Sáu Ninh hải đội

Hòa Hiệp |

Bùi Thanh Ninh, Sáu Ninh, cái tên được nhắc tới như một mẫu hình, một giá trị đại diện. Gặp ông Ninh bây giờ không dễ, phải hẹn hò năm lần bảy lượt. Chủ nhân tập đoàn đánh cá công suất 6.000 mã lực ở Bình Định hóa ra là người đàn ông nhỏ nhắn, khiêm nhường, hỏi đâu nói đó. Thật khó hình dung, con người mang bộ dạng cực chẳng đã ngồi đây lại là ông Ninh đỏ rực, vàng chói màu quốc kỳ giữa đám đông tưng bừng khí thế, ngày Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai gói tín dụng đóng tàu quy mô 3.000 tỉ.

Tổ đội là mái nhà chung

Phó giám đốc Sở NNPTNT kiêm Chủ tịch Hiệp hội thủy sản Bình Định Nguyễn Hữu Hào nhận xét: "Không ai như Sáu Ninh, quản lý đội tàu 16 chiếc với gần 200 con người mà lúc nào cũng thong dong". 

Quả vậy, như 2014 vừa rồi, trải qua một lịch trình dày đặc những kỳ liên hoan, đại hội; những cuộc khen thưởng, biểu dương, hết danh hiệu này đến danh hiệu khác; những chuyến tham quan, trao đổi kinh nghiệm; rồi đón tiếp đoàn này đoàn nọ, trong đó có cả Chủ tịch Nước về thăm hỏi chuyện tàu bè, biển giã..., ông cứ mải miết đi, mải miết thực hành chức phận xã hội mà không cần e ngại cái cỗ máy dưới tay mình rối ren, ngưng trệ. 

"Mọi việc đã thành nếp. 16 tàu chia ra thành 4 đội, anh em cứ thế mà che chắn, bọc lót, nâng đỡ lấy nhau. Hàng ngày, mọi hoạt động trên biển đều được thông báo đầy đủ về trung tâm điều hành - ông chỉ sang căn phòng bên trong, nơi đặt máy Icom. Trên bờ nhưng tôi rành rẽ hết, tàu nào ở đâu, làm gì, cá mú trúng trật ra sao."

Lời kể rời rạc của Sáu Ninh rồi cũng được chắp nối. Bắt đầu từ cái thưở Thiện Chánh (xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) còn là một làng chài xác xơ vài chục phương tiện mỏng manh ngụp lặn ven bờ. Hồi ấy, chuyến biển tính bằng giờ, chiều ra, khuya sớm đã quày quả lộn ngược về mang theo mớ cá, mớ tôm sấp ngửa bọt bèo mong kịp buổi chợ quê. 

Gia đình Bùi Thanh Ninh khó đến nổi không có lấy chiếc thuyền con tự mình làm chủ. Một chân "bạn" trôi dạt theo người ta chỉ đủ lay lắt qua ngày đoạn tháng. Khác bạn bè trang lứa, anh không sẵn sàng cam chịu. 

 

Những đêm ngước mặt nhìn trăng sao giữa bốn bề sóng nước, anh dân chài nghèo rớt mồng tơi nhận ra, biển cả, cũng như bầu trời đủ rộng cho một phác thảo huy hoàng. Chiếc tàu đầu tiên anh kỳ cạch tự thiết kế, tự góp nhặt vật tư, nguyên liệu đóng lấy bằng vốn liếng dành dụm cộng với vốn vay ngân hàng, thực ra chưa tới 30 CV. Vẫn lại loanh quanh mưu sinh trong vùng nước cạn, vẫn cảnh chiều tối ra khơi, hừng đông tất tả quay về. Điều quan trọng là hạt giống đã được gieo xuống. 

Cho tới năm 2000, Bùi Thanh Ninh mới có cơ hội làm chủ con tàu 90 CV hành nghề đánh bắt xa bờ. Gần 15 năm sau, ông còn nhớ như in: "Hết 30 cây vàng, khoản đầu tư rất lớn ở thời điểm đó. Tàu dài 15m, nhìn sướng mê man. Để có nó, tôi phải vay phân nửa. Trời thương nên 2 năm sau thì trả hết nợ. Lại tính tới chiếc thứ 3, thứ 4. Mình cứ vậy mà đi thôi, từ nhỏ tới lớn, từ ít tới nhiều".

Không có con đường nào hoàn toàn bằng phẳng. Ông Ninh cho biết từng trải qua những ngày tháng đắng cay, khủng hoảng: "Mùa màng thất bát, công nợ chất chồng, có lúc tưởng đã buông tay. Nhưng rồi đội ngũ, gia đình, cả quá khứ cơ hàn nữa, giúp tôi gượng dậy. Tôi có niềm tin vào anh em đã vì mình mà đồng cam cộng khổ, đấu cật chung lưng". Lời lẽ ruột gan trên chính là bí quyết thành công của tổ đội đánh bắt hải sản Sáu Ninh. Ông phân tích: "Đừng nghĩ có tiền là xong hết. Nếu hành xử kiểu ông chủ quyền uy, khệnh khạng, chắc chắn tôi phá sản lâu rồi. 

Trao con tàu tiền tỉ vô tay người dưng nước lã, biền biệt cách xa đất liền hàng ngàn cây số, ai biết điều gì sẽ xảy ra? Cho nên, phải lấy tấm lòng ra mà đãi đằng nhau. Thay vì khư khư bòn rút thành quả, tôi trao cho anh em cơ hội. Lẽ đời có qua có lại. Một khi lợi ích được sẻ chia, tôn trọng và đo lường, tính đếm được sau mỗi chuyến ra khơi, người lao động sẽ gắn bó với tổ đội như là nhu cầu của bản thân họ". 

Ở cơ sở ông Ninh, 16 tài công (thuyền trưởng) là 16 đồng sở hữu với tỉ lệ kiểm soát vốn bình quân bằng 1/3 giá trị con tàu, tương đương 1 tỉ đồng. Điều thú vị là để có khối tài sản ấy, họ bỏ ra rất ít (200 triệu đồng), phần còn lại, Sáu Ninh cho mượn không cần lấy lãi. Món nợ... ngọt ngào sẽ được trừ dần từ mồ hôi, công sức mỗi tài công. Tiêu chuẩn "đề bạt, cất nhắc" của ông Ninh trước hết, không dựa vào quan hệ ruột rà, máu mủ, bà con họ tộc mà là sự tử tế và hiệu quả công việc. 

Các thuyền trưởng như Võ Văn Rành, Nguyễn Hữu Phần, Lý Ngọc Vinh (Hoài Hương), Nguyễn Sinh (Tam Quan Nam)... khởi nghiệp chỉ là những thanh niên tay trắng đi bạn cho ông, nhờ chịu khó chịu thương mà nay đã mở mặt mở mày, nhà cao cửa rộng, gia cảnh đuề huề. Ông Ninh duy trì "chế độ" mỗi tháng một lần gặp mặt nòng cốt các tàu, "luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu". 

Ở đó, gút mắc được gỡ ra, bức bối có dịp giãi bày, kinh nghiệm, sáng kiến được ghi công, tưởng thưởng. Thuyền viên bình thường cũng không bị lãng quên khi có một tài khoản 500 triệu đồng được lập ra để hỗ trợ tình huống đột xuất như cưới hỏi, ma chay, sửa nhà, chữa bệnh... Cũng là vay không lãi. Cứ quay vòng, người này đến kỳ hạn hoàn trả thì lui ra, nhường chỗ cho người kế tiếp.

Xin lập trạm ở Trường Sa

Làm nghề lưới vây kết hợp câu cá ngừ đại dương, ngư trường quen thuộc của đội tàu ông Ninh là vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Bầu đoàn hùng hậu, sản lượng đánh bắt nhiều, canh cánh trong lòng ông Ninh là chất lượng dịch vụ hậu cần nghề cá. 

Hồi BIDV rầm rộ truyền thông cho gói tín dụng 3.000 tỉ, ông khí thế ngất trời giữa các sự kiện, một phần cũng nhằm theo đuổi mục tiêu vay vốn đóng mới tàu hậu cần 1.000 mã lực. Chưa biết trục trặc đến từ đâu, gặp lại, chỉ nghe người đối diện thở dài bảo sẽ tự xoay trở, "có bao nhiêu, làm bấy nhiêu". 

Ông ray rứt: "Hàng chục năm qua, mảng hậu cần theo sau công đoạn khai thác gần như bị bỏ trống. Nói chi tới chế biến, nâng cao giá trị cho to tát, ngay việc thu gom, vận chuyển sản phẩm vào bờ đã chẳng tới đầu tới đũa". Ở một mức độ rất thấp, nhóm tàu ông Ninh đang tham gia phần việc này. Cụ thể là trong một đội 4 chiếc, chiếc nào đánh bắt nhiều cá hơn sẽ nhận trách nhiệm thu gom, vận chuyển. 

"Gặp trúng luồng cá thì mười ngày, nửa tháng, nếu không, còn lẩn quẩn dài dài ngoài biển xa. Đánh bắt đã không theo quy trình quy phạm nào, bảo quản lại sơ sài, được chăng hay chớ, con cá của ngư dân miền Trung khó có cơ hội đi xa. Để thay đổi, theo tôi, nhà nước cần có chiến lược đầu tư đồng bộ, căn bản, lâu dài và mạnh mẽ", ông bày tỏ.

Bùi Thanh Ninh, đằng sau bộ dạng quê mùa, xộc xệch là con người của những ý tưởng và hành động táo bạo. Tháng 7.2014, ông lọ mọ viết đơn gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân, UBND tỉnh Bình Định trình bày nguyên vọng xin cấp 200 m2 đất ở xã đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa nhằm "xây dựng trạm cho tổ đội đánh bắt thủy sản ra vào, giảm chi phí nguyên liệu, kéo dài thời gian bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền...". 

Đơn ông có xác nhận của chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc được chuyển lên huyện rồi lên tỉnh, nơi ông tìm thấy niềm vui được động viên, khích lệ. Cho dù kết quả ra sao, ý thức về chủ quyền quốc gia của một công dân bình thường như ông là rất đáng trân trọng. Ông Ninh diễn giải khái niệm chủ quyền bằng hình ảnh thân thuộc với đồng bào mình: "Trường Sa, Hoàng Sa như mảnh ruộng, thửa vườn tổ tiên để lại. Hương hỏa truyền đời, lớp cháu con sống chết cũng phải cố giữ gìn, bảo vệ".

Bùi Thanh Ninh là trường hợp duy nhất ở Bình Định được tôn vinh danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014".

 

 

 


Hòa Hiệp
TIN LIÊN QUAN

Bỏ hoang trên 20ha đất "vàng" tại trung tâm thành phố Ninh Bình

DIỆU ANH |

Ninh Bình - Khu đất rộng hơn 20ha nằm tại trung tâm thành phố Ninh Bình (thuộc phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình), được phân lô, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn nằm bỏ hoang gây lãng phí.

Công an bác tin người phụ nữ đi ngược chiều, va chạm với ôtô để ăn vạ

Chân Phúc |

TPHCM - Ngày 23.2, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TPHCM cho biết, Đội CSGT Nam Sài Gòn đã phối hợp với Công an phường Tân Thuận, quận 7 làm việc với người thân của người phụ nữ phóng xe đạp ngược chiều va chạm với xe ôtô xuất hiện trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận.

Vật dụng, tranh ảnh của vua Khải Định, Bảo Đại được đấu giá

Huyền Chi |

Phiên đấu giá các hiện vật của vua Khải Định, Bảo Đại sẽ diễn ra vào ngày 17.3 tại Paris, Pháp.

Hoạt động đăng kiểm ở Bắc Kạn tê liệt, UBND tỉnh kiến nghị được hỗ trợ

An Trịnh |

UBND tỉnh  Bắc Kạn có văn bản gửi Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị sớm có phương án hỗ trợ giải quyết khó khăn về đăng kiểm trên địa bàn.

CEP đóng góp hiệu quả vào phòng chống tín dụng đen trong công nhân lao động

Nam Dương |

TPHCM - Các khoản vay với lãi suất thấp và lịch hoàn trả phù hợp từ Tổ chức Tài chính vi mô CEP (CEP) đã giúp công nhân và gia đình tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, tránh vay “tín dụng đen”.

Doanh nghiệp số phải gắn sứ mệnh của mình với sứ mệnh quốc gia

HỮU CHÁNH |

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, các doanh nghiệp số Việt Nam đi ra nước ngoài là nhiệm vụ khó khăn nhưng đầy vinh quang, là sứ mệnh giúp Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Thái Bình: Bắt giam giám đốc đăng kiểm đường thủy nội địa cùng 3 thuộc cấp

TRUNG DU |

Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 11 - Cục Đăng kiểm Việt Nam và 3 đăng kiểm viên dưới quyền vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt tạm giam về hành vi nhận hối lộ để bỏ qua các lỗi đăng kiểm phương tiện đường thủy nội địa trên địa bàn.

Ám ảnh với những hội nhóm “rủ nhau làm liều” trên mạng xã hội

Phùng Nhung |

Hiện nay trên mạng xã hội có rất nhiều những hội nhóm mang tính chất tiêu cực như: Những người vỡ nợ muốn làm liều; những người muốn tự tử; những người chán sống… Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật cũng xảy ra từ đây.