Thương binh giả, thương binh thật

Hưng Thơ - Quang Đại |

Bộ LĐTBXH vừa có kết luận thanh tra, yêu cầu đình chỉ trợ cấp thương tật và truy thu tiền trợ cấp của 195 thương binh trên địa bàn Nghệ An, với lý do đây là những “thương binh giả”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, không ít trong số 195 “thương binh giả” này nhiều khả năng là “thương binh thật”. Và mới đây, hơn 20 “thương binh giả” ở TP.Vinh (tỉnh Nghệ An) đã đến cơ quan địa phương chất vấn; người khóc tức tưởi, người vạch áo chìa những vết thương “kỷ niệm” thời chiến để mong tìm được câu trả lời thỏa đáng.

Giả là giả thế nào?

Cựu chiến binh Trần Văn Chắt (trú phường Hưng Bình, TP.Vinh, Nghệ An) năm nay 60 tuổi. Ông bức xúc vén áo, để trần cánh tay trái có vết sẹo kéo dài, khuyết một mảng da thịt, và kể: “Tôi nhập ngũ năm 1975, từng tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam chống Pôn Pốt. Tháng 8.1977, tôi được tăng cường vào Trung đoàn 152 (Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang - QK9) lái xe chở vũ khí. Đến ngày 14.3.1978, khi chở đạn pháo 37 ly lên pháo đài Hà Tiên, tôi bị thương ở đầu và tay do trúng mảnh pháo”. Bị thương, ông Chắt được đưa vào điều trị tại Bệnh xá Trung đoàn 152. Sau hai tháng vết thương kín miệng, ông Chắt trở lại chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Đến khi chiến tranh biên giới phía bắc nổ ra, tháng 8.1979, ông được điều động ra miền Bắc, làm nhiệm vụ lái xe chở đạn cho xe tăng. Mãi đến tháng 10.1981, do không đảm bảo sức khỏe để điều khiển xe trọng tải lớn, ông Chắt được sư đoàn cho phục viên.

Đến năm 2000, theo giấy giới thiệu số 196/GGT ngày 4.12.2000 của Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) TP.Vinh, ông Chắt vào Kiên Giang để gặp thủ trưởng cũ, bác sĩ quân y, đồng đội... làm hồ sơ nộp tại Ban CHQS tỉnh Nghệ An để giám định. Kết quả, ông bị tỉ lệ thương tật 41%, được hưởng chế độ thương binh từ tháng 1.2002. Nhưng bất ngờ, tháng 4.2015, ông Chắt nhận được Quyết định số 1353/QĐ-NCC của Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An có nội dung đình chỉ trợ cấp thương tật và các chế độ ưu đãi với lý do: “Giả mạo danh sách quân nhân bị thương”. Cũng trong quyết định này, ông Chắt sẽ bị truy thu toàn bộ số tiền đã 
được nhận.

Hay tin này, nhiều người nhìn ông Chắt bằng ánh mắt ái ngại khiến ông tủi hổ, uất ức không nói nên lời. “Ai giả, tôi không biết. Nhưng tôi là người thật, việc thật. Hồ sơ của tôi rất rõ ràng”. Theo văn bản xác minh trường hợp bị thương của ông Trần Văn Chắt số 07/BCH-CT ngày 17.9.2014 của Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang, thì danh sách quân nhân bị thương tại đơn vị không còn lưu giữ. Lý do vì cơ quan nhiều lần di dời nên bị thất lạc. Để xác minh việc ông Chắt có bị thương hay không, đơn vị này đã làm việc với ông Đào Văn Toàn (nguyên trung sĩ, đơn vị vận tải Trung đoàn 152), người đã chứng kiến và đưa ông Chắt bị thương vào bệnh xá. Tại biên bản ngày 17.9.2014, ông Toàn xác nhận chứng kiến ông Chắt bị thương vào đầu và tay vào ngày 14.3.1978. Bên cạnh đó, ông Chắt có giấy ra viện bản gốc số 014 ngày 10.5.1978; danh sách trích ngang quân nhân Trung đoàn 152 bị thương được trích từ sổ lưu danh sách quân nhân bị thương của E152…

Ông Chắt còn dẫn chứng thêm, trong trận đánh mà ông bị thương nặng, đại úy Nguyễn Tấn Dũng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã chỉ huy Tiểu đoàn 207, E152. Vì vậy, ông Chắt đã trực tiếp ra Văn phòng Chính phủ để gửi đơn kiến nghị xem xét lại trường hợp của mình. “Việc cắt chế độ và nói tôi giả mạo danh sách quân nhân bị thương làm ảnh hưởng đến danh dự người lính. Tôi bị thương, dấu vết còn sờ sờ đây. Giấy tờ cũng đầy đủ, nhưng lại kết luận tôi là thương binh giả thì không thể chấp nhận được. Giả là giả thế nào, xác nhận của đồng đội và chỉ huy của tôi như thế mà bảo là giả à?” - ông Chắt bức xúc, vết sẹo nơi cánh tay đỏ ửng lên, giật liên hồi.

 Cựu chiến binh Hoàng Viết Dần mong muốn được giám định chữ ký trên giấy chứng nhận bị thương. Ông nói rằng lúc chiến tranh, đơn vị đưa giấy sao thì nhận vậy, chứ làm sao biết thiếu dấu này, dấu nọ.

 

 

 

 

Cựu chiến binh Trần Văn Chắt với vết thương ở cánh tay vì bị trúng mảnh pháo khi đang chở đạn lên pháo đài Hà Tiên.

 

Đừng để thật-giả lẫn lộn

Buổi sáng đầu tháng 6.2015, hội trường của Ban CHQS TP.Vinh trở nên ngột ngạt. trung tá Lê Anh Tuấn - Chính trị viên Ban CHQS thành phố - cứ đứng lên rồi lại ngồi xuống. Hơn 20 cựu chiến binh bị Thanh tra Bộ LĐTBXH kết luận là thương binh “giả” quá uất ức, cầm theo giấy tờ hồ sơ yêu cầu trung tá Tuấn giải thích cho ra môn ra khoai. “Đây. Tôi bị đạn xuyên qua xương đòn, vẫn còn bị lõm và sẹo đây. Chú nhìn rồi hãy nói là thật hay giả” - ông Hoàng Viết Dần (62 tuổi, trú khối Phúc Lộc, phường Vinh Tân, TP.Vinh) mở cúc áo, phơi vết sẹo nơi góc ngực gầy đen.

Đợi không khí ở hội trường lắng xuống, ông Dần bình tĩnh kể: “Tôi tham gia quân đội từ năm 1971 đến 1976 mới phục viên. Tôi bị thương ngày 22.3.1975 tại Hóc Môn 
(TPHCM). Năm 2000 tôi đi giám định tỉ lệ thương tật và được hưởng chế độ thương binh. Rồi tự nhiên bữa tháng 4.2015, tôi nhận được quyết định đình chỉ trợ cấp thương tật với lý do “Giấy chứng nhận bị thương không có dấu, không có cơ sở pháp lý”.

Ông Dần cầm tờ giấy chứng nhận bị thương của mình, đưa cho từng người xem. “Tôi làm sao biết được thế nào là cơ sở pháp lý hay không, sau khi ra quân, đơn vị cấp giấy tờ như thế nào thì tôi giữ như vậy”. Ông Dần chất vấn trung tá Lê Anh Tuấn: “Tôi đi bộ đội, chiến đấu và bị thương mới được cấp giấy chứng nhận bị thương. Sao các anh không làm việc trực tiếp với tôi mà vội kết luận như vậy? Tôi đề nghị được giám định chữ ký ở giấy chứng nhận bị thương. Cắt chế độ của tôi cũng được, nhưng đừng kết luận như thế, oan cả một đời lính”. Trung tá Tuấn chưa kịp giải thích, thì cựu binh Lê Phùng Thảng (trú phường Lê Lợi, TP.Vinh) đã bật khóc như một đứa trẻ, trên tay cầm tập giấy tờ nhưng ông Thảng không nói nên lời...

Trung tá Lê Anh Tuấn cũng cũng không biết phải làm sao trong trường hợp này. Ông bảo do đặc điểm chiến tranh, nhiều đơn vị đã thay đổi hoặc giải thể nên có cựu binh không còn hồ sơ gốc lưu tại đơn vị. Có người do thời gian quá lâu, lại gặp thiên tai lũ lụt nên hồ sơ bị thất lạc. Những người đến Ban CHQS kêu oan hôm nay, ai trên mình cũng đầy thương tích, thậm chí trong người họ vẫn còn mảnh kim khí. Họ bức xúc vì sự thật họ là người đã có những cống hiến, hy sinh. “Theo tôi, trong quá trình thanh tra, cần làm việc trực tiếp với những cựu chiến binh này. Thật hay giả cũng để cho họ giải trình, bổ sung. Khi rõ trắng-đen rồi cắt chế độ cũng chưa muộn, có như vậy mới tránh được tình trạng mọi người bức xúc như hiện nay” - trung tá Lê Anh Tuấn nói thêm.

Trong đợt thanh tra ngẫu nhiên vừa qua, Bộ LĐTBXH yêu cầu cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đình chỉ chế độ trợ cấp thương tật đối với 195 trường hợp. Trong đó, tại TP.Vinh có hơn 160 trường hợp, thuộc 3 nhóm đối tượng: Giả mạo khai man tài liệu; chưa tìm thấy hồ sơ tại cơ quan chức năng và chưa có kết quả xác minh của đơn vị. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, trong số những trường hợp bị đình chỉ chế độ trợ cấp tại địa phương, có nhiều người đã làm giả, tẩy xóa giấy tờ hồ sơ. Nhưng có thể có trường hợp là thương binh thật, nhưng bị “vơ” nhầm vì hồ sơ bị thiếu sót. “Đây là việc nhạy cảm, vì vậy phải thận trọng. Đừng để thương binh thật và thương binh giả lẫn lộn, làm ảnh hưởng đến danh dự không chỉ của bản thân họ, mà còn làm mất lòng tin của xã hội” - một cán bộ Ban CHQS TP.Vinh chia sẻ.

Đã đình chỉ và đang truy thu trợ cấp 195 thương binh

 

 

 

Ông Nguyễn Đăng Dương - PGĐ Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An - cho biết, sau khi nhận được kết quả thanh tra của Bộ LĐTBXH, sở đã có quyết định đình chỉ trợ cấp thương tật 195 thương binh trên địa bàn. Ngoài ra, đơn vị này đang tiến hành truy thu toàn bộ số tiền trợ cấp mà những trường hợp này đã nhận trước đó. “Hiện sở đã nhận được 30 đơn kiến nghị của các cựu chiến binh bị cắt trợ cấp, nhưng sở không có thẩm quyền xử lý, nên đã chuyển cho Bộ LĐTBXH. Liên quan đến việc cắt trợ cấp của 195 thương binh, đại diện Quân khu 4 thông tin, hiện cơ quan này đang kiểm tra, rà soát lại hồ sơ, tìm hiểu xem sai ở đâu để xử lý.

 

 

 

 
Hưng Thơ - Quang Đại
TIN LIÊN QUAN

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Chờ đợi cuộc tái cấu trúc trên thị trường bất động sản

ANH HUY |

Ở góc độ tích cực, bối cảnh trầm lắng, tắc thanh khoản của thị trường bất động sản (BĐS) trong nhiều tháng qua thúc đẩy cuộc tái cấu trúc trên thị trường mạnh mẽ hơn. Không chỉ doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, mà nhà đầu tư cũng dần tiệm cận với cách thức đầu tư lành mạnh và tầm nhìn dài hạn. 

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Ghe chở hoa xuân rực rỡ, tấp nập về chợ hoa trên sông lớn nhất TPHCM

KHÁNH LINH - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Từ chiều nay 25 tháng Chạp (ngày 16.1), ghe hoa từ các tỉnh miền Tây đã tấp nập cập bến Bình Đông (quận 8, TPHCM), chợ hoa “Trên bến dưới thuyền” cũng chính thức khai mạc. Tết này, hoa về bến Bình Đông đa dạng về chủng loại, rực rỡ sắc màu, giá cả không tăng so với những Tết trước.