách nào khác, ông phải bán căn nhà kỷ niệm tại Cần Thơ để lấy vốn xây trường. “Đây có lẽ là quyết định khó nhất trong đời tôi, nhưng nếu không làm ngay thì thầy sợ “hết giờ” - ông quyết tâm. Nhưng đó chỉ mới là khó khăn bước đầu. Trường xây xong, nhiều gia đình nông dân chưa quen với việc đóng tiền cho con em học phổ thông do đã quen với chính sách miễn phí của trường công. Kết quả là thu không đủ bù chi. Thế là hằng tháng ông phải gom góp các khoản thu nhập để bù đắp vào. Và để có đủ khoản tiền hàng chục triệu đồng mỗi tháng, ông phải nhận lời thỉnh giảng, làm cố vấn nhiều chương trình nông nghiệp khắp nơi trong và ngoài nước.
Phải đầu tắt, mặt tối ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng tuyệt nhiên ông không có một lời kêu than. Nhiều hôm đột xuất ghé thăm, tận mắt chứng kiến ông ăn trưa với món bún chan nước tương và vài miếng đậu hũ chiên, tôi chợt hiểu ra đằng sau sự im lặng ấy là cả biển kềm nén và càng khâm phục hơn sự hy sinh thầm lặng mà ông vun đắp cho nông dân, cho những cánh rừng ấm no, hạnh phúc bền vững trong tương lai.

Lời bình:
Một bản "tóm tắt thành tích hàm súc" về một con người tuyệt vời. Chỉ có điều những thông tin về nhà nông học nổi tiếng này chẳng có gì mới nữa. Không mới không phải vì đời sống nhân vật không mới mà là vì tác giả đã không trình ra được những khoảnh khắc chớp sáng hoặc những chi tiết có sức găm mà người đọc chưa từng được thấy. Ngoài tuổi bảy mươi, sức khỏe người anh hùng của nông dân Nam Bộ giờ đây ra sao nhỉ? Ông có bị chứng tê thấp do dầm nước nhiều hoặc giả một thứ tật bệnh nào đó của nông dân vùng sông nước?Tại sao chúng ta lại không được biết nhỉ, mà nếu biết có phải hình hài nhân vật càng rõ nét hơn không?
Còn như chi tiết cuối cùng trong bài viết, tác giả kể chuyện bắt gặp nhân vật của mình ăn bún với tương và đậu phụ rán mà bảo rằng: "Đó là cả một bể kềm nén... và sự hy sinh thầm lặng" thì thật không ổn tí nào. Nhỡ bác ấy cao tuổi, bác ấy sợ máu nhiễm mỡ, sợ tiểu đường nên cố tình ăn đạm bạc như thế thì sao!
Nhà báo Ngô Mai Phong

 

 
Lâm Điền
TIN LIÊN QUAN

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Hà Nội: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước ngày thông xe

Tô Thế |

Hà Nội - Theo dự kiến, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sẽ chính thức thông xe vào sáng 17.1.2023 sau hơn 20 năm triển khai.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Khách Trung Quốc đổ xô đặt tour nước ngoài dịp Tết Nguyên đán

Thúy Ngọc |

Dịp Tết Nguyên đán, yêu cầu đặt tour dịch vụ du lịch của khách Trung Quốc đến khu vực Đông Nam Á tăng 1026% so với cùng kỳ năm ngoái.

Biếu Tết nhà nội, nhà ngoại bao nhiêu là đủ?

ANH THƯ |

Dịp cuối năm, nhiều gia đình lại "đau đầu" suy nghĩ biếu Tết bên nội, bên ngoại ra sao cho phù hợp, tỏ lòng hiếu thảo với bậc sinh thành.