Vân Phong hỗn loạn theo những cơn “sốt” đất

HOÀNG VĂN MINH - NHIỆT BĂNG |

“Chuyện chung xong rồi, chừ mình bàn chuyện riêng nhé. Mấy chú có muốn mua đất thì liên hệ với anh qua điện thoại, anh giới thiệu cho…”.

Ông Nguyễn Thành Trung - Trưởng thôn Xuân Đừng (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) - làm chúng tôi “choáng váng”. Bởi không thể tin là đã “trốn” vào tận xó biển cùng trời cuối đất của vịnh Vân Phong, chúng tôi vẫn không được “cò đất” buông tha. 

Nhà nhà bán đất, người người buôn đất

“Muốn biết tình hình mua bán đất đai ở Khánh Hòa sôi động thế nào, sáng sớm, cứ ra bộ phận một cửa của tỉnh, sẽ rõ” - một “thổ địa” mách nước khi nghe chúng tôi dò hỏi chuyện đất đai mua bán.

Và đúng như lời “thổ địa”, chúng tôi không tin được khi mới 7h sáng, nhưng trước mắt mình là 1 đoàn người xếp hàng nối đuôi nhau dài hút tầm mắt. Tất cả đều chờ tới phiên mình để được làm các thủ tục mua bán đất.

“Tui sống ở thành phố này đã ngót 40 năm, nhưng chưa bao giờ thấy cảnh nhà nhà, người người mua bán đất đai sôi động như thế này” - một phụ nữ đến từ xã Phước Đồng (Nha Trang) vừa tách hàng vì quá mệt - nói.

Nhưng như vậy vẫn chưa choáng bằng lúc chúng tôi có mặt tại thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh), cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 70km vào tối cùng ngày. Thị trấn miền biển bé xíu, nhưng ập vào mắt là nhan nhản những điểm ký gửi, văn phòng giao dịch đất đai kèm dòng chữ “đất đặc khu vịnh Vân Phong”. Bất ngờ hơn nữa là cả thị trấn có tầm chục nhà nghỉ, nhưng đến đâu chúng tôi cũng nhận được những cái lắc đầu “hết phòng”.

“Đây là điều chưa từng xảy ra ở thị trấn này kể từ khi tui mở nhà nghỉ” - chủ nhà nghỉ duy nhất ở Vạn Giã thương tình “nhét” chúng tôi vào 1 phòng chuyên dụng chứa đồ ở gần nhà bếp để chúng tôi qua đêm - nói.

“Vậy sao bây giờ lại có chuyện hết phòng?”. “Là do mấy tháng gần đây, ngoài miền Bắc người ta đổ xô vào đây để săn lùng mua đất. Có nhiều người họ trả tiền phòng luôn cả tháng chứ không qua đêm như mấy anh”.

Đúng như lời bà chủ, trong nhà nghỉ này, giọng Trung bản địa như chúng tôi là thiểu số. Và phòng nào cũng chen chúc 5-6 người nói giọng “đa số” từ miền Bắc. Rời nhà nghỉ ra ngoài thị trấn, những tưởng sẽ thoát khỏi những âm thanh của đất cát nhưng không phải. Bởi không những chúng tôi mà ngay cả người bản địa cũng bỗng dưng thành số ít ở trong các quán ăn và cà phê.

Và đến đâu chúng tôi cũng nghe những lời than vãn của 1 ngày mua bán không thành; những ánh mắt có phần lấm lét, những mái đầu chụm vào nhau thì thầm ủ mưu cho 1 thương vụ mới.

Sáng, chúng tôi chủ ý tìm 1 quán cà phê xa thị trấn để ngắm biển nhưng “đất cát” vẫn không chịu buông tha. Vừa đặt mông xuống ghế, chưa kịp gọi cà phê đã thấy 3 bên 4 bề, hầu hết là người địa phương quay lại cười thân quen rồi đi ngay vào vấn đề: “Hai anh đi mua đất à? Mua ở Vạn Phú không, tôi chỉ cho. Trên đó tầm 4-5 triệu/m2. Giá đó là phải chăng đấy. Cách đây mấy hôm, người dân trên đó bán được vài miếng đất rồi” - người ngồi cạnh cò cẩm.

Chúng tôi ngỏ ý muốn mua đất ở ven biển thì người này nói toạc: “Ở đây làm gì còn đất mà mua. Người miền Bắc họ ôm hết từ lâu rồi, giờ phải đi xa mới mong còn đất”. Chuyện với người này chưa dứt thì 1 người dân khác vừa hớp ngụm cà phê vừa “câu” tiếp: “Có mảnh đất tầm 80m2... Mấy anh đi không, tôi dắt lên đó xem..”.

Giờ thì ở Vạn Giã và các vùng phụ cận quanh vịnh Vân Phong, bất kỳ người dân bình thường nào sau 1 đêm ngủ dậy cũng có thể thành môi giới đất chuyên nghiệp. “Việc này không khó và kiếm tiền lại dễ” - ông N.V.T (trú xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh) - nói. Cách đây vài tháng, có người hỏi ông T có đất bán không.

“Chỉ có mỗi cái nhà để ở, bán rồi ở đâu” - ông T nghĩ. Nhưng không thể bỏ lỡ cơ hội kiếm lời, ông T lân la hỏi han xóm giềng, bắt đầu dắt khách. “Cứ 1 mảnh bán được cho người Hà Nội, người bán và người mua đều cho tôi 1 khoảng tiền lớn, có khi bằng làm cả năm” - ông T hồ hởi khoe.

Tại thị trấn Vạn Giã (Vạn Ninh), đâu đâu cũng thấy treo bảng giao dịch đất như thế này.
Tại thị trấn Vạn Giã (Vạn Ninh), đâu đâu cũng thấy treo bảng giao dịch đất như thế này.

Những “cơn sốt” của lòng tham

Ở TP.Nha Trang và phụ cận, “sốt” đất từ đầu năm 2017 đến nay, một phần đến từ việc đầu tư, đầu cơ và thao túng của nhiều người nước ngoài thông qua sự đứng tên của các hướng dẫn viên du lịch bằng hợp đồng dân sự như Lao Động mới đây đã đề cập.

Người nước ngoài, phần lớn là Trung Quốc, không chỉ nắm hầu hết mọi cơ sở kinh doanh ở Nha Trang để chuyên phục vụ lại cho người nước ngoài dưới hình thức “chăn dắt”, “cơm tù”… theo như thừa nhận của đại tá Trần Ái Nghĩa - Trưởng phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Khánh Hòa - với báo giới từ năm 2016.

Mà bây giờ còn tiến xa hơn 1 bước nữa bằng hình thức sở hữu đất đai trái phép, thậm chí cả những căn hộ đang gặp vấn đề về pháp lý. “Chúng tôi hô bao nhiêu họ mua bấy nhiêu” - một chủ đất từng được người nước ngoài đến trả giá cho biết.

Ở huyện Vạn Ninh, bắt đầu là thông tin vịnh Vân Phong được Chính phủ quy hoạch thành đặc khu kinh tế từ những ngày cuối năm 2017. Lập tức, thị trường bất động sản ở đây bị “nóng sốt” và trở thành điểm đến của rất nhiều nhà đầu tư từ quy mô đến nhỏ lẻ ở khắp mọi miền đất nước, nhưng nhiều nhất vẫn là từ miền Bắc.

Và đến thời điểm này, “sốt” đất ở vịnh Vân Phong vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Giá đất được “đội” lên hàng chục lần khiến người dân không chỉ bán đất mình có mà còn “cạo” trọc núi non, lấp luôn cả kế sinh nhai hàng ngày để bán bằng mọi giá!.

Ông Trần Đình Quý - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản tỉnh Khánh Hòa - nói rằng, đó là “những cơn sốt của lòng tham”. Ông bảo “sốt” ở vịnh Vân Phong, thực chất là do các nhóm “cò đất” tự đẩy giá lên theo “ván cờ” mà họ xây dựng: Người trước lôi kéo người sau mua lại để ăn chênh lệch! Nó xuất phát từ chính lòng tham vô đáy và thói làm ăn cơ hội của những kẻ mông muội.

Theo ông Quý, trong “ván cờ” chạy đua chiếm hữu đất vùng đặc khu, hệ lụy của nó sẽ khôn lường và khó giải quyết. Bởi, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất quá nhiều, cho phép phân lô vô tội vạ, thì tất yếu nhà nước phải mất nhiều tiền bạc và vất vả trong giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư sau này.

Đó là chưa kể, khiếu kiện, khiếu nại làm kéo dài, phức tạp thêm công tác giải tỏa, đền bù. Là chưa nói, cơn sốt đất có thể kích thích lòng tham, khơi dậy những việc làm sai trái từ đất đai của cán bộ sở tại. Là chưa nói, người dân, vì thấy lợi trước mắt đã sẵn sàng bán hết nhà cửa, đất đai để chuyển đi nơi khác ở với 1 đống tiền đúng nghĩa.

Nhưng hầu hết những người đang có tiền đống kia, ngoài không có nghề nghiệp ổn định thì kiến thức và sự hiểu biết về quản lý tài chính gần như bằng không, rồi họ sẽ sống ra sao với miệng ăn núi lở và những ham muốn xa hoa, phù phiếm để “trả thù” những tháng năm nghèo khó?

May là vẫn còn những người “bình tĩnh” trước đồng tiền, kiên quyết nói không với những mức giá hấp dẫn do “cò” đất đưa ra như ông N.H ở khu tái định cư Vĩnh Yên (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh). Dù “họ bám tôi đến ngủ mơ cũng mơ chuyện bán đất”. Ông nói, “tôi không giàu nhưng cuộc sống không đến nỗi túng thiếu. Vậy, tại sao tôi phải bán đất, nhà để đi nơi khác? Bây giờ mà bán đất thì tôi sẽ có 1 cục tiền lớn, nhưng rồi mai này cuộc sống của tôi, của các con sẽ ra sao khi hết tiền?”.

Hay như rất nhiều người Đàng Hạ - một tộc người bí ẩn mà chúng tôi gặp ở làng Xuân Đừng (xã Vạn Thạnh). Trái với ông trưởng thôn Nguyễn Thành Trung mà chúng tôi dẫn ở đầu bài, họ thờ ơ với mọi lời chèo kéo hàng tỉ, thậm chí hàng chục tỉ cùng những xôn xao mua bán của xóm giềng dù họ nghèo cụt cùi bởi “cũng chẳng có nhu cầu gì đặc biệt ngoài cơm ăn ngày 3 bữa” như lời 1 người dân.

Nhưng đáng tiếc, họ lại là… thiểu số như tình cảnh của chúng tôi hôm trước ở thị trấn Vạn Giã. Họ làm sao có đủ kinh nghiệm để chống chọi với số đông quanh mình và sẽ còn thơ ơ như thế được bao lâu với “cơn lốc” kiếm tiền đang bủa vây họ cả từ trong giấc ngủ?

Gần 40ha là diện tích đất bị lấn chiếm ở xã Vạn Thạnh

Thống kê mới nhất từ xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) cho biết, có gần 40ha diện tích đất ở địa phương này bị người dân lấn chiếm để phân lô bán nền. Ông Lê Bá Ninh - Phó GĐ Sở NNPTNT tỉnh Khánh Hòa - cho biết, những cá nhân, tổ chức vi phạm về lấn, chiếm đất; xây dựng trái phép ở vịnh Vân Phong đã được Tổ công tác liên ngành huyện Vạn Ninh ngăn chặn, lập biên bản và chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền của huyện xử lý theo pháp luật.

HOÀNG VĂN MINH - NHIỆT BĂNG
TIN LIÊN QUAN

"Sốt đất" Đặc khu KT Vân Phong tương lai: Tạm dừng tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Nhiệt Băng |

Ngày 7.5, ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tham mưu, dự thảo văn bản cho UBND tỉnh thực hiện việc này trước làn sóng "sốt" đất, lấn chiếm đất đai xảy ra rầm rộ ở Đặc khu kinh tế Vân Phong tương lai.

Phú Quốc: Tạm ngưng chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô, tách thửa

Thanh Mai |

Chiều 4.5, Văn phòng UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang) xác nhận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng đã ký Công văn số 223/UBND-KSTT chỉ đạo Phòng TNMT huyện Phú Quốc tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất phân lô, tách thửa có diện tích dưới 500m2 trên địa bàn.

Chính phủ yêu cầu ngăn chặn mua bán đất đai và xây dựng trái phép ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc

XQ |

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi, quản lý, bảo vệ rừng và quản lý, sử dụng đất nông nghiệp.

Khó khăn đổi tiền mới, lì xì online lên ngôi

Nhóm PV |

Thay vì mừng tuổi với những phong bao lì xì đỏ như mọi năm, thì năm nay, xu hướng lì xì online lại lên ngôi. Quả thật, với sự phát triển của công nghệ, việc lì xì ngày càng trở nên dễ dàng hơn dù chúng ta cách xa nhau hàng nghìn cây số.

Trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài: Dù ở đâu cũng luôn hướng về đất nước

Vương Trần |

Dù ở xa quê hương, làm việc ở nhiều nơi trên thế giới song những trí thức trẻ vẫn luôn một lòng hướng về quê hương, đất nước qua những hoạt động của mình. Tết đến, xuân về, những người con xa quê lại thổn thức hương vị Tết quê.

Dàn sao Việt check in tại đường hoa Nguyễn Huệ ngày đầu khai mạc

Di PY |

Ngày 19.1, Đường hoa tết Nguyễn Huệ chính thức khai mạc với hàng ngàn chậu hoa kiểng cùng những chú mèo đáng yêu chào đón du khách. Dàn sao Việt như Trần Mỹ Ngọc, Đoàn Minh Tài, Khắc Minh... đã tranh thủ đến check in, lưu giữ ảnh kỷ niệm.

Interactive: Bạn có phải fan cứng của Táo Quân suốt 20 năm?

Nhóm PV |

Táo Quân được nhiều khán giả coi là chương trình không thể thiếu mỗi đêm giao thừa. Trước khi Táo Quân 2023 lên sóng vào đêm 30 Tết, hãy cùng điểm lại một vài điều thú vị trong suốt 20 năm lên sóng của Táo Quân. Tham gia chương trình truyền hình tương tác của Báo Lao Động bằng cách theo dõi câu hỏi, bấm vào phương án trả lời mà bạn cho là đúng ngay trên màn hình video tương tác dưới đây.

Những địa điểm tâm linh cầu an đầu năm mới

Hải Nguyễn |

Vào dịp năm mới, người dân đi lễ chùa cầu an cho gia đình, người thân gặp nhiều may mắn, hạnh phúc. Đây là một nét đẹp văn hoá của người Việt. Ở Hà Nội những nơi như chùa Hương, chùa Trấn Quốc, Quán Sứ, phủ Tây Hồ luôn tấp nập du khách viếng thăm dịp đầu năm.

"Sốt đất" Đặc khu KT Vân Phong tương lai: Tạm dừng tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Nhiệt Băng |

Ngày 7.5, ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tham mưu, dự thảo văn bản cho UBND tỉnh thực hiện việc này trước làn sóng "sốt" đất, lấn chiếm đất đai xảy ra rầm rộ ở Đặc khu kinh tế Vân Phong tương lai.

Phú Quốc: Tạm ngưng chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô, tách thửa

Thanh Mai |

Chiều 4.5, Văn phòng UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang) xác nhận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng đã ký Công văn số 223/UBND-KSTT chỉ đạo Phòng TNMT huyện Phú Quốc tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất phân lô, tách thửa có diện tích dưới 500m2 trên địa bàn.

Chính phủ yêu cầu ngăn chặn mua bán đất đai và xây dựng trái phép ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc

XQ |

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi, quản lý, bảo vệ rừng và quản lý, sử dụng đất nông nghiệp.