Từng viên đá nhỏ lát nên con đường

Lâm Tuyền |

Khu trung tâm đang hình thành những con đường hoàn toàn lát đá - một nét mới của phố xá Sài Gòn. Tầm 12h trưa, nhóm công nhân ngồi cạnh cửa hàng Chloe, góc đường Lê Thánh Tôn - Nguyễn Huệ, dùng bữa xong, tản ra tìm chỗ ngủ. Năm, ba người lấy dép kê thành gối, hạ thẳng lưng xuống khoảng vỉa hè vừa lát xong. Người phụ nữ duy nhất trong nhóm xưng tên Diễm, cười nói với tôi: “Đời phụ hồ, ăn bụi ngủ bờ vậy đó”.

Những người lát đường

Diễm lấy tay áo quệt mồ hôi, xếp gọn cặp lồng cơm vào bọc xốp, lại cười: “Sáu, bảy năm nay, hồi nào tới giờ chỉ đi phụ hồ. Làm chỗ khác cũng lát đá, nhưng đá lát ở đây đẹp ghê, cắt miếng gọn gàng vuông vức. Tới đây cũng phụ hồ, bưng đá, chà ron. Làm luôn tay, đâu rảnh mà nhớ tính hôm nay mình bưng, xếp, chuyển được bao nhiêu viên đá. Công xá nơi khác 180.000 đồng/ngày, ở đây cao hơn chút - 200.000 đồng - lĩnh theo tuần”. “Sắp tết rồi, Diễm mong nhất điều gì?”. “Chừng vài tuần nữa xong việc ở đây. Chưa rõ sẽ làm đâu, còn phụ thuộc nhà thầu. Mong nhất là có việc đều đều, chớ thất nghiệp một tuần là lo trắng con mắt. Đã từng mất việc, nên hiểu lắm”. “Vợ chồng đưa con lên trung tâm Sài Gòn chơi nhiều chưa?”. “Ở Sài Gòn bao năm, ra làm đây mới biết có khu này đẹp vậy. Mỗi ngày đi làm về tối mắt lo cho con, hai gái, đứa học lớp 2, đứa 5 tuổi, con trai 14 tháng gửi nhà mẹ ruột ở bến xe Miền Đông, có biết đi chơi là gì? Điện thoại cà tèng, đâu có nối mạng mà biết nơi này rồi sẽ đẹp thế nào. Mai mốt con đường đẹp rồi, chắc cố đưa con lên chơi, chỉ cho nó coi mấy khúc đường cha mẹ nó từng góp tay làm. Nhưng trước mắt lo có tiền tiêu tết này đã…”.

Chồng Diễm tên là Hồng, làm chung tổ với vợ, người An Giang, thợ đóng đá. Hồng nằm vắt chân chữ ngũ trên miếng gỗ, lựa xem mấy tấm vé số để chọn mua, giọng nhát gừng “việc là chăng dây, đóng đá cho thẳng, chặt. Đếm chi ngày đóng được mấy viên. Lo làm cho tốt, làm xấu, sếp bắt dỡ đá ra đóng lại, mất công, bị la…”. Tôi cười: “Tết này có phim “Trúng số”, có Chí Tài, Dustin Nguyễn diễn hài kể chuyện có ông nghèo trúng số, đời đổi hẳn. Hồng nhớ đưa Diễm đi coi. Mà lỡ trúng số bạc tỉ, vợ chồng sẽ làm gì?”. Hồng cười toe, rồi lim dim mắt: “Có phim ông trúng số nhiều thiệt vậy hả? Tôi trúng số, sẽ mời anh em trong đội ăn bữa xả láng, rồi về quê, cất cái nhà cho ngon ở…”. Diễm âu yếm nhìn chồng: “Trúng số, ba tụi nhỏ đưa mẹ con tui đi chơi đây, nghe”.

Cách tổ Diễm, Hồng làm vài chục mét, vỉa hè đối diện, gần nơi trong ký ức người Sài Gòn từng là vòng xoay cây liễu, người đàn bà xưng tên Hiền mồ hôi nhễ nhại cầm vòi nước tưới cây đại rào rào. “Tui người Đồng Tháp, làm nhóc việc ở quê, cũng mần hồ riết, quen cực rồi. Hai vợ chồng lên đây chừng tháng nay, mần công cho thằng em làm thầu. Mần đủ việc...”. Cậu trai mặc áo phông sau lưng in hàng chữ “Fan Club Chợ Mới”, vừa nhổ râu, vừa thủng thẳng: “Tôi tên Nam, người An Giang, lên Sài Gòn lát đá hai tháng nay. Cả ngày làm, ăn, uống, ngủ, nghỉ ở đây hết. Ở quê cũng làm hồ, xây nhà cấp 4, dễ hơn lát đá đường phố. Mai mốt khu này đẹp rồi, nhất định lên đi coi cho đã mắt, để nhớ lại những ngày lát đá, những đêm đang ngủ thì mưa, chạy trối chết, cực thế nào. May giờ mùa khô rồi…”.

 

 Cô phụ hồ tên Diễm. Ảnh: Â.T

Chị Hiền chỉ người đàn ông ngồi phệt dưới đất, mặt rầu rĩ, liên tục hít ống chữa nghẹt mũi. “Chị hỏi chuyện Điệp nè. Đời nó buồn và cực hơn tụi tui nhiều lắm. Chị đưa hình, quay phim Điệp lên báo để vợ nó biết tìm về với nó hén…”. Tôi hỏi Điệp: “Sao không đăng báo nhắn tìm vợ?”, “Biết đăng sao? May bữa nay có chị hỏi chuyện. Chị đăng giùm tôi đầy đủ vầy: Chồng là Nguyễn Văn Điệp, 34 tuổi, người xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp; lên Sài Gòn được tháng rưỡi, làm phụ hồ ở đây để tìm vợ là Trần Thị Thúy An, 21 tuổi, người An Giang, bế con trai là Nguyễn Văn Du, 3 tuổi, bỏ nhà lên thành phố từ 29.5.2014 cùng cha mẹ vợ, hiện đang ở đâu?”. Mắt ngân ngấn nước, Điệp kể: “Tôi và An làm may ở ngã tư Bình Chuẩn. Cha mẹ đồng ý cho ở với nhau, không đám cưới. An đã có con riêng 6 tuổi. Với mức thu nhập công nhân may, hai đứa ở quê sống là tạm đủ, nhưng mẹ vợ muốn hai đứa sống khá hơn. Hôm 28.4.2014, tôi đi cắt lúa thuê kiếm thêm tiền đưa vợ. Đến ngày 29.5.2014, hay tin vợ ôm con bỏ nhà đi. Tôi về nhà trống hoác, nhớ con trai, mất ăn mất ngủ, đâm thành bệnh. Lên Sài Gòn làm thuê tìm vợ con. Thiệt là mỗi người mỗi phận sao…”.

Ngàn mét vuông đá lát kiểu Sài Gòn

Gần 13h, công nhân bắt đầu dậy, lục tục, chuyên chú việc của mình. Không một ai nhận ra hay bị “kinh động” bởi sự xuất hiện bất ngờ của ông Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM. Lặng lẽ, từ tốn, cùng người thư ký, ông Hải đi dọc đoạn đường Nguyễn Huệ, thi thoảng ghé cúi xem vài viên đá, ngó xuống mặt đường lát, dõi mắt nhìn toàn bộ con đường, dừng ở nơi mấy tháng trước còn là Thương xá Tax, quay qua hỏi han, trao đổi với người thư ký. Mấy chục ngày nữa là Tết Ất Mùi. Năm mới, “nhà cửa” - khu mặt tiền UBND TPHCM cần gấp rút dọn dẹp gọn gàng, khang trang, và hơn thế, toàn bộ khu trung tâm, tính từ trụ sở UBND thành phố chạy thẳng ra đường Tôn Đức Thắng - bến Bạch Đằng có quảng trường thành phố là công trình trọng điểm của TPHCM kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, phải hoàn thành trước tháng 4, nên ông Hải quan tâm nhiều cũng phải thôi.

Tôi nhìn xuống những mét vuông đường lát đá. Những phiến đá vuông vắn, như nhau, xám nghiêm cẩn, xếp đều đặt thành hàng và hơi… tẻ nhạt. Và tôi bỗng nhớ, mùa thu năm 2009, số phận mỉm cười mang lại cho tôi một món quà: Vì chuyến bay từ Varadero (Cuba) về nước bị chậm, tôi được rẽ ngang thành phố Frankfurt (Đức) một ngày, được thăm nơi Đại thi hào W.Goethe sinh ra. Sau chuyến du ngoạn chớp nhoáng 2 giờ đồng hồ, một trong những điểm tôi nhớ nhất về những con phố cổ khu trung tâm Frankfurt, đó là trên mặt đường lát đá ở quảng trường, những con phố cổ lát đá xám, thi thoảng bật lên một miếng đồng dập nổi hình quả táo vàng lấp lánh. 

Những quả táo cũng được đặt trên những chiếc cột đá loáng thoáng chạy thành hàng dọc ở một vài nơi. Anh hướng dẫn viên không giấu nổi tự hào: “Từ năm 2004, Frankfurt bắt đầu công việc thiết kế lại những quảng trường, khu phố cổ, lát đá những con đường theo bản nguyên gốc từ thế kỷ 19. Những miếng đồng có hình quả táo được gắn xuống mặt đường bởi vì táo, rượu vang táo (Apfelwein) là đặc sản danh tiếng cả ngàn năm nay của Frankfurt. Chúng tôi lát đường như vậy để nhắc công dân của mình nhớ đặc sản vùng mình và cũng để khoe, giới thiệu cùng du khách…”.

Không phải là bắt chước… “mù quáng”, nhưng kể ra cũng sẽ thú vị hơn đấy, giả thử nếu con đường lát đá đầu tiên này của Sài Gòn, cũng học cách khoe niềm tự hào “địa phương nhưng mang tầm quốc tế” như người Frankfurt? Thế thì hình tượng nào, cái gì sẽ được gắn cái để khoe với du khách nét đặc trưng Sài Gòn nhỉ? Và rồi tôi cũng bỗng nhớ lời khuyên của ông bạn già - nhà phê bình nghệ thuật, họa sĩ Nguyễn Quân - trong một bài viết trên báo Lao Động Cuối tuần - khi người Sài Gòn rất thương những hàng cổ thụ đâu đó trên những con phố, cứ thi thoảng lại bị chặt đi vài cây vì lý do phát triển, trong đó có những cây liễu xanh tươi ở vòng xoay đường Nguyễn Huệ. Ông Nguyễn Quân khuyên, khu trung tâm Sài Gòn, hãy dành nhiều chỗ cho cỏ xanh và cây xanh, gỗ từ những cái cây bị đốn hạ đó, đóng thành những chiếc ghế thật thanh lịch, mỗi chiếc ghế, đính kèm bảng nhỏ đề: “Gỗ làm ghế này là từ những cây liễu ở vòng xoay”. Ứng xử với một sự chu đáo, chút lãng mạn như vậy, hẳn sẽ làm mát lòng nhiều người Sài Gòn ưa hoài niệm…

Trong tổng thể toàn khu trung tâm, những con đường lát đá là phần nhỏ nhưng khiến người ta chú ý, bởi lần đầu tiên, cả Sài Gòn mới có một khoảng hàng chục ngàn mét vuông đường lát bằng đá như vậy. Có thể còn những điều gì đó chưa thật hài lòng của những đổi thay cảnh quan như vậy vì chưa quen mắt, không thích mắt, thậm chí thấy chướng mắt. Nhưng không thể chối bỏ một điều, trong dáng vẻ mới, Sài Gòn có những nét lạ và đáng yêu...

Lâm Tuyền
TIN LIÊN QUAN

Chú mèo của năm, nuôi ngược lại chủ

Minh Ánh - Hà Chi |

Chỉ bằng những clip Tiktok quay lại những hoạt động thường ngày, chú mèo Chi Thối này năm qua đã kiếm về hàng trăm triệu về cho chủ của mình.

NSND Tự Long nói về sự xuất hiện của NSND Công Lý ở Táo Quân 2023

Mi Lan |

NSND Công Lý xuất hiện ngắn gọn ở Táo Quân 2023 với 3 câu thoại ngắn.

Hà Nội bình yên, đẹp mơ màng trong sáng mùng 1 Tết

NHÓM PV |

Thời tiết Hà Nội vào sáng mùng 1 Tết Nguyên đán Quý Mão (tức 22.1) lạnh giá khiến người dân xuất hành du Xuân muộn hơn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nông sản góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia

Nhóm PV |

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, khi xuất khẩu hàng hoá ra thị trường quốc tế cần có những cách thức quảng bá thương hiệu quốc gia, ngược lại thương hiệu quốc gia sẽ góp phần định vị nông sản của Việt Nam.

Cộng đồng quốc tế tin tưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ

Trà My |

Năm 2023 đến với nhiều cơ hội và thách thức mới. Với đà tăng trưởng của năm 2022, kinh tế Việt Nam được cộng đồng các tổ chức quốc tế dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc.

Interactive: Sự tích bánh chưng bánh giầy ngày Tết vào đời Vua Hùng nào?

Nhóm PV |

Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm các gia đình quây quần đón Tết, cùng nấu các món ăn ngon. Có rất nhiều món ăn đặc trưng ngày Tết như bánh chưng, bánh giầy, dưa hành... vô cùng hấp dẫn. Tham gia trả lời các câu hỏi dưới đây của báo Lao Động để thử thách hiểu biết của bạn về các món ăn ngày Tết.

Tham gia chương trình truyền hình tương tác của Báo Lao Động bằng cách theo dõi câu hỏi, bấm vào phương án trả lời mà bạn cho là đúng ngay trên màn hình video tương tác dưới đây.

Dự báo thời tiết 22.1: Mùng 1 Tết Bắc Bộ mưa vài nơi, ngày nắng tăng nhiệt

AN AN |

Dự báo thời tiết hôm nay 22.1.2023, miền Bắc sáng sương mù có mưa nhỏ vài nơi, ngày nắng tăng nhiệt với nhiệt độ cao nhất khoảng 20 - 24 độ C. Đêm trời rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất 15-19 độ C.

Thiêng liêng khoảnh khắc ra đời của những thiên thần nhỏ đêm Giao thừa

Thùy Linh- Đức Mạnh |

Vào đúng thời khắc Giao thừa, những em bé đầu tiên của năm mới Quý Mão 2023 đã chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Khoảnh khắc những người mẹ được ôm vào lòng những thiên thần nhỏ mà mình đã "mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày" thật thiêng liêng, tràn đầy hạnh phúc.